TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B

“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,17-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐC Nguyễn Bình Tĩnh -“Khiêm Tốn Phục Vụ”

Thứ năm - 23/11/2023 21:11 | Tác giả bài viết: Marcello Đoàn Minh |   582
Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, Vị Mục Tử “Khiêm Tốn Phục Vụ”
ĐC Nguyễn Bình Tĩnh -“Khiêm Tốn Phục Vụ”

ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH, VỊ MỤC TỬ “KHIÊM TỐN PHỤC VỤ”


WGPĐN (29.07.2023) - Dù người ta có tin hay không tin, có nhận ra hay không nhận ra, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và hoạt động trong lịch sử nhân loại. Dòng thời gian với những biến cố giao động, khi bình thường lúc thay đổi, luôn tiềm ẩn kế hoạch mạc khải và cứu độ của Thiên Chúa.  Hội Thánh là nơi Thiên Chúa được nhìn nhận, yêu mến và tôn thờ. Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh cùng với Thần Khí của Ngài vẫn sống luôn mãi trong lòng Hội Thánh để cùng với cộng đồng Dân Chúa cử hành, chia sẻ, cầu nguyện, làm chứng cho Tin Mừng và cho Vương quốc của Thiên Chúa đang tới. Qua các vị mục tử, Ngài dẫn dắt đàn chiên đến những đồng cỏ xanh tươi ân phúc “để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh được sai đến làm vị Chủ Chăn thứ ba của Giáo phận Đà Nẵng, để cùng với “đàn chiên bé nhỏ” kế thừa di sản đức tin, tiếp nối sứ vụ truyền giáo cũng như chia sẻ “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo âu”[1] của con người thời đại mình.

Ngài sinh ngày 30 tháng 6 năm 1930 tại giáo xứ Phát Diệm, thuộc giáo phận Phát Diệm (thuộc địa bàn xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ngày nay). Song thân là ông Phêrô Nguyễn Văn Thừa và bà Maria Nguyễn Thị Nhiên. Ngài là người con út trong gia đình.

Thuở nhỏ, ngài theo học tại Tiểu Chủng viện Ba Làng (thuộc phường Hải ThanhNghi SơnThanh Hóa). Sau Hiệp định Genève năm 1954, gia đình ngài di cư vào Nam. Ngài được gửi theo học trong các Đại Chủng viện tại Vĩnh Long và Thị Nghè, do các linh mục Xuân Bích giảng dạy.

Ngày 31 tháng 5 năm 1960, ngài thụ phong linh mục, do Đức Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền và gia nhập linh mục đoàn giáo phận Kon- Tum. Năm 1961, ngài gia nhập tu hội Xuân Bích, một tu hội chuyên lo việc đào tạo giáo sĩ và được cử đi du học tại Pháp.

Trở về Việt Nam, trước tiên ngài dạy học tại Nha Trang và Huế, sau đó, từ năm 1970 đến năm 1987, ngài làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan. Từ năm 1987, ngài được bổ nhiệm làm quản xứ giáo xứ An Hải. Năm 1994, sau nhiều năm ngưng hoạt động, Đại Chủng viện Huế được mở cửa lại để lo việc huấn luyện các linh mục tương lai cho 03 giáo phận: Huế, Đà Nẵng và Kon-tum. Cha xứ cũng là cha giáo Phaolô Tịnh được chỉ định để trở về Huế làm Giám đốc trong thời điểm Đại Chủng viện đầy khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Ngày 10 tháng 5 năm 2000, khi sinh hoạt Đại Chủng viện đang từng bước ổn định, Cha Giám đốc phải ngưng việc để nhận sứ vụ mới: Giám mục Phó Giáo phận Đà Nẵng. Sáng sớm ngày 30 tháng 6 năm 2000 tại nhà thờ Chính toà Đà Nẵng, lễ tấn phong giám mục cho Giám mục tân cử được Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách chủ sự.

Ngày 06 tháng 11 năm 2000, Đức Cha Phanxicô Xaviê được Toà Thánh chấp thuận đơn xin về hưu, với cương vị Giám mục phó, Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh kế vị chức vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng. Là thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài là Chủ tịch tiên khởi của Uỷ ban Tu sĩ – Chủng sinh từ năm 2001 đến năm 2004. Năm 2003, trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo phận, ngài cho khởi công xây dựng công trình Tòa Giám mục mới (ngày nay là Trung tâm Mục vụ Giáo phận). Ngài cũng cho tiến hành dự án phòng khám An Bình để giúp bệnh nhân nghèo vùng Thăng Bình. Cả hai công trình đều chưa kịp hoàn tất trước khi ngài nghỉ hưu vào tháng 5/2006.

Đức Cha Phaolô Tịnh quan tâm thúc đẩy công cuộc rao giảng Tin Mừng tại các vùng miền núi phía tây của Giáo phận. Ngài cử cộng đoàn Thừa Sai Mẹ Thiên Chúa lên vùng Thạnh Mỹ, Khâm Đức (năm 2005); đặt Cha Giu-se Đỗ Xuân Hướng làm phó xứ Đông Vinh đồng thời kiêm nhiệm việc truyền giáo vùng Đông Giang, Tây Giang. Các linh mục và giáo dân tại những nơi này còn lưu giữ ký ức những lần ngài đến thăm viếng, giải tội và dâng lễ vào các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh.

Dẫu được hun đúc trong bầu khí đạo đức gia đình và hấp thụ nền học vấn uyên thâm làm nền tảng cho sứ vụ nhưng ngài luôn trau giồi, học hỏi thêm. Là giáo sư, giám đốc chủng viện chuyên lo việc giảng dạy, khi làm cha xứ hay giám mục bận rộn với công việc mục vụ, Đức Cha Phaolô Tịnh vẫn dành nhiều thì giờ để nghiên cứu và viết lách. Thế giới thay đổi, những tiến bộ liên tục đặt ra những vấn nạn mới. Các sách ngài viết (như ‘Chuẩn Bị Hôn Nhân’, ‘Điều Hoà Sinh Sản’…) hay  các bài báo, các tập “Tản Mạn”, … phản ảnh suy tư của ngài trước các ‘dấu chỉ thời đại’ dưới ánh sáng Tin Mừng. Đối với ngài, đứng trước các thách đố, khó khăn, giữ vững đức tin không thể nào là nhốt mình trong lô-cốt những cổ tục lỗi thời nhưng phải biết mở cửa ra đón nhận luồng gió mới[2]; vừa phải trung thành với di sản của quá khứ vừa can đảm hướng về tương lai. Giữ đạo không phải là khư khư nắm chặt cách làm cách nghĩ về đạo của mình nhưng phải biết chân thành lắng nghe và chấp nhận để mình bị chất vấn. Bởi đó, tín hữu sẵn sàng đối thoại, thảo luận thường xuyên nhưng điều này không có nghĩa là sống trong ngờ vực, nghi nan, thiếu xác tín hay để mình bị lôi cuốn trong vòng xoáy của diễn biến nhất thời. Trái lại, họ biết thức tĩnh và phát huy nhưng cách thức, phương pháp mới thiết thực hơn, hữu hiệu hơn để đem đạo vào đời. Trong cách nhìn của ngài, nẻo đường đức tin đi vào đời sống không thiếu những trăn trở, thao thức, kiếm tìm nhưng cũng đầy những khám phá, niềm vui và không thiếu cơ hội để làm sáng rõ giá trị niềm tin chân chính. Khi ý thức về sự thánh thiêng nơi tín hữu hao mòn cạn kiệt; khi trào lưu tục hoá thâm nhập vào nếp sống cộng đoàn làm cho đạo Chúa trở nên vụ hình thức, sính trình diễn khoa trương, xin đừng có ai trong gia đình Giáo phận quên rằng: Chúa đã từng ban cho họ một người cha không cho phép con cái mình giản lược việc giữ đạo vào nghi lễ hay những công thức sáo mòn dễ dãi. Tuy vốn tính thông thoáng, không bao giờ bài bác lễ hội, các kiểu rước xách màu mè, nhưng ngài hằng luôn kêu mời họ đi vào huyền nhiệm linh thiêng, thực hành hoán cải và gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa; hãy “Biết Yêu và Sống Lời Chúa”[3].

Ngày 13 tháng 5 năm 2006, Tòa Thánh chấp nhận đơn xin về hưu của Đức Cha Phaolô Tịnh sau 06 năm chăn dắt đàn chiên và gần 50 năm sống dưới mái nhà Giáo phận. Thời gian đầu nghỉ hưu, sức khoẻ còn cho phép ngài tiếp tục nghiên cứu, viết lách, thăm viếng, không gian giao tiếp của ngài thu hẹp dần cho đến lúc ngài chỉ còn gặp Chúa trên gường bệnh trong thinh lặng của tâm hồn. Đức Cha Phaolô Tịnh nhường bước cho người đến sau nhưng những giáo huấn, những tâm tư chia sẻ của ngài còn âm vang trong lòng đoàn con cái thảo hiếu, biết ơn. Nguyện xin lòng từ bi bao dung của Chúa xuống trên vị mục tử nhân hiền đang trông mong ngày về với Chúa, Đấng ngài luôn yêu mến, tìm kiếm và “khiêm tốn phục vụ”[4].

Phú Thượng, 04.8.2023
Lễ thánh Gioan Maria Vianey
Marcello Đoàn Minh
Nguồn: giaophandanang.org (23.11.2023)


TB: Và hôm nay, 23g55, ngày 21/11/2023 , ngài đã thực sự chia xa chúng ta trở về với Đấng đã yêu thương ngài, tạo dựng ngài và cho ngài tham dự vào chính sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô trong tư cách là kitô hữu là linh mục là Giám mục. Xin Chúa, Đấng giàu lòng thươang xót đoái thương nhìn đến những nổ lực của Đức Cha Phaolô Tịnh để đem ngài vào trong lòng của Abraham hưởng vinh phúc thiên đàng sau 93 năm làm người, làm con Chúa, với 63 năm linh mục và 23 năm giám mục.

 


[1] HCMV 1.

[2] Với ý hướng này, mặt tiền Toà Giám mục mới (Trung tâm Mục vụ) có hình một hay cánh tay mở rộng ra.

[3] “Biết, Yêu và Sống Lời Chúa” là nhan đề bộ sách gồm 02 tập của Linh mục Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh do nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành năm 1993.

[4] “Khiêm tốn phục vụ” là khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Phaolô Tịnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây