TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÀI 17 -Văn Hóa Ứng Xử

Thứ bảy - 23/07/2022 20:37 | Tác giả bài viết: Lm Đan Vinh -HHTM |   1132
Tô-bi-a cha khuyên con: “Điều con ghét chớ làm cho ai” (Tb 4,15a).
BÀI 17 -Văn Hóa Ứng Xử

BÀI 17
Văn Hóa Ứng Xử - HÌNH THÀNH VĂN HÓA XẾP HÀNG

1. LỜI CHÚA: Tô-bi-a cha khuyên con: “Điều con ghét chớ làm cho ai” (Tb 4,15a).

2. CÂU CHUYỆN: VỀ LỐI SỐNG VĂN MINH LỊCH SỰ

Những ai có dịp đi du lịch tại đảo quốc Sư Tử (Xanh-ga-po) đều có một đánh giá chung: người dân ở đất nước tuy nhỏ bé về hình thể này nhưng lại có nếp sống văn minh lịch sự cao, thể hiện qua việc xếp hàng: Họ làm gì cũng đều xếp hàng. Thói quen xếp hàng nơi công cộng ngày nay tại Xanh-ga-po không phải dễ dàng đạt được, nhưng là kết quả của một quá trình giáo dục cộng đồng liên tục suốt 30 năm qua. Chiến dịch “sống văn minh lịch sự toàn quốc” lúc đầu do Cục Xúc Tiến Du Lịch Xanh-ga-po khởi xướng nhằm vận động dân chúng cư xử lịch sự và thân thiện với du khách để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Về sau nhận thấy không nên chỉ gói gọn trong việc đối xử tử tế đối với du khách, nên ngày 1/7/1979 cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch Văn Minh Lịch Sự ra toàn xã hội và chọn tháng 7 hằng năm để mọi người “nghĩ đến nhau và đối xử tử tế với nhau”. Chiến dịch Văn Minh Lịch Sự cũng có một lô-gô là Mặt cười Smiley với khẩu hiệu: “Hãy biến sự văn minh lịch sự trở thành lối sống của chúng ta”. Đến năm 1982, biểu tượng lô-gô “Mặt cười smiley” được thay bằng “Chú sư tử Singa”. Từ 1985, việc thực hiện nếp sống Văn Minh Lịch Sự trở thành chiến dịch kéo dài suốt năm với kinh phí lên đến 700.000 đô-la Xanh mỗi năm. Từ ngày 1/3/2001, chiến dịch “Nếp sống văn minh lịch sự quốc gia” đổi thành phong trào “Xanh-ga-po tử tế” kéo dài đến nay.

3. SUY NIỆM:

1) Làm gì để hình thành văn hóa xếp hàng:

Ngày nay tại Việt Nam chúng ta Văn Hóa Xếp Hàng nói chung vẫn chưa được ngừơi dân coi trọng. Nhiều nơi vẫn xảy ra hiện tượng giành chỗ trước khi mua vé tàu hay tiến hành làm thủ tục tại sân bay, khiến nhiều du khách nước ngòai bất bình và có ấn tượng không tốt về trình độ văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta.

Muốn có văn hóa xếp hàng thì cần bắt đầu bằng việc giáo dục nhân bản. Có lẽ trong một thời gian dài do phải lo đối phó với các vấn đề cấp bách của cuộc chiến giành độc lập, rồi sau đó lại phải đương đầu với vấn đề “cơm áo gạo tiền”… nên các người có trách nhiệm đã quên giáo dục nhân bản cho thế hệ con em như: Giữ tôn ti trật tự trong gia đình, biết kính trên nhường dưới, biết quan tâm đến người khác và tôn trọng tha nhân… thể hiện qua thái độ: Giữ thinh lặng tại nơi chung; Giữ gìn vệ sinh công cộng và ý thức bảo vệ của chung… Cũng do không được giáo dục nhân bản nên giới trẻ hiện nay có nhiều biểu hiệu thiếu văn hóa như: Tranh giành chỗ đứng khi mua vé xe, vé vào rạp hát hoặc mua hàng trong siêu thị…

2) Trách nhiệm của gia đình, trường học và xã hội:

Muốn có được văn hóa xếp hàng như người dân các nước văn minh khác trong khu vực, chúng ta cần bắt đầu giáo dục từ gia đình, đến nhà trường và ra xã hội:

- Trong gia đình: bà mẹ phải dạy con ứng xử vị tha thay cho vị kỷ, cần dạy con học thuộc và thực hành theo phương châm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Cha mẹ không được chiều con quá mức. Vì nếu đứa trẻ trong gia đình “muốn gì được nấy”, thì nó sẽ không ý thức phải nhường nhịn tha nhân. Từ ý thức ích kỷ sẽ biến thành hành vi tranh giành rồi thành thói quen chụp giật và thành tính cách coi thường luật pháp trong xã hội.

- Tại trường học: Thầy cô giáo cần dạy học sinh văn hóa ứng xử qua thái độ tôn trọng tha nhân, tuân giữ kỷ luật học đường… Nên cho học sinh xếp hàng đầu giờ trước khi vào lớp, tập thói quen xếp hàng khi nộp học phí hay khi đến xin giải quyết công việc tại nhà trường…

- Ngoài xã hội: Tại các cơ quan nhà nước hay nơi phục vụ công cộng cần theo nguyên tắc “đến trước phục vụ trước”. Các nhân viên phải cương quyết không giải quyết cho ai không xếp hàng nghiêm túc. Hiện nay tại các ngân hàng, cơ sở khám bệnh hay giao dịch công ty đã có đổi mới là: Khách đến làm việc sẽ nhận một vé thứ tự tự động và làm theo hướng dẫn hiển thị trên màn hình.

3) Vai trò của các phương tiện truyền thông:

Báo chí truyền thanh truyền hình cũng phải tích cực góp phần vào việc giáo dục công dân bằng các khẩu hiệu, các tiểu phẩm phản bác thói ưa tranh giành, bằng những bài nói chuyện của các chuyên gia giáo dục xã hội trên truyền hình

Tuy nhiên, ngoài các điều trên còn cần áp dụng biện pháp răn đe: Tại Xanh-ga-po du khách mới đến đã được hướng dẫn viên du lịch nhắc nhở phải bỏ rác vào thùng rác. Ai xả rác bừa bãi sẽ bị cảnh sát phạt đến 500 đô-la Xanh. Điều này cũng có tác dụng răn đe rất lớn khiến ai nấy đều sẵn sàng chấp hành kỷ luật.

4. SINH HOẠT: Bạn sẽ làm gì để huấn luyện người dưới quyền về văn hóa xếp hàng?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Xin giúp các bậc cha mẹ biết nêu gương sáng và quan tâm dạy dỗ con cái biết ứng xứ có văn hóa trong mọi hoàn cảnh ngay từ khi chúng còn thơ bé.

Xin cho các thày cô giáo tại nhà trường ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách cho học trò, để quan tâm nhiều hơn về môn công dân giáo dục, và áp dụng bài học ứng xử có văn hóa trong các sinh hoạt học đường…

Xin cho các nhà quản lý xã hội biết tạo điều kiện để công dân biết ứng xử văn minh trật tự, nhất là văn hóa xếp hàng… nhờ đó sẽ có thể nâng cao uy tín dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.- AMEN.

 LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây