TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VII PS-B - Chúa Thăng Thiên

“Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”. (Mc 16, 15-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Gia Đình Nơi Ta Tìm Về

Thứ hai - 31/05/2021 21:04 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   644

Gia Đình Nơi Ta Tìm Về




Có người nói rằng: Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Đó là Gia Đình…
Đúng vậy, gia đình là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy dẫy những chông gai và cạm bẫy, nơi ta có thể quay về sau những lần vấp ngã hay thất bại trong cuộc sống, nơi ta luôn nhận được sự yêu thương, dạy bảo trước những sai lầm, cũng là nơi ta có thể cởi bỏ chiếc “mặt nạ” và sống thật với bản thân. Gia đình chính là nơi bình yên nhất và an toàn nhất trong cuộc sống của chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta, gia đình vẫn lặng thầm dõi theo và luôn dang rộng cánh tay đón ta trở về…
Cách riêng với các Ki-tô hữu, gia đình là một công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài đã đặt để nơi mỗi gia đình một sứ mạng, và tạo nên những mầm sống mới từ đôi vợ chồng. Vợ chồng có nhiệm vụ cưu mang nuôi dưỡng, giáo dục đức tin cho những mầm sống mới trong tình yêu.
Về mặt nhân loại, gia đình là một “xã hội trong xã hội”. Ở đó, con trẻ được học tập, vui chơi, trải nghiệm cuộc sống, mà chính cha mẹ, anh chị là người thầy, người cô và người bạn của con trẻ.
Người con sẽ học từ cha tính mạnh mẽ, dũng cảm và những quyết định trong cuộc sống... Bên cạnh đó, người con sẽ học từ người mẹ sự dịu dàng, thuỳ mị và vị tha... Khi gia đình hội tụ đủ các yếu tố đó, người con sẽ phát triển một cách toàn diện và trở thành một công dân có ích cho xã hội. Hơn nữa gia đình còn là một cái nôi nuôi dạy và hình thành nhân cách cho trẻ, để con trẻ có những kiến thức cơ bản và có thể bước ra một xã hội lớn hơn, ở đó luôn đầy ắp những thách thức, chông gai, những biến động không ngừng và vô vàn những khó khăn va chạm. Về mặt Giáo Hội, gia đình còn là một chủng viện đầu tiên, nơi ươm trồng ơn gọi. Không chỉ là ơn gọi linh mục, tu sĩ, nhưng trước hết là ơn gọi làm Kitô hữu, rồi mới đến ơn gọi hôn nhân hoặc tu trì. Bởi lẽ từ ơn gọi là một Kitô hữu, con người được mời gọi bước vào một hành trình linh thánh. Sự hiện hữu linh thánh đó là con người được nâng lên để được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đặc biệt nơi gia đình, mỗi người Kitô hữu còn là hình ảnh của Thiên Chúa, chi thể của Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Ba Ngôi.
Thế nhưng, cuộc sống thật trớ trêu, khi xã hội xoay vần, đồng thời những áp lực, sóng gió có khi là quá mạnh ập tới nơi mỗi gia đình, đã làm rạn nứt tình yêu. Những lời thề, hẹn ước được che lấp bởi những áp lực cuộc sống như tiền tài, danh vọng, địa vị… Đặc biệt trong một xã hội vô thần và duy vật hưởng thụ lên ngôi, con người trở thành nô lệ hoá cho các phương tiện truyền thông đại chúng khi đắm chìm trong các gameshow, facebook, zalo… với các thiết bị hiện đại như smartphone, ipad, laptop… Họ có ít thời gian dành cho nhau để chuyện trò, tâm sự, giải quyết những khúc mắc, khó khăn trong gia đình. Và rồi khi tình yêu vắng bóng, bắt đầu có những giọt nước mắt, hiểu lầm, cãi vã và nghi ngờ. Kết cục là một cuộc chia tay, đường ai nấy đi. Hậu quả gánh chịu không phải là người chồng hay người vợ nhưng chính là những đứa con của họ. Khi thiếu hơi ấm của người cha hay người mẹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển nhân cách của trẻ. Từ đó, ranh giới của việc trẻ vướng vào những tệ nạn xã hội là rất cận kề. Thế hệ trẻ bị tổn thương thì tương lai của đất nước cũng như Giáo Hội sẽ bị đe doạ. Trước thực trạng đó, Giáo Hội đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những ai đang sống hoặc chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình, để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc. Chính vì thế, Hồi Đồng Giám Mục Việt Nam tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong ba năm (2016 - 2019) với những điểm nhấn của từng năm. Trong năm 2018 – 2019 chúng ta được mời gọi đồng hành với những gia đình gặp khó khăn. Cũng như Chúa Giê-su đã đồng hành với những con người bị xã hội ht hủi, bên lề xã hội, để khích lệ, nâng đỡ và ủi an, làm cho họ bừng sáng lên niềm tin và hy vọng. Chúa Giê-su còn thiết tha kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho tha nhân, chúng ta cũng hãy đồng hành và cầu nguyện cho các gia đình đang gặp khó khăn trong đời sống hằng ngày. Một lời cầu giữa sa mạc cuộc đời, có ánh sáng và bóng tối, bóng tối của ích kỷ và thờ ơ; bóng tối của đấu tranh và lạnh nhạt; bóng tối của sa sút tinh thần và thiếu niềm tin vào Thiên Chúa; bóng tối của áp lực và ham mê hưởng thụ. Trong bậc sống hôn nhân hay tu trì cũng đều có những thánh giá vô hình. Do đó phải luôn cầu nguyện cho nhau, vì cầu nguyện cho người khác cũng là cầu nguyện cho chính mình.
Bên cạnh việc cầu nguyện, chúng ta cũng giúp các gia đình hiểu rằng hãy nỗ lực vươn lên, kiên trì, thông cảm và hiểu rõ công việc của nhau, bởi lẽ những khó khăn, gian nan trong đời sống gia đình đều là hồng ân Chúa ban. Đứa trẻ sẽ không thể bước đi nếu chưa một lần va vấp và té ngã. Gia đình cũng thế, họ sẽ không trân trọng nhau hơn, yêu thương nhau hơn, đón nhận nhau hơn nếu chưa một lần va chạm, cãi vã. Trước những khó khăn, nghịch cảnh sẽ làm cho gia đình có được nền tảng vững chắc trước mọi cơn phong ba bão táp.
Tình yêu chính là chìa khoá mở ra cánh cửa hạnh phúc của gia đình. Hãy để tình yêu ngự trị trong gia đình. Không một cuộc hôn nhân nào bền vững mà thiếu vắng tình yêu. Tình yêu làm nên gia đình, và cuộc sống gia đình chỉ có thể phát triển trọn vẹn bằng tình yêu. Vì vậy hãy mặc cho đau khổ một tình yêu để sống vì tình yêu, sống trong tình yêu, và sống cho tình yêu. Khi vợ chồng biết quên mình sống cho nhau thì càng thấu hiểu được tình yêu trong chính cội nguồn là Thiên Chúa. Sự thấu hiểu này làm thay đổi mọi cách nhìn trong lúc gian nan, khó khăn, nhờ đó cuộc sống vợ chồng càng trở nên phong phú và đa dạng. Hơn nữa, gia đình Thánh Gia chính là mẫu gương cho tất cả các gia đình. Một gia đình luôn hoà hợp yêu thương và nâng đỡ nhau. Cuộc sống sẽ chẳng có gì ngoài tình yêu, vì tình yêu làm nên tất cả. Khi mất tình yêu cũng là mất tất cả, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa mời gọi chúng ta vào mỗi bậc sống là để Sống Cho Tình Yêu.

Ước mong bạn sống được điều đó để gia đình của bạn luôn là một tổ ấm yêu thương có Chúa hiện diện. Amen.

 Ứng Sinh chủng viện Phaolo Lê Bảo Tịnh - Bmt


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây