TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÀI 19 VĂN HOÁ ỨNG XỬ

Thứ hai - 01/08/2022 08:08 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   1055
”Điều gì con muốn cho người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó”
BÀI 19 VĂN HOÁ ỨNG XỬ
BÀI 19
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - GIÁ TRỊ TÍCH CỰC CỦA MỘT CỬ CHỈ ĐẸP
 
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : ”Điều gì con muốn cho người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN : SỨC LÔI CUỐN CỦA CỬ CHỈ ĐẸP.
- Bà PHO-RƠ-MEN dừng chiếc xe hơi của mình trước một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dẫy dài xe hơi nối đuôi phía sau xe mình. Bà chợt nảy ra một ý vui vui. Bà hạ kính xe xuống, trao cho nhân viên bán vé một tờ 10 đô-la và bảo : ”Chú ơi. Tôi mua một vé. Còn lại tôi mua thêm 9 vé cho 9 chiếc xe sau tôi. Chỗ dư tôi xin biếu cho chú đó !”
Không chờ để người bán vé kịp thắc mắc thể hiện qua nét mặt của anh ta, bà Pho-rơ-men quay kính xe, đạp ga và lái xe đi ngay. Bà hình dung ra trong đầu cũng sự ngạc nhiên đầy thú vị ấy nơi khuôn mặt của 9 người lái xe phía sau mà bà không hề quen biết. Bà không cần những lời cảm ơn. Chỉ là một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ thôi mà. Có đáng gì dâu !
- Về đến nhà, bà Pho-rơ-men vừa làm bếp vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay trên đường. Ông chồng già để ý rất lấy làm lạ. Đến bữa ăn trưa, ông lựa lời hỏi, bà mới kể lại đầu đuôi câu chuyện. Đến phiên ông cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy của bà…
Buổi chiều, đến trường dạy môn giáo dục công dân, ông Pho-rơ-men quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về “cử chỉ đẹp” của bà vợ để dẫn nhập vào bài học. Các học sinh trung học của ông lặng đi một thóang rồi đồng lọat vỗ tay tán thưởng, Cuối cùng thầy giáo Pho-rơ-men kết thúc bài học như sau : ”Các em hãy nhớ : niềm vui sống khởi đi từ những chuyện bình thường nho nhỏ như thế. Mỗi ngày ước gì mỗi người chúng ta đều làm được ít nhất một “cử chỉ đẹp” tương tự, các em nhé !”
- Ở lớp học hôm ấy có cô bé Ma-ry, vốn là một học sinh cá biệt và bướng bỉnh lì lợm, và lười biếng không bao giờ làm việc nhà. Cô bé về nhà trong tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi và quyết định sẽ làm một cử chỉ đẹp để cho cha mẹ ngạc nhiên. Cô lặng lẽ làm việc nhà : quét tước nhà cửa và nấu nướng giặt ủi quần áo mà mẹ cô vẫn làm hằng ngày, trước khi mẹ cô từ xưởng thợ và cha cô ở tòa báo trở về nhà. Chập tối, khi hai ông bà bước vào nhà thấy sự sạch sẽ ngăn nắp trong nhà thì đã đoán chừng có sự đổi thay kỳ lạ nào đó nơi cô con gái cưng đang tuổi dậy thì ! Hỏi mãi cô bé mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” mà cô đã nghe thầy Pho-rơ-men kể ở lớp. Cô hứa với bố mẹ tất cả các việc cô làm trong nhà hôm nay không phải là “cử chỉ đẹp” duy nhất, nhưng sẽ được tiếp tục thực hiện trong những ngày sắp tới.
- Sau bữa cơm chiều thật vui vẻ đầm ấm, ông En-phông-sơ cha của Ma-ry, vốn là một phóng viên của tờ báo địa phương, khoan khóai ngồi vào bàn làm việc. Ông quyết định phải viết ngay một bài báo về câu chuyện “cử chỉ đẹp”… Chỉ đến chiều hôm sau là cả miền đều xôn xao khi đọc được bài báo. Người ta bảo nhau, ít nhất mỗi ngày, hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ cho nhau, cho cuộc sống thêm niềm vui…
- Cha xứ đưa câu chuyện vào bài giảng thánh lễ Chúa Nhật kế đó. Một diễn giả chọn câu chuyện làm chủ đề chính cho một buổi mạn đàm ở hội trường lớn của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho đứa con như một chuyện cổ tích để ru nó vào giấc ngủ ngon. Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau cũng thỏa thuận từ nay sẽ dành cho nhau những “cử chỉ đẹp” thay vì những trò giận dỗi vô bổ. Ngòai đường phố, người ta thôi không vứt bã kẹo cao-su bừa bãi. Trẻ em ngưng trò đá banh trên đường phố hoặc đi bấm chuông ngoài cổng để chọc phá nhà hàng xóm.
- Những người lái xe cố gắng tránh không làm tạt những vũng nước dơ trên đường lên khách bộ hành. Một cậu Sói Con bước ra khỏi nhà, thắt một chiếc nút nhỏ ở chéo đuôi khăn quàng trên ngực, tự nhủ sẽ làm một “cử chỉ đẹp” trên đường đến công viên họp bạn Hướng Đạo. Trong nhà giam, viên cai ngục vốn bẳn tính quyết định sẽ có những “cử chỉ đẹp” đối với các tù nhân. Người đi mua hàng ở tiệm tạp hóa biết mở miệng nói lời cám ơn lịch sự. Còn cô bán hàng thường hay cau có đã biết nở nụ cười khả ái đáp lại khách hàng. Một cầu thủ bóng đá vốn nổi tiếng chơi xấu ngáng chân kéo áo, giờ đây trong trận đấu cuối tuần, đã biết chạy lại đỡ nâng cầu thủ đội bạn bị té ngã đứng dậy kèm theo lời xin lỗi…
3. SUY NIỆM :
Một “cử chỉ đẹp”. Vâng, chỉ cần một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ mỗi ngày thôi, cũng đủ làm cho cuộc sống chung quanh chúng ta thêm ý nhị đậm đà. Và niềm vui do thái độ yêu thương và quan tâm đến nhau sẽ được nhen nhúm, rồi bùng cháy thành một đám lửa hồng, lan tỏa ngọn lửa yêu thương đến cho mọi người.
4. SINH HOẠT :
Bạn thấy “cử chỉ đẹp” của bà Pho-rơ-men trong câu chuyện trên có giá trị tích cực thế nào ? Trong những ngày này bạn quyết tâm sẽ làm “cử chỉ đẹp” nào cho người thân trong gia đình, bạn bè nơi trường học hay xưởng làm và mọi người có dịp tiếp xúc ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Qua câu chuyện “Giá Trị tích cực của một cử chỉ đẹp”, chúng con hiểu được sức mạnh của một cử chỉ đẹp, dù nhỏ bé nhưng lại có sức lôi cuốn được nhiều người khác làm theo. Xin giúp chúng con thực hiện mỗi ngày một cử chỉ đẹp, để gây thiện cảm với người khác. Hy vọng cử chỉ đẹp giống như ánh lửa tin yêu sẽ truyền ánh sáng và sức nóng cho người khác, để biến đổi môi trường là gia đình, khu xóm, trường học và xưởng làm… ngày một ấm áp tình người hơn và nên thiên đường hạ giới ngay từ hôm nay.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây