WGPMT (29.01.2024) – Chúa nhật 21/01/2024, trong Giờ đọc Kinh Truyền Tin, Đức giáo hoàng Phanxicô nói với mọi người hiện diện tại Quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô: “Những tháng tới đây sẽ đưa chúng ta tới gần với việc mở Cửa Thánh và bắt đầu Năm Thánh. Tôi xin anh chị em gia tăng việc cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn chúng ta sống biến cố ân sủng này thật tốt đẹp, và cảm nghiệm sức mạnh của niềm hi vọng nơi Thiên Chúa. Vì vậy, hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Cầu Nguyện, tức là một năm khám phá lại giá trị lớn lao và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, trong đời sống Hội Thánh, và trong thế giới. Chúng ta sẽ được trợ giúp bằng các tài liệu do Bộ Phúc Âm hóa cung cấp”.
Đức giáo hoàng giảng trong Giờ đọc Kinh Truyền Tin ngày 14.01.2024
Như thế, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Đức giáo hoàng đã hướng lòng chúng ta tới Năm Thánh 2025. Có rất nhiều việc phải chuẩn bị cho Năm Thánh như học hỏi về Năm Thánh, các cuộc hành hương trong Năm Thánh… nhưng cách chuẩn bị cần thiết nhất là cầu nguyện.
Chúa nhật 21/01/2024 vừa qua cũng là Chúa nhật III Thường niên, được chọn là Chúa nhật Lời Chúa. Trong bài giảng, sau khi nêu cao quyền năng của Lời Chúa, Lời khiến các môn đệ đầu tiên từ bỏ mọi sự và đi theo Chúa (x. Mc 1,8), Đức giáo hoàng Phanxicô đặt nhiều câu hỏi cho cộng đoàn tham dự Thánh Lễ: “Trong nhà tôi ở, Lời Chúa chiếm vị trí nào? Giữa bao nhiêu sách vở, tạp chí, truyền hình và điện thoại, Kinh Thánh ở đâu? Trong phòng của tôi, có quyển sách Tin Mừng nào gần đó không? Tôi có đọc Lời Chúa hằng ngày để trung thành với con đường mình đi không? Tôi có mang theo một quyển Tin Mừng bỏ túi để có thể đọc không? Cha vẫn thường nói về việc phải có sách Tin Mừng bên mình, để trong túi hoặc trên điện thoại. Nếu Đức Kitô thân thiết với chúng ta hơn bất cứ điều gì khác, làm sao chúng ta có thể để Ngài ở nhà mà không đem theo mình? Và câu hỏi cuối cùng: Tôi đã đọc ít nhất là một trong bốn sách Tin Mừng chưa? Tin Mừng là sách ban sự sống. Tin Mừng là quyển sách ngắn và đơn giản, thế nhưng nhiều tín hữu chưa bao giờ đọc một trong bốn sách Tin Mừng từ đầu đến cuối”.
Giả như ngày nào đó, Đức giáo hoàng đến thăm Việt Nam và ngài cũng đặt những câu hỏi đó cho chúng ta, thì các tín hữu Việt Nam sẽ trả lời ra sao? Có bao nhiêu giáo dân Việt Nam đọc Lời Chúa hằng ngày? Có bao nhiêu người có Kinh Thánh trong nhà? Có bao nhiêu người đem theo Kinh Thánh bên mình? Câu trả lời của chúng ta sẽ làm cho Đức giáo hoàng vui hay buồn?
Giáo dân Việt Nam có lòng đạo rất tốt, lễ hội cũng nhiều, nhưng xem ra vẫn xa lạ với việc đọc Kinh Thánh. Đã có nhiều sáng kiến và cố gắng thúc đẩy việc đọc Kinh Thánh nhưng kết quả chưa khả quan lắm. Liệu chúng ta đã thực sự làm hết sức mình chưa, về nhân lực cũng như vật lực? Thúc đẩy giáo dân đọc Kinh Thánh có thực sự là mối ưu tiên hàng đầu của các mục tử chưa hay chỉ đứng hàng thứ yếu? Không thể nói là người Việt Nam không quen với việc đọc Kinh Thánh vì các anh chị em thuộc các cộng đoàn Kitô khác rất quen với Kinh Thánh!
Cách đây không lâu, trên đường đi công tác, tôi ghé Trạm dừng chân Long Thành – Dầu Giây, tình cờ có một anh giáo dân đến chào và nói ba con nằm trong bệnh viện muốn nói chuyện với cha, rồi anh đưa điện thoại cho tôi. Tôi chưa kịp hỏi thăm, ông cụ đã nói: “Con mua 1.500 cuốn Gia đình sống Lời Chúa hằng ngày của cha để phân phát cho bà con!” Thật cảm động, vẫn có những giáo dân nhiệt tình với Lời Chúa như thế.
Năm 2024 được Đức giáo hoàng chọn là Năm Cầu Nguyện. Ước gì Năm Cầu Nguyện này cũng là dịp thúc đẩy việc cầu nguyện với Lời Chúa, đọc Kinh Thánh hằng ngày trong gia đình, quan tâm việc học Lời Chúa trong chương trình Giáo lý cho mọi cấp. “Thầy bảo thật anh em, trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi đâu” (Lc 21,33).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net