Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 17/03/2022 21:18 |
Tác giả bài viết: |
1001
Đức Hồng y Tổng trưởng cho biết về sứ vụ cũng như về các hoạt động, nhân sự, ngân sách dành cho sứ vụ, và đặc biệt là những đáp ứng của Bộ theo những thay đổi của xã hội
Cơ cấu và sứ vụ của Bộ Tu sĩ
Tiếp tục các loạt bài về các bộ và các cơ quan của Toà Thánh, Vatican News có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ về các Tu hội Đời sống Thánh hiến và Các Tu đoàn Tông đồ, gọi tắt là Bộ Tu sĩ. Qua cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng y Tổng trưởng cho biết về sứ vụ cũng như về các hoạt động, nhân sự, ngân sách dành cho sứ vụ, và đặc biệt là những đáp ứng của Bộ theo những thay đổi của xã hội đang ảnh hưởng đến đời sống thánh hiến hiện nay.
Với trách nhiệm thúc đẩy và điều chỉnh mọi hình thức và biểu hiện của đời sống thánh hiến, Bộ Tu sĩ biết rõ tình hình của đời sống thánh hiến trên thế giới. Đức Hồng y vui lòng cho biết hiện trạng đời sống thánh hiến như thế nào trong bối cảnh văn hoá ngày càng bị tục hoá, và không có khả năng hiểu được giá trị của những lựa chọn trọn vẹn và dứt khoát?
Từ sự quan sát của chúng tôi, một bức tranh khảm lớn và đẹp về đời sống thánh hiến xuất hiện. Chúng tôi không thể đưa ra một đánh giá rõ ràng bởi vì thực tế rất đa dạng. Nếu đúng là trong một số xã hội và nền văn hóa, sự tục hóa dường như làm giảm ý nghĩa của một đời sống được trao ban mãi mãi cho người khác và cho Chúa, thì cũng đúng là có những nền văn hóa và xã hội mà ở đó các giá trị của sự hiệp thông và tính bền vững vẫn có giá trị đáng kể. Đây là lý do tại sao có rất nhiều sắc thái và tại sao sự di chuyển của những người thánh hiến từ lục địa này sang lục địa khác ngày càng tăng. Cái nhìn tổng thể là cái nhìn gửi gắm niềm hy vọng và sự chia sẻ, vì có nhiều người thánh hiến dưới nhiều hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến đang sống cuộc đời của họ với niềm vui. Nói chung, đời sống thánh hiến có một tình trạng tốt. Chúng tôi đã nói điều đó và chúng tôi xác nhận rằng triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô và chính con người của một vị giáo hoàng xuất thân từ dòng tu đã thúc đẩy một nhận thức mới và cởi mở, ngay cả trong bối cảnh tục hóa nơi có rất nhiều người thánh hiến đang sống. Trong nhiều bối cảnh như vậy, đời sống thánh hiến xuất hiện như một lời ngôn sứ thực sự.
Đức Hồng y João Braz de Aviz
Trách nhiệm của Đức Hồng y không chỉ bao gồm các hội dòng đời sống thánh hiến, nhưng cả các tu hội đời, các hiệp hội đời sống tông đồ và các trinh nữ thánh hiến. Cơ cấu và nhân viên của Bộ được tổ chức như thế nào? Về ngân sách cho sứ vụ được sử dụng ra sao?
Trong Bộ có năm văn phòng: hai văn phòng phục vụ cho các hội dòng, cụ thể liên quan đến việc quản trị và kỷ luật; một văn phòng phục vụ cho đời sống chiêm niệm; một văn phòng giải quyết những vấn đề liên quan đến các hình thức đời sống thánh hiến khác; cuối cùng, một văn phòng giải quyết các vấn đề chung liên quan đến đời sống thánh hiến, các hội nghị của các bề trên tổng quyền và các hội đồng giám mục.
Có khoảng 40 nhân viên, đến từ mọi hình thức đời sống thánh hiến. Mỗi nhân viên được giao cho một nhiệm vụ nhưng có sự cộng tác rộng rãi cả về các vấn đề.
Ngân sách sứ vụ được chi cho các cuộc viếng thăm của Tổng trưởng đến các quốc gia, tổ chức các hội nghị và xuất bản các ấn phẩm.
Tài liệu lưu trữ của Bộ Tu sĩ
Về quản lý kinh tế, một chủ đề cụ thể mà Đức Hồng y đã tập trung bàn luận trong những năm gần đây về quản trị tài sản của các hội dòng, có thể kết hợp giữa đoàn sủng và tiền bạc không? Và đâu là những chỉ dẫn và hướng dẫn hoạt động mà Bộ đề xuất cho các hội dòng?
Không những có thể nhưng cần phải kết hợp giữa đặc sủng và tiền bạc. Đây là một trong những thách đố lớn đối với đời sống thánh hiến ngày nay. Mỗi đặc sủng được thể hiện trong một thời đại cụ thể và được thể hiện qua các lựa chọn, hoạt động, việc làm, đó là lý do tại sao đặc sủng được liên kết chặt chẽ với cuộc sống và do đó với kinh tế.
Để sống và hoạt động, người ta cần có phương tiện, kể cả phương tiện kinh tế! Sự nhấn mạnh mạnh mẽ mà Bộ đưa ra là không đồng hoá đặc sủng với việc làm. Nếu đúng là đặc sủng được chuyển thành cuộc sống và làm cho cuộc sống thay đổi, thì việc làm lại có thể thay đổi: khi một hội dòng không biết cách thích ứng với sự thay đổi này, hội dòng này có nguy cơ chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế, việc làm.
Chúng ta thấy rằng trong những trường hợp này, để cứu công việc, người ta có thể làm cho nhiều thành viên đánh mất ơn gọi và khiến cho đặc sủng gặp nguy hiểm. Kinh tế, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói, phải phục vụ chứ không phải cai quản. Kinh tế phải phục vụ cho sứ vụ và đặc sủng. Chính vì lý do đó mà chiều kích kinh tế phải trở thành một phần trong việc đào tạo của mỗi người thánh hiến và các tu sĩ, chứ không chỉ dành cho người quản lý: cần phải hiểu biết tốt về hiện tượng kinh tế, và đây cũng là một việc đào tạo mang lại năng lực.
Đối với công việc, trước hết, Bộ luôn nhấn mạnh đến ý nghĩa loan báo Tin Mừng của việc làm, sau đó nhấn mạnh đến đoàn sủng, tính cá nhân và tính bền vững về kinh tế của việc làm. Vì lý do này, Bộ thường ngày càng nhấn mạnh sự cần thiết đối diện vấn đề này với nhận thức rằng cần phải chuẩn bị, sử dụng các công cụ và những người có năng lực, chứ không phải thực hiện “một nền kinh tế thủ công”. Vào năm 2018, Bộ của chúng tôi đã xuất bản tài liệu Kinh tế phục vụ Đoàn sủng và Truyền giáo, trong đó đưa ra các hướng dẫn chính xác về kinh tế và đời sống thánh hiến.
Nhà nguyện của Bộ Tu sĩ
Tài liệu “Hồng ân trung thành và niềm vui kiên trì”, thành quả từ phiên họp toàn thể gần đây của Bộ, dành riêng cho vấn đề các tu sĩ rời bỏ đời sống thánh hiến, điều chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã định nghĩa là "một sự chảy máu làm suy yếu đời sống thánh hiến và chính đời sống Giáo hội”. Bộ đã có những phân tích hiện tượng này như thế nào, và đâu là các đề xuất giải quyết?
Chủ đề từ bỏ đời sống thánh hiến đã được Bộ suy tư trong một thời gian: tài liệu được trích dẫn là thành quả của một cuộc họp toàn thể được tổ chức vào tháng 01/2017. Kể từ đó, chúng tôi đã xem xét toàn bộ hiện tượng này và thấy rằng có thể có một số lý do: việc thiếu ơn gọi không được nhận biết; thiếu sự đào tạo, đặc biệt là ở khía cạnh tình cảm và cộng đoàn; có một khoảng cách lớn giữa đào tạo ban đầu và liên tục; đời sống cộng đoàn không củng cố sự thuộc về; thiếu niềm tin thực sự và một linh đạo sâu sắc; quyền bính không phục vụ theo Tin Mừng; không có khả năng đồng hành và người huấn luyện yếu kém; sự tục hoá trong các cộng đoàn. Chúng tôi không có công thức để giải quyết tình trạng này, nhưng chúng tôi đã chỉ ra những con đường đề cập đến trọng tâm của việc theo Chúa, và do đó dẫn đến sự cần thiết phải tập trung vào Thiên Chúa. Mặt khác, chúng tôi cho rằng hiện tượng từ bỏ đời sống thánh hiến đòi hỏi phải xem xét lại toàn diện các giai đoạn đào tạo và một sự phân định ơn gọi chính xác hơn.
Đại hội quốc tế các tu sĩ
Bắt đầu từ Tông huấn Vultum Dei quaerere - Tìm kiếm nhan Thánh Chúa, được công bố trong năm 2016, đời sống chiêm niệm đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt về pháp lý. Những thay đổi đó là gì và tại sao lại có những thay đổi này?
Những thay đổi gồm: Thứ nhất, tầm quan trọng của các nữ thánh hiến trong Giáo hội. Vì lý do này, Chủ tịch Liên hiệp giờ đây đã được trao quyền thực hiện viếng thăm theo Giáo luật, cùng với Đấng Bản Quyền, đến các đan viện trong Liên hiệp của mình. Theo cùng một ý nghĩa, thì vai trò của Bề trên Đan viện cũng quan trọng hơn, được xếp ngang hàng với Bề trên Giám tỉnh trong các dòng tu và do đó có thẩm quyền điều chỉnh và đồng hành với một số cơ cấu trong đời sống của các nữ tu.
Một điểm quan trọng khác là họ không đơn giản được gọi là các nữ tu dòng kín, vì không phải nội vi xác định hình thức sống này trong Giáo hội, nhưng họ được gọi là các nữ đan sĩ chiêm niệm. Căn tính của hình thức sống Phúc âm này trong Giáo hội phải được nhìn thấy trong tính toàn vẹn của nó và trong các yếu tố thiết yếu xác định nó, chứ không chỉ đơn giản bằng một phương tiện, trong khu vực kín, để chiêm niệm.
Một thay đổi đáng kể hơn nữa là vấn đề liên kết với một đan viện tự trị khi quyền tự chủ thực sự của cuộc sống không còn, do số đan sĩ giảm, không có khả năng thiết lập một cộng đoàn đào tạo. Về vấn đề này, trong luật mới, quyền tự trị không được hiểu là biệt lập, nhưng trong bối cảnh tương quan với các đan viện khác của Dòng và của chính đời sống thánh hiến nói chung, cũng như thực sự với đời sống của Giáo hội địa phương. Và để ủng hộ quyền tự chủ thực sự này, các điều kiện đã được đặt ra, chẳng hạn như số nữ đan sĩ trong đan viện, khả năng cai quản và đào tạo, cả liên tục và ban đầu, hoặc ví dụ khả năng lãnh đạo một đời sống phụng vụ tiếp tục là một dấu hiệu của phục vụ trong Giáo hội và trên thế giới, đồng thời đưa ra các chỉ dẫn để tránh sự cô lập của một đan viện.
Các nữ đan sĩ
Các hội dòng nữ - đại diện cho hơn 2/3 thế giới những người thánh hiến – hiện đang đặt ra vấn đề về sự quý trọng và phẩm giá, đây là một thách đố đối với toàn thể Giáo hội. Bộ đã có những đáp ứng nào?
Tôi tin rằng chính sự thay đổi luật về đời sống chiêm niệm, mà tôi đã đề cập phía trên, là dấu hiệu cho thấy đáp ứng của Bộ đối với sự quý trọng và phẩm giá của phụ nữ. Hiện nay, trong Bộ chúng tôi, đã có phụ nữ ở các vị trí quan trọng và điều này có nghĩa là trong đại hội, nơi chúng tôi thảo luận những vấn đề tế nhị và quan trọng, tiếng nói của phụ nữ cũng được quan tâm như nam giới. Điều cũng được áp dụng tương tự trong những trường hợp Bộ phải giao những nhiệm vụ đặc biệt cho một người có thể đồng hành với thực tế đang gặp khủng hoảng. Trong trường hợp này, đặc biệt nếu đây là một hội dòng nữ, thì chúng tôi cử một phụ nữ đồng hành với hội dòng đang gặp khủng hoảng. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục con đường này nếu chính phụ nữ là những người đầu tiên nhận thức được phẩm giá của mình và duy trì một sự tự do lành mạnh không rơi vào thái độ của giáo sĩ trị mà Đức Thánh Cha đã mô tả rất rõ.
Tu sĩ
Hiện tượng lạm dụng tính dục và lạm dụng quyền lực cũng liên quan đến thế giới những người thánh hiến. Giáo hội đang thay đổi như thế nào về nhận thức thực tại này và vai trò của đời sống tu trì trong hành trình thanh luyện và canh tân?
Ngay cả đối với các vấn đề lạm dụng (cả tính dục, quyền lực và cả tâm linh), những gì đã được nói về vai trò của phụ nữ cũng được áp dụng: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu một hành trình không lùi lại. Nếu như trước đây chúng ta đặc biệt chú trọng đến việc giúp đỡ và đôi khi bảo vệ những người đã thực hiện hành vi lạm dụng (luôn với mục đích giúp đỡ cá nhân hoặc chính Giáo hội), thì ngày nay, con đường phải đi là dành nhiều sự quan tâm và chăm sóc cho những người đã bị lạm dụng cũng như cho những người mắc phạm. Điều này có nghĩa là chính Giáo hội càng ngày càng phải đương đầu với thảm kịch này không phải vì sợ hãi mà với mong muốn được gần gũi, và do đó không xấu hổ khi nói về nó và nhận ra những tội ác như vậy. Tất nhiên, đây là con đường còn dài và là con đường rõ ràng chất vấn đời sống thánh hiến cả nam lẫn nữ. Phản ứng của các tu sĩ nam nữ là cùng nhau giải quyết các vấn đề, đây là cơ hội để tạo ra sự hiệp thông giữa các cơ quan khác nhau. Tôi đang đề cập đến thực tế là ở nhiều quốc gia, các liên hiệp bề trên thượng cấp thường cùng với các hội đồng giám mục đã soạn thảo các quy định thực hành. Một bước rất quan trọng khác là kết hợp những tình huống này với các khóa đào tạo. Thật vậy, nhiều hội dòng đã xem xét hoàn cảnh này ở mức độ đào luyện, vừa là phòng ngừa, vừa là biện pháp hỗ trợ trong các trường hợp lạm dụng, và cũng như việc đào tạo dành cho các bề trên, những người được kêu gọi giải quyết những tình huống này bằng các biện pháp cụ thể. Đối với chúng tôi, chủ đề lạm dụng, tính dục và quyền lực, là chủ đề mà chúng tôi phải hết sức lưu ý. Vì lý do này, Bộ Tu sĩ của chúng tôi có một ủy ban đặc biệt để giải quyết những trường hợp như vậy.