TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Diễn văn với những người di tản nội địa

Thứ bảy - 04/02/2023 18:29 | Tác giả bài viết: |   871
Đức Thánh Cha nói với những người di tản bằng cả trái tim rằng: “Tôi hiện diện cùng anh chị em, đau khổ cho anh chị em và với anh chị em.”
Diễn văn với những người di tản nội địa

Diễn văn Đức Thánh Cha với những người di tản nội địa

Vào lúc 16h30, ĐTC đã gặp gỡ những người di tản nội địa tại “Hội trường tự do”. Đức Thánh Cha nói với những người di tản bằng cả trái tim rằng: “Tôi hiện diện cùng anh chị em, đau khổ cho anh chị em và với anh chị em.”

 

Tông du tại Nam Sudan
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Cuộc gặp gỡ những người di tản nội địa
Juba, Hội trường Tự do, 04/02/2023

Xin chào anh chị em rất thân mến,

Cảm ơn anh chị em vì những lời cầu nguyện, các chứng từ và những lời ca tiếng hát! Tôi đã nghĩ đến anh chị em từ lâu, mang trong tim niềm khao khát được gặp anh chị em, được nhìn vào mắt anh chị em, được bắt tay và ôm lấy anh chị em: cuối cùng thì tôi cũng ở đây, cùng với những người anh em mà tôi cùng chia sẻ cuộc hành hương hòa bình này, để nói lên tất cả sự gần gũi và lòng quý mến của tôi dành cho anh chị em. Tôi hiện diện cùng anh chị em, đau khổ cho anh chị em và với anh chị em.

Joseph, con đã hỏi một câu hỏi then chốt: “Tại sao chúng ta phải chịu khổ trong trại tị nạn?” Tại sao… Tại sao rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên như con phải ở lại đó, thay vì ở trường để học hoặc ở một khu vui chơi đẹp đẽ ngoài trời? Chính con đã cho chúng ta câu trả lời, nói rằng đó là “vì những xung đột đang diễn ra trong nước”. Chính vì sự tàn phá do bạo lực của con người, cũng như do lũ lụt gây ra, mà hàng triệu anh chị em của chúng ta, giống như các con, trong đó có nhiều bà mẹ cùng những đứa trẻ, đã phải bỏ xứ, bỏ làng, bỏ nhà… Thật không may, ở đất nước bị tra tấn này, cảnh di tản và tị nạn đã trở thành một trải nghiệm phổ biến và tập thể.

Do đó, với tất cả nỗ lực của mình, tôi lập lại lời kêu gọi chân thành nhất nhằm chấm dứt mọi xung đột, nghiêm túc thực hiện lại tiến trình hòa bình để bạo lực chấm dứt và mọi người có thể trở lại một cuộc sống xứng đáng. Chỉ có hòa bình, sự ổn định và công bằng mới có phát triển và tái hội nhất xã hội. Nhưng chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa: nhiều trẻ em được sinh ra trong những năm gần đây chỉ biết đến thực tế của những trại tị nạn dành cho những người tản cư, quên đi bầu không khí gia đình, mất đi mối liên hệ với quê hương, với cội nguồn, với truyền thống.

Tương lai không thể ở trong các trại tị nạn. Đúng như con đã chất vấn, Johnson, tất cả những đứa trẻ như con cần có cơ hội đến trường và cả không gian để chơi bóng đá! Xã hội này cần được phát triển như một xã hội cởi mở, hòa nhập, hình thành một dân tộc duy nhất vượt qua những thách thức của hội nhập, các con cần được học các ngôn ngữ đang sử dụng trên khắp đất nước chứ không chỉ trong một nhóm dân tộc của riêng mình. Cần phải chấp nhận rủi ro dẫu khá lớn để nhận biết và chào đón những người khác biệt với mình, để khám phá lại vẻ đẹp của một tình huynh đệ được hòa giải và trải nghiệm cuộc phiêu lưu vô giá trong việc tự do xây dựng tương lai của mình cùng với tương lai của toàn thể cộng đồng. Và tuyệt đối cần phải tránh việc gạt một số nhóm ra ngoài lề xã hội và đẩy một số người ra khu ổ chuột. Nhưng để có tất cả những điều cần thiết này, cần có hòa bình; và cần sự giúp đỡ của nhiều người, của tất cả.

Vì vậy, tôi muốn cảm ơn Phó Đại diện Đặc biệt, bà Sara Beysolow Nyanti, đã nói với chúng tôi rằng hôm nay là cơ hội tốt để mọi người thấy những gì đã xảy ra trong nhiều năm ở đất nước này, nơi cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất trên Lục địa vẫn tồn tại, với ít nhất bốn triệu trẻ em của vùng đất này phải di tản, với tình trạng bấp bênh lương thực và suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến hai phần ba dân số và với những dự đoán về một thảm kịch nhân loại có thể tồi tệ hơn trong năm nay. Nhưng trên hết tôi xin cảm ơn bà vì bà và nhiều người khác đã không ngồi yên nghiên cứu sự việc mà đã tra tay hành động. Thưa bà, bà đã đi khắp đất nước, bà đã nhìn vào mắt những người mẹ, chứng kiến nỗi đau của họ trước hoàn cảnh của những đứa con mình; Tôi đã rất ấn tượng khi bà nói rằng, bất chấp tất cả những gì họ phải chịu đựng, nụ cười và hy vọng chưa bao giờ phai nhạt trên khuôn mặt họ.

Và tôi đồng ý với những gì bà nói về họ: các bà mẹ, phụ nữ là chìa khóa để thay đổi đất nước: nếu họ nhận được cơ hội thích hợp, bằng sự cần cù và năng khiếu bảo vệ sự sống của họ, họ sẽ có khả năng thay đổi bộ mặt của Nam Sudan, để mang lại cho miền đất này một sự phát triển thanh bình và gắn kết! Nhưng, tôi xin anh chị em, tôi xin tất cả cư dân của những vùng đất này: phụ nữ cần được bảo vệ, tôn trọng, đánh giá cao và tôn vinh. Xin vui lòng bảo vệ, tôn trọng, coi trọng và tôn vinh mọi phụ nữ, trẻ em, thiếu nữ, thanh niên, người lớn, người mẹ, người bà. Không có họ, sẽ không có tương lai.

Và giờ đây, thưa anh chị em, tôi lại nhìn anh chị em, nhìn vào đôi mắt mệt mỏi nhưng sáng ngời và chưa từng thôi hy vọng của anh chị em, nhìn vào đôi môi không mỏi mệt cầu nguyện và ca hát của anh chị em, nhìn vào hai bàn tay trắng nhưng trái tim tràn đầy niềm tin của anh chị em, nhìn vào anh chị em với quá khứ hằn dấu đau thương luôn mang trong mình nhưng không ngừng mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn. Gặp gỡ anh chị em hôm nay, chúng tôi muốn chắp cánh cho niềm hy vọng của anh chị em. Chúng tôi tin điều đó, chúng tôi tin rằng giờ đây, ngay cả trong các trại tị nạn, nơi mà hoàn cảnh đất nước không may buộc anh chị em phải ở lại, như thể từ mảnh đất trống một hạt giống mới có thể nảy mầm và đơm hoa kết trái.

Tôi muốn nói với anh chị em rằng: anh chị em là hạt giống của một Nam Sudan mới, hạt giống cho sự phát triển màu mỡ và xum xuê của đất nước. Chính anh chị em, thuộc tất cả các dân tộc khác nhau, đã đau khổ và đang đau khổ, nhưng không muốn đáp lại sự ác bằng sự ác hơn. Chính anh chị em, những người hiện đang lựa chọn tình huynh đệ và sự tha thứ, đang vun đắp cho một ngày mai tốt đẹp hơn. Một ngày mai được sinh ra hôm nay, nơi anh chị em đang ở, từ khả năng cộng tác, dệt nên những mạng lưới hiệp thông và những con đường hòa giải với những người sống bên cạnh dẫu khác biệt với anh chị em về sắc tộc và nguồn gốc. Anh chị em hãy trở nên những hạt giống hy vọng, trong đó chúng ta đã có thể thoáng thấy cái cây mà một ngày nào đó, hy vọng là gần, sẽ đơm hoa kết trái. Vâng, anh chị em sẽ là những cái cây hấp thụ ô nhiễm của nhiều năm bạo lực và khôi phục lại dưỡng khí của tình huynh đệ. Đúng là bây giờ anh chị em bị “trồng” vào nơi anh chị em không muốn, nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn và bấp bênh này, anh chị em có thể vươn tới những người xung quanh và cảm nghiệm rằng mình bắt nguồn từ chính nhân loại: từ đây ta phải bắt đầu khám phá lại nhân loại, một lần nữa, như anh chị em, con cái trên mặt đất của Chúa Cha trên trời, Cha của tất cả mọi người.

Các bạn thân mến, chúng ta cần nhắc nhau rằng loài cây nào cũng cần có gốc rễ. Thật tuyệt khi những người ở đây rất quan tâm đến cội nguồn của mình. Tôi được biết ở những vùng đất này người ta “không bao giờ được quên cội nguồn”, bởi vì “tổ tiên nhắc cho chúng ta biết chúng ta là ai và chúng ta phải đi trên đường lối nào... Không có tổ tiên, chúng ta lạc lối, sợ hãi và không có kim chỉ nam. Không có tương lai nếu không có quá khứ” (C. Carlassare , La capanna di Padre Carlo. Comboniano tra i Nuer , 2020, 65). Ở Nam Sudan, những người trẻ lớn lên biết kế thừa những câu chuyện của người lớn tuổi và, nếu câu chuyện của những năm gần đây được đặc trưng bởi bạo lực, thì thực sự, có thể cần phải khai mở một câu chuyện mới, bắt đầu với anh chị em: một trình thuật mới về cuộc gặp gỡ... nơi mà những gì đã phải chịu đựng không bị lãng quên, nhưng được sống bởi ánh sáng của tình huynh đệ; một câu chuyện không tập trung vào bi kịch thời sự mà tập trung vào khát vọng hòa bình cháy bỏng. Chính anh chị em, những người trẻ thuộc các nhóm dân tộc khác nhau, là những trang đầu tiên của câu chuyện này! Nếu xung đột, bạo lực và hận thù đã tước đi khỏi những trang đời đầu tiên của nước Cộng hòa này những ký ức tốt đẹp, thì chính anh chị em là người viết lại lịch sử hòa bình của nó! Tôi cảm ơn anh chị em vì lòng dũng cảm và tất cả những việc làm tốt đẹp của anh chị em, những việc làm rất đẹp lòng Chúa và làm cho mỗi ngày sống trở nên quý giá.

Tôi cũng muốn gửi lời tri ân đến những người đã giúp đỡ anh chị em, không chỉ trong những điều kiện khó khăn mà cả những trường hợp khẩn cấp. Cảm ơn các cộng đoàn Giáo hội vì những công việc của họ, những công việc xứng đáng được cổ võ. Cảm ơn các nhà truyền giáo, các tổ chức nhân đạo và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc vì công việc vĩ đại mà họ đã và đang làm. Tất nhiên, một quốc gia không thể tồn tại nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là về tài nguyên! Nhưng bây giờ chúng rất cần thiết. Tôi cũng muốn vinh danh nhiều nhân viên nhân đạo đã hy sinh cả cuộc đời, và tôi tha thiết kêu gọi sự tôn trọng đối với những người giúp đỡ cũng như đối với các tổ chức hỗ trợ dân cư, những cơ cấu này không thể bị trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công và phá hoại. Bên cạnh những viện trợ khẩn cấp, tôi cho rằng trong tương lai, việc đồng hành cùng người dân trên con đường thăng thiến đời sống là rất quan trọng, ví dụ như giúp họ học hỏi những kỹ thuật mới nhất về nông nghiệp và chăn nuôi, để tạo điều kiện phát triển độc lập hơn. Tôi hết lòng khẩn xin tất cả mọi người: chúng ta hãy giúp đỡ Nam Sudan, chúng ta đừng bỏ mặc người dân Nam Sudan, những người đã và đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ!

Để kết, tôi muốn bày tỏ một suy nghĩ với nhiều người tị nạn Nam Sudan đang ở nước ngoài và những người không thể trở về vì lãnh thổ của họ đã bị chiếm đóng. Tôi gần gũi với họ và tôi hy vọng rằng họ, một lần nữa, có thể là nhân vật chính cho tương lai của vùng đất của họ, đóng góp vào sự phát triển vùng đất này một cách xây dựng và hòa bình. Nyakuor Rebecca, con đã xin Cha ban phước lành đặc biệt cho trẻ em Nam Sudan để tất cả các con có thể lớn lên cùng nhau trong hòa bình. Ba chúng tôi, như những anh em, sẽ ban phép lành: với người anh em Justin và người anh em Iain, chúng tôi sẽ ban phép lành cùng nhau. Với phép lành này, tôi cũng mang đến cho anh chị em phúc lành của rất nhiều anh chị em Kitô hữu trên thế giới, những người muốn ôm lấy và khích lệ anh chị em, biết rằng nơi anh chị em, trong đức tin của anh chị em, trong sức mạnh nội tâm của anh chị em, và trong những giấc mơ hòa bình của anh chị em, tất cả vẻ đẹp của con người được tỏa sáng…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây