Nước Mắt là Giá Trị Cuộc Sống?
Người Việt chúng ta sống cảm tính, nặng tình… Nhận xét này chắc ít người phản đối. Con tim quá nhạy cảm nên dễ xúc động, dễ xúc động thành ra mau nước mắt.
Con người giàu tình cảm là điều đáng quý trọng. Chúa Giê-su là mẫu mực đó: Ngài vui hết mình trong tiệc cưới, đổ lệ với cái chết của bạn thân Ladaro, phẫn nộ trước sự vô cảm của lãnh đạo Do-thái, thương cảm xót xa khi chứng kiến người khác khổ đau thiếu thốn. Thầy Giê-su không chỉ có đầy đủ cảm xúc của một con người mà còn rất dạt dào, tuy nhiên Thầy biết thể hiện đúng nơi đúng lúc…
Chúng ta tình cảm, nhưng phần nhiều là bốc đồng nhất thời nên hời hợt chóng qua. Chúng ta thích nước mắt, vì nước mắt tác động mạnh vào cảm xúc, làm cho chúng ta dễ thể hiện và chứng minh mình là người giàu tình cảm.
Thế nên nước mắt vô tình trở thành biểu tượng cho giá trị cuộc sống.
- Nước mắt trên ảnh Chúa, tượng Mẹ… trở thành phép lạ hấp dẫn biết bao nhiêu người. Mấy năm trước thôi, hết Chúa khóc chỗ này, Mẹ đổ nước mắt nơi kia khiến bao người kéo tới xem, bàn luận không ngớt. Hù dọa nhau cho chán rồi nhìn lại thấy cuộc sống cá nhân của những người khẳng định “phép lạ” cũng chẳng có gì đổi mới.
Lạ ở chỗ khi Chúa tạo thành trời đất, Kinh Thánh ghi “Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp…” mà không hiểu sao Ngài lại hay khóc vậy. Dù con người có tội lỗi thì cũng đâu phải tất cả! Biết bao người đang sống tốt, biết bao điều tốt đẹp đang diễn ra, vậy sao không thấy các Ngài cười khích lệ mà toàn khóc! Có chăng Ngài khóc thật hay chúng ta thích khóc? Có chăng cuộc sống ta không thích niềm vui nên nhìn đời trong màn nước mắt?
- Nước mắt của chứng nhân: Bao nhiêu người được mời làm chứng nhân để tâm sự đời mình thì tất cả đều khóc. Nước mắt họ gây xúc động mạnh đến người khác nên ai cũng cho đó là phép lạ. Tôi dám chắc, không cần đến chỗ hành hương, ở nhà thờ hay trong cộng đoàn nhỏ mà được mời lên kể đời mình thì đều khóc hết. Thứ nhất là hãnh diện được xuất hiện trước công chúng, thứ hai là giá trị đời mình đang được lắng nghe và ngưỡng mộ, thứ ba là bản thân cũng phải cố gắng biểu cảm để tác động người nghe…
Phép lạ trên hết là sự biến đổi con người theo hướng tích cực. Mà một khi đã được biến đổi, họ hiểu Chúa muốn họ sống thế nào nên chắc chắn không muốn khoe khoang, nhiều lời trước thiên hạ.
- Nước mắt của cảm xúc trước những biến cố đặc biệt trong đời. Ai trong chúng ta chưa từng vì xúc động mà đổ lệ? Những giọt lệ hạnh phúc của tình yêu nam nữ, của linh mục hay tu sĩ trong ngày mở tay và khấn trọn, hay những giọt lệ của đau khổ vì bị phụ bạc, lừa dối, chia ly vĩnh viễn… Nó giá trị với cá nhân trong từng hoàn cảnh và thời điểm nhất định, chứ không phải điều vĩ đại để chúng ta bắt cả thế giới sống mãi với cảm xúc đó, hay để khẳng định con người khi thể hiện cảm xúc đó chứng minh họ mang một tâm hồn cao cả…
Chia sẻ những điều này để chúng ta có cái nhìn quân bình về cuộc sống, quân bình trong tình cảm. Bởi lẽ khi để cho cảm xúc lấn áp lý trí, chúng ta như con rối cho người khác điều khiển mình. Nhất là nơi mạng xã hội dễ tiếp cận và tác động trực tiếp đến chúng ta.
Một sự kiện bức xúc ngoài xã hội, nó thuộc phạm vi pháp luật thì đã có cơ quan công quyền giải quyết, chúng ta đừng xua theo để chửi, để kêu gọi 500 anh em đi giải quyết… Cảm xúc không đúng chỗ sẽ lộ ra yếu kém của bản thân. Thời đại thông tin nhiễu nhương, báo chí lợi dụng khích động đánh lạc hướng… Xin tỉnh táo, bình thản quan sát cuộc sống để học khôn cho mình.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh