Đại học Thánh Anselmo, chuyên về phụng vụ, hiện có khoảng gần 700 sinh viên đến từ 70 quốc gia thuộc 5 châu lục. Trong số 90 giáo sư và giảng viên, 40% là Đan sĩ dòng Biển Đức nam và nữ, và trong số các sinh viên, có 10% thuộc dòng Biển Đức.
Trước 250 giáo viên và sinh viên, Đức Thánh Cha nói rằng Đại học Thánh Anselmo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Dân Chúa muốn sống và tham dự cách tích cực hơn vào đời sống phụng vụ của Giáo hội như yêu cầu của Công đồng Vatican II. Và trường đã thực hiện tốt sứ vụ này.
Đức Thánh Cha nói đến ba chiều kích canh tân phụng vụ mà Đại học Giáo hoàng Thánh Anselmo đang phục vụ.
Tham dự tích cực và hiệu quả
Đầu tiên là tham dự tích cực và hiệu quả. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu. Ở điểm này điều cốt yếu là giáo dục mọi người đi vào tinh thần của phụng vụ, cảm nhận mầu nhiệm với sự ngạc nhiên không ngừng. Phụng vụ không phải là một cái gì đó để sở hữu, cũng không phải là một nghề. Phụng vụ là một cử hành. Và người ta chỉ tham dự tích cực khi bước vào với tinh thần của phụng vụ. Phụng vụ cũng không phải là những nghi lễ, nhưng là mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã mạc khải và hoàn thành hiến lễ và tư tế một lần cho mãi mãi. Vì thế phải thờ phượng trong thần khí và sự thật. Chỉ bằng cách này, tham dự phụng vụ mới có thể mang lại một ý nghĩa Giáo hội lớn.
Hiệp thông Giáo hội
Đức Thánh Cha nói tiếp về khía cạnh thứ hai của phụng vụ: Sự hiệp thông Giáo hội. Theo đó, đời sống phụng vụ phải mở ra với tha nhân, dấn thân sống với anh chị em trong hoàn cảnh hàng ngày, trong cộng đoàn với những điểm tích cực và hạn chế của họ. Đây là con đường nên thánh thực sự. Vì thế, việc đào tạo Dân Chúa là nhiệm vụ nền tảng để sống một đời sống phụng vụ Giáo hội trọn vẹn.
Cử hành phụng vụ phải luôn kết thúc với sứ vụ
Ở khía cạnh thứ ba, Đức Thánh Cha nói: “Cử hành phụng vụ phải luôn kết thúc với sứ vụ. Những gì chúng ta sống và cử hành dẫn chúng ta ra đi gặp gỡ người khác, gặp gỡ thế giới xung quanh, gặp gỡ với niềm vui và nhu cầu của nhiều người có lẽ đang sống mà không biết hồng ân Chúa. Đời sống phụng vụ thực sự, đặc biệt Thánh lễ luôn thúc đẩy chúng ta đến đức ái, quan tâm đến người khác. Thái độ này luôn bắt đầu và có nền tảng trong cầu nguyện, đặc biệt trong phụng vụ. Và chiều kích này cũng mở ra cho đối thoại, gặp gỡ, tinh thần đại kết, chào đón”.
Ngọc Yến - Vatican News