TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngoại tình dưới cái nhìn phân tâm học

Thứ sáu - 28/05/2021 02:55 | Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt |   1487
Ngoại tình dưới cái nhìn phân tâm học

Ngoại tình dưới cái nhìn phân tâm học

Bài viết “Khi người chồng hoặc vợ ngoại tình” đã được nhiều độc giả đón đọc với những nhận xét tích cực. Riêng độc giả Nguyễn Thế Bài lại muốn nhấn mạnh về hành động ngoại tình dưới cái nhìn phân tâm học. Và vì thế, bài viết này được coi như một thiện chí đáp trả.

Trước hết, tác giả xin xác định rằng phân tâm học không phải là sở trường và chuyên môn của tác giả. Trong thực hành nghề nghiệp, nó chỉ được tác giả sử dụng như những kiến thức tham khảo và ứng dụng mà thôi. Do đó, những trình bày trong bài viết này dĩ nhiên còn nhiều thiếu sót, và hy vọng đây chỉ là mở ra một cái nhìn và tạo một cơ hội cho những góp ý của nhiều độc giả hầu làm phong phú cho đề tài.

Phân tâm học hay là ngành tâm lý của Freud được Sigmund Freud (1856-1939), một nhà thần kinh học người Áo xây dựng để khảo cứu về những hành vi tâm lý, cung cách ứng xử của một người. Nó cũng có thể dùng để ứng dụng vào những khía cạnh xã hội. Phân tâm học bao gồm:

1. Lý thuyết khảo cứu tâm trí và suy nghĩ con người
2. Hệ thống hoá những lý thuyết về hành vi con người
3. Lý thuyết trị liệu tâm lý và cảm xúc

Dưới một cái dù rộng lớn như vậy, phân tâm học chia thành 22 hệ tư tưởng khác nhau liên quan đến tình trạng tâm lý và phát triển. Dĩ nhiên, bao gồm những phương pháp trị liệu khác nhau được gọi chung là “phân tâm học”.

Theo Freud, phân tâm học chú trọng một cách riêng biệt vào phương pháp trị liệu trong đó phân tích những tư tưởng, bao gồm những hành động tự phát, những ảo tưởng, và những giấc mơ, từ đó tìm ra những xung khắc vô thức gây ra những triệu chứng và những vấn nạn tâm lý, đồng thời phân tích những nguyên nhân này để dẫn đến một hiểu biết rõ ràng nhằm giải toả hoặc chữa trị.

Tóm lại, vô thức được coi như nguồn chính gây ra những xung đột về tâm lý dưới cái nhìn phân tâm học. Ba điểm căn bản được phân tâm học dùng làm nền tảng cho cấu trúc của nó gồm Id, Ego, và Superego.

Id cấu tạo do những hành động của bản năng và thú tích tự nhiên. Ego hay còn gọi là bản ngã, bao gồm lòng tự tôn, tự đại, tự phụ và ích kỷ. Và Superego là sự chọn lựa có tính cách xung đột, tranh chấp giữa Id và Ego, giữa bản năng và bản ngã. Nó mang nhiệm vụ trọng tài và phân xử những xung khắc giữa những ảnh hưởng chi phối bởi vô thức và những đòi hỏi thuộc bản ngã theo lý trí. Thí dụ, khi tôi đói thì tôi phải lo đi tìm của ăn. Nhưng bằng những phương tiện nào? Và khi có của ăn thì phải ăn như thế nào??? Chính vì vậy, để phân tích một hành vi ngoại tình dưới cái nhìn phân tâm học, nhà tâm lý học phải căn cứ trên những hành động tự phát như những câu nói lỡ lời, những ảo tưởng, và những giấc mơ để phân tích tầng sâu vô thức của người ngoại tình.

Một cách tổng quát, qua cái nhìn phân tâm học, hành động ngoại tình là một hành động không chỉ mang ý nghĩa của một việc làm theo bản năng, theo dục vọng, mà còn bao gồm cả sự đóng góp của bản ngã và sự chọn lựa của lý trí. Bởi vì đó là một hành động vừa tự nhiên, vừa có ham muốn của chủ thể, lại vừa có sự ưng thuận của hiểu biết. Một hành động phức tạp giằng co giữa vô thức và tri thức. Giữa cái biết của lý trí và cái biết của bản năng. Vì vậy, khi có ai đó nói: “Chồng tôi hay vợ tôi ngoại tình”, thì đó chỉ là trình bày và nói lên cái sự việc ở bên ngoài (tri thức), nhưng những nguyên nhân tiềm ẩn (vô thức) thì chưa được tìm hiểu và phân tích. Mỗi trường hợp đều có những đặc thù bao gồm yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau.

Hành động ngoại tình nếu nhìn từ khía cạnh tự nhiên thì đây là thuộc về phần bản năng con người tự nhiên. Nó là những ham muốn và thao thức tự nhiên. Thí dụ, sự ham mới nới cũ, thích của lạ, ưa được chiều chuộng và vuốt ve. Ngoài ra, dục vọng cũng là một động lực chính tiềm tàng trong vô thức và không ngừng tác dụng trên những ham muốn ấy. Những điều này luôn luôn có sẵn trong suy tư, lúc ẩn, lúc hiện. Lúc dưới hình thức này, lúc dưới hình thức khác. Và nó sẽ lộ diện khi có hoàn cảnh và đối tượng kích thích những dồn nén của vô thức. Trong vụ án vườn Ðịa Ðàng, ta có thể tìm thấy cái tiềm ẩn vô thức của Evà và Adong là muốn tự mình làm chủ mình. Ðứng dưới cây trái cấm và trước lời tán tỉnh của Satan chỉ là cái cớ làm bùng phát khát vọng tham lam vốn sẵn có trong tiềm thức.

Vì vậy, khi một người ngoại tình không kìm hãm được bản năng và dục vọng, là họ đã để lộ cái bản tính xấu xa và thèm khát vẫn âm thầm ảnh hưởng trong tư tưởng của họ.

Nhưng người ngoại tình không chỉ bị chi phối bởi dục vọng, và bản năng hùa theo dục vọng; theo phân tâm học, hành động của họ còn có sự tham dự của lý trí và hiểu biết. Mặc dù ở đây lý trí và hiểu biết đã bị khống chế bởi dục vọng và ham muốn. Theo Freud, khả năng tự vệ của bản ngã, chính là để khống chế và kìm hãm những cám dỗ của thế giới bên ngoài, của sự dồn nén và ham muốn quá độ của dục vọng, và ngăn chặn những thái quá của phán đoán và lương tâm.

Sau cùng là sự tham dự của siêu ngã (superego). Ðúng ra với khả năng tự vệ, lý trí phải giúp người ngoại tình nhìn ra được những sai trái của dục vọng, những ham muốn vô lý, và cho biết đó chỉ là những thích thú, mơn trớn, và hành động nhằm thoả mãn những gì thuộc con người tự nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế, khi ngoại tình, người ngoại tình thường lại cho mình là làm được điều mà nhiều người khác không làm được. Qua mặt được chồng hoặc vợ mình. Qua mặt được tình địch của mình. Chính cái ảo giác đó làm cho họ hãnh diện về tình trạng vụng trộm của mình, mặc dù trên thực tế chẳng mấy ai dám công khai hành động ngoại tình của mình. Ngay cả khi bị bắt quả tang, kẻ ngoại tình vẫn nguỵ biện, vẫn chống chế cho hành động của mình. Chính vì thế, ta có thể nói, hành động ngoại tình là một hành động không có lời bào chữa chính đáng, không có sự giải thích đúng nghĩa, hợp tình, hợp lý. Nhưng chỉ là biểu hiện cái tâm lý bệnh hoạn và nhu nhược. Một lý trí mà trí khôn bị khống chế bởi dục vọng và ham muốn quá độ.

Tóm lại, dù ngoại tình không phải là một hội chứng của tâm lý hay tâm bệnh, nhưng rõ ràng nó là một hành động thiếu trưởng thành về tâm lý và tâm linh. Một hành động bị khống chế bởi dục vọng, bởi những ước muốn hão huyền, và ảo giác về một cuộc sống và con người khác của mình. Một việc làm mang tính cách song đoạn luận, vừa tự cao, tự đại, lại vừa thiếu tự tin và mặc cảm. Không kìm hãm được bản năng và ham muốn của mình, nhưng lại nguỵ tạo hình ảnh chiến thắng giả dối cho hành động của mình.

Nhưng phân tích ngoại tình dù dưới bất cứ lăng kính nào mà không tìm cách ngăn cản nó thì việc phân tích cũng không mang lại kết quả tốt. Do đó, để tránh hành động ngoại tình:

1. Trước hết không bao giờ nên để cho ý nghĩ ngoại tình len lỏi trong đầu óc của mình. Hai chữ “ngoại tình” là hai chữ không có trong tự điển đời sống hôn nhân nếu muốn xây dựng một cuộc đời hôn nhân hạnh phúc. Ðó chính là ngăn cản cho những vô thức không chen vào tri thức. Vì một khi những ý nghĩ ấy luẩn quẩn ở trong đầu, trước sau gì ta cũng bị cám dỗ để tìm thử một lần cho biết. Ở vườn Ðịa Ðàng, chính Evà và Adong đã để cho ma quỷ thổi vào đầu óc ông bà ý nghĩ tự mình muốn làm chúa tể. Và hẳn là Evà và Adong đã suy nghĩ về ý nghĩ này nhiều lần trước khi hành động. “Tôi suy nghĩ là tôi hành động”. Còn Chúa Giêsu thì dùng từ “ngoại tình trong tư tưởng” để chỉ những vô thức không được chế ngự này.

2. Tiếp đến là không tạo cơ hội cho những “cám dỗ” ngoại tình. Không để mình đến gần dịp tội. Khả năng phòng vệ của bản ngã với lý trí và hiểu biết là điều nên dùng để ngăn chặn những dịp và cơ hội có thể tạo cho mình những sa ngã bất ngờ. Thí dụ những giao du bất chính, thiếu trong sáng với người này, người khác. Những câu truyện, những phim ảnh kích thích tính tò mò về những cuộc tình tuy lãng mạn, nhưng thiếu đạo đức. Trong Thánh Kinh, việc đề phòng cám dỗ là một việc làm hết sức quan trọng, và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu xin để khỏi sa chước cám dỗ: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

3. Sau cùng, hãy coi hành động ngoại tình như là một việc làm đem lại những hối hận và hổ ngươi. Ðây là nhận định của lương tâm và phán đoán quân bình, lành mạnh. Bởi vì nếu không nhìn hành động ngoại tình theo chiều hướng này, thì người ngoại tình sẽ phản ứng sai lầm và thiên vị giữa lương tâm, lương tri và ham muốn, dục vọng. Vì đúng ra ngoại tình chỉ là một hành động nói lên sự thiếu trưởng thành, phóng túng cả về mặt luân lý, đạo đức lẫn tâm lý.

Trần Mỹ Duyệt

 Tags: Ngoại tình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây