Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 24/01/2024 02:21 |
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |
949
“Nguồn sống đời tôi, tôi sẽ luôn gìn giữ thân xác khiết tinh, vì đã hiểu được Người âu yếm vuốt ve.
Nguồn sống đời tôi
Thân xác xưa kia được cho là biểu trưng của tội lỗi, đam mê, dục vọng thì nay trong thân xác Con Thiên Chúa làm người lại biểu lộ quyền năng, thánh thiện, hiển linh. “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em”[1].
“Nguồn sống đời tôi, tôi sẽ luôn gìn giữ thân xác khiết tinh, vì đã hiểu được Người âu yếm vuốt ve. Tôi sẽ luôn luôn giữ gìn tư tưởng xa lánh mọi điều giả dối, vì hiểu chính Người là chân lý đã nhóm trong tâm trí tôi nguồn sáng trí tri. Tôi sẽ luôn luôn đuổi xua khỏi tâm hồn mọi ác ý xấu xa và vun trồng cho tình yêu trong mình bừng nở, vì hiểu Người đã ngự trị từ lâu trong sâu thẳm tim tôi. Và tôi sẽ đem hết sức mình phát hiện Người trong mọi việc làm, vì hiểu chính sức mạnh của Người đã cho tôi khả năng hành động”[2].
Sự trong sạch của thân xác là khởi đầu cho cái nhìn xuyên thấu vào sự vật, nhận ra chân lý trong những hỗn độn và tầm thường. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”[3]. Mối phúc của Phúc âm gợi lên một cội nguồn của niềm vui trong cuộc đời con người.
Khát khao nên người công chính là một khát khao sự thiện hảo. Người khát khao sự thiện sẽ mưu tìm sự thiện và thiết tha với điều công chính. Niềm mơ ước của nhân loại sẽ tinh trong hơn nếu tìm đến sự thiện. Chân lý của sự thiện là một lời mời gọi con người giữ thân thể và tinh thần thanh khiết. Với con người thanh khiết sẽ nhìn thấy một thiên nhiên hiền hòa và một thế giới yêu thương.
Nguồn vui luôn ở trong tâm hồn người thanh khiết: “Tôi đã hôn cuộc đời này với chân tay và đôi mắt của tôi. Tôi đã ôm nó vào lòng xiết chặt nhiều lần; …và tôi yêu cuộc đời tôi. Vì tôi yêu ánh sáng của bầu trời đã quyện chặt với tôi. Nếu như bỏ cuộc đời này cũng thực như là yêu mến nó”[4]. Yêu cuộc đời một cách nồng nàn như Tagore thường nhận mình là “người tình của muôn người tình”, giữa cuộc đời thăng trầm, ngàn khổ đau mà vẫn yêu thương cuộc đời thì đã hẳn thoát vòng cương tỏa ngay trong cõi sống.
Ai sẽ giải thoát tôi? “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35) Tagore kinh nghiệm về điều này: “Cha hỡi, hãy quét sạch mọi tội lỗi cho con, vì trong tội con đứng về phe hữu hạn”[5]. Đứng về phía hữu hạn, chống lại tình yêu của cha, đó là kinh nghiệm về hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi bủa vây con người dìm sâu con người trong sự khốn cùng của nó. Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Ngay cả sự chết đối với con người được giải thoát khỏi tội cũng là bước vào sự sống tươi vui hơn.
Nếu trong sự thanh khiết của thân thể và tâm hồn, Tagore đã có một cảm nghiệm tuyệt vời về sự hòa điệu giữa sự sống và sự chết như vậy, thì chúng ta cũng nhận ra rằng những bậc tiền nhân Việt Nam cũng đã nhận ra: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Một kinh nghiệm sâu xa của những cuộc đời thanh thoát chẳng còn bị giam cầm bởi khổ đau hay sự chết. Sống cuộc đời thanh cao là sống sự sống phong phú của con người mang đầy hạnh phúc. Một giọt sương mai cũng đủ ngập tràn niềm vui giữa cuộc đời lao nhọc, một bàn tay nắm một bàn tay thân thương cũng đã nghiệm những nhịp thở sống động của tình yêu. Thanh khiết là lương thực cho tâm hồn và thể xác, một lương thực để sống sự sống phong phú và hạnh phúc. Trong sạch cõi lòng để nhìn tới cốt lõi của vạn vật, muôn loài muôn vật được dựng nên để cho con người hạnh phúc.
Xin mở cho con đôi mắt, rửa sạch con khỏi tội lỗi vong thân: “Tâm hồn con đã được giải thoát khỏi những tiêu hao về lòng ham muốn: Danh, Lợi, nhục dục. Lạy Chúa, là sự giàu có, là ánh sáng, là phần rỗi của con, lạy Chúa Trời con”[6]. Thanh khiết để hăng say bước vào họat động bởi chính Ngài là nguồn sức mạnh.