Đức Thánh Cha bắt đầu buổi nói chuyện bằng tình hình thực tế của đại dịch, mời gọi mọi người đọc cuộc khủng hoảng như một cơ hội phục hồi “giá trị dấn thân của các hiệp hội, một điển hình của truyền thống Công giáo”.
Ngài nhận định rằng, trong lúc hoảng hốt vì đại dịch, người dân tìm thấy nơi các dược sĩ một điểm tham chiếu để được hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin và có thể làm các xét nghiệm cần thiết và nhanh chóng. Đức Thánh Cha cho rằng tình huống khủng hoảng này đã khơi lên trong môi trường nghề nghiệp các dược sĩ nhu cầu hiệp nhất để hỗ trợ nhau. Và vì vậy các dược sĩ cần phải được khuyến khích tham gia.
Về vai trò của các dược sĩ, Đức Thánh Cha nói họ đóng góp gấp đôi cho công ích. Một mặt họ giúp giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống y tế, mặt khác giúp giảm bớt căng thẳng xã hội. Ngài nói: “Tất nhiên, vai trò này phải được thực hiện hết sức cẩn thận và nghiêm túc trong nghề nghiệp. Nhưng đối với mọi người, sự gần gũi thể hiện qua những lời khuyên về sức khoẻ là rất quan trọng”. Vì thế, “các dược sĩ được xem như một cầu nối giữa người dân và hệ thống y tế”.
Đức Thánh Cha còn lưu ý các dược sĩ là những người có thể giúp mọi người thực hiện hoán cải nền sinh thái học toàn diện. Bởi vì tất cả chúng ta đều được kêu gọi học một lối sống tôn trọng môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta. Cách ăn uống lành mạnh và nói chung sinh hoạt cũng là một phần của lối sống này. Như thế, các dược sĩ cũng có thể giáo dục mọi người làm thế nào để có một cuộc sống mạnh khoẻ hơn, qua việc truyền cảm hứng về kiến thức và thực hành của các nền văn hoá phương Đông hoặc của các dân tộc bản địa châu Mỹ.
Ngọc Yến - Vatican News