TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Các gia đình hãy đi qua cửa hẹp

Thứ bảy - 29/10/2022 03:55 | Tác giả bài viết: Ban Thư Ký Đại Hội |   758
Phúc Âm còn mở ra cho mọi thành viên trong gia đình con đường tuyệt hảo để bước đi theo Chúa Giêsu: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).
Các gia đình hãy đi qua cửa hẹp

BÀI GIẢNG
THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO GIA ĐÌNH
CỦA ĐỨC CHA CHỦ TỊCH ĐAMINH NGUYỄN VĂN MẠNH
TẠI ĐẠI HỘI ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH

WHĐ (29.10.2022) - Mở đầu cho Thánh Lễ cầu nguyện cho các gia đình cũng là khởi đầu của ngày thứ hai của đại hội, vào lúc 05g30, thứ Tư, ngày 26/10/2022, tại nhà nguyện Tòa giám mục Đà Lạt, Đức Cha Chủ Tịch đã nói: “Chúa quan phòng thật kỳ diệu khi các bài đọc Lời Chúa của ngày thứ Tư, tuần XXX thường niên hôm nay lại đề cập đến “đạo nghĩa trong gia đình” và còn đưa đạo nghĩa ấy đi vào chiều sâu. Nếu bài đọc 1 trích thư Êphêsô (6 1-9) khuyên nhủ kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ và bậc làm cha mẹ hãy giáo dục con cái bằng tinh thần “lấy lời lành mà khuyên dạy” thay vì nóng nảy, thì bài Phúc Âm còn mở ra cho mọi thành viên trong gia đình con đường tuyệt hảo để bước đi theo Chúa Giêsu: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).

Có thể nói, đỉnh cao của đại hội là chính Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình, vì không có gì sống động và thánh thiện bằng thời khắc gia đình cùng quây quần quanh Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể trong Thánh lễ, để cùng nhau sống ơn gọi nên thánh.

Ban Thư Ký Đại Hội chúng con xin gửi đến độc giả toàn văn bài giảng của Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy Ban.

 


I. BÀI PHÚC ÂM VỚI HÌNH ẢNH CỬA HẸP

1. Bài Phúc Âm Luca (13,22-30) không nói rõ hôm ấy Chúa Giêsu đang ở làng nào, Bêtania hay Giêricô… Chỉ biết Ngài đang rảo qua các làng mà dạy dỗ và đang trên đường lên Giêrusalem. Hôm ấy, một người đến hỏi Chúa: “Thưa Thầy, có ít người được cứu thôi phải không?”

Thế nhưng, khi thấy người ta chỉ muốn thỏa tính tò mò, Chúa Giêsu luôn từ chối trả lời. Ai được lên thiên đàng, chỗ cao chỗ thấp ra sao, khi nào sẽ là tận thế, tất cả những điều ấy nằm trong bí mật của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu nói rõ: “Không phải chuyện các ngươi cần biết”.

2. Thánh ý Chúa luôn sẵn sàng cho “mọi người được hưởng ơn cứu độ”, thế nhưng cụ thể được rỗi hay không còn tùy ở mỗi người. Đức Giêsu chỉ có thể nói rõ hơn cho mỗi người: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.
Ngài còn thêm: “Một khi gia chủ dậy khóa cửa rồi và các ngươi đứng ngoài gõ cửa…xin mở…thì sẽ được đáp lại: Ta không biết các ngươi từ đâu đến”.

Như vậy, chúng ta có thể hình dung Nước Trời như là nhà Chúa đang mở tiệc cưới. Cửa thì hẹp, nhưng hãy mau qua cửa hẹp mà vào, kẻo khi đã khai tiệc, cửa sẽ đóng lại.

3. Những mẫu gương qua cửa hẹp

a. Mẫu gương đầu tiên đã qua cửa hẹp mà vào chính là Chúa Giêsu. Hãy nhìn lên thập giá và chính chúng ta chứng nghiệm lời thư Do Thái viết về Ngài: “Dẫu là Con, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục” (Dt 5,8). Ngài đã nói với Phêrô: “Thầy có thể xin Cha, và lập tức có 12 sư đoàn các thiên thần đến cứu Thầy”. Thế nhưng, Ngài đã cam chịu đến cùng.

Chúng ta nhìn lên thập giá để nghiệm ra rằng: Tình yêu Thiên Chúa dành cho ta lớn lao đến thế đó, đã qua cửa cực kỳ hẹp, đã hy sinh cả tính mạng Ngài cho ta. Đồng thời, ta nhận ra cửa cực kỳ hẹp là cửa của tình yêu dám hy sinh mạng sống mình.

b. Người thứ hai trực tiếp đi theo Chúa Giêsu vào cửa hẹp là Mẹ Maria: Mẹ đã chứng kiến cái chết bi đát của Con mình trong tư cách là Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Cực kỳ đau đớn, thấu tận tâm can. Thế nhưng, Kinh Thánh đã viết thế nào về phản ứng của Mẹ trước những loại cửa hẹp như thế? - “Sao lại tìm con?”; “Thưa bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến” (Lc 2,49); “Ai là mẹ và anh em Ta? Những người nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 8,21) trong khi Mẹ đang đứng ở ngoài và xin gặp? Phản ứng của Mẹ là thế nào? Thưa, đó là FIAT, xin vâng, xin cứ thành sự cho tôi. Tình yêu đích thực của một người mẹ trước đứa con đang dần trưởng thành và khẳng định bản lãnh của mình ngay cả đối với mẹ nó sẽ là thế nào? Người mẹ sẽ sẵn sàng lui lại đàng sau, quên mình đi để trở thành người mẹ trong bóng tối, nhường chỗ cho con mình lớn lên và hạnh phúc. Người mẹ như có bản năng đi vào cửa hẹp.

c. Các thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là những mẫu gương sáng giá đã đi qua cửa hẹp.

 


II. CÁC GIA ĐÌNH ĐI QUA CỬA HẸP

Thưa các gia đình,

1. Cửa hẹp của những người là vợ chồng sống đời gia đình là gì? Tôi thiết nghĩ cửa hẹp ấy đã được mô tả sắc nét trong bài ca đức mến ở thư 1 Cr 13,4-7 và đã được ĐTC Phanxciô phân tích tuyệt vời trong Tông huấn Amoris Laetitia.

Đức mến thì nhẫn nhục, nhân hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (1 Cr 13,4-7).

2. Chúng ta dừng lại ở một vài cửa hẹp trên.

2.1. Trước hết, đức mến thì nhẫn nhục

Nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép hay dung túng để kệ cho người khác muốn xử tệ, xúc phạm hay bạo hành mình thế nào cũng được. Không. - Nhưng ngược lại, người nhẫn nhục không coi mình là trung tâm và đòi mọi sự phải theo ý mình để rồi không được như ý thì cái gì cũng khiến mình mất kiên nhẫn và cư xử hung hăng, bởi rốt cuộc gia đình sẽ thành bãi chiến trường.

Vậy cửa hẹp thứ nhất như lời Kinh Thánh mời các gia đình đi vào: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ” (Ep 4,31). Cần nhẫn nhục.

Ngoài ra, cửa hẹp nhẫn nhục được củng cố thêm khi tôi nhìn nhận người khác cũng có quyền sống trên trái đất này cùng với tôi, và sự thật là thế. Việc họ có ngáng trở tôi, làm xáo trộn các kế hoạch của tôi, hay làm tôi bực mình vì cách sống cách suy nghĩ của họ khác tôi không phải là chuyện quá lớn. Tình yêu luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với ý muốn của tôi. Chúng ta nhớ Thiên Chúa cho mưa xuống trên cả người dữ lẫn người lành (x. Mt 5,45).

2.2. Tiếp theo, đức mến không vênh vang, không tự đắc

Không vênh vang” có nghĩa là không quá bận tâm tỏ ra mình trổi vượt. Người yêu thương không những tránh không nói quá nhiều về mình, mà còn biết đặt mình vào vị trí của người khác.

Không tự đắc” cũng có nghĩa tương tự, là không cao ngạo, không lên mặt trước người khác. “Tự đắc” không chỉ là một nỗi ám ảnh muốn khoe khoang khoác lác “nổ” về mình, mà còn mất ý thức về thực tại, vì “nổ” mà thực sự không có. Thánh Phaolô trong thư 1 Cr 4,18 phê bình những kẻ tự cao tự đại “nổ” đủ chuyện mà thực ra chỉ là những lời trống rỗng, không phải những lời “có quyền năng của Thần Khí” (1 Cr 4,19).

Những người lớn trong gia đình cần cẩn thận sống thái độ “không tự đắc” mà khiêm nhường để phục vụ, như lời Chúa Giêsu: “Thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị, nhưng giữa anh em thì không được như vậy, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27).

Không thể có lối suy nghĩ thống trị, bắt nạt, “cả vú lấp miệng em”, hay cạnh tranh thắng thua trong đời sống gia đình, vì như thế sẽ hủy diệt tình yêu. Đây là cửa hẹp đặc biệt cho những người lớn trong gia đình.

 


2.3. Đức mến không nóng giận

Không nóng giận” có nghĩa là không tức bực trong lòng, không bực bội bên trong do một nguyên nhân tác động từ bên ngoài. Nuôi dưỡng tức bực trong lòng vì một quấy nhiễu bên ngoài như thế không ích gì, chỉ làm bản thân đau bệnh và rốt cuộc khiến người ta xa lánh.

Tin Mừng mời gọi chúng ta tốt hơn hãy nhìn cái xà trong mắt mình (x. Mt 7,5) và nhớ lại lời Kinh Thánh: “Đừng để cho sự ác thắng được mình” (Rm 12,21).

Việc chúng ta đột nhiên cảm thấy một nỗi oán hận chực trào lên trong lòng bởi bị quấy nhiễu, đó là một chuyện; nhưng việc chúng ta có nghĩ hoài đến nó hay không, lại là chuyện khác: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Vì thế, đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình.

Nhưng làm hòa bằng cách nào? Tôi sẽ quì gối xuống chăng? Không, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái gì đó rất đơn sơ và sự hòa điệu trong gia đình sẽ được vãn hồi. Chỉ cần một chút âu yếm, không cần nhiều lời. Quý ông bà anh chị sống đời hôn nhân chắc hẳn kinh nghiệm nhiều hơn tôi về chuyện này. Đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình.

Phản ứng trong lòng chúng ta trước phiền nhiễu người khác gây ra hãy nên là một lời chúc phúc thì hơn, xin Thiên Chúa chữa trị người đó: “Hãy chúc phúc, vì anh em được kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3,9). Nếu phải chiến đấu chống lại sự dữ, thì hãy chiến đấu, nhưng phải luôn luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình.

2.4. Cuối cùng, Đức mến không nuôi hận thù (mà tha thứ)

Không nuôi hận thù” có nghĩa là không chấp nhất sự dữ, không ghim nó trong lòng, không để sự oán hận làm tổ trong lòng chúng ta; trái lại, là tha thứ và bỏ qua như Đức Giêsu đã nói giữa lúc đau đớn: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24).

Chúng ta thường có khuynh hướng moi móc thêm những sai lỗi, tưởng tượng thêm những điều xấu xa, giả định đủ loại ác ý, và vì thế sự oán hận gia tăng và bén rễ sâu hơn. Vấn đề ở chỗ đôi khi chúng ta cường điệu hóa một sai lỗi của người khác và do đó có nguy cơ trở nên khắc nghiệt với bất kỳ sai lầm nào của họ.

Thực ra, tha thứ không hề dễ dàng. Cửa hẹp này không dễ vượt qua. Phải có một tinh thần hy sinh rất lớn. Phải có sự cởi mở, quảng đại của cả đôi bên, của mọi người và từng người để cảm thông, khoan dung, tha thứ và hòa giải.

Ngày nay, môn tâm lý học cho chúng ta biết để có thể tha thứ cho người khác, thì trước đó chúng ta phải biết cảm thông và tha thứ cho chính mình. Rất nhiều khi trải nghiệm về lầm lỗi của mình hay cái nhìn phê phán của những người thân yêu có thể khiến chúng ta bất an, và hệ quả là để trấn an mình cách sai trái ta có thể đi đến chỗ đổ lỗi lên người khác. Chúng ta cần đưa lịch sử đời mình vào cầu nguyện, và mở lòng cho Chúa thứ tha, thứ tha trọn vẹn, từ đó chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác.

Chúng ta có chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa là vô điều kiện, đi bước trước, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, bấy giờ chúng ta mới có thể yêu thương vượt trên tất cả, tha thứ cho người khác ngay cả khi họ cư xử bất công với mình. Bấy giờ gia đình mới là nơi cảm thông, đồng hành và khích lệ nhau, bằng không sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau.

 


IV. KẾT

Kính thưa Cộng Đoàn Phụng Vụ, đặc biệt là các gia đình,

“Bài học cửa hẹp” là bài học trọng tâm, tuyệt vời của tu đức Kitô giáo và luôn hiển hiện trước mắt chúng ta nơi thập giá Chúa Giêsu. - Những “chiến đấu qua cửa hẹp” là dấu chứng và cũng là bảo chứng của tình yêu đích thực mà trong bối cảnh gia đình mỗi khi vượt qua được ta sẽ cảm nhận thật lung linh và cũng thật hạnh phúc, đến tận xương tủy, giá trị của mầu nhiệm hiệp thông và hiệp nhất tình nghĩa vợ chồng cũng như giá trị của mầu nhiệm phong nhiêu là việc hạ sinh ra đời và giáo dục những mầm sống nhân sinh tuyệt vời là những con cái Chúa.

Ôi tuyệt vời mầu nhiệm hôn nhân và gia đình, đang được chúng ta cảm nhận, đi sâu vào, và ra sức phát triển với lòng trân trọng, biết ơn trong Đại Hội Gia đình Toàn Quốc tại đây hôm nay, mà đỉnh cao chính là giây phút này khi chúng ta cử hành hy lễ thập giá của Chúa Giêsu tại bàn thờ đây.

Ban Thư Ký Đại Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây