TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÀI 27 - VĂN HOÁ ỨNG XỬ

Thứ tư - 10/08/2022 07:23 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   696
Chúa phán : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).
BÀI 27 - VĂN HOÁ ỨNG XỬ
BÀI 27
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – TẬP XÉT ĐOÁN TỐT CHO THA NHÂN
 

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).
2. CÂU CHUYỆN : YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU.
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có ghi lại câu chuyện về thói xét đoán chủ quan như sau :
Vua nước Vệ rất yêu thương một cô gái tên Di Tử Hà. Theo luật nước Vệ : Ai phạm tội đi trộm xe của vua sẽ bị phạt chặt chân. Một hôm nghe tin báo mẹ bị ốm nặng lúc nửa đêm, Di Tử Hà đã vội lấy xe của nhà vua mà đi cho nhanh. Sau khi biết chuyện vua liền khen rằng : “Di Tử Hà có hiếu thật ! Vì hết lòng hiếu thảo với mẹ nên đã dám phạm lỗi đi xe của vua là tội có thể bị chặt chân !” Lại một hôm khác, khi theo vua đi chơi ngoài vườn cây ăn trái, Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngọt, liền đưa cho vua phân nửa còn lại. Vua liền quay sang nói với cận thần rằng : “Nàng ấy yêu trẫm thật ! Của đang ăn ngon miệng mà sẵn sàng nhường một phần cho trẫm”.
Về sau khi vua không còn yêu Di Tử Hà nữa, một hôm Di Tử Hà phạm lỗi, vua liền nổi giận kể ra các tội cũ của nàng : “Di Tử Hà có lần đã dám tự tiện lấy xe của trẫm mà đi. Lại lần khác đã dám đưa cho trẫm nửa trái đào đã ăn còn thừa. Nàng ta đã nhiều lần phạm tội đối với trẫm”. Nói xong vua truyền cho quân lính trị tội Di Tử Hà.
3. SUY NIỆM :
Chúa ban cho lòai người chúng ta có trí khôn biết suy luận điều hay lẽ thiệt, biết phân biệt điều đúng sai phải trái, biết nhận xét người tốt kẻ xấu... để ứng xử cho xứng hợp. Như vậy sự xét đoán là một tài năng cao quý Chúa ban cho lòai người, làm cho con người trổi vượt trên mọi lòai vật khác.
Tuy nhiên chúng ta thường hay nghĩ sai, xét đoán ý trái cho kẻ khác nên Chúa Giê-su đã dạy: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy” (Mt 7,1-2).
4. SINH HOẠT :
1) TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC ?
a) Do bản tính của chúng ta không tốt : Các thánh nhân là những người tốt, lòng trí đầy thiện hảo, nên thường nghĩ tốt cho người khác, luôn cắt nghĩa ý tốt và ngay lành cho tha nhân. Còn những người xấu thường “suy bụng ta ra bụng người”, nên hay nghĩ xấu cho người khác. Chính thói xấu nhỏ nhen, ưa ganh tị với những ai hơn mình làm cho chúng ta dễ xét đoán và đánh giá không đúng về người khác : “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn; Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra !”
b) Do bị tình cảm yêu ghét chi phối : “Yêu nên tốt, ghét nên xấu !”. Thực vậy, khi đeo kính màu hồng thì chúng ta sẽ nhìn thấy mọi người mọi vật chung quanh đều màu hồng cả. Ngay cả những sai lỗi, khuyết điểm của “người yêu” cũng trở thành dễ thương như ca dao Việt Nam: “Mũi em mười tám gánh lông, Chồng yêu, chồng bảo : Râu rồng trời cho ! - Đêm nằm thì ngáy o o... Chồng yêu, chồng bảo : Ngáy cho vui nhà ! - Đi chợ thì hay ăn quà, Chồng yêu, chồng bảo : Về nhà đỡ cơm ! - Trên đầu những rác cùng rơm, Chồng yêu, chồng bảo: Hoa thơm rắc đầu !”...
2) XÉT ĐOÁN Ý TỐT CHO THA NHÂN MANG LẠI NHỮNG ÍCH LỢI GÌ ?
Việc xét đoán ý ngay lành cho người khác sẽ mang lại nhiều ích lợi như sau :
Tâm hồn ta sẽ có sự bình an và gặp được nhiều may lành trong cuộc sống : Người hạnh phúc là người có tâm hồn lạc quan vui vẻ, luôn nhìn vào mặt tích cực của sự việc và nghĩ tốt cho kẻ khác, nên dễ gây được thiện cảm và sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Trái lại, kẻ bất hạnh thường “vạch lá tìm sâu”, ưa tìm những điều tồi tệ trong mọi việc để chỉ trích kết án người khác. Từ đó họ sẽ có nhiều kẻ thù nên lúc nào cũng phải lo đối phó và công việc của họ sẽ khó đạt được thành quả như ý.
3) LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC ?
a) Phải biết mình trước : Mỗi người chúng ta đều có đeo hai cái túi : Túi trước ngực đựng những ưu điểm và túi sau lưng chứa những khuyết điểm của mình, nên khi đối nhân xử thế, chúng ta thường chỉ nhìn thấy ưu điểm của mình và thấy khuyết điểm của người khác phía trước. Và ngược lại chúng ta lại không nhận ra khuyết điểm của mình phía sau lưng và ưu điểm của kẻ khác phía trước như người đời thường nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!”. Do đó, thái độ nhìn lại mình để tự kiểm điểm luôn cần thiết mà mỗi người tín hữu cần thực hiện :
- Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để không lên án anh em.
- Biết mình thường che đậy giả hình để dễ cảm thông và khoan dung với kẻ khác.
- Biết mình ưa phô trương háo thắng để tránh phê phán khinh thường tha nhân.
Binh pháp Tôn Tử có câu : “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng !”. Thánh Au-gút-ti-nô cũng thường cầu nguyện như sau : “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”.
b) Phải tự sửa lỗi trước : Người xưa rất có lý khi xếp việc tu thân đứng đầu các việc phải làm để thu phục nhân tâm như sau : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Phải tự sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi người khác để tránh tình trạng : “Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người ”. Chúa Giê-su cũng dạy môn đệ : “Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ” (Lc 6,41). Vậy để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào “cái rác” nơi kẻ khác để chỉ trích họ, nhưng hãy nhìn vào tâm hồn của mình, để thấy “cái đà” kiêu căng tự mãn, phô trương giả hình mà tu sửa cho tâm nên trong sáng, trước khi đủ sáng suốt và uy tín để giúp tha nhân sửa lỗi.
c) Phải khiêm tốn và năng khen ngợi cái hay của người khác : Do thói kiêu căng tự ái cao, chúng ta thường không muốn bạn bè trổi vượt hơn mình. Chúng ta thường hà tiện lời khen kẻ khác, nhưng lại hào phóng phê bình nói xấu họ. Có thể nói : một trong những tội mà người ta dễ sai phạm nhất là tội xét đoán ý trái, cố tình nghĩ sai cho kẻ khác, nhất là những kẻ mình không ưa.
d) Phải năng suy niệm Lời Chúa và cầu xin ơn Chúa giúp : Lời nói việc làm của chúng ta chỉ có thể sinh hoa trái nếu biết năng đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Chúng ta cũng chỉ có thể phát sinh hoa trái là làm các việc lành nếu năng đón nhận Thánh Thể trong thánh lễ là bí tích Tình Yêu.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Do tính ích kỷ, con thường hay bắt lỗi và chỉ trích tha nhân, nhất là những kẻ con không ưa. Do thói kiêu căng tự mãn con thường muốn được nhiều người khen ngợi, và lại hay nói xấu để hạ uy tín của kẻ khác. Từ nay xin Chúa giúp con luôn xét đoán theo ý ngay lành cho tha nhân, biết khiêm tốn khen các ưu điểm của bạn bè hơn con để động viên họ. Nhờ đó con sẽ thực thi lòng mến, hầu nên môn đệ đích thực của Chúa.- Amen.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây