TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Chay -Năm C

“Em con đã chết nay sống lại”. (Lc 15,1-3.11-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GH Papua New Guinea sẽ có vị thánh đầu tiên

Thứ ba - 01/04/2025 08:42 |   55
Giáo hội Papua New Guinea và Venezuela sẽ có vị thánh đầu tiên, đó là nữ tu Maria del Monte Carmelo và giáo lý viên Pietro To Rot.
GH Papua New Guinea sẽ có vị thánh đầu tiên

Giáo hội ở Papua New Guinea và Venezuela sẽ có vị thánh đầu tiên

Vào ngày 31/3/2025, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh đã được ngài ký vào ngày 28/3 trước đó, nhìn nhận các phép lạ và nhân đức anh hùng của một số Chân phước và Đấng Đáng kính. Với việc công bố các sắc lệnh này, Giáo hội sẽ có thêm ba vị thánh, một chân phước và một Đấng Đáng kính. Đặc biệt, Giáo hội Papua New Guinea và Venezuela sẽ có vị thánh đầu tiên, đó là nữ tu Maria del Monte Carmelo và giáo lý viên Pietro To Rot.

Trong các sắc lệnh vừa công bố, có các sắc lệnh nhìn nhận hai phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước nữ tu Maria del Monte Carmelo và Đấng Đáng kính linh mục Carmelo De Palma, sắc lệnh nhìn nhận nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Giuseppe Antonio Maria Ibiapina. Bên cạnh đó, Bộ Tuyên Thánh cũng cho biết Đức Thánh Cha đã chấp thuận các phiếu thuận của Phiên họp thường kỳ của các Hồng y và các Giám mục thành viên của Bộ Tuyên Thánh về việc tuyên thánh cho hai Chân phước: Đức Cha Ignazio Choukrallah Maloyan và giáo lý viên Pietro To Rot. 

Giám mục Armenia tử đạo trong cuộc diệt chủng của dân tộc

Đức Cha Ignatius Choukrallah Maloyan sinh năm 1869 tại Mardin, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nhỏ, ngài đã thể hiện lòng yêu mến cầu nguyện và vào năm 1883, ngài gia nhập tu viện Bzommar ở Libăng, nơi có Tòa Thượng phụ Armenia. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1896 và được gọi là Ignatius.

Được cử đến Alexandria ở Ai Cập, ngài nổi tiếng với tài thuyết giáo bằng tiếng Ả Rập và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, và cống hiến hết mình cho mục vụ giáo xứ và nghiên cứu các văn bản thánh. Được bổ nhiệm làm đại diện Thượng phụ của Cairo, ngài tiếp tục chăm sóc mục vụ cho người Armenia, nhưng năm sau đó ngài phải trở về Alexandria vì gặp vấn đề về mắt. Sau đó, ngài được Thượng phụ Boghos Bedros XII Sabbagghian gọi đến Constantinople và đặt ngài làm thư ký riêng. Vào tháng 7 năm 1904, ngài trở về Alexandria để điều trị mắt và tiếp tục hoạt động tông đồ tại đó. Sáu năm sau, ngài trở thành đại diện Thượng phụ của Mardin.

Năm 1911, ngài tham gia Thánh Hội đồng giám mục của Giáo hội Armenia tại Roma, và được triệu tập để nghiên cứu tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phong trào Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ lên nắm quyền: tại đây ngài được bầu làm Tổng giám mục Mardin. Sau đó, ngài đã đến thăm giáo phận của ngài và đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo giáo sĩ. Sau cuộc tấn công ở Sarajevo vào ngày 28 tháng 6 năm 1914, khi Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tham chiến và có tình trạng cưỡng bức nhập ngũ và bách hại đối với các Kitô hữu, đặc biệt là người Armenia, Đức Cha Maloyan đã hợp tác với chính quyền, nhưng các Giáo hội vẫn tiếp tục nhận được những lời đe dọa và tấn công, đến mức tất cả đều bị khám xét.

Vào ngày 3 tháng 6, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, Đức Cha Maloyan đã bị bắt cùng với 13 linh mục và 600 Kitô hữu khác. Không chịu từ bỏ đức tin của mình, tất cả họ đều bị hành quyết vào ngày 11 tháng 6 năm 1915. Đức Cha Choukrallah Maloyan được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày 7 tháng 10 năm 2001, năm kỷ niệm 100 năm Tin Mừng được rao giảng tại Armenia, và danh tiếng về cuộc tử đạo của ngài đã lan truyền nhanh chóng khắp thế giới. Lời nói và giáo huấn của ngài, đặc biệt là lòng bác ái và sự tha thứ của ngài đối với những kẻ bách hại ngài, được toàn thể Giáo hội, theo các nghi lễ khác nhau, coi là tấm gương giá trị và quý giá về việc sống trung thành với Phúc Âm ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất.

 

Đức Cha Ignatius Choukrallah Maloyan

Đức Cha Ignatius Choukrallah Maloyan

Vị thánh đầu tiên của Venezuela

Chân phước Nữ tu Maria del Monte Carmelo có tên khai sinh là Carmen Elena Rendíles Martínez. Sơ chào đời ngày 11 tháng 8 năm 1903 tại Caracas, Venezuela. Ngay từ khi còn nhỏ, sơ đã giúp mẹ quán xuyến gia đình sau khi cha qua đời, và đã tận tụy phục vụ cho công việc tông đồ tại giáo xứ.

Sơ cảm thấy mình có ơn gọi tu trì và đã tìm hiểu nhiều dòng tu khác nhau cho đến khi chọn Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngày 8 tháng 9 năm 1932, sơ được tuyên khấn trọn đời và được bổ nhiệm phụ trách Nhà Tập. Năm 1946, sơ trở thành bề trên tỉnh dòng của hội dòng sau này trở thành một tu hội đời. Nhưng nhiều nữ tu ở Châu Mỹ Latinh đã quyết định thành lập một dòng tu mới: Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu. Sau một vụ tai nạn xe hơi năm 1974, Sơ Carmen đã trải qua những năm cuối đời ngồi xe lăn và qua đời vào ngày 9 tháng 5 năm 1977. Sơ được phong chân phước vào ngày 16 tháng 6 năm 2018.

Trong tiến trình tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã nhìn nhận một phép lạ chữa lành bệnh, được cho là nhờ lời chuyển cầu của sơ. Vào năm 2015, một thiếu nữ được chẩn đoán mắc bệnh não úng thủy và bệnh về tim, cần phải đặt van tim. Sau khi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và nhiều lần nhập viện, tình trạng sức khỏe của cô gái ngày càng xấu đi.

Nhưng một ngày nọ, một người dì của cô đang tham dự Thánh lễ trước mộ Sơ Carmen đã cầu nguyện cho cô được chữa lành. Những tín hữu khác cũng cầu xin nữ tu chuyển cầu và chính thiếu nữ bệnh nhân cũng đã tham dự Thánh lễ tại mộ của nữ tu Carmen, trong nhà nguyện của Học viện Belén, ở Caracas. Sau khi chạm vào bức tranh của nữ tu, bệnh nhân đã nhanh chóng hồi phục và vào ngày 18 tháng 9 năm 2015 cô bắt đầu đi lại và giao tiếp, bày tỏ mong muốn được đến cảm ơn Sơ Carmen. Sự hồi phục của bệnh nhân diễn ra hoàn toàn, ổn định và lâu dài, và sự kiện này được coi là không thể giải thích được về mặt khoa học. Hồ sơ về việc được chữa lành đã được gửi về Bộ Tuyên thánh ở Vatican và đã được nhìn nhận là phép lạ.

 

Nữ tu Maria del Monte Carmelo
Nữ tu Maria del Monte Carmelo

Vị thánh đầu tiên của Papua New Guinea

Chân phước Pietro To Rot sinh ngày 5 tháng 3 năm 1912 trên đảo Rakunai-Rabaul, thuộc Papua New Guinea ngày nay. Lớn lên trong một gia đình đông con, ngài được giáo dục theo Kitô giáo và trở thành giáo lý viên. Ngài tận tụy trong việc phục vụ mục vụ với lòng khiêm nhường và ân cần, cũng như với lòng bác ái mãnh liệt đối với tha nhân: ngài dành trọn cuộc đời mình cho người nghèo, người bệnh và trẻ mồ côi. Năm 23 tuổi, ngài kết hôn với cô Paula La Varpit và có ba người con.

Khi Nhật Bản chiếm đóng Papua New Guinea trong Thế chiến thứ hai, tất cả các nhà truyền giáo đều bị cầm tù, nhưng ban đầu hoạt động mục vụ của họ không bị ngăn cản. Vì thế, Chân phước Pietro To Rot giới hạn hoạt động ở những việc được phép để không rời bỏ cộng đồng Kitô giáo, tiếp tục việc dạy giáo lý và chuẩn bị cho các cặp đôi kết hôn, sau đó ngài buộc phải hạn chế các hoạt động và cuối cùng bị cấm tất cả hoạt động mục vụ. Ngài tiếp tục hoạt động tông đồ của mình một cách bí mật với sự thận trọng cực độ, để không gây nguy hiểm cho tính mạng của các tín hữu, nhưng hoàn toàn nhận thức được rằng chính mình cũng đang gặp nguy hiểm.

Là người bảo vệ kiên định mối ràng buộc bí tích của hôn nhân Kitô giáo, ngài phản đối chế độ đa thê mà người Nhật cho phép để lấy lòng các bộ lạc địa phương và thậm chí ngài còn đi xa hơn khi phản đối anh trai mình, người đã chọn chế độ đa thê này. Chính vì lý do này mà sau này người anh đã tố cáo ngài với cảnh sát và họ đã bắt giữ ngài vào năm 1945. Ngài bị kết án hai tháng tù, và chết trong tù vào tháng 7 do bị đầu độc. Ngài được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày 17 tháng 1 năm 1995 tại Port Moresby.

 

Pietro To Rot, vị thánh đầu tiên của Papua New Guinea
Pietro To Rot, vị thánh đầu tiên của Papua New Guinea

Một “anh hùng của tòa giải tội” từ miền Puglia nước Ý

Một phép lạ chữa lành bệnh đã được Giáo hội công nhận đó là phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước linh mục Carmelo De Palma. Carmelo De Palma sinh ngày 27 tháng 1 năm 1876 tại Bari, nước Ý. Sau khi vào chủng viện, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 12 năm 1898 tại Napoli. Trở về quê nhà, cha giữ nhiều chức vụ khác nhau tại Đền thánh San Nicola và cũng trở thành trợ úy giáo phận cho phong trào Công giáo tiến hành ngành nữ, linh hướng của Dòng các Nữ tu Biển Đức Thánh Scholastica ở Bari và Dòng Hiến sĩ Thánh Biển Đức, cũng như là người linh hoạt cho Liên minh Tông đồ của Hàng giáo sĩ Bari.

Đời sống tu đức được cảm hứng theo tinh thần dòng Biển Đức đã thôi thúc cha thường xuyên đến thăm tu viện Montecassino, nơi cha gặp Đức Hồng y Alfredo Ildefonso Schuster, một tu sĩ Biển Đức và là tổng giám mục của Milano, và cha thường xuyên trao đổi thư từ với ngài.

Khi Đền thánh San Nicola được giao cho các Cha dòng Đa Minh vào năm 1951, Cha Carmelo đã tận tụy không ngừng nghỉ trong việc hướng dẫn thiêng liêng cho các linh mục, nữ tu và chủng sinh và trong Bí tích Hòa giải, đến nỗi ngài được coi là “anh hùng của tòa giải tội”. Bị nhiều chứng bệnh khác nhau, ngài vẫn tiếp tục thi hành thừa tác vụ của mình với lòng trung thành và khiêm nhường cho đến khi qua đời vào ngày 24 tháng 8 năm 1961.

Mở đường cho việc tuyên phong chân phước cho Cha là phép lạ được đệ trình lên Bộ Tuyên Thánh để xem xét về phép lạ chữa lành cho một nữ tu dòng Biển Đức từ tu viện Thánh Scolastica ở Bari.

Nữ tu bị bệnh vào ngày 8 tháng 12 năm 2001 do một cơn sốt ban đầu được chẩn đoán là do bệnh cúm. Sau đó, tình trạng suy yếu dần dần ở các chi trên và dưới biểu hiện rõ, các vấn đề về thần kinh được phát hiện, dẫn đến chèn ép các cấu trúc hành tủy, gây ra hậu quả tàn tật nghiêm trọng. Vào tháng 2 năm 2003, hài cốt của Cha Carmelo De Palma được đưa đến đan viện Thánh Scolastica và viện mẫu đã mời các nữ tu đến cầu xin sự chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa đáng kính để chữa lành cho người nữ tu chị em của họ. Vào ngày 1 tháng 6 năm 2003, tình trạng của nữ tu này đột nhiên cải thiện và sáng hôm sau sơ đã có thể đứng dậy và đi lại. Mặc dù các xét nghiệm lặp đi lặp lại đã xác nhận áp lực lên cột sống vẫn còn, nhưng không có tác động bệnh lý nào được phát hiện và nữ tu đã phục hồi hoàn toàn chức năng của các chi.

 

Cha Carmelo De Palma
Cha Carmelo De Palma

Một “người hành hương bác ái”

Ngày 31/3, Bộ Tuyên Thánh cũng công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa José Antonio Maria Ibiapina, người Brazil. Với sắc lệnh này ngài được Giáo hội tôn lên bậc Đấng Đáng kính.

Đấng Đáng kính José Antonio sinh ngày 5 tháng 8 năm 1806. Ngài vào chủng viện Olinda (Pernambuco) năm 1823, nhưng chỉ ở đó ba tháng do mẹ qua đời sớm. Khi cuộc nổi loạn chống Lusitania nổ ra vào năm 1824, trong đó cha và anh trai của ngài bị bắt vì tội phản loạn, và lần lượt bị xử tử và bị kết án lưu đày, José Antonio buộc phải dành hết thời gian học luật để theo đuổi nghề nghiệp và chu cấp cho các chị em gái vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Sau khi lấy bằng cử nhân luật, ngài trở thành giáo viên, sau đó là thẩm phán và cảnh sát trưởng tại Thành phố Quixeramobim-Ceará.

Ngày 2 tháng 5 năm 1834, José Antonio được bầu vào Quốc hội và được giao nhiệm vụ chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hình sự. Năm 1835, ngài đã trình dự luật nhằm ngăn chặn việc đưa nô lệ từ Châu Phi vào lãnh thổ Brazil. Nhưng vì những nỗ lực cải thiện hệ thống tư pháp của ngài không thành công nên ngài đã từ chức thẩm phán và sau khi nhiệm kỳ kết thúc, ngài không tiếp tục ứng cử vào Quốc hội mà chuyển đến Recife để hành nghề luật sư cho những người nghèo nhất.

Năm 1850, ngài từ bỏ sự nghiệp luật sư, lui về ẩn dật và quay lại với ơn gọi ban đầu được thụ phong linh mục vào năm 1853. Ngài được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau trong giáo phận Paraiba và trong suốt thời kỳ dịch tả hoành hành, ngài đã cống hiến hết mình, đến nỗi mọi người gọi ngài là “người hành hương bác ái”. Ngài đã thành lập nhiều ngôi nhà tiếp đón và chăm sóc sức khỏe, giáo dục văn hóa và đạo đức, đào tạo tôn giáo và đào tạo nghề ở các vùng Paraíba và Rio Grande De Norte. Ngài cũng tổ chức các hoạt động truyền giáo và xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, bệnh viện và trại trẻ mồ côi.

Vào cuối năm 1875, ngài bị liệt dần ở chân dưới và buộc phải di chuyển bằng xe lăn. Bệnh tình của ngài ngày càng trầm trọng hơn và ngài qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 1883. Ngài được công nhận là Đấng Đáng kính vì cuộc sống gương mẫu, vì đã sống một đức tin mãnh liệt, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện liên tục và Thánh Thể, và được thể hiện rõ qua sự tin tưởng không ngừng vào Chúa và sự quan phòng của Người trong mọi lựa chọn của cuộc sống. Danh tiếng thánh thiện đi cùng ngài trong suốt cuộc đời vẫn tiếp tục sau khi ngài qua đời, cùng với những lời chứng thực về ân sủng.

 

Đấng Đáng kính José Antonio Maria Ibiapina
Đấng Đáng kính José Antonio Maria Ibiapina


Nguồn Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây