TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TGP Hà Nội -Báo Cáo THĐGM Cấp Giáo Phận

Thứ tư - 17/08/2022 19:47 | Tác giả bài viết: Anphongsus Phạm Hùng |   697
Báo cáo của TGP Hà Nội về Thượng hội đồng Giám mục thế giới XVI cấp giáo phận
TGP Hà Nội -Báo Cáo THĐGM Cấp Giáo Phận

GIÁO PHẬN HÀ NỘI – BÁO CÁO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CẤP GIÁO PHẬN

WGPHN (17.08.2022) - Báo cáo của TGP Hà Nội về Thượng hội đồng Giám mục thế giới XVI cấp giáo phận

I. GIỚI THIỆU

Tổng Giáo phận Hà Nội có diện tích khoảng 4.953 km2 trong 4 tỉnh thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Hòa Bình. Số các tín hữu Công giáo của Tổng Giáo phận là khoảng 330.000 trên tổng số dân 10 triệu người, chiếm 3,3 % dân số. Tổng giáo phận có 7 giáo hạt và 174 giáo xứ. Trải qua những thập kỷ khó khăn của miền Bắc từ năm 1954, Tổng giáo phận đang phục hồi và phát triển. Đào tạo nhân sự cho giáo sỹ và giáo dân, cũng như củng cố đức tin, tái truyền giáo và canh tân đời sống đức tin luôn là những nhu cầu và thách đố cho Tổng Giáo phận nhất là phải đối diện với hoàn cảnh hiện tại.

Năm 2022, Tổng Giáo phận Hà Nội kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở (1912-1922) và hướng đến kỷ niệm 400 năm Cha Alexandre de Rhodes, SJ., vị truyền giáo đầu tiên, đặt chân đến Thăng Long để bắt đầu đầu loan báo Tin Mừng (02/7/1627-2027). Tiếp nối sự nghiệp của các vị tiền bối, suy tư về những bài học lịch sử qua đời sống kiên trung giữ vững đức tin trong tinh thần đạo đức và kỷ luật của các thế hệ đi trước, với thao thức để truyền giáo trong bối cảnh xã hội của Miền Bắc trước những thách đố của thời đại, Tổng Giáo phận Hà Nội nhận thấy có trách nhiệm hơn đối với việc học hỏi, sống và diễn tả đức tin trong một xã hội có nhiều biến động và đang thay đổi từng ngày với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh đó, canh tân đời sống đức tin là cần thiết để dân Chúa trong Tổng Giáo phận tìm ra những phương thế mới để thực hành đức tin đồng thời trung thành với sứ mạng loan báo Tin mừng. Dựa trên giáo huấn của Giáo Hội và định hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thể hiện qua Đại Hội Dân Chúa năm 2010, vào tháng 11 năm 2022, Tổng Giáo phận Hà Nội tổ chức một công nghị với chủ đề: “Canh Tân Đời Sống Đức Tin” để toàn thể thành phần trong Tổng giáo phận cùng nhau suy tư và hành động, canh tân và xây dựng các cơ cấu tổ chức, nhằm tới mục đích xây dựng tình hiệp thông giữa mọi thành phần dân Chúa, cũng như mở ra cho đối thoại với các tôn giáo và tổ chức xã hội, để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô đã ủy thác.

Công nghị Giáo phận nhấn mạnh tới chiều kích mục vụ bao gồm những mục đích sau:

  • Phân định những thách đố hiện tại với lăng kính đức tin
  • Canh tân cơ cấu tổ chức hành chính và những thực hành đức tin cho phù hợp với tâm thức của người tín hữu trong thời hiện đại.
  • Đưa ra những định hướng mục vụ phù hợp giúp dân Chúa sống đức tin trong bối cảnh xã hội mới, đồng thời hướng tới tương lai, thúc đẩy những hoạt động loan báo Tin mừng, bồi đắp nền văn minh tình thương tại quê hương Việt Nam (Đại Hội Dân Chúa – HĐGMVN năm 2010).

Từ đầu năm 2022, Tổng Giáo phận kết hợp tổ chức những cuộc hội thảo “tiền công nghị” với việc cử hành Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI ở cấp giáo phận theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thượng Hội đồng, tiến tới một Giáo Hội hiệp hành với ba chiều kích: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. 

Trước khi bước vào năm chuẩn bị cho công nghị, Ban thư ký Công nghị đã cho thực hiện 4 cuộc khảo sát về đời sống đức tin cho giáo dân (1 cho thiếu nhi và 1 cho người trưởng thành), cho linh mục và cho tu sĩ để phần nào biết được thực trạng đức tin, thực hành đức tin và những kỳ vọng và ý kiến của mọi thành phần dân Chúa về canh tân đời sống đức tin trong Tổng Giáo phận.

Từ ngày 24 tháng 11 năm 2021 đến tháng 11 năm 2022 là Năm Chuẩn Bị Công Nghị: toàn thể Tổng giáo phận sẽ cùng nhau cầu nguyện với vị Chủ chăn xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để tất cả Giám mục, giáo sỹ, tu sỹ và giáo dân cùng hiệp hành nhìn vào thực tại xã hội, lắng nghe Chúa, lắng nghe nhau, cùng phân định và phân định để tìm ra những cách thức để củng cố đức tin và thực hành đức tin một cách trưởng thành với những định hướng và hành động cụ thể trong mọi khía cạnh đời sống đức tin của giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn, gia đình và mỗi cá nhân, để cùng nhau mang men Tin Mừng thấm nhập vào xã hội và cùng nhau làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

Tổng Giáo phận Hà Nội có 18 ủy ban mục vụ phụ trách các lãnh vực trong đời sống đức tin và mục vụ của Tổng Giáo phận. Mỗi ủy ban tổ chức 1 hoặc 2 cuộc hội thảo với tổng số 27 cuộc hội thảo về chủ đề canh tân đời sống đức tin liên quan đến lãnh vực mà uỷ ban phụ trách để trình bày giáo huấn liên quan của Giáo hội, lắng nghe các thành phần Dân Chúa phát biểu ý kiến xây dựng, cầu nguyện, thảo luận và đưa ra những giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập trước những nhu cầu, thách đố trong hoàn cảnh mới hôm nay.

II. NỘI DUNG NĂM CHUẨN BỊ CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN – THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Ở CẤP GIÁO PHẬN

1. Nội Dung Khảo Sát Về Thực Trạng Đời Sống Đức Tin Của Các Tín Hữu Trong Tổng Giáo Phận Hà Nội

Với 7385 mẫu khảo sát trên tổng số 350.000 tín hữu của Tổng Giáo Phận Hà Nội, đạt tỷ lệ 21%. Có 4 đối tượng khảo sát: Thiếu nhi (8-15 tuổi) 1341 mẫu = 3,8%; người trưởng thành (16-60 tuổi) 5610 mẫu = 16%; các Tu sĩ 279 mẫu = 0,8% và các Linh mục 155 mẫu = 0,44%. Trong thời gian 3 tháng thực hiện đã cho kết quả về thực trạng đời sống đức tin của Tín hữu Tổng Giáo Phận Hà Nội trong thời đại hôm nay.

a. Nền tảng đời sống đức tin

Nhìn chung người Công giáo TGP Hà Nội có niềm tin vào Thiên Chúa và các chân lý đức tin tương đối cao. Những tín điều đức tin trong kinh Tin kính đều được các tín hữu tin ở mức cao từ 9,1 – 9,7 điểm. 91% số người được hỏi cho rằng việc thường xuyên lãnh nhận các Bí tích là rất cần thiết.

b. Đời sống đức tin

b.1. Thực hành đức tin

Mục đích tham dự Thánh lễ vì yêu mến Chúa của người tín hữu chiếm 86,1%. Tuy nhiên, tỉ lệ tham dự Thánh lễ ngày thường mỗi ngày chỉ chiếm 11%

Tỉ lệ lãnh nhận Bí tích Hòa Giải 2-3 năm/lần chiếm 9%

Việc thực hành các việc đạo đức: 9% số người được hỏi hiếm khi Chầu Thánh Thể. Mức độ lần chuỗi – vài lần/năm là 17% và không bao giờ lần chuỗi chiếm 9%. 31% các gia đình thỉnh thoảng mới đọc kinh sớm tối. Việc làm dấu trước khi dùng bữa ở mức độ rất thường xuyên chỉ chiếm 64% trong khi đó 6% số người được hỏi thỉnh thoảng mới làm dấu.

Số người đọc Kinh Thánh hàng ngày chỉ chiếm 32% là điều cần phải xem xét, nhất là trong thời điểm chuẩn bị bước vào năm Truyền Giáo.

b.2. Đời sống luân lý

Tỉ lệ ly hôn, ly thân từ 0,8-1,8% là con số báo động. Quan niệm về việc quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng thay đổi: 17,1% số người được hỏi cho đó là bình thường. Việc sử dụng các phương pháp nhân tạo để ngừa thai cũng theo đó mà gia tăng: 1323 người khảo sát chiếm 24%. Số tín hữu không chung thủy đời sống vợ chồng ngoại tình cũng đáng ngại 7,1%. Tỷ lệ nơi những người trẻ và gia đình trẻ cao hơn. Lưu ý giáo dục giới trẻ và gia đình trẻ.

b.3. Hành vi lỗi phạm đức tin

Những hành vi lỗi đức tin thờ phượng Thiên Chúa như: lên đồng/hầu đồng, gọi hồn, xem tuổi, tướng số, những hành vi kiêng kị, xem ngày giờ, cúng bái, giải hạn, thờ thần tài, đi cúng chùa, đền, miếu hay đốt vàng mã vẫn chiếm từ 1,1 – 11,3% (xem bảng 8) là những điều đáng cảnh báo

b.4. Khó khăn khi thực hành đức tin

Có 69,7% người được hỏi cho rằng: Thiếu giáo dục đức tin, nền tảng giáo lý và Kinh thánh không được học là những khó khăn lớn nhất trong việc thực hành đức tin của người Công Giáo TGP Hà Nội.

c.  Truyền giáo

Có 42% người được khảo sát e ngại truyền giáo với lý do: Không biết nhiều về Đạo để truyền giáo cho người khác. Cho nên, tỉ lệ chia sẻ/trao đổi với người không theo Đạo Công giáo về tôn giáo của mình chỉ chiếm 25,8%

d. Giáo dục đức tin

Giáo dân gặp một số khó khăn trong việc giáo dục con cái theo luật Chúa như: 20% số người được hỏi khó giáo dục cho con về lòng đạo đức, hãm mình, hy sinh. 22% khó giáo dục con tham gia giờ kinh chung gia đình sáng – tối. Cần đồng hành mục vụ với các gia đình hơn nữa, nhất là các gia đình trẻ?

e. Trách nhiệm với cộng đoàn giáo xứ

Đa số giáo dân đều có tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia đóng góp và cộng tác vào các công việc chung với cộng đoàn giáo xứ. 65,5 % số người được hỏi là thành viên của các Hội đoàn. Tỉ lệ tham gia tích cực các công việc trong giáo xứ chiếm 59%

f. Ý kiến về chương trình giáo lý của TGP

Lấy lại bổn cũ và sửa đổi câu chữ cho phù hợp chiếm tỉ lệ 26,3% trong khi ý kiến bỏ hẳn bổn cũ và soạn sách giáo lý mới chỉ chiếm 4.8%.

Những đánh giá sơ bộ từ kết quả khảo sát cho biết thực tế hiện thực đời sống đức tin của tín hữu TGP Hà Nội trong thời đại hiện nay. Từ đó cũng cấp thông tin giúp TGP tìm ra những giải pháp cụ thể để phát huy những điểm mạnh và hạn chế những khó khăn nhằm thăng tiến đời sống đức tin của tín hữu trong tương lai.

2. Nội Dung Các Cuộc Hội Thảo Chuẩn Bị Cho Công Nghị Giáo Phận

Hội thảo tiền công nghị là phương thức thích hợp và hữu hiệu để toàn thể Dân Chúa trong TGP Hà Nội thực thi tính hiệp hành của Giáo hội là hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Mỗi hội thảo đều giúp tất cả mọi thành phần Dân Chúa cùng hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ của Hội Thánh. Các hội thảo được tổ chức quy mô trải dài trên khắp lãnh thổ giáo phận, và được truyền hình trực tuyến để giáo dân có thể tham và góp ý.

Các hội thảo đề cập đến đời sống đức tin toàn diện của giáo phận, được chia ra theo từng thành phần và lứa tuổi trong Giáo Hội: Hội thảo về đời sống và đào tạo linh mục, đời sống và tương quan của tu sỹ trong đời sống giáo xứ và giáo phận, đời sống đức tin của giới trẻ, sinh viên, giáo lý trẻ em, đời sống gia đình hôn nhân và những người cao niên. Theo các lãnh vực mục vụ và yếu tố trong đời sống đức tin, các hội thảo được tổ chức về phụng vụ, thánh nhạc, giáo lý, Caritas, truyền giáo, công lý xã hội, di dân, bảo vệ môi trường.

Cho đến hết tháng 6/2022, sau 7 tháng chuẩn bị Công Nghị giáo phận, Tổng Giáo phận Hà Nội đã tổ chức 15/27 cuộc hội thảo tiền công nghị trên khắp giáo phận với sự tham gia tích cực của nhiều thành phần dân Chúa với những ý kiến đóng góp sâu sắc cho đời sống đức tin của Giáo hội. Mỗi hội thảo bao gồm chính yếu là: Một bài thuyết trình về đề tài theo giáo huấn của Giáo Hội thường do một linh mục phụ trách, một bài tham luận của giáo dân, tham gia đóng góp ý kiến của tham dự viên hiện diện hoặc tham gia qua trực tuyến, đúc kết buổi hội thảo bởi Đức Tổng Giám Mục và kết thúc với Thánh lễ.

2.1-Hội thảo về đời sống các linh mục và đào tạo linh mục

Hội thảo về đời sống các linh mục không những được các linh mục, tu sỹ mà rất nhiều giáo dân quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến. Nỗ lực canh tân đời sống đức tin của Tổng Giáo Phận phải được khởi đi từ các linh mục. Linh mục phải là người thực hành đức tin, tức là trở nên thánh qua và trong 3 tác vụ thánh: Rao giảng, thánh hóa và quản trị. Đời sống đức tin rất ảnh hưởng đến đời sống đức tin của các tín hữu và các cộng đồng giáo xứ. Linh mục rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời mà bằng đời sống của mình. Giáo dân kỳ vọng nhiều nơi các linh mục và góp ý nhiều về nội dung, thời lượng bài giảng trong Thánh lễ, cách ứng xử với giáo dân cần phải khiêm nhường, gần gũi, đời sống cầu nguyện, đồng hành, tôn trọng và thông cảm với giáo dân.  

Việc đào tạo linh mục trước, trong và sau chủng viện được nhấn mạnh trong nỗ lực canh tân đời sống đức tin. Con số ơn gọi linh mục nơi các nam thanh niên còn khá cao, nhưng các vị hữu trách cần phải tìm hiểu động lực ơn gọi, thanh tẩy ơn gọi cũng như chỉ nhận những người có phán đoán quân bình và quan hệ đúng mực với mọi người. Đào tạo linh mục phải tuân thủ theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Giáo sỹ (Ratio 2016) gồm 4 chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ là sự đào tạo toàn vẹn và trường kỳ cho các chủng sinh là quan trọng cho sức sống của giáo phận. Các tham dự viên nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân bản cho ứng sinh và chủng sinh để họ có thể nên nhịp cầu đưa người khác đến với Chúa Kitô. Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ các trường học bên ngoài, việc đẩy mạnh đào tạo tri thức, luyện tập cho chủng sinh có thói quen chăm chỉ học tập, tự rèn luyện cần sự cộng tác đồng bộ trong đào tạo. Việc nâng cao kiến thức có liên quan đến giảng viên, học viên, chương trình đào tạo. Việc đào tạo phải rõ ràng và cương quyết. Đào tạo thiêng liêng là linh hồn của công cuộc đào tạo để mỗi chủng sinh trở nên giống Chúa Kitô mục tử nhân lành: cầu nguyện, suy niệm và linh hướng là 3 yếu tố không thể thiếu và cần được chú ý hơn trong chủng viện. Đào tạo về mục vụ và truyền giáo cần có những phương thức mới. Nhiều ý kiến đề xuất rằng chủng sinh có thể viết bài suy tư về mục vụ giúp xứ với sự hướng dẫn của một vị đào tạo đặc trách về mục vụ và chủng sinh cần được gửi đến nơi có nhiều cơ hội để truyền giáo để họ có thể thực tập về mục vụ và truyền giáo.

2.2- Hội thảo về tu sỹ trong tương quan với cộng đoàn giáo xứ và trong chương trình mục vụ của TGP

Trong hội thảo này linh mục triều và giáo dân hiểu thêm về bản chất đời sống các tu sĩ và vai trò không thể thiếu được của họ trong đời sống giáo hội địa phương. Bậc sống thánh hiến bắt chước gần hơn nếp sống mà Con Thiên Chúa đã sống vâng phục Chúa Cha cũng là nếp sống của các môn đệ theo Chúa Giêsu. Các tu sĩ khi chấp nhận sống ba lời khuyên Phúc âm thì được thánh hiến để làm hiện thực nếp sống của Đức Kitô, hiến toàn thân để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em. Các tham dự viên gồm mọi thành phần trong Dân Chúa đã góp ý: Có nhiều hội dòng khác nhau. Mỗi hội dòng có một đặc sủng riêng biệt. Không phải sự hiện diện của bất cứ hội dòng nào cũng mang lại nhiều hữu ích thiêng liêng cho 1 giáo xứ và cũng không phải bất cứ giáo xứ nào cũng có thể mang lại lợi ích thiêng liêng cho cộng đoàn tu sĩ. Sự lựa chọn một hội dòng hiện diện tại một giáo xứ cần được xem xét đến ích lợi lâu dài cho giáo xứ và cho hội dòng. Các dòng tu cần phải tuân thủ quy tắc giáo luật và tôn trọng bản quyền địa phương về lập nhà, hiện diện và phục vụ trong TGP. Sự hiện diện, đời sống và tham gia mục vụ của các tu sỹ có ảnh hưởng lớn đến đời sống đức tin của giáo dân. Sự nên thánh qua sống 3 lời khấn là quan trọng cho mỗi tu sĩ.

2.3- Hội thảo về Phụng vụ: thừa tác viên và người lãnh nhận bí tích

Hội thảo đã làm cho các tín hữu hiểu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cử hành bí tích để đi đến một sự tham gia tích cực với lòng sùng mộ của các tín hữu. Bài thuyết trình đã cho các tham dự viên hiểu được bí tích là nguyên nhân và dấu chỉ của ân sủng, từ đó những thừa tác viên là những tín hữu được Giáo hội trao cho những công việc trong việc cử hành và để phân phát các ân sủng của Chúa cho Giáo Hội. Các thừa tác viên bao gồm những người có chức thánh và không có chức thánh, thừa tác viên thông thường và ngoại thường.

Chúa Kitô chính là Linh Mục cử hành các bí tích. Ơn thánh Chúa không phụ thuộc vào tình trạng luân lý cá nhân của thừa tác viên vì Thiên Chúa dùng họ như khí cụ của ngài. Thừa tác viên cần làm theo ý hướng của Hội Thánh trong phận vụ của mình. Cử hành bí tích là nhân danh Hội Thánh, cho Hội Thánh và vì Hội Thánh.

Các tham dự viên đã đưa ra những thiếu sót về cử hành phụng vụ nơi các thừa tác viên, đôi khi phụng vụ không hướng về Chúa và không giúp các tín hữu tăng cường đức tin và cầu nguyện sốt sáng. Những người lãnh nhận bí tích còn thụ động, thiếu hiểu biết giáo lý, còn gò ép, thiếu đức tin và lòng mến Chúa, nhất là khi cử hành thánh lễ. Nhiều giáo dân đi lễ cho có lệ và biến bí tích thành như lễ hội văn hóa. Bài thuyết trình đã nhấn mạnh đến đức tin, lòng sám hối, tự do và không bị ngăn trở chỉ là những điều kiện tối thiểu để được lãnh nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban qua các Bí tích. Hơn nữa, theo bản tính của phụng vụ nói chung và các Bí tích nói riêng, các tín hữu phải tham dự vào phụng vụ và các Bí tích một cách tích cực. Chúa Giêsu thiết lập các Bí tích để trao ban ân sủng cho nhân loại (x. GLCG 1131). Về phía các thừa tác viên, Bí tích sẽ được cử hành thành sự và hợp pháp khi các thừa tác viên cử hành đúng theo quy định của Giáo hội, nghĩa là làm điều Hội Thánh làm. Về phía người lãnh nhận, nếu có đức tin, lòng sám hối, tự do và không bị ngăn trở, họ sẽ được lãnh nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ qua các Bí tích. Tuy nhiên, vượt lên trên những điều kiện tối thiểu nêu trên, Giáo hội mời gọi các thừa tác viên có chức thánh cũng như không có chức thánh hãy cử hành các Bí tích với đức tin sống động, với sự chuẩn bị tốt nhất và với hồn tông đồ. Giáo hội cũng mời gọi tất cả các tín hữu hãy tham dự vào phụng vụ và các Bí tích một cách tích cực.

2.4- Hội thảo về giới trẻ và sinh viên

Hội thảo đã lắng nghe bài thuyết trình và phát biểu của các bạn trẻ về những thách đố hiện tại. Trước tiên, sinh viên phải đối diện với những tư tưởng sai lạc, ý thức hệ lệch lạc, nổi bật là thuyết vô thần. Các sinh viên bị buộc phải học đang bị nhồi sọ bởi thuyết vô thần.  Hơn nữa, cách truyền đạt thường cố tình bôi nhọ Đức Tin của những sinh viên công giáo, cố tình nói xấu và kỳ thị. Điều này dễ làm lung lạc Đức tin của nhiều bạn, hoặc làm cho nhiều bạn mặc cảm về Đức Tin của mình. Tiếp đó, sinh viên cũng phải đối diện với thuyết tương đối, coi con người là thước đo của mọi sự, tốt hay xấu đều mang tính tương đối, coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, thuyết này cố ý chối bỏ Thiên Chúa cội nguồn và là chuẩn mực của tất cả mọi giá trị luân lý.

Chủ nghĩa tự do cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, tiêu thu, cuốn hút sinh viên chỉ chạy theo lợi ích vật chất và tìm kiếm sự thoả mã vật chất, coi thương và loại bỏ các giá trị tâm linh và văn hóa. Khi những tư tưởng sai lầm thống trị và dẫn dắt lối suy nghĩ của con người, thì dẫn đến những lối sống nguy hại, dẫn đến sự phát triển của văn hoá sự chết. Ngày nay, nhiều sinh viên công giáo cũng phải đối diện với những lối sống sai lạc. Nhiều bạn đã bị lôi cuốn vào lối sống vội, sống thử và chạy theo bệnh thành tích. Nhiều sinh viên lại ủng hộ lối sống này.

Hội thảo nói đến bệnh thành tích trong hệ thống giáo dục, dẫn đến tình trạng gian dối trong thi cử, mua thầy và mua điểm. Theo khảo sát của Hội SVCG TGP Hà Nội, có tới 78,3% sinh viên công giáo vẫn có gian lận trong hoàn cảnh cho phép và kín đáo. Vẫn có những bạn cố tình gian lận, mua chuộc để hoàn thành chương trình học. Chỉ có 15,3% những người khảo sát là trung thực và không gian lận. Tình trạng này dẫn đến sự thụ động, ù lì trong học tập, thiếu lý tưởng sống và đặc biệt là chai lì lương tâm. Tiếp đến là lối sống hưởng thụ, chạy theo những giá trị hư ảo, tôn thờ sắc đẹp, hoặc là lối sống buông thả, vô định, chạy theo những thúc đẩy của tính xác thịt. Đặc biệt, sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Theo khảo sát, có tới 54% sinh viên công giáo lên mạng xã hội bất cứ khi nào rảnh rỗi, và có tới 42% tham gia mạng xã hội từ 4 đến 5 giờ mỗi ngày. Thực tế này cho thấy nhiều bạn sinh viên đã dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Đối diện với nguy cơ nghiện mạng xã hội, và nguy cơ dẫn đến lối sống ảo, xa rời thực tế, vô cảm và đánh mất khả năng kết nối trực tiếp giữa người với người. Nhiều sinh viên khi sống xa gia đình, rời xa truyền thống Đức Tin quê hương, bị choáng ngợp bởi lối sống nhộn nhịp vội vã của đô thị. Đồng thời nhiều bạn đang đối diện với những áp lực của học tập, của cuộc sống, của kế sinh nhai, của việc làm thêm, và cả sự áp lực phải thành công, phải học giỏi, phải kiếm được nhiều tiền.

Đáp lại những thách đố hội thảo đã khẳng định: Các bạn trẻ cần lắng nghe giáo huấn của Giáo hội, tìm hiểu giáo lý, đọc kinh thánh, cầu nguyện và tham gia bác ái trong các cộng đoàn đức tin, giáo xứ hay nhóm sinh viên. Có 3 điều các bạn trẻ cần xác tín:

+ Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện

+ Ta là bạn hữu của Chúa Ki-tô

+ Tri thức và đức tin là đôi cánh giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa

Có 3 điều các bạn trẻ cần làm: gặp gỡ; lắng nghe; và phân định

Mục vụ cho giới trẻ và sinh viên cần có sự cộng tác bởi các cha đặc trách trong hợp nhất và dưới sự lãnh đạo của Đức Giám mục để mang lại hiệu ích thiêng liêng hữu hiệu cho các bạn trẻ. Các giáo xứ cần quan tâm và mở cửa cho các bạn trẻ sinh hoạt. Các cha đặc trách cần nhận thấy những thách đố đối đức tin và cuộc sống sinh viên và nên cần biết những bạn trẻ đang bị thử thách hay đang sa sút về đời sống luân lý và đức tin. Các cha được khuyến khích tìm ra những sáng kiến, phương hướng phục vụ cho sinh viên được kết quả hơn.

2.5- Hội thảo về hôn nhân gia đình, đồng hành với các gia đình trước những thách đố của thời đại

Bài thuyết trình đã làm nổi bật giá trị của hôn nhân và gia đình như là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại và giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân gia đình nhằm đem lại ý thức về giá trị đồng thời nâng đỡ họ cô gắng sống trung thành với giá trị đó. Dù có gặp khó khăn do hoàn cảnh chính trị, hay sự cám dỗ của lối sống hiện đại thì một cách tổng thể, đời sống đức tin của Tổng Giáo Phận vẫn được đánh giá là một cộng đoàn năng động, trẻ trung và có nhiều sức sống. Theo nguồn dữ liệu khảo sát của Tổng giáo phận Hà Nội, tháng 11/2021, có tới 98 % số giáo dân nhận thức việc lãnh nhận các bí tích là cần thiết trong đời sống đức tin; 80% tham dự thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần, 86,1% tham dự thánh lễ vì lòng mến Chúa.

Có nhiều tấm gương sống đức tin từ nhiều cá nhân, từ các gia đình như việc trung thành trong hôn nhân, chấp nhận cảnh hiếm muộn son sẻ từ chối việc thụ tinh nhân tạo vì xúc phạm đến phẩm giá và quyền của đứa trẻ; việc từ chối phá thai để đón nhận những người con ngoài kế hoạch hay tật nguyền; hay việc chấp nhận thua thiệt về kinh tế, về địa vị, về những mối phúc lợi xã hội trong cuộc sống hàng ngày vì đức tin… Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh.

Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang làm biến chất các gia đình, làm nảy sinh trong lòng các gia đình những hành xử thiếu kiên nhẫn và hung hăng. Sự tự do chọn lựa giúp ta tự hoạch định đời sống của mình và phát triển bản thân mình tốt nhất, nhưng nếu không có những mục tiêu cao thượng và kỉ luật cá nhân, tự do  sẽ khiến người ta ngày càng mất dần đi khả năng quảng đại tự hiến chính mình cho tha nhân: người ta không muốn kết hôn, thích sống độc thân, hay chỉ chung chạ như vợ chồng mà không kết hôn. Một số gia đình tín hữu lại đang sống trong tình trạng thờ ơ, nguội lạnh với việc thờ phượng cũng như việc sống đức tin trong cuộc sống hàng ngày, nhiều cha mẹ không quan tâm đến việc sống đạo, không nhắc nhở các con trong gia đình sống đạo – giữ đạo, chỉ đề cao việc giáo dục tri thức mà không để ý đến việc giáo dục đức tin, gia đình không có giờ kinh chung, không cùng nhau đi lễ. Theo dữ liệu khảo sát của Tổng giáo phận Hà Nội, tháng 11/2021: có 10.8% hiếm khi đọc kinh gia đình và 6,4% không bào giờ đọc kinh chung; chỉ 53.5 % lo cho con theo học các lớp giáo lý, 36.2% dạy giáo lý dạy kinh cho con cái.

Hà Nội là thành phố quy tụ nhiều di dân. Các gia đình di dân gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái, hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới, sao lãng việc đạo đức, thế hệ con cái sinh ra bị ảnh hưởng lối sống hưởng thụ, coi nhẹ giá trị đức tin.

Mỗi năm có gần 1000 trường hợp xin tha ngăn trở khác đạo tại TGP Hà Nội: trong những gia đình này, có những khó khăn do khác niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo, việc giáo dục con cái cũng như hòa hợp trong gia đình. Có khoảng 2% gia đình bị đổ vỡ trong TGP Hà Nội, không thể hàn gắn. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ.

Hội thảo đề nghị giải pháp mục vụ cho các hôn nhân trước những thách đố trên là “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” tức là đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống gia để trở thành tổ ấm yêu thương, thành nơi cầu nguyện, trường đào tạo Đức Tin, nơi gìn giữ, cũng cố và phát triển Đức Tin bền vững cho mọi thành viên. Chuẩn bị hôn nhân với giáo lý và kỹ năng sống hôn nhân là cần thiết. Các tham dự viên đề nghị các mục tử chăm lo đặc biệt đến những hôn nhân bị đổ vỡ đừng để họ cảm thấy ở ngoài Giáo hội cũng như đồng hành với những gia đình đang khủng hoảng với những sáng kiến mục vụ cụ thể.

2.6- Hội thảo về giáo lý trong đời sống các tín hữu

Hội thảo đã bàn về tầm quan trọng của giáo lý trong đời sống người tín hữu: hiểu giáo lý để yêu mến Chúa, thực hành đức tin, truyền giáo và bảo vệ đức tin. Nếu Giáo lý có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc sống và làm chứng của người ki-tô hữu trong mọi thời đại thì việc dạy và học Giáo lý phải là mối ưu tư của mọi thành phần dân Chúa. Nhưng tiếc thay hình như đa số các tín hữu trong Tổng Giáo Phận chúng ta còn chưa ý thức được điều đó, vì thế, nhiều người coi việc dạy Giáo lý chỉ là trách nhiệm của cha xứ, của các giáo lý viên và của các ông bà trùm quản mà thôi. Trong Định hướng Giáo lý năm 2020 nhấn mạnh đến vai trò của mọi thành phần dân Chúa trong việc dạy và học Giáo lý, đặc biệt là của các bậc cha mẹ.

Trên thực tế, có biết bao nhiêu bậc cha mẹ lo cho con học đủ thứ: học văn hoá, học toán, học văn, học nhạc, học đàn, học tiếng anh, v.v, nhưng không cho con theo học các lớp Giáo lý vì không có thời gian. Đúng ra các bậc cha mẹ không những phải thu xếp cho con cái mình theo học các lớp Giáo lý trong giáo xứ mà còn phải có trách nhiệm thông truyền và là những giáo lý viên đầu tiên cho các con của họ.

Các tham dự viên đã góp ý rằng TGP cần soạn thảo sách giáo lý riêng hay thống nhất dùng những thủ bản giáo lý trong cả giáo phận. Việc dạy giáo lý và cổ võ giáo lý tại các giáo xứ phải là một trong những ưu tiên mục vụ của cha xứ và giáo dân. Trang bị trình độ giáo lý cho các giáo lý viên và cần có những tín hữu tham gia làm giáo lý viên để truyền giáo và dạy giáo lý trong các giáo xứ đang trở thành nhu cầu cấp bách cho giáo phận.

2.7- Hội thảo về bác ái xã hội

Hội thảo đã bàn về bác ái xã hội (Caritas) là sứ mạng, nhiệm vụ được Chúa trao cho Giáo hội và mỗi tín hữu. Bác ái là một trong ba nhiệm vụ bất khả phân ly của Hội thánh: Rao giảng, cử hành bí tích và bác ái. Bác ái là giới răn yêu thương của Chúa Giêsu, như căn cước của mỗi môn đệ Chúa. Bác ái thuộc về bản chất và sứ vụ của Giáo hội. Các ban Caritas đã có mặt hầu hết trong các giáo xứ và giáo dân rất nhiệt thành giúp người nghèo. Những ai bận rộn không thể đi làm việc bác ái thì họ giúp tài chính cho quỹ Caritas giáo xứ. Các tham dự viên đã chia sẻ kinh nghiệm về bác ái được thực hiện với lòng yêu mến tha nhân chân thành, giúp đỡ những người gặp tai ương và tôn trọng những người nghèo làm nổi bật phẩm giá con người.

2.8- Hội thảo về truyền giáo: Truyền giáo là chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa

Hội thảo đã trình bày sứ vụ truyền giáo là bản chất và lý do hiện hữu của Giáo Hội. Các tham dự viên đã đưa ra ba ngăn trở khi thực thi sứ vụ truyền giáo: là không có một kinh nghiệm đức tin sâu xa, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô, không biết nhiều về đức tin nên không biết nói về Chúa và giáo lý cho người khác. Ngoài ra người ta cũng gặp khó khăn về gia đình, về tự ty bản thân hay những gièm pha từ cộng đoàn. Tham dự viên cho rằng để truyền giáo mỗi người phải thực sự sống Tin Mừng. Giáo xứ phải là cộng đoàn sống đức bác ái và hiệp nhất. Các thành viên trong giáo xứ thiếu thực hành Lời Chúa, còn nhiều tranh chấp ghen tương thì khó để truyền giáo. Số các linh mục, nam nữ tu sĩ trong giáo phận còn mỏng, nên việc chia sẻ và sống chứng tá Tin Mừng cho mọi người còn nhiều hạn chế. Legio Mariae là hội đoàn có thể làm tác nhân chính trong tông đồ giáo dân để làm men và dấn thân truyền giáo.

2.9- Hội thảo về thánh nhạc: đời sống ca viên và chuẩn mực thánh nhạc

Thánh nhạc được sáng tác để cử hành phụng vụ, vì thế Thánh nhạc là sự diễn tả đức tin qua ngôn ngữ âm nhạc. Ca đoàn hát lên những lời diễn tả đức tin, do đó thật cần thiết xem kỹ lời ca trước khi hát để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của lời hát. Nếu các ca viên hiểu được ý nghĩa bài hát thì khi hát, đức tin của ca viên được đào luyện sâu sắc hơn. Các ca viên cần phải hiểu về vai trò của ca đoàn trong phụng vụ Thánh Lễ. Ca trưởng nên xem bài Tin Mừng trước khi chọn bài hát để tập cho ca viên, nên nói với ca viên trước khi tập hát về bài hát sắp tập, về sắc thái, ý nghĩa bài hát; và kết thúc thánh lễ nên có giờ để chia sẻ trao đổi thêm với nhau. Thánh nhạc được sáng tác để cử hành phụng vụ, vì thế Thánh nhạc là sự diễn tả đức tin qua ngôn ngữ âm nhạc.

Trong tinh thần hiệp hành, về cử hành phụng vụ, vai trò của các ca đoàn rất quan trọng để phụng sự Thiên Chúa và giúp cho cộng đoàn thăng tiến về đời sống đức tin. Ca đoàn cần phải tạo nên việc hát cộng đồng, cả cộng đoàn phụng vụ cùng hát ngợi khen Chúa, do đó nên có sự trao đổi trước giữa cha xứ, ca trưởng với cộng đoàn, và có thể tập hát trước giờ lễ, cộng đoàn có thể hát nhẹ hơn ca đoàn hát chính. Tinh thần hiệp hành trong chính ca đoàn: có sự hòa hợp giữa các bè về âm lượng, cường độ, v.v, có tinh thần đoàn kết giữa các ca viên, sự hiệp hành giữa tiếng đàn và tiếng hát. Việc đào tạo thánh nhạc cho các ca trưởng, người đệm đàn và ca viên là cần thiết, không những chỉ về kỹ thuật âm nhạc, nhưng còn về bản chất thánh ca và sứ vụ của thánh ca trong đời sống phụng vụ của Giáo hội.

2.10- Hội thảo về truyền thông

Hội thảo đã bàn luận về 5 đường hướng của truyền thông hôm nay:

– Thứ nhất, hoạt động truyền thông của Giáo hội trước hết là nhắm đến việc loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô và đời sống thánh thiện của Giáo hội. Phương tiện truyền thông đóng vai trò như những cỗ xe phục vụ việc Phúc Âm hoá và huấn giáo.

– Thứ hai, truyền thông của Giáo hội hướng đến việc xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống nhằm phát triển con người toàn diện, dấn thân bảo vệ tự do, tôn trọng phẩm giá cá nhân, nâng cao nền văn hoá chân chính của các dân tộc.

– Thứ ba, truyền thông của Giáo hội nhắm đến phát huy sự hiệp thông trong đời sống của Giáo Hội. Các chủ chăn trong Giáo hội có quyền và có bổn phận thông tri cho dân Chúa biết sự thật về Chúa Kitô, về đời sống của Giáo hội. Đồng thời, “tuỳ vào sự hiểu biết, trình độ chuyên môn và vị thế của mình, các tín hữu có “quyền”, “bổn phận”, bày tỏ cho các chủ chăn biết quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến lợi ích Giáo Hội.

– Thứ tư, truyền thông của Giáo hội phục vụ việc đối thoại với thế giới, phục vụ hiệp thông giữa mọi người.

– Thứ năm, truyền thông Giáo hội nhắm đến sự thật toàn vẹn. “Truyền thông không phải chỉ là một cách bày tỏ ý kiến và cho biết cảm xúc, mà còn là trao ban chính mình trong yêu thương”.[13] Việc truyền thông này đã được chính Thiên Chúa thực hiện khi Ngài truyền tin cho con người. Thiên Chúa đã trao ban Ngôi Lời cho thế gian. Ngôi Lời là chính Đức Giê-su, Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6).

2.11- Hội thảo về công lý hòa bình

Hội thảo trình bày giáo huấn của Giáo hội về phát triển con người toàn diện nhằm gây ý thức cho người tín hữu rằng dấn thân cho sự phát triển con người toàn diện là một trong những nhiệm vụ chính của rao giảng Tin Mừng. Sự phát triển con người không thể thiếu sự phát triển về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, nhưng những lĩnh vực phát triển khác cũng phải được coi trọng ngang hàng như quyền con người, tự do, giáo dục, văn hóa, môi trường, tôn giáo. Phát triển con người toàn diện phải hướng con người đến Thiên Chúa và giúp con người đạt đến hạnh phúc tối hậu đời người là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Hội thảo đã thảo luận về cách thức sống đức tin không chỉ là vấn đề cá nhân mà luôn bao hàm chiều kích xã hội. Chúa Kitô cứu chuộc con người trong mọi lĩnh vực kể cả chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa, không những chỉ những cá nhân mà cả các quan hệ xã hội.  Ngài được Chúa Cha sai đến vì con người. Hội Thánh rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô là phục vụ cho con người được phát triển toàn diện và đích thực.

Con người là “con đường của Giáo hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo hội phải đi, bởi vì con người – mọi người, không trừ một ai – đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một không trừ ai. Hội thảo đã nói đến tính chất xã hội của tội lỗi và liên đới là kết quả của sự hoán cải. Phục vụ người nghèo là ưu tiên của Chúa Kitô và của Giáo Hội, bảo vệ mội trường tham gia caritas và tôn trọng công bằng với tha nhân là những vấn đề cấp thiết và là một trong những yếu tố quan trọng của thực hành đức tin. Xây dựng nền nhân bản Kitô giáo như nền móng cho công cuộc xây dựng phát triển con người toàn diện là một công trình đòi hỏi nhẫn nại và làm men tin mừng thấm nhập vào tâm hồn các tín hữu và xã hội.

2.12- Hội thảo về giáo dân: tham gia các hội đoàn trong giáo xứ

Nhìn chung, tỷ lệ giáo dân tham gia hội đoàn trong toàn TGP Hà Nội lên tới 32,9%, tức 1/3 số giáo dân trong TGP. Số liệu cũng cho biết tỷ lệ tham gia vào hội đoàn ở các miền thôn quê cao hơn ở nơi đô thị.

Các giáo dân trong hội thảo đã đưa ra những thách đố và vấn đề trong các hội đoàn về chất lượng và về quan hệ giữa các hội đoàn trong một giáo xứ thiếu hợp nhất. Một người tham gia nhiều hội đoàn, nên không chu toàn nghĩa vụ của mình và không ý thức mục đích của tham gia hội đoàn. 

Hội thảo đã nhấn mạnh đến bản chất của hội đoàn là cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô. Các hội đoàn là phương tiện để các tín hữu thăng tiến đời sống đức tin, truyền giáo và xây dựng Giáo Hội tiến triển trong hợp nhất.

Sống đức tin và nên thánh. Nếu hội đoàn không có tiêu chí này là đang đi lạc hướng và không phải hội đoàn đạo đức. Một hội viên không cố gắng sống đức tin và chỉ vào cho vui là đang bị lạc hướng. Hội đoàn là để giúp hội viên sống đức tin và phải cố gắng nên thánh trong đời sống Kiô hữu.

Sống tình bác ái giữa các hội viên và với các anh chị em mình. Trong hội đoàn có những hội viên không cùng quan điểm, không cùng dòng họ, gia đình v.v. thì nên có sự bác ái giữa các hội viên để chấp nhận sự khác biệt, không nên chỉ vì sự khác biệt mà gây nên chia rẽ. Cần bác ái ngay trong gia đình của mình nữa, chứ không phải chỉ đi bác ái với khắp nơi mà bỏ quên gia đình.

Loan báo Tin Mừng: một hội đoàn được thiết lập trong một giáo xứ bao giờ cũng phải nhắm tới hướng truyền giáo trong các hoạt động của mình, dù là đi làm bác ái, hay đi làm các việc hòa giải, hoặc sinh hoạt cầu nguyện. Loan báo Tin Mừng là mục đích căn bản làm nên bản tính của Giáo Hội.

2.13- Hội thảo về gìn giữ và xây dựng cơ sở vật chất

Quản trị gìn giữ và xây dựng cơ sở vật chất thuộc về tính hiệp hành và tham gia của mọi thành phần trong TGP. Theo Giáo luật 1983, điều 1257 triệt 1 các tài sản chung trong giáo phận, giáo xứ, giáo họ đều thuộc về Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng những tài sản này được sử dụng tại giáo phận nên theo quy chế riêng của giáo phận.

Những người có trách nhiệm quản trị phải để ý bảo vệ những di sản tôn giáo, lịch sử, văn hóa nghệ thuật và truyền thống trong giáo phận, giáo xứ, giáo họ, không được tự ý thay đổi, phá hủy hay làm khác đi những công trình này khi chưa có nghiên cứu, bàn hỏi với cộng đoàn, những người chuyên môn và có phép tỏ tường của bề trên giáo phận.

Công việc xây dựng và phát triển các công trình tôn giáo và mục vụ là cần thiết để phục vụ cộng đoàn địa phương phát triển đời sống Đức Tin. Trong quá khứ đã có những công trình xây dựng bất cập, không hữu ích, thiếu quy hoạch tổng thể.

Các tham dự viên đề nghị phải quy hoạch tổng thể và có một tầm nhìn xa rộng với tương lai phát triển của địa phương để có một kế hoạch xây dựng từng phần. Công trình phải nhằm đúng mục đích công dụng phục vụ cho cộng đoàn, đúng công năng sử dụng. Không xây dựng nhà thờ và công trình khác quá lớn so với số giáo dân, xây dựng đúng với công năng và nhu cầu. Bất cứ công trình nào của Giáo Hội đều mang tính truyền giáo, phục vụ cho mọi người, quy tụ và cổ võ tình huynh đệ như trong một gia đình Hội Thánh để mọi người tới đó như thấy được như trở về ngôi nhà của mình, gần gũi với mình, nên công trình đó phải để phục vụ cho cộng đoàn. Công trình phải đạt được tiêu chuẩn mỹ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, nhất là đặc tính công năng sử dụng riêng của mỗi công trình. Xây dựng hay thay đổi kiến trúc buộc phải có phép của Đức giám mục và ban xây dựng giáo phận làm tham mưu cho ngài.

CĐ Vatican II, trong Hiến chế Phụng vụ Thánh số 124 minh định: “Còn về việc xây cất thánh đường cũng phải cẩn thận lo liệu làm sao để xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động.” Ngoài ra nhà thờ còn phải thuận lợi để cử hành các bí tích khác nữa. Nên khi xây dựng phải để ý đến lối kiến trúc, âm thanh, ánh sáng sao cho phù hợp với các mục đích đó. Khi xây nhà thờ phải để ý phù hợp với ý nghĩa thần học của Giáo Hội, tinh thần phụng vụ, nghệ thuật thánh. Nhà thờ cũng phải được thiết kế “nhằm tìm vẻ đơn sơ trang trọng hơn là vẻ lộng lẫy bề ngoài. Trong việc chọn lựa những vật liệu để trang trí phải lo sử dụng những đồ chân thật và nhằm mục đích giáo dục các tín hữu tăng phẩm giá toàn bộ nơi thánh.” Phải làm nổi bật trên cung thánh: Bàn thờ (chỉ có 1 bàn thờ) cùng Thánh giá, nến lửa, giảng đài, ghế chủ tế. Đừng quá lưu tâm đến những trang trí phụ rườm rà làm lu mờ đi những biểu tượng chính này.

Các tham dự viên góp ý về xây dựng nhà giáo lý và nhà xứ. Nhà giáo lý là một cơ sở cần thiết sau nhà thờ, để truyền giáo, nên phải được ưu tiên xây dựng, dùng để mở các lớp học giáo lý cho người lớn trẻ em trong cộng đoàn nên xây và chia lớp học phù hợp với số người sử dụng, tiện nghi phù hợp và an toàn cho người sử dụng. Nhà xứ là nhà cho các cha, các thầy phục vụ trong giáo xứ, vì thế có quy mô phù hợp với sinh hoạt của cha xứ và các cha, các thầy, với tiện nghi xứng hợp, không quá sang trọng, xa xỉ, cách biệt với đời sống giáo dân trong xứ. Hình thức kiến trúc nhà xứ cũng sao cho phù hợp với đời sống giáo sĩ, thanh nhã, trang trọng nhưng đừng phô trương, cầu kỳ giống như cách người ta xây lâu đài, biệt phủ của đại gia.

III. KẾT LUẬN

Tổng Giáo phận Hà Nội mới đi qua một nửa chặng đường chuẩn bị công nghị giáo phận và cử hành Thượng Hội đồng giám mục ở cấp độ giáo phận nhưng đã thu gặt nhiều kết quả tốt đẹp. Các hội thảo tiền công nghị đã thu hút và gây ý thức cho các thành phần dân Chúa nhất là giáo dân về vị trí vai trò của họ trong đời sống Giáo hội. Các tham dự viên Giáo dân mạnh dạn và nhiệt tình đóng góp ý kiến. Các cuộc hội thảo cũng giúp họ hiểu thêm và đào sâu về đức tin cũng như thực hành đức tin trong nhiều lãnh vực. Các linh mục cũng nhận ra phải để cho giáo dân tham gia vào đúng vị trí của họ và có tiếng nói trong Giáo hội để thăng tiến đời sống của giáo xứ và giáo phận. Giáo dân hiệp hành với Giáo hội và thao thức với Giáo hội trong hiệp thông, tham gia và sứ vụ của Giáo Hội.

Các buổi hội thảo đã đưa ra những điểm tích cực trong mọi khía cạnh đời sống đức tin, nhưng cũng đưa ra những thách đố và đòi hỏi những biện pháp, phương thế mục vụ và nỗi lực bởi giáo sỹ và giáo dân. Có những yếu kém về truyền giáo, về dạy giáo lý, đời sống hôn nhân và giáo dục đức tin cho con cái đã có phần sa sút. Đời sống luân lý của các bạn trẻ, sống thử trước hôn nhân, nạn phá thai. Đời sống đức tin cần phải mở ra bên ngoài, mang men Tin Mừng gieo vào lòng người và các quan hệ xã hội. Giáo hội cần đẩy mạnh loan báo Tin Mừng, cổ võ hơn về công bình bác ái, bảo vệ môi trường thiên nhiên, thăng tiến đời sống người nghèo và phát triển con người toàn diện.

Hà Nội, ngày 7 tháng 7 năm 2022

Người thực hiện: Linh mục Chánh Văn phòng Anphongsus Phạm Hùng (Bản báo cáo đã được Đức Tổng Giám mục Giuse duyệt và bổ sung trước khi gửi cho Văn phòng HĐGM Việt Nam).

Anphongsus Phạm Hùng
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây