TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 2/2/2022

Thứ tư - 02/02/2022 20:31 | Tác giả bài viết: |   1050
Đức Thánh Cha đã suy tư về sự hiệp thông của các thánh, một chiều kích của đức tin mà không phải luôn luôn được các tín hữu hiểu rõ.
Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 2/2/2022

ĐTC Phanxicô: Giữa chúng ta và các thánh trên trời có sự liên kết không thể bị phá huỷ

Trong bài giáo lý được trình bày trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 2/2/2022, Đức Thánh Cha đã suy tư về sự hiệp thông của các thánh, một chiều kích của đức tin mà không phải luôn luôn được các tín hữu hiểu rõ. Ngài nói rằng mỗi thành viên của Giáo hội được kết nối chặt chẽ với nhau trong Chúa Kitô. Sự hiệp thông giữa các thánh cũng có thể thiết lập mối quan hệ của chúng ta với các vị thánh và với những người thân yêu đã khuất của chúng ta theo cách tốt nhất có thể.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Trong những tuần gần đây chúng ta đã có thể hiểu sâu sắc hơn về thánh Giuse nhờ để cho mình được hướng dẫn bởi một số thông tin ít ỏi nhưng quan trọng được các Tin Mừng thuật lại, và cũng nhờ các đặc điểm trong nhân cách của ngài mà Giáo hội qua nhiều thế kỷ đã có thể nêu bật bằng kinh nguyện và lòng sùng kính. Bắt đầu từ chính “tình cảm chung” này, điều đã đồng hành với hình ảnh thánh Giuse trong lịch sử của Giáo hội, hôm nay tôi muốn tập trung vào một điều quan trọng về đức tin, điều có thể làm phong phú thêm đời sống Kitô giáo của chúng ta và cũng định hình mối quan hệ của chúng ta với các thánh và với những người thân yêu đã qua đời theo cách tốt nhất có thể: Tôi đang nói về sự hiệp thông của các thánh.

Các thánh không phải là người làm phép lạ, nhưng là Thiên Chúa

Đôi khi, ngay cả Kitô giáo cũng có thể rơi vào những hình thức sùng kính mà dường như phản ánh một não trạng ngoại giáo hơn là Kitô giáo. Sự khác biệt cơ bản chính là lời cầu nguyện của chúng ta và lòng sùng kính của các tín hữu không dựa trên sự tin tưởng vào một con người, vào một hình ảnh hoặc một vật thể, ngay cả khi chúng ta biết rằng chúng là thánh thiêng. Ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, [...] phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa” (17,5.7). Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn tin cậy vào lời chuyển cầu của một vị thánh, hay thậm chí là lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, thì sự tin cậy của chúng ta chỉ có giá trị trong mối quan hệ với Chúa Kitô. Con đường đến với vị thánh này hay với Đức Mẹ không dừng lại ở đó, nhưng trong tương quan với Chúa Kitô. Và mối dây liên kết chúng ta với Người và với nhau có một tên gọi cụ thể: “sự hiệp thông của các thánh”. Không phải các thánh là người làm phép lạ, mà chỉ có ân sủng của Thiên Chúa tác động qua họ. Các phép lạ được Thiên Chúa thực hiện, bởi ân sủng của Người ban qua một con người thánh thiện công chính. Một vị thánh là một người chuyển cầu, là người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện với ngài, ngài cầu nguyện cho chúng ta và Chúa ban cho chúng ta ân sủng.

Sự hiệp thông của các thánh

Vậy “sự hiệp thông của các thánh” là gì? Đức Thánh Cha giải thích: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: “Sự hiệp thông của các thánh là Giáo hội.” (số 946). Điều đó có nghĩa là gì? Có phải là Giáo hội được dành cho người hoàn hảo? Không. Nhưng có nghĩa nó là cộng đoàn của những tội nhân được cứu độ. Sự thánh thiện của chúng ta là hoa trái của tình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Kitô, Đấng thánh hoá chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta trong sự khốn cùng của chúng ta và cứu chúng ta khỏi điều đó.

Thánh Phaolô nói rằng luôn luôn tạ ơn Chúa đã kiến tạo chúng ta thành một thân thể duy nhất, trong đó Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể (x. 1Cr 12,12). Hình ảnh thân thể này ngay lập tức giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc ràng buộc với nhau trong sự hiệp thông: Thánh Phaolô viết, “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,26-27).

Anh chị em thân mến, niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống của tôi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cũng như niềm vui và nỗi buồn xảy ra trong cuộc sống của anh chị em bên cạnh cũng ảnh hưởng đến tôi. Tôi không thể dửng dưng với người khác bởi vì tất cả chúng ta ở trong một thân thể, trong sự hiệp thông. Theo nghĩa này, ngay cả tội lỗi của một cá nhân cũng luôn ảnh hưởng đến mọi người, và tình yêu của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhờ sự hiệp thông của các thánh, mọi thành viên của Giáo hội đều gắn bó với tôi một cách sâu xa, và mối dây liên kết này bền chặt đến nỗi nó không thể bị phá huỷ ngay cả khi chết.

Thật vậy, sự hiệp thông của các thánh không chỉ bao gồm những anh chị em đang ở bên cạnh tôi vào thời điểm này trong lịch sử, mà còn liên quan đến những người đã kết thúc hành trình trần thế của họ và vượt qua ngưỡng cửa của cái chết. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nghĩ rằng trong Đức Kitô, không ai có thể thực sự tách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu thương; chỉ thay đổi cách thức ở cùng với họ, nhưng không có gì và không ai có thể phá vỡ mối ràng buộc này. Sự hiệp thông của các thánh gắn kết cộng đồng các tín hữu trên mặt đất và trên trời lại với nhau.

Tình bạn với các thánh trên trời

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Theo nghĩa này, tình bạn mà tôi có thể xây dựng với anh chị em bên cạnh tôi, tôi cũng có thể thiết lập với anh chị em trên trời. Các thánh là những người bạn mà chúng ta thường thiết lập quan hệ thân thiện. Điều mà chúng ta gọi là sự sùng kính, nó thực sự là một cách thể hiện tình yêu thương từ chính mối dây gắn kết chúng ta. Và chúng ta đều biết rằng chúng ta luôn có thể hướng về một người bạn, đặc biệt là khi chúng ta gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều cần bạn bè; tất cả chúng ta đều cần những mối quan hệ có ý nghĩa để giúp chúng ta vượt qua cuộc sống. Chúa Giêsu cũng có những người bạn của mình, và ngài hướng về họ vào những thời điểm quyết định nhất của kinh nghiệm làm người của mình.

Trong lịch sử của Giáo hội, có một số điều không thay đổi, luôn đồng hành với cộng đoàn tín hữu: trước hết là tình cảm cao cả và mối dây liên kết rất bền chặt mà Giáo hội luôn có đối với Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta và cả sự tôn kính và tình cảm đặc biệt mà Giáo hội dành cho thánh Giuse. Sau cùng, Thiên Chúa giao phó cho thánh nhân những gì quý giá nhất của Người: Chúa Giêsu Con của Người và Đức Trinh Nữ Maria. Luôn luôn nhờ sự hiệp thông của các thánh mà chúng ta cảm thấy rằng các thánh nam nữ là những người bảo trợ chúng ta - vì tên chúng ta có, vì Giáo hội mà chúng ta thuộc về, vì nơi chúng ta sống, v.v. Và sự tin tưởng này luôn phải thúc đẩy chúng ta hướng về các ngài vào những thời điểm quyết định trong cuộc đời. Lòng sùng kính các thánh không phải là một điều ma thuật, không phải là mê tín dị đoan; nó chỉ đơn giản là nói chuyện với một người anh, một người chị đang ở trước nhan Chúa, người đã sống một cuộc đời công chính, một cuộc sống thánh thiện, một cuộc sống gươngmẫu, và giờ đây đang ở trước mặt Chúa. Tôi nói với người anh người chị này và xin các ngài chuyển cầu cho những điều tôi cần.

Cầu nguyện với thánh Giuse

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý này bằng một lời cầu nguyện với thánh Giuse mà ngài đặc biệt gắn bó và đã đọc hàng ngày, trong nhiều năm. Ngài cho biết: Đây là kinh tôi tìm thấy trong sách kinh của các Nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria, vào những năm 1700. Nó thật hay, nhưng nó là một thách đố đối với người bạn này, người cha này, người bảo trợ chúng ta, thánh Giuse, hơn là một lời cầu nguyện.

Lạy cha thánh Giuse vinh hiển, quyền năng của ngài biến điều không thể thành có thể. Xin hãy đến giúp con trong những lúc đau khổ và khó khăn này. Xin hãy đặt dưới sự bảo vệ của ngài những tình huống nghiêm trọng và rắc rối mà con phó thác cho ngài, để chúng được giải quyết tốt đẹp.

Lạy Cha yêu dấu của con, con đặt tất cả sự tin tưởng của con ở nơi cha. Xin đừng để người ta nói rằng con đã cầu xin cha cách luống công, và vì cha có thể làm mọi việc với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin tỏ cho con thấy rằng lòng tốt của cha cũng vĩ đại như quyền năng của cha. Amen.

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây