Kinh Truyền Tin (8/10): Sống kinh nghiệm biết ơn với Chúa và với người khác
Trưa Chúa Nhật ngày 8/10, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 27 thường niên.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta một dụ ngôn bi kịch, với một cái kết buồn (x. Mt 21:33-43). Người chủ kia trồng một vườn nho và chăm sóc nó rất cẩn thận; sau đó, ông đi xa nên giao vườn nho lại cho các tá điện. Đến mùa gặt, ông sai đầy tớ đến thu hoa lợi. Nhưng các tá điền ngược đãi và giết chết họ; sau đó ông chủ sai chính con trai mình đi, và họ thậm chí còn giết cả người con ấy. Chuyện ấy xảy ra thế nào được? Điều gì đã xảy ra? Có một sứ điệp của Chúa Giêsu trong dụ ngôn này.
Người chủ làm mọi việc tốt đẹp, hết lòng: chính ông làm việc chăm chỉ, trồng vườn nho, rào giậu bao quanh để bảo vệ, khoét bồn đạp nho và xây tháp canh (xem c. 33). Sau đó, ông giao vườn nho cho các tá điền, cho họ thuê tài sản quý giá của mình và do đó đối xử công bằng với họ, để vườn nho được chăm sóc tốt và sinh hoa trái. Với những chuẩn bị như thế, vụ thu hoạch lẽ ra phải kết thúc cách vui vẻ có hậu, trong không khí lễ hội, với việc chia sẻ hoa lợi một cách công bằng để mọi người đều hài lòng.
Ngược lại, những suy nghĩ vô ơn và tham lam lại len lỏi vào tâm trí các tá điền. Chúng ta thấy nơi gốc rễ của những xung đột luôn có những sự vô ơn và suy nghĩ tham lam, muốn sở hữu nhiều thứ. Những tá điền bàn với nhau: “Chúng ta chẳng cần đưa gì cho ông chủ cả. Sản phẩm lao động của chúng ta là của riêng chúng ta. Chúng ta không cần phải trả cho bất kỳ ai cả!”. Điều này không đúng: họ cần phải biết ơn những gì họ đã nhận được và cách họ được đối xử. Trái lại, sự vô ơn đã khơi dậy lòng tham và ý thức nổi loạn ngày càng lớn dần trong họ, khiến họ nhìn thực tế một cách méo mó, cảm thấy rằng họ có công hơn là mắc nợ ông chủ, người đã cho họ việc để làm. Khi nhìn thấy người con trai, họ thậm chí còn đi xa hơn khi nói: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” (câu 38). Và từ những tá điền, họ trở thành những kẻ giết người. Tất cả là một tiến trình, và tiến trình này nhiều khi xảy ra trong trái tim con người, và cả trong trái tim chúng ta.
Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta điều gì sẽ xảy ra khi con người tự lừa dối mình rằng mình tự làm mọi sự và quên đi lòng biết ơn, quên mất thực tại nền tảng của cuộc sống: rằng điều tốt lành đến từ ân sủng của Thiên Chúa, từ món quà vô vị lợi của Người. Khi chúng ta quên đi điều này, quên đi sự vô vị lợi của Thiên Chúa, thì cuối cùng chúng ta kết thúc trong chính tình trạng và giới hạn của mình, không còn niềm vui cảm thấy được yêu thương và được cứu, mà với ảo tưởng buồn bã là chẳng cần tình yêu cũng chẳng cần cứu độ. Chúng ta không còn để mình được yêu thương và tự thấy mình bị giam cầm trong lòng tham của chính mình, bởi nhu cầu có điều gì đó hơn người khác, muốn nổi bật hơn người khác. Điều này thật xấu, và nhiều khi xảy ra đối với chúng ta. Chúng ta hãy nghiêm túc suy nghĩ về nó. Đây là nơi bắt nguồn của rất nhiều sự bất mãn và chỉ trích, rất nhiều hiểu lầm và đố kỵ; và bị thúc đẩy bởi sự oán giận, người ta có thể rơi vào vòng xoáy bạo lực. Vâng, anh chị em thân mến, sự vô ơn tạo ra bạo lực, trong khi một lời “cám ơn” đơn sơ có thể mang lại hòa bình!
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có để ý mình đã nhận được sự sống và đức tin như một món quà, và chính tôi cũng là một món quà không? Tôi có tin rằng mọi sự đều bắt đầu từ ân sủng của Chúa không? Tôi có hiểu rằng tôi là người nhận được điều tốt lành mà chẳng phải vì xứng đáng không, được yêu thương và được cứu một cách vô điều kiện không? Và trên hết, để đáp lại ân sủng, tôi có biết nói lời “cám ơn” không? Có ba lời là bí quyết của cuộc sống chung: cảm ơn, xin phép và xin lỗi. Đây là một lời nhỏ bé, “cảm ơn”, một lời nhỏ bé “xin phép” và “xin lỗi”, được mong đợi hằng ngày từ Thiên Chúa và từ anh chị em chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi liệu lời nhỏ bé “cảm ơn”, “xin phép”, “xin lỗi” này có hiện diện trong cuộc sống của chúng ta không.
Xin Mẹ Maria, người dâng lời ngợi khen Chúa, giúp chúng ta biến lòng biết ơn thành ánh sáng bừng lên từ trái tim mỗi ngày.
---
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha diễn tả sự đau buồn về bạo lực diễn ra tại Israel làm cho hàng trăm người chết và bị thương. Ngài diễn tả sự gần gũi với các gia đình nạn nhân, cầu nguyện cho họ và cho tất cả những người sống trong thời khắc khủng khiếp và đau khổ. Đức Thánh Cha kêu gọi dừng ngay vũ khí. Cần phải hiểu rằng khủng bố và bạo lực không mang lại giải pháp nào, mà chỉ có chết chóc và đau khổ cho nhiều người vô tội. Mọi cuộc chiến đều thất bại. Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hoà bình ở Israel và Palestine.
Kế đến Đức Thánh Cha nhắc rằng tháng Mười là tháng cầu nguyện cho việc truyền giáo và cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, “chúng ta không mệt mỏi cầu xin, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, ơn hoà bình cho nhiều quốc gia trên thế giới đang bị chiến tranh và xung đột giày xéo. Chúng ta tiếp tục nhớ đến Ucraina, mỗi ngày đang chịu nhiều đau khổ”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha cảm ơn và xin mọi người tiếp tục đồng hành với Thượng Hội đồng đang diễn ra, một biến cố Giáo hội về sự lắng nghe, chia sẻ và hiệp thông huynh đệ trong Thánh Thần. Chúng ta phó thác mọi công việc của Thượng Hội đồng cho Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Vatican News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn