Đức Thánh Cha nhắc lại lời thánh Phaolô VI, vào năm 1965, đã kêu gọi Giáo hội nên đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa nhân văn thế tục bằng cách đề xuất hình mẫu của Vị Mục Tử Nhân Lành, người có “sự cảm thương sâu sắc đối với con người”, thay vì chỉ lên án nhân loại và mong muốn trở thành chúa tể của nó.
Đức Thánh Cha nhận định rằng Giáo hội vẫn còn nhiều điều phải cống hiến cho thế giới, và nó buộc chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá, với lòng tin tưởng và can đảm, những thành tựu trí tuệ, tinh thần và vật chất đã xuất hiện, kể từ Công đồng Vatican II, trong nhiều lĩnh vực khác nhau của trí tuệ con người.
Dự trên Kinh Thánh để tìm kiếm ý nghĩa của nhân loại
Giáo hội có thể dựa trên sự phong phú có trong truyền thống Kinh Thánh để định hướng cho việc tìm kiếm ý nghĩa của nhân loại. Đức Thánh Cha nói: “Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta những tọa độ thiết yếu để phác thảo nhân học về con người trong tương quan với Thiên Chúa, về sự phức tạp của mối quan hệ giữa người nam và người nữ, và mối liên hệ với thời gian và không gian mà chúng ta đang sống. Chủ nghĩa nhân văn trong Kinh Thánh, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn cổ điển từ tư tưởng Hy Lạp và La Mã, có thể trở nên hiệu quả hơn nữa khi được hướng dẫn bởi những giá trị mà các nền văn hóa hiện đại khác nhau có thể cung cấp”.
Đức Thánh Cha đưa ra các ví dụ về “tầm nhìn tổng thể của các nền văn hóa châu Á”, “sự đoàn kết của các nền văn hóa châu Phi” và “nhân học của các dân tộc Mỹ Latinh”. Những khía cạnh văn hóa khác nhau này có thể giúp “vượt qua chủ nghĩa cá nhân quá mức là đặc trưng của văn hóa phương Tây.”
Ngài nói: “Trong những nền văn hóa khác nhau này có những hình thức của một chủ nghĩa nhân văn, được tích hợp vào chủ nghĩa nhân văn châu Âu, vốn thừa hưởng từ nền văn minh Hy Lạp - La Mã và được biến đổi bởi tầm nhìn Kitô giáo, ngày nay là phương tiện tốt nhất để giải quyết những câu hỏi đáng lo ngại về tương lai của nhân loại”. (CSR_7556_2021).
Hồng Thủy - Vatican News