TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin lễ hai thánh Phêrô và Phaolô

Thứ ba - 04/07/2023 08:57 |   419
Sau Thánh Lễ, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 15 ngàn các tín hữu.
Kinh Truyền Tin lễ hai thánh Phêrô và Phaolô

Kinh Truyền Tin lễ hai thánh Phêrô và Phaolô (29/6)

Sau Thánh Lễ, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 15 ngàn các tín hữu.

Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, trong Tin Mừng Chúa Giêsu nói với Simon, một trong Nhóm Mười Hai: “Anh là Đá và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16:18). Phêrô là một cái tên có nhiều nghĩa: có thể có nghĩa là đá tảng, hòn đá hoặc đơn giản là viên sỏi. Và như thế, nếu chúng ta nhìn vào cuộc đời của Phêrô, chúng ta thấy, ở một mức độ nào đó, cả ba khía cạnh này nơi tên của ngài.

Phêrô là một tảng đá: trong nhiều thời điểm, ngài mạnh mẽ và kiên định, chân thật và quảng đại. Ngài bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu (x. Lc 5:11). Ngài đã nhận ra Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16:16), ngài lặn xuống biển để mau chóng gặp Đấng Phục Sinh (x. Ga 21:7). Sau đó, với sự thẳng thắn và can đảm, ngài loan báo về Chúa Giêsu trong Đền thờ, trước và sau khi bị bắt và bị đánh đòn (xem Cv 3,12-26; 5,25-42). Truyền thống cũng nói với chúng ta về sự kiên vững của ngài trước cuộc tử đạo diễn ra tại chính Roma này (x. CLEMENTE ROMANO, Thư gởi các tín hữu Côrintô, V, 4). Đó là đá tảng.

Tuy nhiên, Phêrô cũng là một hòn đá, thích hợp để nâng đỡ người khác: một hòn đá, được đặt nền trên Chúa Kitô, đóng vai trò như một sự hỗ trợ cho anh chị em trong việc xây dựng Giáo hội (x. 1 Pr 2,4-8; Ep 2,19-22). Chúng ta cũng tìm thấy điều này trong cuộc đời của ngài: ngài đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu cùng với Anrê, anh của ngài, Giacôbê và Gioan (xem Mt 4:18-22); xác nhận ý muốn theo Chúa của các Tông đồ (x. Ga 6,68); ngài chăm sóc những người đau khổ (x. Cv 3:6), cổ vũ và khuyến khích việc loan báo Tin Mừng chung (x. Cv 15,7-11). Ngài là “hòn đá”, là điểm tham chiếu đáng tin cậy của cả cộng đoàn.

Nhưng Phêrô cũng là một viên sỏi đơn sơ: sự nhỏ bé của ngài thường lộ ra. Đôi khi ngài không hiểu những gì Chúa Giêsu đang làm (xem Mc 8,32-33; Ga 13,6-9); đối diện với việc Thầy bị bắt, ngài đã sợ hãi và chối bỏ Người, rồi ăn năn và khóc lóc thảm thiết (x. Lc 22,54-62), nhưng không đủ can đảm để đứng dưới chân thập giá. Ngài giam mình cùng với những người khác trong phòng tiệc ly, vì sợ bị bắt (x. Ga 20:19). Ở Antiokia, ngài xấu hổ khi ở cùng với những người ngoại đã cải đạo - và Phao-lô yêu cầu ngài nhất quán về điều này (xem Ga 2,11-14); cuối cùng, theo truyền thống Quo vadis, ngài cố gắng chạy trốn khi đối diện với sự tử đạo, nhưng ngài gặp Chúa Giê-su trên đường và tìm thấy can đảm để quay trở lại.

Ở Phêrô có tất cả những điều này: độ bền của đá, độ tin cậy của đá và sự nhỏ bé của một viên sỏi đơn sơ. Ngài không phải là một siêu nhân: ngài là một con người như chúng ta, đã quảng đại nói lời “xin vâng” với Chúa Giêsu trong sự bất toàn của mình. Nhưng chính điều này nơi ngài - cũng như nơi thánh Phaolô và nơi tất cả các thánh – mà Thiên Chúa tỏ hiện, làm cho chúng ta nên mạnh mẽ nhờ ân sủng của Người, Đấng liên kết chúng ta với lòng bác ái của Người và tha thứ cho chúng ta bằng lòng thương xót của Người. Và chính với nhân tính đích thực này, Thần Khí đã nhào nặn nên Giáo Hội. Phêrô và Phaolô là những con người thật sự, và ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta cần những con người thật.

Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào bên trong và tự hỏi mình một vài câu hỏi, bắt đầu từ đá tảng, từ hòn đá, từ viên sỏi. Từ đá tảng: trong chúng ta có nhiệt thành, sốt sắng, hăng say vì Chúa và vì Tin Mừng không, hay là một thứ gì đó dễ vỡ vụn? Và rồi, chúng ta có phải là những hòn đá, không phải là đá làm chướng ngại mà là đá xây dựng cho Giáo hội không? Chúng ta có làm việc cho sự hiệp nhất không, chúng ta có quan tâm đến người khác không, đặc biệt là những người yếu thế nhất? Cuối cùng, nghĩ về viên sỏi: chúng ta có ý thức được sự nhỏ bé của mình không? Và trên hết: trong sự yếu đuối, chúng ta có phó thác cho Chúa, Đấng làm nên những điều vĩ đại với những ai khiêm nhường và chân thành không?

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, giúp chúng ta bắt chước sức mạnh, lòng quảng đại và khiêm nhường của hai thánh Phêrô và Phaolô.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây