TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng từ bi và Tình bác ái

30/05/2023 12:29:16 |   664
KARUNA VÀ AGAPE

LÒNG TỪ BI VÀ TÌNH BÁC ÁI


 

WGPMT (29.05.2023) – Hằng năm trước lễ Giáng sinh, các vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo đến thăm và chúc mừng tôi tại Tòa giám mục. Đáp lại thịnh tình của các vị, năm nào tôi cũng đến chùa Vĩnh Tràng để thăm và chúc mừng các vị nhân dịp lễ Phật đản. Khi đến thăm, tôi cũng trân trọng kính gửi các vị Sứ điệp của Bộ Đối thoại liên tôn gửi đến quý Phật tử dịp Đại lễ Vesak, mừng các sự kiện đản sanh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật. Sứ điệp năm nay có chủ đề Phật tử và Kitô hữu chữa lành nhân loại và trái đất bị tổn thương bằng lòng từ bi và tình bác ái.

Đọc Sứ điệp này, tôi học được nhiều điều. Trước hết, Sứ điệp 2023 làm nổi bật những điểm tương đồng giữa hai tôn giáo hơn là đào sâu những khác biệt. Điểm tương đồng ấy là lòng từ bi của Nhà Phật và tình bác ái của Kitô giáo. “An trú với tâm từ bi” là giáo huấn quan trọng của Đức Phật, và hình ảnh vừa cụ thể vừa rất thân quen với mọi Phật tử là Bồ Tát, “người đã từ chối nhập Niết Bàn và ở lại thế gian làm việc để xoa dịu khổ đau của tất cả chúng sinh cho đến khi họ được giải thoát”. Tương tự như thế, bác ái (agape) là “di sản vĩ đại mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ”, được cụ thể hóa qua hình ảnh người Samari nhân hậu, “đã ra sức chăm sóc cho một người khách lạ là nạn nhân của bọn cướp nhưng lại bị coi là kẻ thù của dân tộc mình”. Đó là một tấm gương cụ thể về tình bác ái vượt trên mọi ranh giới và khác biệt để đến gần và trợ giúp người đang cần giúp đỡ.

Vì sự tương đồng ấy, các Phật tử và Kitô hữu được mời gọi cộng tác với nhau để “cung cấp các phương thuốc có thể chữa lành vết thương trầm trọng của các gia đình, quốc gia và hành tinh này”, đồng thời “xây dựng một thế giới công bằng, hòa bình và hợp nhất hơn”.

Không chỉ đề cao giáo huấn của Đức Phật cũng như Đức Giêsu, Sứ điệp năm nay còn có một ghi nhận khá thú vị khi viết rằng: “Những dịp lễ hội giúp chúng ta lùi lại một bước cần thiết, thoát khỏi thói quen thường ngày để đề cập đến các vấn đề với cái nhìn mới”.

Thoạt nghe dường như có điều gì đó không ổn giữa việc “tổ chức lễ hội” và việc “lùi lại một bước cần thiết”, bởi lẽ lễ hội thường làm cho người ta hướng ngoại vì sự ồn ào và những tổ chức hoành tráng bên ngoài chứ không phải là một bước lùi lại để đi vào bên trong. Thế nhưng nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy đây là lời nhắc nhở cần thiết cho các Phật tử cũng như Kitô hữu. Mừng một ngày lễ tôn giáo không giống như tổ chức một lễ hội ngoài đời nhưng phải là cơ hội cho chúng ta “lùi lại một bước cần thiết”, để tạo khoảng cách với nhịp sống quen thuộc hằng ngày, nhờ đó có thể lắng nghe những thao thức sâu lắng trong tâm hồn, nhìn thấy sự vật rõ hơn, và đi tìm “lời giải đáp cho những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn con người phải xao xuyến sâu xa” (Nostra Aetate, 1). Nói cách khác, cần phải nội tâm hóa nhiều hơn.

Cuối cùng là việc Sứ điệp nhấn mạnh đến tu tập như Đức Phật dạy: “Hãy tu tập về lòng từ bi, nhờ đó cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt”, khi đó Phật tử sẽ “tung rải từ tâm khắp vũ trụ. Mở rộng lòng thương không giới hạn. Tầng trên, phía dưới và khoảng giữa. Không vướng mắc oán thù, ghét bỏ”. Cũng thế, các Kitô hữu được kêu gọi tu tập để sống tình bác ái, là “chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự. Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách” (ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2014).

Đây chính là sự đóng góp quan trọng của tôn giáo cho xã hội loài người. Các tôn giáo không đào tạo những người làm kinh tế hay chính trị, nhưng huấn luyện những con người sống lòng từ bi và tình bác ái. Những con người ấy bước vào đời sống xã hội không chỉ với kiến thức và khả năng chuyên môn như những người khác, nhưng còn với tâm từ bi và lòng bác ái, nhờ đó góp phần giải độc và hóa giải “những căng thẳng và những điều ác đang bao trùm nhân loại ngày nay.”

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: 
giaophanmytho.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây