TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC gặp người nghèo và người tị nạn

Thứ bảy - 29/04/2023 09:20 | Tác giả bài viết: |   495
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái.
ĐTC gặp người nghèo và người tị nạn

Đức Thánh Cha gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Trong buổi gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong khi thực thi bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện, và ước mong Giáo hội nói thông thạo ngôn ngữ bác ái.

Sau khi thăm các trẻ em khiếm thị và có hoàn cảnh đặc biệt tại Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann, vào lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary cách đó 10 km, để thăm người nghèo và người tị nạn.

Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Nhà thờ Thánh Elizabeth

Nhà thờ Thánh Elizabeth nằm ở Quảng trường Hoa hồng, được bao quanh bởi một công viên công cộng có hàng rào, ở quận VII của Budapest, khu Do Thái lịch sử của thành phố. Công trình xây dựng tòa nhà bắt đầu từ năm 1895, khi số tín hữu Công giáo ở quận Erzsébetváros gia tăng. Đức Tổng Giám Mục János Simor đã mua mảnh đất ở Quảng trường Hoa hồng. Kiến trúc sư Imre Steindl nổi tiếng được chọn thiết kế Nhà thờ. Nhà thờ được hoàn thành và cung hiến vào năm 1901. Trong dự án, ông Steindl đã chuyển đổi truyền thống Gothic của Pháp, kết hợp nó với các giải pháp kỹ thuật hiện đại.

Vào năm 1931, dịp kỷ niệm 700 năm ngày qua đời của Thánh Elizabeth của Hungary, vị thánh được biết đến với sự phục vụ dành cho người nghèo, một bức tượng của Thánh nữ, con gái của vua Hungary Andrew II đã được đặt trước Nhà thờ.

Trong Thế chiến thứ hai, quảng trường đã bị đánh bom và tòa nhà bị hư hại nặng. Nhà thờ chỉ được tái xây dựng và phục hồi nhờ vào Quỹ dành cho Giáo xứ Thánh Elizabeth, được thành lập vào năm 1992, và do đó đã lấy lại được vẻ đẹp trước đây.

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo và tị nạn

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo và tị nạn

Đón tiếp

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được chào đón tại lối vào Nhà thờ Thánh Elizabeth bởi Chủ tịch Caritas Hungary và linh mục quản xứ, người trao Thánh giá và nước thánh cho ngài.

Trong khi ca đoàn hát thánh ca Đức Thánh Cha và mọi người đến trước bàn thờ. Buổi gặp gỡ được bắt đầu với lời chào mừng của Chủ tịch Caritas Hungary. Tiếp theo đó là lời chứng của một gia đình Công giáo Hy Lạp, một gia đình tị nạn và hai vợ chồng phó tế.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong bài diễn văn sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc nhắc lại rằng, người nghèo luôn là trung tâm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta “để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Vì thế, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách đố lớn: Đức tin mà chúng ta tuyên xưng không bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một thái độ “ích kỷ tâm linh”, một nền linh đạo do chính tôi tạo ra nhằm duy trì sự yên tĩnh nội tâm và tự mãn cho chính mình. Đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Như Thánh Phaolô khẳng định, chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, rất khôn ngoan và giàu có, nhưng nếu không có đức ái, chúng ta chẳng có gì, chúng ta chẳng là gì (1Cr 13,1-13).

Ngôn ngữ bác ái dành cho người nghèo

Tới đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chính Thánh Elizabeth là người đã nói ngôn ngữ bác ái này. Theo ngài, những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người đã truyền cảm hứng cho Thánh Elizabeth, thì mở lòng bác ái với người nghèo. Vì “nếu ai đó nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' và ghét anh chị em mình, người đó là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Thánh Elizabeth, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự giàu sang của cuộc sống cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, một khi đã được chạm đến và biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Thánh nữ nhanh chóng cảm thấy khước từ sự giàu có và phù vân của thế gian, tìm cách từ bỏ chúng và chăm sóc những người túng thiếu. Vì vậy, ngài không chỉ bán của cải nhưng còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người phung cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đây là ngôn ngữ bác ái.

Đức Thánh Cha gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Đức Thánh Cha gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái

Đi vào thực tế của xã hội Hungary và qua lời chứng của cô Brigitta, người đã cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa qua Giáo hội Công giáo Hy Lạp, Đức Thánh Cha giải thích về cách can thiệp của Chúa trong những lúc chúng ta gặp khó khăn: Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn” và “nâng người sa ngã” (Tv 146, 7-8), hầu như không bao giờ đến giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao, nhưng đến gần với vòng tay yêu thương dịu dàng và khơi dậy lòng trắc ẩn nơi những anh chị em nhận ra điều đó và không thờ ơ. Brigitta nói với chúng ta: cô đã có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo hội Công giáo Hy Lạp, nhờ nhiều người đã làm hết sức để giúp đỡ, khuyến khích cô, tìm cho cô việc làm và hỗ trợ cô về nhu cầu vật chất cũng như trong hành trình đức tin. Đây là chứng tá mà chúng ta cần phải có: thể hiện lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người, đặc biệt những người đang sống trong nghèo đói, bệnh tật và đau đớn. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người đều có thể nghe và hiểu, kể cả những người ở xa nhất, kể cả những người không tin.

Ca đoàn

Ca đoàn

Cám ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái

Tới đây, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Giáo hội đã tạo ra một mạng lưới kết nối nhiều nhân viên mục vụ, nhiều tình nguyện viên, Caritas giáo xứ và giáo phận, cũng như các nhóm cầu nguyện, các cộng đoàn tín hữu, các tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng hiệp nhất trong tình hiệp thông đại kết phát sinh từ đức ái. Và ngài cám ơn mọi người về cách chào đón – không chỉ với lòng quảng đại nhưng còn với sự nhiệt tình – rất nhiều người tị nạn từ Ucraina.

Đức Thánh Cha nói ngài xúc động khi nghe lời chứng của Oleg và gia đình anh; “hành trình hướng đến tương lai” – một tương lai khác, khác xa nỗi kinh hoàng của chiến tranh – thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì Oleg nhớ lại sự chào đón nồng nhiệt mà anh nhận được ở Hungary nhiều năm trước khi anh đến làm đầu bếp ở đây. Ký ức về trải nghiệm đó đã khuyến khích anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh nhận được sự tiếp đón với lòng hiếu khách quảng đại. Ký ức về tình thương nhận được thắp lên hy vọng, khích lệ con người dấn thân vào những chặng đường đời mới. Thật vậy, ngay cả trong đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu của tình thương, chúng ta sẽ có can đảm để tiến bước: đó là sức mạnh giúp chúng ta tin rằng tất cả không mất đi và một tương lai khác là có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và Người truyền cho chúng ta phải sống như thế giúp loại bỏ khỏi xã hội, khỏi các thành phố và nơi chúng ta đang sống, cái xấu của sự thờ ơ và ích kỷ, và thắp lại niềm hy vọng cho một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.

Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha

Bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi rất xúc động khi biết rằng, cùng với những nhu cầu vật chất, anh chị em chú ý đến lịch sử và phẩm giá bị tổn thương, quan tâm đến sự cô đơn, cuộc đấu tranh của người nghèo để họ cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Điều này áp dụng cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp cơm bánh cho no bụng thì chưa đủ, còn phải nuôi tâm hồn con người nữa! Bác ái không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất và xã hội, nhưng quan tâm đến con người toàn diện và mong muốn giúp họ đứng vững trở lại bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp lấy lại vẻ đẹp và phẩm giá”.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người luôn nói ngôn ngữ bác ái, và một lần nữa nhắc đến mẫu gương của Thánh Elizabeth: “Người ta kể rằng Chúa đã từng biến bánh mà thánh nữ mang đến cho người nghèo thành hoa hồng. Đối với anh chị em cũng vậy: khi anh chị em dấn thân mang cơm bánh cho người nghèo đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa và tỏa hương thơm cho sự hiện diện của anh chị em bằng tình yêu mà anh chị em trao ban. Tôi cầu chúc anh chị em luôn mang hương thơm bác ái vào Giáo hội và đất nước của anh chị em. Và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn”.

Buổi gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

Ngọc Yến - Vatican News

Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp người nghèo và người tị nạn
tại Nhà thờ thánh Elizabeth của Hungary

Trong buổi gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong khi thực thi bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện, và ước mong Giáo hội nói thông thạo ngôn ngữ bác ái.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui được ở đây với anh chị em. Cám ơn Đức Tổng Giám Mục Antal vì những lời chào mừng và nhắc lại sự phục vụ quảng đại mà Giáo hội Hungary thực hiện cho và với người nghèo. Những người túng thiếu - chúng ta đừng bao giờ quên - là trung tâm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta “để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Vì thế, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách đố lớn: Đức tin mà chúng ta tuyên xưng không bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một thái độ “ích kỷ tâm linh”, một nền linh đạo do chính tôi tạo ra nhằm duy trì sự yên tĩnh nội tâm và tự mãn cho chính tôi. Đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, nói ngôn ngữ bác ái. Như Thánh Phaolô khẳng định, chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, rất khôn ngoan và giàu có, nhưng nếu không có đức ái, chúng ta chẳng có gì, chúng ta chẳng là gì (1Cr 13,1-13).

Ngôn ngữ bác ái. Đó là ngôn ngữ được nói bởi Thánh Elizabeth, vị thánh rất được người Hungary sùng kính và yêu mến. Khi đến đây sáng nay, tôi thấy bức tượng Thánh nữ ở quảng trường, với đế tượng diễn tả ngài, trong khi nhận dây thừng thắt lưng của dòng Phanxicô, đồng thời ngài đưa nước cho người nghèo đang khát. Đây là một hình ảnh đẹp của đức tin: những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người đã truyền cảm hứng cho Thánh Elizabeth, thì mở lòng bác ái với người nghèo. Vì “nếu ai đó nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' và ghét anh chị em mình, người đó là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Thánh Elizabeth, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự giàu sang của cuộc sống cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, một khi đã được chạm đến và biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Thánh nữ nhanh chóng cảm thấy khước từ sự giàu có và phù vân của thế gian, tìm cách từ bỏ chúng và chăm sóc những người túng thiếu. Vì vậy, ngài không chỉ bán của cải nhưng còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người phung cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đây là ngôn ngữ bác ái.

Brigitta đã nói với chúng ta về điều đó, cám ơn Brigitta vì lời chứng này. Cô đã kể cho chúng ta nghe về nhiều thiếu thốn, khó khăn và vất vả, cố gắng vượt qua để con cái không bị đói. Rồi trong lúc cùng cực, Chúa đã đến gặp gỡ nâng đỡ cô. Nhưng – chúng ta đã nghe lời chứng của Brigitta – Chúa đã can thiệp như thế nào? Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn” và “nâng người sa ngã” (Tv 146, 7-8), hầu như không bao giờ đến giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao, nhưng đến gần với vòng tay yêu thương dịu dàng và khơi dậy lòng trắc ẩn nơi những anh chị em nhận ra điều đó và không thờ ơ. Brigitta nói với chúng ta: cô đã có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo hội Công giáo Hy Lạp, nhờ nhiều người đã làm hết sức để giúp đỡ, khuyến khích cô, tìm cho cô việc làm và hỗ trợ cô về nhu cầu vật chất cũng như trong hành trình đức tin. Đây là chứng tá mà chúng ta cần phải có: thể hiện lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người, đặc biệt những người đang sống trong nghèo đói, bệnh tật và đau đớn. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người đều có thể nghe và hiểu, kể cả những người ở xa nhất, kể cả những người không tin.

Và về vấn đề này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Anh chị em đã tạo ra một mạng lưới kết nối nhiều nhân viên mục vụ, nhiều tình nguyện viên, Caritas giáo xứ và giáo phận, cũng như các nhóm cầu nguyện, các cộng đoàn tín hữu, các tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng hiệp nhất trong tình hiệp thông đại kết phát sinh từ đức ái. Và cám ơn anh chị em về cách anh chị em đã chào đón – không chỉ với lòng quảng đại nhưng còn với sự nhiệt tình – rất nhiều người tị nạn từ Ucraina. Tôi xúc động lắng nghe lời chứng của Oleg và gia đình anh ấy; “hành trình hướng đến tương lai” của họ – một tương lai khác, khác xa nỗi kinh hoàng của chiến tranh – thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì Oleg nhớ lại sự chào đón nồng nhiệt mà anh nhận được ở Hungary nhiều năm trước khi anh đến làm đầu bếp ở đây. Ký ức về trải nghiệm đó đã khuyến khích anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh nhận được tiếp đón với lòng hiếu khách quảng đại. Ký ức về tình thương nhận được thắp lên hy vọng, khích lệ con người dấn thân vào những chặng đường đời mới. Thật vậy, ngay cả trong đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu tình thương, chúng ta sẽ có can đảm để tiến bước: đó là sức mạnh giúp chúng ta tin rằng tất cả không mất đi và một tương lai khác là có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và Người truyền cho chúng ta phải sống như thế giúp loại bỏ khỏi xã hội, khỏi các thành phố và nơi chúng ta đang sống, cái xấu của sự thờ ơ và ích kỷ, và thắp lại niềm hy vọng cho một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.

Thật đáng buồn là nhiều người, ngay cả ở đây, thực sự là những người vô gia cư. Nhiều anh chị em dễ bị tổn thương – sống cô đơn, vật lộn với nhiều loại khuyết tật về thể chất và tinh thần, bị hủy hoại bởi chất độc của ma túy, được ra tù hoặc bị bỏ rơi vì già yếu – đang chịu cảnh nghèo đói trầm trọng về thể chất, văn hoá và tinh thần; họ không có một mái nhà và không có nhà để ở. Zoltàn và vợ của anh là Anna đã cho chúng ta lời chứng của họ về vết thương lớn này: cám ơn vì những lời của anh chị em. Và cám ơn anh chị em đã đáp lại sự thúc giục đó của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt anh chị em, với lòng can đảm và quảng đại, xây dựng một trung tâm chào đón những người vô gia cư. Tôi rất xúc động khi biết rằng, cùng với những nhu cầu vật chất, anh chị em chú ý đến lịch sử và phẩm giá bị tổn thương, quan tâm đến sự cô đơn, cuộc đấu tranh của họ để họ cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Anna nói "chính Chúa Giêsu, Lời hằng sống, chữa lành tâm hồn và các mối quan hệ của họ, bởi vì con người được xây dựng từ nội tâm"; nghĩa là, một khi họ nhận ra rằng trong mắt Chúa họ được yêu thương và chúc lành, họ được tái sinh. Điều này áp dụng cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp cơm bánh cho no bụng thì chưa đủ, còn phải nuôi tâm hồn con người nữa! Bác ái không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất và xã hội, nhưng quan tâm đến con người toàn diện và mong muốn giúp họ đứng vững trở lại bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp lấy lại vẻ đẹp và phẩm giá.

Thực hành bác ái có nghĩa là can đảm nhìn vào mắt người khác. Bạn không thể trong lúc đang giúp một người lại nhìn đi chỗ khác. Để thực thi bác ái chúng ta phải có can đảm để chạm vào. Bạn không thể làm bác ái từ xa. Khi chạm và nhìn vào người chúng ta đang giúp đỡ, chúng ta bắt đầu một hành trình với người thiếu thốn. Chính người đó sẽ giúp chúng ta hiểu chúng ta rất cần cái nhìn và đôi tay của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em hãy luôn nói ngôn ngữ bác ái. Trong cuộc đời của Thánh Elizabeth, người ta kể rằng Chúa đã từng biến bánh mà thánh nữ mang đến cho người nghèo thành hoa hồng. Đối với anh chị em cũng vậy: khi anh chị em dấn thân mang cơm bánh cho người nghèo đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa và tỏa hương thơm cho sự hiện diện của anh chị em bằng tình yêu mà anh chị em trao ban. Tôi cầu chúc anh chị em luôn mang hương thơm bác ái vào Giáo hội và đất nước của anh chị em. Và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây