TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực

15/12/2022 12:04:06 |   972

Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực

Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực

TIỂU SỬ ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC
Sinh ngày: 25.10.1925, tại Giáo xứ Bút Đông, Hà Nội (thuộc xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, Hà Nam)
1939 – 1945: Học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội.
1945 – 1948: Giúp xứ Hoàng Nguyên, Hà Nội.
1948 – 1954: Học Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội.
Thụ phong Linh mục: 31.5.1954 tại Hà Nội do Đức Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê
Tấn phong Giám mục: 15.8.1981 tại Banmêthuột do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai.

Đã phục vụ:
1954 – 1955: Phục vụ Cô nhi viện Têrêxa tại Hà Nội và Banmêthuột
1955 – 1959: Phó xứ Thánh Tâm Banmêthuột
1960 – 1967: Quản xứ Châu Sơn Banmêthuột
1967 – 1990: Tổng Đại diện Giáo phận Banmêthuột
1967 – 1972: Quản xứ Thánh Tâm (Chính tòa Banmêthuột)
1972 – 1983: Giám đốc Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh Banmêthuột
1981 – 1990: Giám mục phó Giáo phận Banmêthuột
1990 – 2000: Giám mục Chính tòa Giáo phận Banmêthuột
Từ 2000: Hưu tại Tòa Giám mục Banmêthuột.

Được Chúa gọi về lúc 09g55, thứ Sáu ngày 23 tháng 09 năm 2011 (Nhằm ngày 26 tháng 8 Tân Mão)

ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC - NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực đã từ giã cõi đời được một năm, kể từ ngày 23/09/2011. Tình cảm của tất cả mọi người trong Giáo phận Banmêthuột vẫn chưa hề nguôi và luôn tưởng nhớ tới hình ảnh của vị cha chung nhân hậu. Trong dịp lễ tang của Ngài đã có nhiều bài viết nói lên những tình cảm quý báu, những bài giảng lễ tâm tình của lòng biết ơn ghi nhận những đóng góp của Người với Giáo phận Banmêthuột…

Có lẽ trong cuộc đời, mỗi người trong chúng ta sẽ có ấn tượng tốt đẹp về một ai đó. Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực là hình ảnh sống động để mọi người noi theo, là một tấm gương lớn và là con người có tấm lòng quảng đại sống vì người khác; là con người chính trực để khi chết đi hình ảnh và lời giáo huấn của Người vẫn còn tồn tại. Những hoa trái của tinh thần khiêm tốn và khó nghèo nơi người cha chung vĩ đại đã để lại trong tâm thức của mọi người di sản tinh thần bất diệt…

Trong Thánh lễ viếng linh cửu người thầy đáng kính của Gia đình Chủng viện Lê Bảo Tịnh, cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện đã mở đầu bằng những lời trong bài hát “Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời” để ví hình ảnh của người thầy đáng kính không khác gì núi Thái Sơn:

“Con cứ ngỡ rằng núi Thái sơn không bao giờ ngã xuống,  
Con cứ ngỡ rằng bàn tay cha mãi mãi bên con,  
Nhưng hôm nay bóng dáng cha đã khuất xa rồi, 
Núi Thái sơn ngả bóng cuối trời,
Con ở lại với nỗi đơn côi, gọi thầm cha ơi, cha hỡi…!


Những hình ảnh so sánh sống động đã làm cho mọi người rơi lệ. Những xúc cảm trào dâng lan tỏa tạo cho mọi người cảm giác bùi ngùi thầm gọi cha ơi… Những điều này đã nói lên những tình cảm thật. Vì cuộc đời của Cha là những tháng ngày gian khổ, đầy những cam go và thử thách, cuộc đời Linh mục của Cha là dấn thân, chia sẻ với mọi người. Chúng ta thử nhìn lại một giai đoạn lịch sử cam go khi ấy Giáo phận Banmêthuột mới thành lập.

Giáo phận Banmêthuột được thành lập năm 1967, giai đoạn chiến tranh bắt dầu leo thang tại miền Nam. Một năm sau khi Giáo phận thành lập là cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa năm 1972 và biến cố năm 1975. Những sự kiện này cộng hưởng thành một giai đoạn khó khăn cho sự phát triển của một Giáo phận còn non trẻ. Đấng tiền nhiệm, Đức cha cố Phêrô Nguyễn Huy Mai đã đặt nền móng ban đầu cho Giáo phận. Tuy nhiên, cuộc chiến mùa hè năm 72 và những trận giao tranh kế tiếp đã cô lập hoàn toàn vùng Phước Long vốn là một Giáo hạt của Giáo phận ra khỏi tầm hoạt động mục vụ. Những năm sau 1975 là những năm thực sự khó khăn nhiều mặt, kể cả vật chất, tinh thần và xã hội. Điều này đã trở thành một gánh nặng trên vai vị chủ chăn. Mọi người không quên hình ảnh của vị Giám mục tiên khởi, Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, một con người dáng dấp nhỏ bé nhưng kiên nghị, đã có những thái độ kiên quyết và lời nói đanh thép thể hiện lập trường của Giáo hội. Khẩu hiệu của Ngài: “Đức Kytô phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”. Mọi người vẫn thường nói một cách vui vẻ: ‘Đức cha của chúng ta không thể nhỏ hơn nữa’…

Đức cha Phêrô ra đi trong giai đoạn khó khăn năm 1990, để lại gánh nặng cho người kế nhiệm là Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực, thiết nghĩ hoàn cảnh khó khăn của giai đoạn này đã từng được phân tích trong những bài viết trước đây nên không cần phải lập lại (1). Tuy nhiên là người đã từng trải qua nhiều giai đoạn xã hội, đã cảm nghiệm và tích lũy được những giá trị thiêng liêng trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Ngài đã chọn khẩu hiệu Giám mục: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” để chứng tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa nhân lành. Cuộc đời của Ngài là sự thể hiện của lòng thương xót. Những mẫu chuyện đơn giản sau đây sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy được tấm lòng của Ngài:

1. Trong chủng viện vào giờ nguyện ngắm buổi sáng thấy các chủng sinh có vẻ vất vả và khó nhọc, cha hướng dẫn: Cầu nguyện phải giữ cho tâm hồn thật thanh thản, bình an, nghĩ tới Chúa là một người bạn thân thiết, gần gũi và nói với Chúa những lời tâm sự hết sức giản dị và bình thường, đừng suy nghĩ những điều cao siêu, xa vời.(2)

2. Cha luôn quan tâm đến sức khoẻ của các chủng sinh, câu nói đầu cửa miệng luôn là: ‘một tinh thần sáng suốt trong một thân xác khỏe mạnh. Khi ốm đau không nên cố gắng quá sức, không bắt buộc thức dậy đi lễ sáng. Quan niệm sống của cha hết sức rõ ràng không nệ cổ, việc ăn chay không phụ thuộc vào hình thức mà phải chú trọng vào nội tâm. Mùa chay là mùa của từ bỏ những thói hư tật xấu và quyết tâm thực hiện những mục đích thánh thiện, Ngài luôn chú trọng để các chủng sinh ăn uống đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sức khoẻ.(2)

3. Đi kinh lý các giáo xứ, Ngài luôn khuyên giáo dân nỗ lực làm kinh tế giỏi, vì có kinh tế thì mới có thể lo cho con cái ăn học và phát triển về mặt xã hội, khuyến khích mọi người trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su.

4. Ngài cổ vũ việc truyền giáo trong cộng đồng bằng gương sáng, thúc đẩy tầng lớp trẻ tiến thân bằng con đường học tập, phải có nhiều trí thức công giáo thì mới có thể xây dựng xã hội một cách bền vững.

5. Trong một lần bệnh nặng chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy. Khi mọi người tới thăm, Ngài chỉ đón nhận những lời thăm hỏi bằng ánh mắt và cử chỉ vì phải thở bằng Oxy nên không thể nói được. Khi các Linh mục tới thăm Đức cha, Ngài ra hiệu và dùng ngón tay để viết lên bụng những câu hỏi hết sức bình thường, thể hiện sự quan tâm tới các Linh mục của mình như: Cha có khỏe không? Có bệnh hoạn gì không? Phải sắp xếp thời gian đi nghỉ và không được làm việc quá sức… Những điều giản dị và bình thường này đã nói lên sự quan tâm và tấm lòng quý mến đối với các Linh mục của vị cha chung.

6. Trong những tháng ngày nằm bất động trên giường bệnh chỉ còn đôi mắt là tinh anh, hình như Ngài luôn cảm nhận tất cả những diễn biến chung quanh và luôn cầu nguyện cho Giáo phận. Đúng ra nhiều lần Ngài đã ra đi nhưng mọi người có cảm giác Thiên Chúa đang cho Ngài ở lại để chứng kiến những sự đổi thay. Ngày 12/09/2011, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, đã đến viếng thăm giáo phận Ban Mê Thuột. Khi ĐGM Leopoldo Girelli ghé tai nói với Đức cha Giuse, mọi người nhận thấy giọt nước mắt lăn tròn từ khóe mắt của Ngài. Mười ngày sau, ngày 23/09/2011, Đức cha Giuse từ giã cõi đời.

Lắp ghép tất cả những sự kiện này lại, mọi người không khỏi xúc động và nhận ra ý định của Thiên Chúa dành riêng cho Đức Cha thân yêu của chúng ta. Trong ngày Ngài ra đi, trời mưa tầm tã nhưng không ngăn được bước chân của những người mến mộ, của những cộng đoàn giáo dân từ các giáo xứ, của những học trò, của các phái đoàn từ các giáo phận khác đến viếng thăm. Tất cả đến với Ngài vì sự hấp dẫn của một con người giản dị, một tấm lòng quảng đại và thái độ chân thành dành riêng cho một con người vĩ đại.

Xin được mượn lời của một môn sinh Lê Bảo Tịnh để thay cho lời kết: “Tôi đã dự đám tang nhiều lần trong đời, ở đó thường là bầu khí tang tóc bao trùm, nỗi buồn hiện lên trong mỗi thành phần tham dự. Cha khóc con, vợ khóc chồng, bà con bạn bè chia sẻ nỗi buồn với tang quyến. Vẫn biết rằng với bất kỳ tôn giáo nào, chết không phải là hết mà là sự trở về với đời sống đích thực sau đó, nhưng rồi niềm tin ấy vẫn không che lấp hết được nỗi buồn của sự chia ly.

Ngược lại khi tham dự Thánh lễ an táng Đức cha Giuse tôi có một cảm nhận khác. Không gian Tòa Giám Mục không phải là không khí của một đám tang bình thường, ở đó là một ngày hội hay đúng hơn là một buổi tập hợp của các thành phần dân Chúa. Từ các giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ đến giáo dân với dấu hiệu là chiếc khăn, vòng băng vải mang ở tay, cà vạt màu trắng, đen, tím… tưởng nhớ đến người cha thân yêu của mình. Đức cha ra đi là sự giải thoát cho những tháng ngày đau đớn của ngài trên giường bệnh. Đức cha ra đi sau khi đã hoàn thành xuất sắc sứ vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho ngài ở trần gian này. Từ một linh mục đến một giám mục, từ vị cha xứ đến giám đốc chủng viện, nhắc đến ngài là nhắc đến một con người đơn sơ, khôn ngoan, đạo đức, bình dân... Và như vậy chắc chắn hôm nay ngài sẽ trở về trong vòng tay chào đón của Thiên Chúa, đó đích thực là một Niềm Vui.

Anh em Lê Bảo Tịnh cũng vậy, tham dự Thánh lễ an táng Đức cha Giuse như là một dịp để anh em họp mặt với nhau cùng nhớ đến người Thầy rất thân thương của mình, dù ngài không còn sống trên thế gian này với chúng ta nữa nhưng hình ảnh của ngài sẽ còn lưu mãi trong lòng mỗi thành viên của gia đình Lê Bảo Tịnh chúng ta. “NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY” là vì vậy. (3)

 

Hoàng Công Nga

(1) http://lebaotinhbmt.com/index.php?nv=News&at=article&sid=2482 (Chân dung vị mục tử, Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực)
(2) Tham khảo: Cảm nhận về cha, người mục tử nhân lành – Nguyễn Văn Lương
(3) Trích đăng: Như chưa hề có cuộc chia ly – Nguyễn Văn Sáng


 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây