TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kính nhớ tổ tiên theo truyền thống dân tộc

Thứ hai - 14/11/2022 05:51 | Tác giả bài viết: Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM |   1106
Người Công giáo có nên tổ chức làm lễ giỗ cho ông bà tổ tiên không? Trường hợp làm dâu gia đình ngoại giáo, có được phép tham dự nghi lễ gia tiên của nhà chồng không?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
 

vn141122a


 

Bài 65: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN THEO TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC

Hỏi: Việc chưng trái cây, hoa nến lên trước hình ảnh ông bà tổ tiên có trái luật Công giáo không ạ? Người Công giáo có nên tổ chức làm lễ giỗ cho ông bà tổ tiên không? Trường hợp làm dâu gia đình ngoại giáo, có được phép tham dự nghi lễ gia tiên của nhà chồng không?

Trả lời:

 

Những câu hỏi các bạn nêu ra ở trên nói chung xoay quanh vấn đề thờ cúng tổ tiên, là vấn đề đã được bàn thảo khá nhiều, và đã được Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc S.J. giải đáp trong tập đầu của bộ sách này. Giờ đây chúng ta bàn thêm về vài chi tiết nhỏ: việc chưng trái cây, hoa nến, và việc cúng giỗ.

Đối với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì đây là những việc làm hay lễ nghi tỏ lòng hiếu thảo. Những việc làm này đã in sâu vào trong lối sống và tâm hồn hầu hết người Việt Nam chúng ta. Trong chuyên luận Thực Trạng Văn Hóa Gia Đình Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh đã đưa ra những số liệu khảo sát tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hòa Bình và Cần Thơ như sau:

- 100% các gia đình có bàn thờ tổ tiên.

- 96,75% bàn thờ được đặt ở vị trí tôn nghiêm nhất trong nhà.

- 95,85% các gia đình nhớ ngày giỗ của người thân.[1]

Những con số trên cho thấy người Việt Nam trân trọng và có ý thức duy trì tinh thần đạo Hiếu biết chừng nào! Vì thế, người Việt Nam nói chung khó có thể chấp nhận được một gia đình nào mà lại không có bàn thờ tổ tiên, không chưng đĩa quả và chăm lo hương khói trên bàn thờ. Đối với họ, đó là thái độ bất hiếu không thể hiểu được.

Trong quá khứ, vì nhiều lý do, quả thật đã có những hiểu lầm và đối kháng giữa việc thực hành đức tin Công giáo và lễ nghi thờ kính tổ tiên. Ngày nay, vì những hủ tục và mê tín của đại đa số người Việt Nam đã bớt đi nhiều, Giáo hội cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn về văn hóa của các dân tộc và xác định rằng hoạt động loan báo Tin Mừng không nhằm tiêu diệt nhưng nhằm “thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc”[2]. Cho nên những nghi thức tôn kính tổ tiên nói chung được chấp nhận và trân trọng.

Xét vì tinh thần hiếu thảo phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, qua điều răn thứ tư; và việc tưởng nhớ người đã khuất không khác xa so với tín điều các thánh thông công, các đức Giám mục Việt Nam đã ra nhiều văn bản hướng dẫn thực hành. Cụ thể, Quyết nghị của HĐGM/NVN tại Nha Trang năm 1974 đã nêu rõ những cử chỉ, thái độ, lễ nghi sau đây được thi hành và tham dự cách chủ động:

1. Bàn thờ Gia Tiên được phép đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình.

2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên được phép làm.

3. Ngày giỗ được “cúng giỗ” theo phong tục địa phương… và giảm thiểu, cải cách những lễ vật như như dâng hoa trái, hương đèn. (Nghĩa là được dâng hoa trái hương đèn nhưng tránh đừng bày biện rườm rà.)

4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ.

5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương.

6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần, là những người có công với dân tộc hoặc ân nhân của làng.

Trong 6 điều trên, văn bản luôn nhắc nhở phải loại bỏ những gì là mê tín dị đoan.

Mới đây, vào tháng 10 năm 2019, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thêm Văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính Tổ tiên”. Văn kiện này nhắc lại các văn kiện trước và thay thế từ “được phép” bằng từ “khuyến khích”: “Chúng tôi khuyến khích mỗi gia đình Công giáo nên lập bàn thờ gia tiên... nhưng không bày biện những gì có tính cách mê tín”.

Như vậy là đã quá rõ, chúng ta thấy việc “làm lễ giỗ” và việc “chưng trái cây, hoa, nến” để biểu trưng lòng biết ơn không trái với đức tin Công giáo và chúng ta rất nên thực hành. Vấn đề chúng ta cần lưu ý là phải tránh “những gì có tính cách mê tín”, là những điều chúng tôi trình bày ngay sau đây.

Những điều không phù hợp với đức tin Công giáo

Qua các văn kiện hướng dẫn, chúng ta có thể liệt kê ra những điều không phù hợp với đức tin Công giáo như sau:

– Đặt hồn bạch hay linh vị trên bàn thờ: là những vật mà dân gian tin rằng hồn người chết hiện diện ở đó, việc này không phù hợp với đức tin Công giáo, vì người Công giáo tin rằng “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1).  

– Đặt tượng Thần Tài, Ông Địa trong nhà: là trái với điều răn thứ nhất “thờ phượng và kính mến một Thiên Chúa duy nhất”.

– Coi tuổi, coi “ngày lành tháng tốt”: đây là việc làm đi ngược với xác quyết “Đức Kitô... là chủ thời gian và muôn thế hệ”.

– Mở Cửa Mả: Dân gian quan niệm rằng sau khi chôn cất sau 3 ngày thì hồn phách người chết hội tụ lại, vì vậy cần làm lễ mở cửa mả để cho vong linh tỉnh hẳn để có thể lên dương thế và tìm đường về nhà (nơi đặt bàn thờ).

– Tin hồn người chết đi đầu thai kiếp khác: cũng là điều không phù hợp với đức tin Công giáo. Vì người ta chỉ sống một đời và chết một lần.

– Đốt vàng mã: đây là một tập tục vừa vô lý vừa hao tốn tiền của mà ngày nay, ngay cả người ngoài Công giáo cũng đang hô hào nhau loại bỏ, vì nhận biết đó là một việc làm vô minh.

Việc chưng đĩa trái cây / mâm quả

Nói đến việc chưng trái cây, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về ý nghĩa và quan niệm dân gian về việc này, để nếu có thực hiện, chúng ta thực hiện cách tinh tế chứ không tùy tiện.

Tùy vào từng địa phương với các sản vật riêng mà việc chưng trái cây cũng có sự khác nhau.

Người Miền Bắc từ xa xưa thường bày mâm quả gồm 5 loại, nên được gọi là mâm ngũ quả. Việc này xuất phát từ quan niệm về ngũ hành trong triết học cổ phương Đông: thế giới được tạo nên từ 5 yếu tố vật chất đầu tiên là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ, được thể hiện bằng năm màu sắc: Trắng, đen hoặc xanh dương, xanh lục, đỏ, vàng. Mâm ngũ quả vì thế cũng thường có 5 màu sắc, coi như một vũ trụ thu nhỏ, đồng thời cũng thể hiện sự đầy đủ, trọn vẹn.

Việc chưng đĩa quả của người miền Trung thường không quá câu nệ hình thức, do mảnh đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt nên các loại trái cây không phong phú đa dạng như các vùng khác, nên họ có gì cúng nấy, thành tâm là chính.

Người miền Nam thì thường căn cứ vào tên gọi các loại quả để chọn lựa sao cho ghép thành một lời khấn nguyện. Chẳng hạn mâm quả gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, những thứ trái cây này ghép lại và được đọc chệch thành "cầu vừa đủ xài". Thật thú vị là lời khấn nguyện khiêm tốn ấy có vẻ phù hợp với tinh thần của Kinh Lạy Cha trong Kitô giáo: “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực đủ dùng”. Dĩ nhiên lời kinh trên chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, nhưng sẽ chẳng sai khi chúng ta xin ông bà tổ tiên chuyển cầu cho chúng ta, trong niềm tin vào mầu nhiệm Các thánh thông công.

Tuy nhiên, ngày nay những ước nguyện đơn thành này đang bị lòng tham làm biến dạng, người ta tìm những thứ trái cây khác để thay thế, chẳng hạn thay dừa bằng chùm sung để thành “cầu xài sung”, hoặc đưa lên bàn thờ một thứ trái cây lạ gọi là dư, có lẽ không phải là cái tên sơ khai của chúng, cũng không phải là thứ trái cây ăn được, vậy mà đưa lên bàn thờ để “cầu dư”. Việc chưng trái cây trở thành vụ lợi và bất kính. Ngoài ra người miền Nam cũng kiêng kỵ một số thứ trái cây mà tên gọi của chúng gợi sự liên tưởng đến điều xui rủi như chuối (chúi nhủi), lê (lê lết), cam (cam chịu). Việc chưng trái cây với những kiêng kỵ như thế này hẳn nhiên là nhuốm màu mê tín.

Việc tổ chức ngày giỗ

Ngày giỗ là ngày kỷ niệm người thân đã từ trần. Vào ngày đó, người ta làm cỗ bàn để dâng cúng tổ tiên, đồng thời tạo dịp cho con cháu tưởng nhớ người đã khuất và chia sẻ nỗi buồn thương với nhau.

Người Công giáo “được phép cúng giỗ theo phong tục”, nhưng tuyệt đối không tin linh hồn người quá cố về hưởng các thứ vật chất. Chúng ta tin linh hồn người đã chết hoặc được về thiên đàng với Chúa, hoặc đang phải thanh luyện trong luyện ngục, nếu vô phúc thì phải vào hỏa ngục đời đời, chứ không có chuyện linh hồn trở về trần thế để hưởng dùng của cúng hoặc “ăn uống” với thân nhân còn sống nữa.

Thực ra, việc bày biện thức ăn trong ngày tưởng nhớ không phải là vì nhu cầu của người chết nhưng là của người sống. Chính người sống muốn dùng những dấu hiệu cụ thể này để bày tỏ sự hiệp thông với người đã khuất,[3] đồng thời cũng là để con cái cháu chắt hưởng dùng trong ngày sum họp. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho người đã khuất là cầu nguyện, làm việc lành để xin ơn giải thoát cho họ, nếu họ đang phải chịu thanh luyện nơi luyện ngục.

Ngay cả đối với anh chị em lương dân có hiểu biết thì bàn thờ tổ tiên luôn được giữ cho thanh tịnh. Lễ vật đặt trên đó chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả… Những ngày giỗ Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phía trước và dưới bàn thờ chính, rồi thắp hương hành lễ cung thỉnh bái vọng. Người Công giáo chúng ta càng không nên đặt đồ ăn trên bàn thờ người quá cố, bởi vì chúng ta không có ý dâng của ăn cho người đã khuất. Chúng ta chỉ nên đặt hoa quả lên bàn thờ, còn mâm cỗ thì cốt để anh chị em trong gia đình sum họp, đoàn tụ.

Trước bữa ăn giỗ, thân nhân và khách mời quây quần cầu nguyện. Để làm tốt việc này, các bạn hãy sắm cho gia đình quyển Kinh nguyện gia đình và Gia lễ Công giáo, do Ủy ban Mục vụ Gia đình của HĐGMVN phát hành để được hướng dẫn cặn kẽ về Lời cầu nguyện trong bữa giỗ, lời nguyện trên của ăn, những chỉ dẫn về việc niệm hương… Lưu ý không được dùng những mẫu văn khấn trong sách vở của người ngoài Công giáo vì lời văn trong đó có nhiều điều không hợp với đức tin Công giáo.

Người Công giáo chúng ta cũng không được mang tâm lý sợ sệt rằng nếu không cúng giỗ đàng hoàng thì sẽ bị tổ tiên quở trách, thậm chí nổi giận mà gây xui xẻo cho con cháu. Việc cúng giỗ của chúng ta chỉ mang ý nghĩa tỏ lòng thảo hiếu thuần túy mà thôi.

Đối với các bạn đang làm dâu, làm rể trong các gia đình lương dân

Trường hợp người Công giáo đang làm dâu làm rể trong gia đình ngoài Công giáo, các bạn thường cảm thấy khó xử trước những việc thờ cúng của gia đình bên ấy, băn khoăn giữa việc chu toàn bổn phận làm dâu, làm rể, và việc giữ đúng đức tin. Các bạn yên tâm, Văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính Tổ tiên” của HĐGMVN năm 2019, đã có chỉ dẫn cụ thể như sau:

“Để giữ tình thuận thảo với gia đình đôi bên, những người con dâu, con rể này và con cái của họ có thể sắm sửa lễ vật và dâng lễ vật trên bàn thờ gia tiên, vái hương trước di ảnh tổ tiên nhưng cần hiểu: trong lòng chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, đồng thời cũng sẵn sàng bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn tổ tiên qua các nghi thức lễ gia tiên và xác nhận thảo hiếu với tổ tiên là bổn phận của Kitô hữu.”[4]

Ngay cả khi trên bàn thờ gia tiên có đặt tượng Đức Phật, Văn kiện trên cũng đã chỉ dẫn: chúng ta nhìn nhận Đức Phật như là một bậc thầy đáng kính, chứ không phải như một vị thần linh.

Bạn thân mến, giữa một thế giới đang chạy theo tiện nghi vật chất và hưởng thụ như ngày hôm nay, các giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một dần, người trẻ Công giáo Việt Nam chúng ta cần góp phần duy trì, hoàn chỉnh và nâng cao những nét đẹp văn hóa dân của tộc mình, đồng thời làm nổi bật lên những giá trị của Kitô giáo, giúp cho anh chị em lương dân nhận ra một chiều kích rộng lớn hơn của lòng thảo hiếu: không chỉ thảo hiếu ông bà tổ tiên, mà còn thảo hiếu với Cha trên trời, là Đấng sinh ra vạn vật.

Thiết nghĩ, những điều nhỏ nhặt trên đây, nhưng chính là những nhịp cầu nối kết giữa Đạo với đời, để nhờ đó người ngoài Công giáo không còn cảm thấy Công giáo là một đạo xa lạ, nhưng là đạo có những nét đẹp về sự thảo hiếu rất gần gũi và dễ thương. Từ đó mà dễ đón nhận Tin Mừng hơn.

Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây