TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ở lại trong Thầy

Thứ bảy - 28/05/2022 08:30 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1544
Chúa ra đi và Người hứa trở lại và ở cùng cho đến ngày tận thế. Đó là tình yêu muốn ở lại cho người mình yêu được sống, được vui, được hạnh phúc.
Ở lại trong Thầy

Ở lại trong Thầy


 Người ra đi mang nhiều tiếc nuối cho người ở lại. Người mong người ở lại sao cứ ra đi mãi. Những mong, những chờ, sao rồi không ở lại. Tình yêu và nỗi nhớ cứ đan quyện vào nhau. Ra đi và ở lại bao điều giải bày nhớ thương. Chúa ra đi và Người hứa trở lại và ở cùng cho đến ngày tận thế. Đó là tình yêu muốn ở lại cho người mình yêu được sống, được vui, được hạnh phúc.
Trong Phúc Âm có 118 lần dùng động từ “ở lại”, Thánh Gioan đã dùng hết 68 lần. Điều này cho thấy tần suất dùng của Thánh Gioan có mức độ quan trọng để viết về tình yêu.

Tình yêu như thuở ban đầu của hai môn đệ Gioan và Anrê “Đến và ở lại với Chúa ngày hôm ấy” (Ga 1, 39). Ở lại như một kỷ niệm đầu đời của lần gặp gỡ, như một phần giống như Nguyễn Du diễn tả: “Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?” Chẳng biết có duyên gì mà từ ấy ông An rê là người đã ở lại với Chúa về báo cho em mình là Phêrô rời cùng theo Chúa. Ở lại với Thánh Gioan là một sự ở lại không thể rời đi, để rồi ở mãi trong tình yêu của Thầy. Tình yêu là muốn ở lại chứ không muốn ra đi.

Một lần khác khi Chúa Giêsu tranh luận với người Do Thái, Chúa nói "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi” (Ga 8, 31). Ở lại trong Lời, Thánh Gioan muốn nói đến Ngôi Lời của Thiên Chúa, nghĩa là ở trong Thiên Chúa. Một tình yêu không chỉ giới hạn trong phạm vi nhân loại mà tình yêu còn đi xa hơn nữa trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu mọc lên từ dưới thế, nhưng vươn lên tới trời cao. Một tình yêu khắc khoải ước mong: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.” (Tv 84, 3). Ở lại trong Lời cũng là ở lại trong giáo huấn của Chúa. Yêu thương nhau thì giữ lấy lời của nhau như đã đoan hứa với nhau. “Chúa mời gọi chúng ta hãy ở lại trong Lời của Người”.

Riêng trong đoạn cây nho (Ga 15, 1 – 8), Thánh Gioan đã dùng động từ “ở lại” tám lần để mời gọi. Ở lại trong Thầy, như nhành nho gắn liền với cây nho. Một ví dụ đơn giản nhưng diễn tả một tình yêu đậm sâu. Tình yêu không chỉ lời nói, không chỉ những quà tặng, không chỉ những ước muốn ở bên nhau, không chỉ là gặp gỡ từ sâu thẳm trái tim, nhưng tình yêu còn là múc tận nguồn sự sống. Sống gắn chặt vào nhau như trong bí tích Thánh Thể, khi rước Chúa vào tâm hồn, chính Chúa trở thành sự sống cho người lãnh nhận. Sự sống dồi dào và phong phú đến nỗi không phải “Tôi sống mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6, 56).

Ở lại trong Thầy: Ở lại, ở trong, như Khalin Gibran viết: “Khi yêu bạn đừng nói: Thiên Chúa ở trong trái tim tôi; nhưng đúng hơn phải nói: tôi ở trong trái tim Thiên Chúa.” Tình yêu ở lại thật kỳ diệu, ở lại và ở trong, tận sâu thẳm trong trái tim Chúa. Chúa yêu thương tận cùng của tình yêu, không có tình yêu nào trên trần gian này có thể diễn tả tình yêu như thế. Tình yêu diệu kỳ mỗi người cảm nghiệm mỗi khác về tình Chúa yêu thương, như phần nào diễn tả trong bài thơ “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh: “Chỉ có thuyền mới hiểu. Biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu, về đâu.” Khi yêu chúng ta mới biết tình yêu là gì.

Ở lại không chỉ là lời mời; mà là lời nhắn nhủ tha thiết của Chúa gửi đến người mình yêu. Ở lại để biết Chúa yêu thương và để biết sống yêu thương.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây