GIA ĐÌNH VŨ TRỤ
Đây là bài suy tư nhân Ngày Trái Đất (23-4) và Ngày Môi trường quốc tế (5-6) của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, TGM. TGP. Hà Nội.
|
1- Vũ Trụ là công trình sáng tạo của Ba Ngôi Thiên Chúa
2- Một vũ trụ bị lây nhiễm bởi tội lỗi con người
3- Vũ trụ: Một cuốn sách viết về Thiên Chúa
4- Vũ Trụ, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người
|
Vụ nổ lò vũ khí hạt nhân ở Tchernobyl năm 1986 đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Hậu quả của nhiễm phóng xạ còn kéo dài cho đến hôm nay cũng như chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Kể từ biến cố này, con người được mời gọi suy nghĩ nghiêm túc hơn về trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên. Thiên nhiên không phải là một nguồn của cải vô tận để cho con người mặc sức khai thác. Lệnh truyền của Thiên Chúa “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. (St 1,28)" không thể được hiểu theo nghĩa con người có toàn quyền khai thác thiên nhiên theo ý mình. Trong năm Thánh hóa gia đình, chúng ta đã nhấn mạnh đến Gia đình theo nghĩa một tế bào của xã hội và Giáo hội, một cộng đồng nhân loài gồm người cha, người mẹ và con cái. Thiết tưởng cũng cần đưa khái niệm gia đình vươn xa hơn, vượt qua khuôn khổ một tổ ấm yêu thương để đến với cộng đồng xã hội, đến với thiên nhiên vũ trụ, một vũ trụ dưới khía cạnh là thành viên của gia đình nhân loại. Bài viết này nhằm góp thêm một tiếng nói để đào sâu ý niệm gia đình trong khía cạnh thiên nhiên, vũ trụ.
1- Vũ Trụ là công trình sáng tạo của Ba Ngôi Thiên Chúa
Nhằm trả lời cho câu hỏi : con người và vạn vật từ đâu mà đến ? những trang đầu của Thánh Kinh đã giới thiệu với chúng ta công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Nét độc đáo của công trình sáng tạo do Thánh Kinh Do thái thuật lại là Thiên Chúa sáng tạo vạn vật từ hư vô và Ngài sáng tạo bằng Lời của Ngài. Lời Thiên Chúa như một yếu tố tác thành, trực tiếp thi hành mệnh lệnh của Đấng Sáng Tạo. Được soi sáng bởi Tân Ước, chúng ta thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi đã được giới thiệu một cách rõ ràng trong trình thuật Sáng tạo: Vũ trụ trước khi sáng tạo là một khoảng không, hỗn mang, tăm tối mịt mù. Thần khí Chúa bay là là trên mặt nước, như gà mẹ ấp ủ quả trứng đợi ngày nở ra một chú gà con. Thiên Chúa Cha, Nguyên lý của sự tác thành phán một Lời thì mọi sự liền có như vậy. Mười lần, tác giả nhấn mạnh đến hành động sáng tạo của Thiên Chúa, hành động của Ngài là “Thiên Chúa phán…”, và mọi sự diễn ra theo như ý muốn của Ngài.
Qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã gọi muôn loài muôn vật từ hư vô đến hiện hữu. Ngài cho họ một chỗ đứng, một chỗ đứng trong vũ trụ bao la. Và khi nhường cho các tạo vật một chỗ đứng, dường như Thiên Chúa tự thu bớt mình lại, như có tác giả đã nói một cách thi vị: công trình tạo dựng như nước thuỷ triều. Thiên Chúa nhường chỗ cho con người giống như thuỷ triều thu mình lại để nhường chỗ đất khô cho các tạo vật khác. Sau mỗi lần sáng tạo, Thiên Chúa đều khen là “tốt”. Như thế, tự bản chất, mọi tạo vật đều tốt lành. Mọi tạo vật đều là lời ca tụng ngợi khen Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình, bởi lẽ chúng đều tốt, phản ánh sự thiện, sự tốt lành từ nơi Thiên Chúa và là một trong những phẩm tính của Ngài.
Chúng ta thường có thói quen phân biệt những hành động riêng của Ba Ngôi Thiên Chúa như Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa. Tuy vậy, nhờ ánh sáng mạc khải của Tân Ước, chúng ta thấy ngay từ khởi đầu của lịch sử nhân loại và vũ trụ, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cùng thực hiện công trình sáng tạo. Tác giả Sáng Thế nêu rõ điều đó, nhất là trong việc sáng tạo con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1,26). Chủ từ của động từ sáng tạo được dùng ở số nhiều, cho thấy con người cũng như vạn vật là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói như I. Chareire trong cuốn “những kết quả triết học và thần học của vấn đề môi trường học”, trang 53: “Chúa Cha tạo thành trời đất bởi Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”.
Khi sáng tạo con người, Thiên Chúa bàn tính, hoạch định một mục đích, một chương trình. Mục đích đó là giao cho con người trông coi làm chủ vũ trụ vạn vật. Như thế, muôn loài muôn vật được dựng nên nhằm phản ánh vinh quang Thiên Chúa và nhằm mục đích phục vụ con người. Đọc kỹ trình thuật thứ nhất về sáng tạo ở chương đầu của sách Sáng thế, (các nhà chú giải thường gọi là trình thuật Tư Tế, để phân biệt với trình thuật Yahviste ở chương 2), chúng ta sẽ thấy con người được trình bày như chóp đỉnh của công cuộc tạo dựng. Những gì được dựng nên trong những ngày trước đó (mọi vật trên đất, dưới bầu trời, dưới nước…) được diễn tả như một chiếc khung để đặt con người vào đó, và khi con người được đặt vào một môi trường đã chuẩn bị sẵn này thì công trình sáng tạo được hoàn chỉnh, công trình sáng tạo đi tới hồi kết thúc. Tác giả Thánh vịnh đã muốn phân định rõ ràng chủ đích của Thiên Chúa khi sáng tạo: “ Trời là trời của CHÚA, còn đất thì Chúa cho con cái loài người” (Tv 115,16). Các Tiên Tri cũng vậy: “Đây là lời của ĐỨC CHÚA, Đấng tạo dựng trời cao, chính Người là Thiên Chúa nặn quả đất thành hình, củng cố cho bền vững; Người dựng nên quả đất mà không để hoang vu, nặn ra nó cho muôn loài cư ngụ. Người phán thế này : Ta là ĐỨC CHÚA, chẳng còn chúa nào khác” (Is 45,18).
Con người là chóp đỉnh của công cuộc tạo thành. Thiên Chúa trao cho con người làm chủ vũ trụ vạn vật thay Ngài, Sở dĩ con người được trao cho những quyền hành lớn lao như thế là vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, từ nay, cùng với sứ mạng cao cả là thay mặt Thiên Chúa để làm chủ vũ trụ vạn vật, con người còn có sứ mạng diễn tả chính bản chất của Thiên Chúa. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình qua việc sáng tạo con người, vì con người mang trong họ chính hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người còn bàng bạc, chưa rõ nét. Và trong suốt hành trình trần gian này, con người được mời gọi cố gắng vươn lên mỗi ngày để hình ảnh của Đấng Sáng Tạo được trình bày cách rõ nét, cách trung thực trên khuôn mặt mình, trong đời sống của mình. Hình ảnh ấy là hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Lúc đó con người sẽ được gặp Chúa mặt giáp mặt, không còn như trong gương nữa (xem 1 Cor 3,17. 13,12). Lúc đó hình ảnh Thiên Chúa nơi con người được thể hiện cách trung thực và Thiên Chúa cùng với con người kết hợp với nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu.
Tiến xa hơn nữa, chúng ta sẽ thấy qua việc Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh của Ngài một lời loan báo về mầu nhiệm Nhập Thể. Vâng, công cuộc nhập thể đã khởi đầu với việc chính Thiên Chúa muốn mang khuôn mặt của con người. Khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh mình, bằng cách nào đó, Thiên Chúa đã muốn giới thiệu cho các tạo vật khuôn mặt của mình, một khuôn mặt mang tính nhân loại, một khuôn mặt gần gũi với tạo vật vì đó là khuôn mặt của con người. Phải chăng đây là lời tiên báo, hay nói cách khác, đây là chặng đường đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể? Với việc Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa đến trần gian “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, giống như người trần thế” (Phl 2,6-12) thì Thiên Chúa đã trọn vẹn mang lấy kiếp con người, với những yếu đuối của kiếp con người, ngoại trừ tội lỗi. Nếu Đức Giêsu không hổ thẹn gọi chúng ta là anh em (Dt 2,12) và đã trở nên “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), thì đó là kết quả của một dự tính ngay từ khởi đầu lịch sử, qua dự tính này, Thiên Chúa đã muốn làm người. Ngài muốn cho con người mang hình ảnh của Ngài để từ nay ai thấy con người là thấy Ngài, ai giúp con người là giúp đỡ Ngài. Đức Giêsu, qua việc nhập thể làm người đã thực hiện trọn vẹn dự tính ban đầu ấy, Ngài đã thực sự đồng hóa với con người ( xem Mt,25). Thánh Phê-rô Kim Ngôn đã suy tư: “ Đấng Sáng tạo đã tìm cách để bổ sung vào phẩm tính của bạn : Ngài đã đặt để trong bạn hình ảnh của Ngài, để như thế, hình ảnh hữu hình này sẽ diễn tả Đấng Sáng tạo vô hình trên trần gian” (Bài giảng về Mầu Nhiệm Nhập thể)
2- Một vũ trụ bị lây nhiễm bởi tội lỗi con người
Mọi vật Thiên Chúa tạo dựng nên tự bản chất đều tốt lành. Nhưng tác giả Kinh thánh lại nói với chúng ta rằng tình trạng tốt lành ấy không được bền lâu: con người đã muốn đi ngược lại ý muốn của Đấng Sáng tạo. Đó là cám dỗ muôn thuở của con người. Con người muốn “đổi ngôi”, khước từ địa vị tạo vật để lên bằng Đấng Sáng tạo. Khởi đầu từ việc Adam và vợ mình là Eva muốn lên bằng Thiên Chúa, những hậu quả tội lỗi được trình bày trong phần I sách Sáng thế, tức là từ chương 1 đến chương 11, cho thấy trật tự vũ trụ đã bị đảo lộn: cái chết của Abel, trận Đại Hồng Thuỷ, câu chuyện Tháp Babel. Vũ trụ tốt đẹp của buổi sáng tạo đã bị hoen mờ do tội lỗi của con người. Trật tự hài hòa của buổi bình minh nhân loại đã bị xáo trộn do chính con người. Thiên Chúa đã đặt để con người thay Ngài để thống trị muôn loài, nhưng vì con người phá vỡ chương trình của Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, nên mọi tạo vật khác cũng phản ứng chống lại con người, làm cho con người phải đau khổ. “Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở (Rm 8,22). Tạo vật cũng đang chờ được cứu rỗi, đang chờ để được đẹp đẽ tinh ròng như thuở ban đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo.
Con người có trách nhiệm phải bảo vệ căn nhà chung của mình. Chúng ta nhận được ngày càng nhiều những thông tin về nạn cháy rừng, nạn hủy hoại thiên nhiên, săn bắt những thú rừng quý hiếm để thỏa mãn thú ăn chơi sành điệu của con người. Con người càng ngày càng văn minh thì đồng thời càng trở nên hoang dã hơn. Chúng ta không thể không đau xót trước những thông tin phản lại sự sống và sự bình an của vũ trụ kiểu này. Con người hôn nay đang tàn phá và khai thác thiên nhiên cách vô kỷ luật. Trật tự Thiên Chúa đã sắp đặt từ thuở ban đầu của lịch sử đã bị đảo lộn. Vũ trụ đang thét lên tiếng kêu cứu. Không những chỉ kêu cứu, Vũ Trụ còn muốn nổi loạn để đòi quyền sống. Vũ Trụ đấu tranh cho cuộc sinh tồn của mình. Những hậu quả nghiêm trọng con người gây ra cho môi trường như những cơn thuỷ triều đen (marées noires) do các tàu chở dầu bị đắm, những trận cháy rừng xảy ra khủng khiếp ở Việt nam, ở Mỹ, Ở Indonesia… và biết bao sự kiện khác là những tiếng kêu cứu của vũ trụ gửi đến con người.
3- Vũ trụ: Một cuốn sách viết về Thiên Chúa
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18,2).Vũ trụ được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa. Mục đích Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ không phải để được mọi người thờ lạy Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người tham dự vào vinh quang của Ngài. Khi chiêm ngưỡng Vũ trụ tươi xinh, con người cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa. Cũng giống như chúng ta chiêm ngưỡng một bức tranh, chúng ta cảm phục người họa sĩ đã thực hiện tuyệt tác này. Vũ Trụ là một cuốn sách để qua đó con người “đọc” được Thánh ý của Thiên Chúa. Vũ trụ là một bài ca để qua đó con người thưởng thức những âm thanh kỳ diệu của bản hòa tấu không cùng. Những “dòng chữ”, những “giai điệu” của Vũ trụ luôn “tường thuật vinh quang Thiên Chúa, và loan báo việc tay Ngài làm”. Vũ trụ và thiên nhiên có ngôn ngữ riêng của mình, chỉ có ai biết lắng nghe mới có thể hiểu được ngôn ngữ ấy. Đó là thứ ngôn ngữ của thời ban sơ, của thời sáng tạo. Thiên nhiên đang thầm thì kể với chúng ta những gì Thiên Chúa đã làm. Vũ trụ đang quở trách chúng ta vì con người đã đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa khi phạm tội. Vì tội là gì nếu không phải là hành động phá vỡ trật tự Thiên Chúa đã đặt để trong hoàn vũ và trong lương tâm con người ? Như thế, tiếng nói của Thiên nhiên là lời ca tụng, là lời phàn nàn trách móc và cũng là lời mời gọi sám hối. Thánh Phanxicô thành Assise, trong Bài ca Tạo Vật (cantique des Créatures), đã cảm nhận được ngôn ngữ của thiên nhiên, của mọi tạo vật. Thánh nhân đã “thổi hồn” cho những tạo vật và lắng nghe sứ điệp của chúng. Ngài đã nhân cách hóa mọi vật để thầm thì tâm sự với chúng: anh Mặt Trời, chị Mặt trăng, anh Gió, chị Nước, anh Lửa, Mẹ Đất … tất cả đều có một sứ mạng, một ngôn ngữ riêng để ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa. Nếu con người, vì là hình ảnh của Đấng Tối Cao, được mời gọi diễn tả cách trung thực hình ảnh ấy nơi cuộc sống mình, thì vũ trụ, vì là ngôn ngữ diễn tả Đấng Tạo Hóa, cũng mang trong mình sứ mạng loan báo vinh quang Thiên Chúa. Trước Thánh Phanxicô, tác giả sách Đaniel đã đặt trên môi miệng của ba thanh niên Do thái sống trên miền đất ngoại bang lời ca của các tạo vật. Trong Phụng vụ, Thánh Vịnh này được đọc trong giờ Kinh Sáng Chúa Nhật Tuần I và các ngày lễ Trọng với tiêu đề là “Bài Ca Vũ Trụ - Hymne de l’univers”. Tác giả đã mời gọi các tạo vật ngợi khen Thiên Chúa: “Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời… Chúc tụng Chúa đi, sức nóng với lửa hồng…Chúc tụng Chúa đi, trời nồng và khí lạnh, muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn” (Đn 3,17-88). Tạo vật phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo cũng nhắc lại và quảng diễn ý tưởng này (Số 339). Và, người thi sĩ công giáo của Việt nam chúng ta, Hàn Mặc Tử, đã ngây ngất trước thứ “ngôn ngữ - thinh lặng” mà tuyệt vời của các tạo vật:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
(Hàn Mặc Tử, Đà lạt trăng mờ)
Được tạo dựng để thay quyền Thiên Chúa thống trị muôn loài, con người, nhờ thủ đắc tri thức và sự khôn ngoan, cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa qua các tạo vật. Qua trật tự của vũ trụ, con người cảm nhận được dấu vết của Thiên Chúa. Cũng như nhà họa sĩ tài ba để lại dấu vết tài năng mình trên bức tranh, Thiên Chúa ghi dấu ấn của Ngài trong vũ trụ, qua thiên nhiên. Dấu ấn này, chỉ người nào có thiện chí và tâm tình tôn giáo mới cảm nhận được. Cũng như một cuốn sách được viết ra, không phải người nào cầm đọc nó đều cảm nhận được ý hướng của tác giả, mà chỉ những ai đặt mình vào hoàn cảnh của tác giả, chỉ những ai chấp nhận “nhập cuộc” với tác giả mới có thể hiểu sâu sắc được điều ông muốn tâm tình thổ lộ. Người tín hữu chiêm ngưỡng Vũ trụ không phải như một nhà khoa học, cũng không phải như một triết gia. Người tín hữu lắng nghe một sứ điệp của một Ai Đó. Vũ trụ là cuốn sách viết về Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc, hãy nghiền ngẫm và chắc chắn sẽ gặp được Ngài.
4- Vũ Trụ, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người
Con người không thể chỉ thoả mãn với việc đặt ra những câu hỏi muôn thuở: “chúng ta từ đâu mà đến và sẽ đi đâu?” Trong hoàn cảnh cụ thể của thời đại chúng ta, gia đình nhân loại cần phải đặt câu hỏi: “chúng ta đang ở đâu?” để xác định nơi mình đang sống, xác định tầm quan trọng của môi trường vũ trụ mà chúng ta được Thiên Chúa mời gọi cùng cộng tác với Ngài để xây dựng. Vũ trụ thiên nhiên này là một căn nhà chung của nhân loại. Ở trong một ngôi nhà, đó là một trong những đặc tính khẳng định con người siêu việt hơn loài động vật. Con người là một sinh vật biết làm nên một nơi chốn để trú ngụ, trong khi các loài động vật chỉ sống trong hang trong ổ. Ngôi nhà không chỉ có vai trò che nắng che mưa, bảo vệ những người trú ngụ, nhưng còn là nơi để con người gặp gỡ, giao lưu, nối rộng vòng tay lớn. Ngôi nhà còn là nơi cầu nguyện, là nơi ca tụng Tạo Hóa của muôn loài.
Vũ trụ này là căn nhà chung của nhân loại. Con người chỉ là “người cư trú”, và không bao giờ tự cho mình quyền phá huỷ thiên nhiên vũ trụ. A. Gesché, trong cuốn “Bí mật ơn Cứu Độ tiềm ẩn trong Vũ Trụ” đã gọi Vũ trụ là một “đệ tam nhân” trong mối quan hệ Thiên Chúa - Con người - Vũ Trụ. Một khung cảnh an hòa hạnh phúc là khung cảnh mà mối quan hệ ba chiều Thiên-Địa-Nhân được hài hoà. Vũ trụ là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giêsu đã đến Trần gian, Ngài đã đến với Vũ trụ, và Gioan nhấn mạnh là Ngài đã đến “nhà mình” ( Ga 1, 11). Chính tại khoảng không gian Vũ Trụ này mà ơn Cứu độ đã được thực hiện.
Đã đến lúc cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh lòng người hãy quan tâm đến môi trường là căn nhà chung chúng ta đang sống. Ý thức được tầm quan trọng ấy, thế giới đã cùng có một ngày gọi là ngày “Môi trường quốc tế” là ngày 5 tháng 6 hằng năm để nhắc nhở mọi người hãy cố bảo vệ môi trường xanh sạch và đẹp. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ý thức tầm quan trọng của thiên nhiên vũ trụ, đã đặt Thánh Phanxicô Assisi làm Bổn Mạng những người nghiên cứu môi trường.
Bảo vệ môi trường làm cho con người gần với Tạo hóa hơn. Khi muốn bảo vệ môi trường tức là chúng ta cũng chống lại và lên án những hình thức chiến tranh, lên án những phương pháp khai thác tuỳ tiện và vô độ nguồn tài nguyên của vũ trụ. Hơn thế nữa, bảo vệ một môi trường xanh sạch đẹp cũng còn là xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng lẫn nhau, xây dựng Tình Chúa và Tình Người ngay tại trần gian này để lập lại trật tự của buổi sáng tạo, trật tự ba chiều: Thiên Chúa, Vũ Trụ và Con Người.
Nguồn: ubclhb.com (04.6.2021)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn