TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC công bố Tông Hiến “Praedicate Evangelium”

Thứ bảy - 19/03/2022 20:25 | Tác giả bài viết: |   1423
Ngày 19/3/2022, lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha đã công bố văn bản của Tông Hiến “Praedicate Evangelium” - Anh em hãy rao giảng Tin Mừng.
ĐTC công bố Tông Hiến “Praedicate Evangelium”

ĐTC công bố Tông Hiến “Praedicate Evangelium” về Giáo triều Roma

Ngày 19/3/2022, lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha đã công bố văn bản của Tông Hiến “Praedicate Evangelium” - Anh em hãy rao giảng Tin Mừng. Tông Hiến mới mang đến cho Giáo triều Roma một cơ cấu có tính truyền giáo hơn để có thể phục vụ các Giáo hội địa phương và việc loan báo Tin Mừng tốt hơn.

Thay thế Tông Hiến "Pastor Bonus" - Mục tử Nhân lành

Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo rằng Tông hiến mới sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6 năm nay, lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Thông cáo nói rằng “Với việc Tông Hiến này có hiệu lực, Tông Hiến ‘Pastor Bonus' - Mục tử Nhân lành - hoàn toàn bị bãi bỏ và được thay thế, và việc cải tổ Giáo triều Roma đã hoàn tất.”

Tông Hiến Mục tử Nhân lành do Thánh Gioan Phaolô II ký và có hiệu lực từ ngày 28/6/1988. Tông Hiến gồm 193 điều khoản và 2 phụ lục, đã được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI sửa đổi 3 lần và Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi một lần vào năm 2014.

Tông Hiến “Praedicate Evangelium” gồm 54 trang, mô tả các năng quyền của 16 Bộ, vai trò của các cơ quan khác của Vatican, bao gồm các cơ quan tư pháp như Tòa Ân giải Tối cao, các tổ chức kinh tế như Bộ Kinh tế và các văn phòng khác như Phủ Giáo hoàng.

Theo Tông Hiến mới, tất cả các cơ quan chính của Vatican từ nay sẽ được gọi là “dicasterium” thay vì “congregatio”. Các Hội đồng Toà Thánh cũng được gọi là “dicasterium”.

16 Bộ của Giáo triều Roma

Giáo triều Roma sẽ có 16 Bộ: Bộ Loan báo Tin Mừng, Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Phục vụ Bác ái, Bộ các Giáo hội Đông phương, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Phong thánh, Bộ Giám mục, Bộ Giáo sĩ, Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hội đoàn Tông đồ, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Bộ Thăng tiến sự Hiệp nhất các Kitô hữu, Bộ Đối thoại Liên tôn, Bộ Văn hoá và Giáo dục, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Bộ các Văn bản Luật và Bộ Truyền thông.

Tài liệu giải thích rằng “cần phải giảm số lượng các phòng ban, bằng cách kết hợp các phòng ban có mục đích rất giống nhau hoặc bổ sung cho nhau và hợp lý hóa chức năng của họ nhằm tránh sự chồng chéo về năng quyền và giúp cho công việc của họ hiệu quả hơn.”

Loan báo Tin Mừng nằm ở trung tâm sứ vụ của Giáo triều Roma

Một thay đổi quan trọng là Hội đồng Toà Thánh cổ võ Tái Truyền giảng Tin Mừng và Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc được hợp nhất thành Bộ Loan báo Tin Mừng, do Đức Thánh Cha trực tiếp điều hành. Bộ này được liệt kê đầu tiên, điều này cho thấy vai trò trung tâm của nó trong cấu trúc mới của Giáo triều Rôma.

Bộ sẽ có hai phân bộ, một lo về “những vấn đề nền tảng của việc loan báo Tin Mừng trên thế giới” và một lo về “việc loan báo Tin Mừng lần đầu và các Giáo hội mới đặc thù trong các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Bộ”. Mỗi phân bộ sẽ được điều hành bởi một “Quyền Bộ trưởng” nhân danh Đức Thánh Cha.

Nhấn mạnh đến việc bác ái

Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha trở thành một Bộ mới với tên Bộ Phục vụ Bác ái. Việc đổi tên này mang lại cho cơ quan này “một vai trò quan trọng hơn trong Giáo triều.”

Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa và Bộ Giáo dục Công giáo được hợp nhất thành “Bộ Văn hóa và Giáo dục”; Bộ này được chia thành hai phân bộ.

Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh

Tông Hiến mới nói rằng Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, do Đức Hồng y Pietro Parolin đứng đầu, “hỗ trợ chặt chẽ cho Đức Giáo hoàng trong việc thực hiện sứ mạng tối cao của ngài.” Tông Hiến mô tả công việc của ba phân bộ của Phủ Quốc vụ khanh.

Văn phòng Nhân sự của Giáo triều được chuyển giao cho Bộ Kinh tế, và “Cơ quan Quản lý Tài sản của Tòa Thánh (APSA ) phải thực hiện công việc của mình thông qua hoạt động cụ thể của Viện Giáo vụ,” còn được gọi là “ngân hàng Vatican.”

Các mục tiêu của việc cải cách 

Các mục tiêu của việc cải cách được nêu ra trong một phần gọi là “Các nguyên tắc và tiêu chí phục vụ của Giáo triều Rôma.” Có 11 nguyên tắc: “Phục vụ sứ mạng của Đức Giáo hoàng”, “Đồng trách nhiệm trong hiệp thông”, “Phục vụ sứ mạng của các Giám mục”, “Hỗ trợ các Giáo hội địa phương và các Hội đồng Giám mục của họ và các cơ cấu phẩm trật của Giáo hội Đông Phương”, “Đặc tính đại diện của Giáo triều Rôma”, “Linh đạo”, “Tính chính trực cá nhân và tính chuyên nghiệp”, “Sự hợp tác giữa các Bộ”, “Các cuộc gặp gỡ liên Bộ và nội Bộ”,“Biểu hiện của tính công giáo” và “việc Giảm bớt các Bộ”.

Vai trò của các cơ quan khác của Vatican

Tông Hiến cũng nêu rõ vai trò của các cơ quan khác của Vatican, bao gồm các cơ quan tư pháp như Tòa Ân giải Tối cao, các tổ chức kinh tế như Văn phòng Tổng Kiểm toán, và các văn phòng khác như Phủ Giáo hoàng.

Hồng y nhiếp chính

Tông Hiến còn liệt kê các nhiệm vụ của vị Hồng y nhiếp chính, người giám sát hoạt động của Vatican trong thời gian trống toà. Vị này hiện nay là Đức Hồng y Kevin Farrell. Tông Hiến cũng xác định những phẩm chất được mong đợi của các luật sư làm việc cho Tòa Thánh, những người được kỳ vọng “có một đời sống Kitô hữu toàn diện và gương mẫu, và thực hiện các nhiệm vụ được giao phó với ý thức cao nhất và vì lợi ích của Giáo hội.”

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây