TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC: Lắng nghe, biết Chúa và theo Chúa

Chủ nhật - 08/05/2022 21:43 | Tác giả bài viết: |   1029
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói đến 3 động từ chính của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: nghe, biết và theo.
ĐTC: Lắng nghe, biết Chúa và theo Chúa

ĐTC Phanxicô (8/5): Lắng nghe, biết Chúa và theo Chúa

Trưa Chúa nhật 8/5, Chúa Nhật thứ Tư Phục Sinh, Lễ Chúa Chiên Lành, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với đông đảo tín hữu hiện diện tại quảng trường thành Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói đến 3 động từ chính của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: nghe, biết và theo.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về mối dây liên kết giữa Chúa và mỗi người chúng ta (x. Ga 10,27-30). Để làm điều này, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh dịu dàng và đẹp, đó là hình ảnh của người mục tử với con chiên. Và Chúa Giêsu giải thích điều đó bằng ba động từ: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và tôi biết chúng và chúng theo tôi” (câu 27). Ba động từ: nghe, biết, theo. Chúng ta hãy xem ba động từ này.

Trước hết, con chiên nghe tiếng chủ chiên. Sáng kiến ​​luôn đến từ Chúa; mọi sự bắt đầu từ ân sủng của Người: chính Người kêu gọi chúng ta hiệp thông với Người, nhưng sự hiệp thông này được sinh ra nếu chúng ta mở lòng lắng nghe. Lắng nghe có nghĩa là sẵn sàng, ngoan nguỳ, dành thời gian cho đối thoại. Ngày nay chúng ta bị choáng ngợp bởi những lời nói và sự vội vàng, khi luôn phải nói và làm điều gì đó. Nhiều khi hai người nói chuyện với nhau, một người chưa nói hết ý thì người kia đã cắt ngang… Nếu không để cho người kia nói thì làm sao nghe được. Đây là điều tệ của thời đại chúng ta. Ngày nay chúng ta bị cuốn theo lời nói, luôn cần phải nói một điều gì đó, chúng ta sợ thinh lặng. Thật khó để lắng nghe, lắng nghe đến cuối câu chuyện, để cho người khác diễn tả ý của họ, lắng nghe trong gia đình, ở trường học, nơi làm việc, ngay cả trong Giáo hội! Nhưng đối với Chúa trước hết cần phải lắng nghe. Người là Lời của Cha và Kitô hữu là con cái của sự lắng nghe, được kêu gọi để sống với Lời Chúa luôn cầm theo trên tay. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có phải là con cái của sự lắng nghe không, liệu chúng ta có thời gian dành cho Lời Chúa không? Liệu chúng ta có dành không gian và sự quan tâm cho anh chị em của mình không. Ai lắng nghe người khác thì biết lắng nghe Chúa, và ngược lại. Và người ấy cảm nghiệm được một điều rất đẹp, đó là được chính Chúa lắng nghe: Người lắng nghe chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Người, khi chúng ta tâm sự với Người, khi chúng ta cầu khẩn Người.

Do đó, lắng nghe Chúa Giêsu trở thành cách để khám phá ra rằng Người biết chúng ta. Đây là động từ thứ hai, liên quan đến người mục tử tốt lành: Người biết chiên của Người. Nhưng điều đó không chỉ có nghĩa là Người biết nhiều về chúng ta: biết theo nghĩa Kinh thánh có nghĩa là yêu thương. Có nghĩa là Chúa, trong khi “đọc tâm hồn chúng ta”, Người yêu thương chúng ta, và không kết án chúng ta. Nếu chúng ta lắng nghe Người, chúng ta khám phá ra điều này, rằng Chúa yêu chúng ta. Con đường để khám phá tình yêu Thiên Chúa là lắng nghe Người. Khi đó mối quan hệ với Người sẽ không còn vô vị, lạnh nhạt hay phiến diện nữa. Chúa Giêsu tìm kiếm một tình bạn ấm áp, một sự tin tưởng, một sự gần gũi. Người muốn ban cho chúng ta một nhận ​​thức mới và tuyệt vời: biết rằng chúng ta luôn được Người yêu thương và do đó không bao giờ bỏ chúng ta một mình. Ở với vị mục tử nhân lành, chúng ta sống kinh nghiệm mà Thánh Vịnh đã nói: “Dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì Chúa ở cùng con” (Tv 23: 4). Trên hết, trong những đau khổ, trong những khó khăn, trong những khủng hoảng: Người trợ giúp chúng ta bằng cách cùng chúng ta vượt qua chúng. Và như vậy, chính trong những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta được Chúa biết và yêu thương. Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có để mình được Chúa biết không? Tôi có nhường chỗ cho Chúa trong cuộc đời tôi, tôi có mang đến cho Người những gì tôi đang sống không? Và, sau rất nhiều lần kinh nghiệm về sự gần gũi của Người, về lòng trắc ẩn, sự dịu dàng của Người, tôi có ý tưởng gì về Chúa? Chúa gần gũi, Chúa là vị mục tử nhân lành.

Cuối cùng, động từ thứ ba: con chiên lắng nghe và khám phá rằng chúng được Chúa biết và theo Chúa, là vị mục tử của chúng. Và ai theo Chúa Kitô, người ấy làm gì? Người ấy đi nơi nào Chúa đi, trên cùng một con đường, cùng một hướng. Người đi tìm những ai bị lạc mất (x. Lc 15,4), Người quan tâm đến những người ở xa, mang vào lòng hoàn cảnh của những người đau khổ, khóc với người đang khóc, giơ tay ra với người lân cận, và mang họ lên vai mình. Còn tôi? Tôi có để mình được Chúa Giêsu yêu thương và để mình yêu Người, bắt chước Người không? Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta biết lắng nghe Chúa Kitô, ngày càng biết Người hơn và theo Người trên con đường phục vụ. Lắng nghe, biết Người và theo Người.

Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây