Điểm vài phản ứng về Tài Liệu làm việc Thượng Hội Đồng Giám Mục về hiệp hành
Biến cố đáng chú ý nhất trong tuần qua tại Tòa Thánh là Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới vào tháng 10 năm nay được công bố hôm thứ Ba 20/6/2023. Văn kiện này đã tạo nên nhiều phản ứng phấn khởi, chào mừng, lo âu và phê bình trong dư luận Công Giáo.
Thoáng nhìn nội dung
Văn kiện dài 60 trang này đúc kết các cuộc tham khảo ý kiến tại các nước, qua trung gian các Hội Đồng Giám Mục liên hệ, tiếp đến là các khóa họp cấp đại lục tại 7 miền, sau cùng được một Ủy ban đúc kết.
Dư luận đặc biệt chú ý đến những “điểm nóng” đã được nói đến nơi nhiều Giáo Hội địa phương, nhất là nơi giới Công Giáo Âu Mỹ và mạnh nhất ở Đức với Con đường Công nghị bắt đầu từ năm 2019, cũng như đã được Đức Thánh Cha nhắc đến trong tiến trình cải tổ giáo triều.
- Ví dụ vấn đề phó tế phụ nữ. Theo lời thỉnh cầu của các nữ bề trên thượng cấp, Đức Thánh Cha đã thành lập 2 Ủy ban các thần học gia để xét xem trong Giáo Hội thời thượng cổ, có các nữ phó tế theo nghĩa như chức thánh ngày nay hay không. Nhưng cho đến nay, không có kết quả nào của hai Ủy ban nghiên cứu được công bố.
- Vấn đề thay đổi hay nới lỏng luật độc thân giáo sĩ là một vấn đề được tranh luận qua bao thế kỷ, nay vấn đề lại được nêu lên vì tình trạng ơn gọi linh mục ngày càng sa sút tại các nước Âu Mỹ.
- Vấn đề tản quyền từ trung ương về địa phương được coi là có tầm quan trọng đặc biệt, dành nhiều thẩm quyền hơn cho các Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục, kể cả để các cơ quan này có thẩm quyền về đạo lý, tới một mức độ nào đó.
- Tài liệu làm việc nói đến chủ trương tiến tới một Giáo Hội cởi mở bao nhiêu có thể, đón nhận mọi người: những người ly dị tái hôn phải được chào đón trong Giáo Hội cũng như những người đồng tính luyến ái và cả những người sống trong tình trạng đa thê như tại Phi châu. Cùng một thái độ như thế cũng phải được áp dụng cho những tín hữu cảm thấy mình kém phần quan trọng hoặc ít được quí chuộng vì màu da, gốc gác hoặc khuyết tật.
- Ngoài ra, trong Tài liệu Làm Việc có nói đến sự cổ võ một ngôn ngữ được đổi mới, trong phụng vụ, các bài giảng, nghệ thuật và truyền thông trong mọi phương tiện, Giáo Hội phải trở nên thân thiện và có sức thu hút hơn.
Trong tài liệu làm việc, đề tài lạm dụng của các chức sắc Giáo Hội được nhắc đến trong nhiều chương, trong đó có cả những vấn đề cụ thể như đưa phạm nhân ra trước công lý và bồi thường cho các nạn nhân. Ngoài nạn lạm dụng tính dục, còn có những lạm dụng về tinh thần, tài chánh, quyền bính và lương tâm.
- Sau cùng cả những vấn đề như nạn nghèo đói, biến đổi khí hậu, di dân, hòa bình và hòa giải, sự tham gia của giới trẻ và người già vào cuộc sống cộng đoàn, đối thoại với các tín hữu Kitô và tôn giáo khác.
Đây chỉ là những vấn đề được coi là “nóng bỏng” trong số 130 vấn đề khác, được nêu lên qua các câu hỏi, phân phối qua 15 bảng công tác mà 370 tham dự viên Thượng Hội đồng gồm các Giám mục, tu sĩ và giáo dân cần suy tư, những vấn đề này bao quát liên hệ tới các khía cạnh của đời sống Giáo Hội, đến độ một vài bài báo cho rằng đây là một chương trình chuẩn bị cho một Công đồng chung mới!
Phản ứng ủng hộ
Người ta ghi nhận những phản ứng ủng hộ đến từ các nước từ lâu vẫn “tranh đấu” cho sự mở rộng Giáo Hội về nhiều mặt, - kỷ luật, đạo lý, luân lý, đặc biệt là luân lý tính dục, cơ cấu Giáo Hội, nhất là tại nước Đức và các nước cùng ngôn ngữ này.
Như Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, tuyên bố cảm thấy phấn khởi và được khích lệ vì Tài Liệu làm việc này vì Văn kiện cũng đề cập đến những vấn đề mà Con đường Công nghị mà Công giáo Đức bàn đến và tìm cách giải quyết từ 4 năm nay.
Phản ứng quan tâm
Báo Le Figaro, thuộc khuynh hướng hữu phái ở Pháp, thì trình bày Tài liệu làm việc với một sắc thái có phần “lo lắng”. Ký giả Jean-Marie Guénois nhận xét rằng:
“Tài liệu làm việc muốn lật đổ phẩm trật của Giáo Hội để đề cao các tín hữu giáo dân, trong đó có phụ nữ. Ít khi Giáo Hội Công Giáo bị đặt lại vấn đề như vậy. Văn kiện đề nghị một phương pháp mới theo đó tập thể đưa ra các quyết định. Những biện pháp đó chưa được chấp nhận nhưng chúng là kết quả của một cuộc tham khảo ý kiến các tín hữu Công Giáo hoàn cầu.”
Tác giả bài báo cho rằng, “Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, vấn đề ở đây là lợi dụng những hậu quả tai hại do cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục của một thiểu số linh mục, để giải tỏa phẩm trật quyền bính trong Giáo hội, không phải đi từ thượng đỉnh nữa, nhưng từ “dân Chúa”, nghĩa là từ những giáo dân hạ tầng, họ có quyền trong tư cách họ có phẩm giá là những người đã chịu phép rửa, để bài trừ nạn “giáo sĩ trị”, hầu canh tân việc loan báo Tin Mừng.
Trong khi từ ngữ “Giáo hội Công giáo” chỉ được dùng 10 lần trong Văn bản, thì từ “Giáo Hội hiệp hành” được dùng 110 lần trong Tài liệu Làm việc. Các cuộc điều tra không gây ngạc nhiên, chúng phản ánh tất cả những điểm nhấn của triều đại Đức Phanxicô. Chỗ đứng thứ nhất được dành cho những người nghèo: trong Giáo hội hiệp hành, những người nghèo, tức là những người sống trong nghèo đói và bị loại trừ về mặt xã hội, chiếm chỗ đứng trung tâm”.
“Các linh mục và Giám mục bị Văn kiện của Vatican đặt vào hàng các bị cáo. Văn kiện tuy tỏ ra quí chuộng hồng ân linh mục thừa tác, nhưng nêu bật một ước muốn sâu xa đổi mới hồng ân này trong một viễn tượng hiệp hành. Các linh mục tận hiến cả cuộc đời, bị coi là những người xa lạ với cuộc sống và nhu cầu của dân chúng, và họ thường đóng khung trong lãnh vực phụng vụ bí tích.”
“Các Giám mục được yêu cầu đừng coi sự tham gia của mọi người như một đe dọa cho sứ vụ cai trị của các vị, nhưng cần phải xét lại phương thức quyết định của các vị, một cách minh bạch hơn... Văn kiện cũng nhấn mạnh cần dạy phương thức này ngay từ chủng viện, để các linh mục, Giám mục không chiếm vị thế trổi vượt, nhưng vun trồng thái độ phục vụ các tín hữu. Nơi trọng tâm của phương pháp này được coi là “một cuộc trao đổi trong Thần Khí”.
Đức Hồng Y Raymond Burke
Cũng có người có thái độ phủ nhận quyết liệt hơn, ví dụ như Đức Hồng Y Raymond Burke, người Mỹ, 75 tuổi (1948), nguyên Chủ tịch Tối cao pháp viện của Tòa Thánh. Ngài phê bình Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình “Lời Vĩnh Cửu” ở Mỹ, Đức Hồng Y nói rằng ngoài những toan tính rõ ràng muốn thay đổi giáo huấn về tính dục và luân lý của Giáo hội, vấn đề với Thượng Hội đồng về hiệp hành là các Hồng y lãnh đạo công nghị này không xác định được một cách rõ ràng ý nghĩa của hiệp hành: “Chắc chắn nó không phải là một dấu hiệu của Giáo hội. Các dấu hiệu của Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”.
Cũng có bài báo nêu cùng nhận xét như Đức Hồng Y Burke và nhận xét rằng trong Tài liệu làm việc, từ “Sinodalità” hay “Synodality”, hiệp hành hay đồng hành, được nhắc đến gần 40 lần, nhưng không hề được định nghĩa rõ ràng, và hầu hết chỉ được mô tả một cách mơ hồ, tuy rằng từ này thường được nói về một lối sống và hành động, quản trị, trong tinh thần cộng tác và tham khảo ý kiến giữa mọi phần tử của Giáo hội, giáo sĩ và giáo dân, cùng tham gia vào việc đi tới những quyết định về cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội.
Đức Cha Erwin Kraeutler
Hãng tin Công Giáo Áo cho biết trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí “Herder Korrespondenz” ở Đức, Đức Cha Erwin Krauetler, 83 tuổi, nguyên Giám mục thừa sai tại Xingu bên Brazil, tỏ ra không tin tưởng lắm nơi Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 tới đây, và e rằng Công nghị này cũng sẽ kết thúc như Thượng Hội đồng Giám mục khóa đặc biệt về miền Amazonia năm 2019, trong đó mặc dù hai phần ba các nghị phụ bỏ phiếu kêu gọi thay đổi, để phụ nữ có thể chịu chức thánh và truyền chức linh mục cho những thổ dân có gia đình, nhưng Đức Thánh Cha không chấp nhận các đề nghị này. Đức cha nói: Tông huấn “Querida Amazonia” của Đức Thánh Cha sau Thượng Hội đồng Giám mục ấy giống như “một gáo nước lạnh tại vùng Amazonia nóng bỏng... Tôi không muốn tỏ ra bi quan, nhưng tôi khó có thể tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, nay đã hơn 86 tuổi, có can đảm bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ”.
Đức Hồng Y Mario Grech
Trong bối cảnh những tranh luận trên đây, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nhắc nhở rằng Tài liệu làm việc mới công bố không phải là một văn kiện Huấn quyền của Hội Thánh, nhưng chỉ là đúc kết các vấn đề đã được nêu lên trong các cuộc tham khảo ý kiến. Khóa họp vào tháng 10 năm nay chỉ nhắm đào sâu vấn đề, qua các cuộc thảo luận, và khóa tháng 10 năm tới, 2024, mới đi tới các đề nghị, để sau đó đệ lên Đức Thánh Cha.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn