TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

3 Tông thư Desiderio Desideravi của ĐTC Phanxicô, tiếp và hết

Thứ hai - 11/07/2022 21:07 |   1288
 Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp và hết
3 Tông thư Desiderio Desideravi của ĐTC Phanxicô, tiếp và hết

 

 Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp và hết

Vũ Văn An
 
Nghệ thuật cử hành

48. Một cách quan tâm tới và phát triển trong sự hiểu biết quan yếu về các biểu tượng của Phụng vụ chắc chắn là ars celebrandi, tức nghệ thuật cử hành. Biểu thức này cũng có thể được giải thích khác nhau. Ý nghĩa của nó trở nên rõ ràng nếu chúng ta tham khảo ý nghĩa thần học của Phụng vụ được mô tả trong Sacrosanctum Concilium số 7, mà tôi đã nhắc đến vài lần. Không thể giản lược ars celebrandi thành một qui chế chữ đỏ, càng không nên nghĩ về nó như một tính sáng tạo tưởng tượng - đôi khi lung tung - không có quy tắc. Nghi thức, tự nó, đã là một chuẩn mực, và chuẩn mực tự nó không bao giờ kết thúc, nhưng nó luôn nhằm phục vụ một thực tại cao hơn mà nó muốn bảo vệ.



49. Như trong bất cứ nghệ thuật nào, ars celebrandi đòi hỏi các loại kiến thức khác nhau. Trước hết, nó đòi sự hiểu biết về tính năng động bộc lộ qua Phụng vụ. Hành động cử hành là nơi trong đó Mầu nhiệm Vượt qua được làm cho hiện diện bằng phương tiện tưởng niệm để những người đã rửa tội, qua việc tham gia của họ, có thể cảm nghiệm nó trong đời sống của chính họ. Nếu không có sự hiểu biết này, việc cử hành dễ trở thành mối bận tâm về hình thức bên ngoài (ít nhiều tinh tế) hoặc chỉ quan tâm đến các qui định chữ đỏ (ít nhiều cứng ngắc).

Sau đó, cần phải biết Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong mọi cử hành. Nghệ thuật cử hành phải hòa hợp với hành động của Chúa Thánh Thần. Chỉ bằng cách này, nó mới thoát khỏi tính chủ quan vốn là kết quả của thị hiếu cá nhân trổi vượt. Chỉ bằng cách này, nó mới thoát khỏi sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa được tiếp nhận mà không có sự phân định và không liên quan gì đến sự hiểu biết đúng đắn về việc hội nhập văn hóa.

Cuối cùng, cần phải hiểu động lực của ngôn ngữ biểu tượng, bản chất đặc thù của nó, hiệu năng của nó.

50. Từ những chỉ dẫn ngắn gọn này, cần rõ ràng rằng nghệ thuật cử hành không phải là thứ có thể cương biến. Giống như mọi nghệ thuật, nó yêu cầu ứng dụng nhất quán. Đối với một nghệ nhân, kỹ thuật là đủ. Nhưng đối với một nghệ sĩ, ngoài kiến thức kỹ thuật, còn phải có cảm hứng, đó là một hình thức sở hữu tích cực. Người nghệ sĩ chân chính không sở hữu một tác phẩm nghệ thuật mà là bị nó sở hữu. Người ta không học nghệ thuật cử hành bằng cách thường xuyên tham gia một khóa học nói trước công chúng hoặc các kỹ thuật truyền thông đầy thuyết phục. (Tôi không đánh giá các ý định, chỉ quan sát các hiệu quả.) Mọi công cụ đều có thể hữu ích, nhưng nó phải phục vụ bản chất của Phụng vụ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Cần phải có sự tận tụy cần mẫn cho việc cử hành, để chính việc cử hành tự truyền tải nghệ thuật của nó cho chúng ta. Guardini từng viết: “Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta vẫn còn cố thủ xiết bao trong chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chủ quan, chúng ta đã trở nên không quen thuộc xiết bao đối với những đòi hỏi của những ‘điều vĩ đại’ và các thông số trong đời sống tôn giáo của chúng ta nhỏ bé đến mức nào. Chúng ta phải lấy lại cảm thức đối với phong thái cầu nguyện ‘vĩ đại’, cả ý chí hướng tới hiện sinh trong cầu nguyện nữa. Tuy nhiên, cách để đạt được điều này là thông qua kỷ luật, thông qua việc từ bỏ tính tình cảm ủy mị; qua việc làm nghiêm túc, được thực hiện trong sự tuân phục Giáo hội, về việc là người tôn giáo và là người hành động.” [15] Đây là cách học được nghệ thuật cử hành.

51. Nói về chủ đề này, chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ về nó trong tương quan với các thừa tác viên thụ phong thực hiện nhiệm vụ chủ tọa. Nhưng thực ra, đây là một thái độ mà tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi để sống. Tôi nghĩ đến tất cả các cử chỉ và lời nói thuộc cộng đoàn: tập hợp, bước đi cẩn thận trong đám rước, ngồi, đứng, quỳ, hát, im lặng, tung hô, nhìn, lắng nghe. Có nhiều cách trong đó cộng đoàn, như một cơ thể (Nơkhemia 8: 1) tham gia vào cuộc cử hành. Mọi người cùng làm một cử chỉ giống nhau, mọi người cùng nói với nhau một giọng - điều này truyền cho mỗi cá nhân năng lực của toàn bộ cộng đoàn. Đây là sự đồng nhất không những không làm chết đi mà ngược lại, giáo dục các tín hữu cá nhân khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân cách họ không phải trong thái độ cá nhân chủ nghĩa mà trong ý thức là một cơ thể. Không phải là vấn đề tuân theo một cuốn sách về nghi thức phụng vụ. Đúng hơn, nó là một “kỷ luật” - theo cách mà Guardini đã đề cập đến - thứ mà nếu được tuân theo một cách chân chính sẽ đào luyện chúng ta. Đây là những cử chỉ và lời nói đặt trật tự trong thế giới nội tâm của chúng ta giúp chúng ta sống những cảm xúc, thái độ, hành vi nhất định. Chúng không phải là lời giải thích cho một lý tưởng mà chúng ta tìm cách để nó truyền cảm hứng cho chúng ta, mà thay vào đó chúng là một hành động mời gọi toàn bộ cơ thể tham dự, nghĩa là trong một thể thống nhất gồm thể xác và linh hồn.

52. Trong số các hành vi nghi lễ thuộc về toàn thể cộng đoàn, sự im lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Nhiều lần nó được quy định rõ ràng trong các qui định chữ đỏ. Toàn bộ việc cử hành Thánh Thể chìm đắm trong sự im lặng trước khi bắt đầu và đánh dấu mọi khoảnh khắc của việc triển khai nghi lễ. Thật vậy, nó hiện diện trong hành vi sám hối, sau lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện,” trong Phụng vụ Lời Chúa (trước các bài đọc, giữa các bài đọc và sau bài giảng), trong kinh nguyện Thánh Thể, sau khi rước lễ [16]. Sự im lặng như vậy không phải là nơi ẩn náu bên trong, để giấu mình trong một kiểu cô lập thân mật nào đó, như thể bỏ hình thức nghi lễ lại phía sau như một sự phân tâm. Kiểu im lặng đó mâu thuẫn với bản chất của việc cử hành. Sự im lặng trong phụng vụ là một điều gì vĩ đại hơn nhiều: nó là biểu tượng của sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ hoạt động cử hành. Vì lý do này, nó tạo thành một điểm đến trong trình tự phụng vụ. Chính vì nó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, nên nó có sức mạnh nói lên hành động nhiều mặt của Người. Bằng cách này, trở lại các khoảnh khắc tôi vừa đề cập, sự im lặng chuyển sang việc thống hối vì tội lỗi và ước muốn được hoán cải. Nó đánh thức sự sẵn sàng nghe Lời Chúa và đánh thức việc cầu nguyện. Nó chuẩn bị để chúng ta tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô. Nó gợi cho mỗi người, trong tình thân mật hiệp thông, điều Chúa Thánh Thần sẽ tác động trong đời sống chúng ta để làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với tấm Bánh được bẻ ra. Vì tất cả những lý do này, chúng ta được kêu gọi thực hiện một cách hết sức cẩn trọng cử chỉ im lặng mang tính biểu tượng. Qua đó, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hình dạng, ban cho chúng ta mô thức.

53. Mọi cử chỉ và mọi lời nói đều chứa đựng một hành động chính xác luôn luôn mới bởi vì nó gặp một khoảnh khắc luôn mới trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ giải thích ý tôi bằng một thí dụ đơn giản. Chúng ta quỳ gối để cầu xin sự tha thứ, bẻ cong lòng kiêu hãnh của chúng ta, để dâng lên Chúa những giọt nước mắt của chúng ta, để cầu xin sự can thiệp của Người, để cảm ơn Người về một hồng phúc đã nhận được. Đó luôn luôn cùng là một cử chỉ mà, trong yếu tính, tuyên bố rằng con người chúng ta là nhỏ bé trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Tuy nhiên, được thực hiện trong những khoảnh khắc khác nhau của cuộc đời chúng ta, nó lên khuôn các chiều sâu nội tâm của chúng ta và sau đó tự biểu lộ ra bên ngoài trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Việc quỳ gối cũng nên được thực hiện một cách nghệ thuật, nghĩa là, với ý thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng của nó và sự cần thiết chúng ta phải có cử chỉ này để phát biểu cách chúng ta hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Và nếu tất cả những điều này đúng đối với cử chỉ đơn giản này, thì việc cử hành Lời Chúa sẽ còn phải hơn thế xiết bao? Ôi, chúng ta được triệu tập để học nghệ thuật nào cho việc công bố Lời, nghe Lời, để Lời linh hứng cho việc cầu nguyện của chúng ta, để làm cho Lời ấy trở thành chính cuộc sống của chúng ta? Tất cả những điều này đáng được quan tâm tối đa - không phải về hình thức hay chỉ đơn thuần là bên ngoài, mà là sống động và nội tâm - để mọi cử chỉ và mọi lời nói của việc cử hành, được phát biểu một cách có “nghệ thuật,” đào tạo nên nhân cách Kitô hữu của mỗi cá nhân và của cộng đoàn.

54. Nếu quả ars celebrandi được toàn thể cộng đoàn cử hành yêu cầu, thì quả các thừa tác viên thụ phong cũng phải có mối quan tâm đặc biệt đối với nó. Khi đến thăm các cộng đồng Kitô giáo, tôi nhận thấy cách sống của họ trong việc cử hành phụng vụ tùy thuộc cách mục tử của họ chủ tọa cộng đoàn, mà tốt hơn hoặc, không may, tệ hơn. Có thể nói rằng có nhiều “mô hình” chủ tọa khác nhau. Sau đây là một danh sách khả hữu liệt kê một số phương thức, thậm chí trái ngược nhau, cho thấy đặc tính của một cách chủ tọa chắc chắn không thỏa đáng: khắc khổ cứng ngắc hoặc sáng tạo gây mất lòng, một chủ nghĩa huyền bí linh đạo hoặc một chủ nghĩa duy chức năng thực tế, một sự nhanh chóng vội vàng hoặc một sự chậm chạp nhấn mạnh quá mức, sự bất cẩn cẩu thả hoặc sự cầu kỳ quá mức, một sự thân thiện quá mức hoặc sự vô tình kiểu cha cụ. Tuy các thí dụ này bao gồm một phạm vi khá rộng, nhưng theo tôi sự bất cập của các mô hình chủ tọa này có một gốc rễ chung: chủ nghĩa cá nhân cao độ muốn có phong cách cử hành đôi khi kỳ quặc, được che giấu một cách kém cỏi, nhằm kéo chú ý của mọi người. Thường thì điều này trở nên rõ ràng hơn khi các cuộc cử hành của chúng ta được truyền qua mạng hoặc trực tuyến, một điều không phải lúc nào cũng thuận lợi và cần được suy nghĩ thêm. Xin anh chị em hiểu tôi một cách chắc chắn rằng: đây không phải là những hành vi được loan truyền rộng rãi nhất, nhưng các cộng đoàn vẫn đang bị lạm dụng như vậy.

55. Còn nhiều điều để nói về tầm quan trọng của việc chủ tọa và nó đòi phải quan tâm ra sao. Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ giảng trong thánh lễ, một nhiệm vụ nhiều đòi hỏi. [17] Ở đây, tôi xin giới hạn vào một số xem xét tổng quát khác, luôn muốn suy nghĩ với anh chị em về cách chúng ta phải được Phụng vụ đào tạo ra sao. Tôi nghĩ về nhịp điệu bình thường của Thánh lễ Chúa nhật trong các cộng đồng của chúng ta, và do đó tôi xin ngỏ lời với các linh mục, nhưng một cách mặc nhiên với mọi thừa tác viên thụ phong.

56. Linh mục sống việc tham dự đặc trưng của ngài vào việc cử do hồng phúc đã nhận lãnh trong Bí tích Truyền chức thánh, và điều này được thể hiện một cách minh nhiên chính trong việc chủ tọa. Giống như tất cả các vai trò mà ngài được kêu gọi để thực hiện, đây chủ yếu không phải là một bổn phận mà cộng đoàn giao cho ngài nhưng là hệ quả của việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần nhận được trong lúc chịu chức, để trang bị cho ngài một nhiệm vụ như vậy. Linh mục cũng được đào tạo bởi việc chủ tọa của ngài trong cộng đoàn cử hành.

57. Để việc phục vụ này được thực hiện tốt – đúng hơn, một cách đầy nghệ thuật! - điều quan trọng căn bản là linh mục phải nhận thức sâu sắc về sự hiện diện đặc thù của Chúa Phục Sinh, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính thừa tác viên thụ phong là một trong những kiểu hiện diện của Chúa làm cho cộng đoàn Kitô giáo trở nên độc đáo, khác với bất cứ cộng đoàn nào khác. (xem Sacrosanctum Concilium, số 7) Sự kiện này mang lại mức quan trọng “bí tích” (theo nghĩa rộng) cho mọi cử chỉ và lời nói của vị chủ tọa. Trong những cử chỉ và lời nói này, cộng đoàn có quyền cảm nhận được ước muốn của Chúa, hôm nay cũng như trong Bữa Tiệc Ly, được ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta. Vì vậy, Chúa Phục sinh giữ vai trò dẫn đạo, chứ không phải các ấu trĩ của chúng ta, đảm nhận những vai trò và hành vi không thích hợp chút nào. Ước muốn hiệp thông mà Chúa muốn dành cho mỗi người nên chế ngự chính vị linh mục. Như thể ngài được đặt giữa trái tim yêu thương cháy bỏng của Chúa Giêsu và trái tim của mỗi tín hữu, vốn là đối tượng của tình Chúa yêu thương. Chủ tọa Bí tích Thánh Thể là lao mình vào lò lửa tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta được ơn hiểu thực tại này, hoặc thậm chí chỉ trực giác một điều gì đó của nó, chúng ta chắc chắn không cần Sách Hướng Dẫn để qui định tác phong thích đáng nữa. Nếu chúng ta vẫn cần điều đó, thì đó là vì sự cứng lòng của chúng ta. Qui luật cao nhất, và do đó đòi hỏi nhiều nhất, chính là thực tại của việc cử hành Thánh Thể, một cử hành chọn lựa các lời nói, cử chỉ, cảm xúc có thể giúp chúng ta hiểu được việc chúng ta sử dụng những điều này có đúng mức với thực tại mà chúng phục vụ hay không. Hiển nhiên không thể cương biến được. Đó là một nghệ thuật. Nó đòi phải có sự chuyên tâm của linh mục, một sự chuyên cần chăm lo cho ngọn lửa tình yêu của Chúa mà Người vốn đến để đốt cháy trên mặt đất (Lc 12:49).

58. Khi cộng đoàn đầu tiên bẻ bánh tuân theo mệnh lệnh của Chúa, họ đã làm như vậy trước sự hiện diện của Mẹ Maria, đấng đã đồng hành với những bước chân đầu tiên của Giáo Hội: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1:14). Mẹ Đồng Trinh “trông chừng” các cử chỉ của Con Mẹ đã được ủy thác cho các Tông đồ. Như Mẹ đã bảo vệ Ngôi Lời thành xác thịt sau khi nhận được lời của sứ thần Gabrien, Mẹ, một lần nữa, bảo vệ các cử chỉ trong lòng Giáo hội vốn hình thành nên thân thể Con Mẹ. Chính vị linh mục, người lặp lại những cử chỉ đó do hồng phúc đã lãnh nhận trong Bí tích Truyền Chức Thánh, cũng được bảo vệ trong cung lòng Đức Trinh Nữ. Liệu chúng ta có thực sự cần một quy tắc ở đây để cho chúng ta biết chúng ta phải hành động như thế nào không?

59. Khi trở thành khí cụ để đốt cháy ngọn lửa tình yêu của Chúa trên trái đất, vốn được che chở trong cung lòng Mẹ Maria, Trinh Nữ đã trở thành Giáo hội (như Thánh Phanxicô đã hát về Mẹ), các linh mục phải để Chúa Thánh Thần tác động trên các ngài, hoàn thành công việc mà Người đã bắt đầu nơi các ngài khi các ngài được phong chức. Hoạt động của Chúa Thánh Thần cung ứng cho các ngài khả thể thi hành thừa tác vụ chủ tọa cộng đoàn Thánh Thể với lòng kính sợ của Thánh Phêrô, ý thức mình là kẻ có tội (Lc 5:1-11), với lòng khiêm nhường mạnh mẽ của người tôi tớ đau khổ (x. Is 42tt), với lòng mong muốn “được ăn” bởi những người được giao phó cho họ trong việc thi hành thừa tác vụ hàng ngày.

60. Chính việc cử hành cũng giáo dục linh mục để ngài đạt tới bình diện và phẩm chất chủ tọa này. Tôi xin nhắc lại, nó không phải là việc chấp nhận trí thức, cho dù toàn bộ trí tuệ cũng như mọi nhạy cảm của chúng ta đều phải tham gia vào đó. Vì vậy, linh mục được đào tạo nhờ việc chủ tọa lời nói và cử chỉ mà Phụng vụ vốn đặt lên môi và lên tay ngài. Ngài không ngồi trên một ngai vàng [18] bởi vì Chúa trị vì với sự khiêm nhường của một người phục vụ. Ngài không đánh cướp sự chú ý khỏi vị trí trung tâm của bàn thờ, vốn là dấu chỉ Chúa Kitô, Đấng mà từ cạnh sườn bị đâm thâu chảy ra máu và nước, nhờ đó mà các Bí tích của Giáo hội được thiết lập và là trung tâm của lời ca tụng và tạ ơn của chúng ta. [19]

Đến gần bàn thờ để dâng của lễ, vị linh mục được giáo dục về lòng khiêm nhường và thống hối bằng những lời: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay được đẹp lòng Chúa” [20]. Ngài không thể dựa vào chính mình để thi hành thừa tác vụ đã được ủy thác cho ngài vì Phụng vụ mời gọi ngài cầu nguyện để được thanh tẩy qua dấu chỉ của nước, khi ngài đọc: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy” [21].

Những lời mà Phụng vụ đặt lên môi ngài có những nội dung khác nhau, đòi hỏi những âm sắc chuyên biệt. Nghệ thuật cử hành đích thực đòi linh mục phải coi trọng những lời như vậy. Những điều này tạo nên hình dạng và hình thức cho cảm xúc nội tâm của ngài, có lúc phải khẩn cầu Chúa Cha nhân danh cộng đoàn, có lúc phải dạy dỗ cộng đoàn, có lúc lại tung hô đồng thanh với toàn thể cộng đoàn.

Trong Kinh nguyện Thánh Thể - trong đó mọi người đã được rửa tội đều tham gia bằng cách lắng nghe với lòng tôn kính, im lặng và xen kẽ bằng những lời tung hô [22] (IGMR 78-79) – vị chủ tọa có sức mạnh, nhân danh toàn thể dân thánh, để tưởng nhớ trước mặt Chúa Cha lễ dâng của Con Người trong Bữa Tiệc Ly, để lễ dâng bao la ấy có thể được làm cho hiện diện mới mẻ trên bàn thờ. Ngài tham gia vào lễ dâng đó lễ bằng việc dâng chính mình ngài. Linh mục không thể thuật lại Bữa Tiệc Ly cho Chúa Cha mà không tự mình trở thành người tham dự vào đó. Ngài không thể nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con,” mà lại không sống theo cùng một ước muốn dâng chính thân thể mình, mạng sống mình cho những người được giao phó cho ngài. Đây là điều diễn ra khi thi hành thừa tác vụ của ngài.

Từ tất cả những điều trên và từ nhiều điều khác, linh mục liên tục được đào tạo bởi hành động cử hành.

* * *

61. Trong lá thư này, tôi chỉ muốn chia sẻ một số suy tư mà chắc chắn không khai thác hết kho tàng bao la của việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Tôi yêu cầu tất cả các giám mục, linh mục và phó tế, những người đào tạo trong các chủng viện, những người hướng dẫn trong các khoa thần học và các trường thần học, và tất cả các giáo lý viên hãy giúp dân thánh của Thiên Chúa rút tỉa được từ dòng suối đầu tiên của linh đạo Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi liên tục tái khám phá sự phong phú của các nguyên tắc tổng quát được trình bày trong những đoạn đầu tiên của Hiến chế Sacrosanctum Concilium, nắm bắt mối liên hệ mật thiết giữa hiến chế đầu tiên của Công Đồng đồng này và tất cả những hiến chế khác. Vì lý do này, chúng ta không thể quay trở lại hình thức nghi lễ mà các nghị phụ Công đồng, cum Petro et sub Petro [cùng với Phêrô và dưới Phêrô], cảm thấy cần phải cải cách, chấp thuận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và tuân theo lương tâm của họ trong tư cách mục tử, các nguyên tắc mà từ đó cuộc cải cách đã phát sinh ra. Các thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, khi phê chuẩn các sách phụng vụ được cải cách, ex decreto Sacrosancti Œcumenici Concilii Vaticani II [từ sắc lệnh của Công Đồng Chung Vatican II], đã bảo đảm lòng trung thành của việc cải tổ của Công đồng. Vì lý do này, tôi đã viết tự sắc Traditionis custodes, để Giáo hội, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể nâng lên một và cùng một lời cầu nguyện có khả năng phát biểu sự hiệp nhất của mình. [23]

Như tôi đã viết, tôi dự định sự thống nhất này sẽ được tái lập trong toàn thể Giáo Hội thuộc Nghi lễ Rôma.

62. Tôi muốn lá thư này giúp chúng ta khơi dậy sự ngạc nhiên thán phục trước vẻ đẹp của sự thật cử hành Kitô giáo, để nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc đào tạo phụng vụ đích thực, và nhận ra tầm quan trọng của một nghệ thuật cử hành để phục vụ chân lý của Mầu nhiệm Vượt qua và phục vụ sự tham gia vào đó của tất cả những ai đã được rửa tội, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình.

Tất cả sự phong phú này không xa cách đối với chúng ta. Nó nằm ngay trong các nhà thờ của chúng ta, trong các ngày lễ của Kitô giáo chúng ta, ở tính trung tâm của Ngày của Chúa, trong quyền năng của các bí tích mà chúng ta cử hành. Đời sống Kitô hữu là một hành trình tăng trưởng không ngừng. Chúng ta được mời gọi để mình được đào tạo trong niềm vui và sự hiệp thông.

63. Vì điều này, tôi mong muốn để lại cho anh chị em một chỉ dẫn nữa để tuân theo dọc hành trình của chúng ta. Tôi mời anh chị em tái khám phá ý nghĩa của năm phụng vụ và Ngày của Chúa. Cả hai điều này cũng đã được Công Đồng để lại cho chúng ta (Xem Sacrosanctum Concilium, các số 102-111).

64. Dưới ánh sáng của tất cả những gì chúng ta đã nói ở trên, chúng ta thấy rằng năm phụng vụ cho chúng ta khả thể tăng trưởng trong sự hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm Chúa Kitô, dìm cuộc sống chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người, chờ đợi Người trở lại trong vinh quang. Đây là một sự đào tạo liên tục thực sự. Cuộc sống của chúng ta không phải là một chuỗi sự kiện hỗn loạn ngẫu nhiên, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia. Đúng hơn, nó là một hành trình chính xác, một cử hành mà từ một cử hành hàng năm về sự chết và sự phục sinh của Người cho đến cử hành kế tiếp, làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con [24].

65. Khi thời gian được làm nên mới nhờ mầu nhiệm Sự Chết và Sự Phục Sinh của Người, cứ mỗi ngày thứ tám, Giáo Hội lại cử hành biến cố cứu rỗi chúng ta trong ngày của Chúa. Trước khi là một giới luật, Chúa nhật là một hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho dân tộc của Người; và vì lý do này, Giáo hội bảo vệ nó bằng một giới luật. Việc cử hành Chúa nhật cung cấp cho cộng đồng Kitô hữu khả thể được Bí tích Thánh Thể đào tạo. Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ, lời của Chúa Phục Sinh soi sáng cuộc hiện sinh của chúng ta, muốn đạt được trong chúng ta mục đích mà lời ấy đã được sai đi. (X. Is 55: 10-11) Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ, việc rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cũng muốn biến cuộc đời chúng ta trở thành của lễ đẹp lòng Chúa Cha, trong sự hiệp thông chia sẻ, hiếu khách, phục vụ huynh đệ. Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ, năng lực của Bánh được Bẻ nâng đỡ chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng, trong đó tính chân chính của việc chúng ta cử hành đã tự được tỏ hiện.

Chúng ta hãy từ bỏ những luận điệu luận chiến của mình để cùng nhau lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội. Chúng ta hãy lo bảo vệ sự hiệp thông của chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục ngạc nhiên thán phục trước vẻ đẹp của Phụng vụ. Mầu nhiệm Vượt qua đã được ban cho chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được đón nhận bởi ước muốn của Chúa được tiếp tục ăn Lễ Vượt Qua của Người với chúng ta. Tất cả những điều này dưới con mắt của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội.

Ban hành tại Rôma, tại Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 29 tháng 6, Lễ Trọng các Thánh Phêrô và Phaolô, các Tông đồ, năm 2022, năm thứ mười triều đại Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

_________________________________________________

Mọi người hãy kính sợ, cả thế giới hãy run sợ, và các tầng trời hãy hân hoan
Khi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, hiện diện trên bàn thờ trong tay của một linh mục!

Ôi, sự cao cả và phẩm giá tuyệt vời!
Ôi sự khiêm nhường cao cả! Ôi sự uy nghi khiêm hạ!

Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và Con Thiên Chúa,
Tự hạ mình đến nỗi để cứu rỗi chúng con
Người đã giấu mình dưới hình bánh tầm thường!

Hỡi anh em, anh em hãy nhìn vào sự khiêm nhường của Thiên Chúa,
Và thổ lộ hết cõi lòng trước mặt Người!
Hãy hạ mình xuống để anh em có thể được Người nâng lên cao!
Không giữ điều gì của anh em cho chính anh em,
để Đấng ban chính mình Người hoàn toàn cho anh em có thể đón nhận anh em hoàn toàn!

Thánh Phanxicô Assisi
Thư gửi Toàn bộ Nhà Dòng II, 26-29


[1] Xem Đức Lêô Cả, Bài giảng LXXIV: Về Chúa Lên trời II, 1: «quod […] Redemptoris nostri conspicuum fuit, in sacramenta transivit» [điều hiển hiện của Chúa Cứu Chuộc được chuyển qua các bí tích].

[2] Kinh tiền tụng Phục sinh IIISách lễ Rôma (2008) tr. 367: «Người đã bị sát tế mà không còn chết nữa, dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi».

[3] Xem Sách Lễ Rôma (2008) tr. 532.

[4] Xem Thánh Augustinô, Chú giải các Thánh vịnh. Tv. 138,2; Kinh nguyện sau bài đọc thứ bầy, Vọng Phục sinh, Sách lễ Rôma (2008) tr. 359; Trên các của dân, cầu cho Giáo Hội (B), Sách lễ Rôma (2008) tr. 1076.

[5] Xem Thánh Augustinô, Trong khảo luận về Tin Mừng Gioan XXVI, 13.

[6] Xem Thông điệp Mediator Dei (20 tháng 11, 1947) trong AAS 39 (1947) 532.

[7] AAS 56 (1964) 34.

[8] R. Guardini Liturgische Bildung [Đào tạo Phụng vụ] (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ] (Mainz 1992) tr. 43.

[9] R. Guardini Der Kultakt und die gegenwärtige Aufgabe der Liturgischen Bildung [Hành vi thờ phượng và Nhiệm vụ thực sự Dào tạo Phụng vụ] (1964) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ] (Mainz 1992) tr. 14.

[10] De Ordinatione Episcopi, Presbyterorum et Diaconorum [về việc phong chức Giám Mục, linh mục và phó tế] (1990) tr. 95: «Agnosce quod age, imitare quod sugarabis, et vitam tuam mysrio dominicæ crossis conforma» [Hãy biết việc con làm, hãy bắt chước việc con giảng dạy và đời sống con phù hợp với mầu nhiệm thập giá Chúa]

[11] Đức Lêô Cả, Bài giảng LXIII: De Passione Domini [về Cuộc Khổ nạn của Chúa]III, 7.

[12] Thánh Irênê thành Lyon, Adversus hæreses [Chống lạc giáo]IV, 20,7.

[13] R. Guardini Liturgische Bildung [Đào tạo Phụng vụ] (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ] (Mainz 1992) tr. 36.

[14] Cantico delle Creature (Ca khúc Tạo vật], Fonti Francescane, tr. 263; Bản Tiếng Anh, Francis of Assisi, Early Documents, vol. I, 113.

[15] R. Guardini Liturgische Bildung [Đào tạo Phụng vụ] (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ](Mainz 1992) tr. 99.

[16] Xem Chỉ thị Institutio Generalis Missalis Romani các số 45; 51; 54-56; 66; 71; 84; 88; 271.

[17] Xem Tông huấn Evangelii gaudium, (24 tháng 11 năm 2013) các số 135-144.

[18] Xem chỉ thị Institutio Generalis Missalis Romani n. 310.

[19] Lời cầu nguyện thánh hiến trong Nghi thức thánh hiến nhà thờ và bàn thờ (1977) tr. 102.

[20] Sách lễ Rôma (2008) tr. 515: « Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay được đẹp lòng Chúa. ».

[21] Sách Lễ Rôma (2008) tr. 515: « Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy ».

[22] Xem Chỉ thị Institutio Generalis Missalis Romani, các số 78-79.

[23] Xem Đức Phaolô VI, Tông hiến Missale Romanum (3 tháng 4, 1969) trong AAS 61 (1969) 222.

[24] Sách lễ Rôma (2008) tr. 598: «… mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con ».
 

Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây