TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đói Cơm, Đói Thịt

20/01/2023 04:25:07 |   911

ĐÓI CƠM ĐÓI THỊT

ccct 200123a


Những câu chuyện kể sau cứ tưởng là chuyện khôi hài chẳng thể nào có; nhưng nó lại là sự thật đang xát muối vào lương tâm chúng ta.

Trong một bản tin “Chào buổi sáng”, VTV phát một phóng sự rớt nước mắt về những đứa trò nhỏ ở Bắc Yên, Sơn La: Ở lán, không cửa, phải leo ra leo vào như khỉ… Còn nữa, ở đó: 5 độ C. Không ngủ được thì sao? “Không ngủ được thì thức”. Cơm được nấu trong một chiếc nồi không vung. Và không có gì ăn, các cháu phải bẫy chuột làm thức ăn. Người phóng viên đã bức xúc: “Thoạt đầu chúng tôi không hiểu và chúng tôi cũng chỉ nghĩ rằng những chiếc bẫy này thì dùng để diệt chuột. Thế nhưng hỏi các em thì mới biết được rằng đây lại là cách của các em để cải thiện bữa ăn”.

Có bao giờ bạn thấy xấu hổ khi nhìn những tấm biển, bằng tiếng Việt, ở một khu du lịch nào đó ở Thái Lan: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu, lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt từ 200 bath đến 500 bath”? Có bao giờ trước một bữa buffet, nơi thức ăn bị bỏ lại thừa mứa, bạn nghĩ đến những đứa trẻ vùng cao đang phải bẫy chuột, nướng ve sầu để ăn?

Và rồi nữa: Chương trình “Cơm có thịt”. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đưa về Hà Nội để chữa bệnh cho một cô bé người Mông tên là Hầu Thị Ly, học sinh lớp 7 trường THCS Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai. Hầu Thị Ly thường xuyên ngất xỉu. Và ngay trước khi được đón về Hà Nội, gia đình đang “cúng ma” vì cho rằng cô bé bị “ma làm”. Có một chi tiết nói ra thật đau lòng. Hầu Thị Ly không ăn thịt. Vì sao ư? Vì đã từ tết năm ngoái, cô bé đã “quên” mùi vị của một miếng thịt. Chẳng biết đâu, căn bệnh ngất xỉu của Hầu Thị Ly bắt đầu từ những bữa ăn “chay trường”, ăn toàn
rau rừng quanh năm.

Trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị kể về những cảnh đời ở Châu Thành A, Hậu Giang đem “ngọc” đổi gạo. Đó là một anh Ba Ni nào đó “Không có đất cấy cầy, quanh năm suốt tháng, cả chồng lẫn vợ chỉ biết đi làm mướn nuôi con”. Và rồi, người đàn ông này, cũng như hơn 360 người khác, quyết định đi đình sản, nói như dư luận mà bài báo dẫn, là “thiến”, là “đổi ngọc lấy gạo”. “Thiến”, để được 800 ngàn đồng bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ “để dành… mua gạo ăn dần”. Thật đau lòng khi nghe lời thổn thức của vợ anh Ba: “Hồi đó cưới nhau lành lặn, bây giờ… làm vậy thấy nó ngồ ngộ! Phải chi bị tai nạn hay bệnh tật gì mà buộc phải vậy thì đành chịu, đàng này… Nhưng thôi, số mình nghèo nên chịu… vậy!”.

Đói cơm. Đói thịt. Không phải chỉ những đứa trẻ vùng cao. Không chỉ những người dân không đất Hậu Giang. Mặc dù đất nước vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nhưng vẫn còn khoảng 400 nghìn lượt hộ, gần 2 triệu lượt người thiếu đói. Đó là một sự thật.

Gạo không thiếu. Chính sách không thiếu. Cái thiếu dường như là trách nhiệm, và một chữ tâm của những người thực thi chính sách.

Và đó cũng là vấn nạn được đặt ra cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta phải biết chia sẻ cơm bánh cho người nghèo khó. Trước bữa ăn người Kitô hữu làm dấu Thánh giá xin Chúa chúc lành và làm phép của ăn; nhưng có lẽ cũng nên dành một giây để nhớ đến những mảnh đời cơ cực, ăn bữa sáng lo bữa tối, những người đói cơm đói thịt, để không ăn uống phung phí, thừa mứa đổ bỏ. Bữa ăn bớt một chút thôi: một vốc gạo, một con cá, một miếng thịt giúp cho người nghèo được chứ?! Các tổ chức từ thiện đâu cũng có, điều quan trọng là ta có đến những địa chỉ đó để cùng các tình nguyện viên nối dài cánh tay của Thầy chí thánh đến với người nghèo. Người có công người có của, cùng nhau xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn, khoảng cách giàu nghèo ngày một rút ngắn lại, vùng cao vùng xuôi sẽ không còn sự khác biệt và nhà nhà trên khắp mọi miền đất nước chúng ta sẽ có một cái tết ấm no hạnh phúc. Mong ước lắm thay!

HỒNG LONG – Xuân Quý Mão

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây