TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ Vọng Phục Sinh -2021

Thứ ba - 01/06/2021 04:36 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   1555

Bài giảng lễ Vọng Phục Sinh -2021
(Rm 6, 3-11; Mc 16, l-8)


Anh chị em thân mến,

Nếu hôm nay, sau hơn 2000 năm của Kitô giáo, chúng ta cử hành đại lễ Phục Sinh, chính là bởi vì một chuỗi liên tục những người tín hữu qua các thời đại đã truyền lại cho chúng ta niềm tin tràn đầy hy vọng vào sự sống lại của Đức Kitô.

Trong 1 Corinto, thánh Phaolô viết: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Co 15, 3-8).

Chúng ta quy tụ hôm nay để mừng lễ Vọng Phục Sinh là nhờ vào việc thông truyền Tin Mừng này qua nhiều thế kỷ. Chúng ta cử hành chiến thắng của sự sống trên sự chết. Chúng ta cử hành chiến thắng của Chúa Giê-su Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, Đấng mang lại ý nghĩa cho đời sống của chúng ta, bất chấp những lo lắng, đau khổ và những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày.

Tảng đá to gắn chặt trên ngôi mộ là biểu tượng của sự bất lực của chúng ta trong việc chiến thắng sự chết bằng sức riêng của mình. “Những người phụ nụ nói với nhau: ai sẽ lăn tảng đá đa khỏi mộ dùm chúng ta đây”. Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm” (Mc 15, 3-4). Chi tiết cụ thể này được cả 4 vị thánh sử ghi lại. Đối với thánh Mac-co và đối với chúng ta hôm nay, tảng đá này ám chỉ đến một bức tường thật sự chia tách con người với sự sống lại: “Ai có thể cất đi thử thách này?”. Chỉ có một mình Thiên Chúa có thể xóa bỏ sức nặng của sự chết đè lên thân phận con người.

Điều quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải là trình bày về ngôi mộ trống, nhưng là lời loan báo về sự sống lại. Các bà đã gặp một người đưa tin, một thanh niên mặc áo trắng, bày tỏ cho các bà về sự sống lại của Chúa Giê-su. Phục Sinh, đó là ngày lễ của sự mạc khải lớn lao này; đó là lễ của niềm vui và hy vọng. Các bà đã hoảng sợ, nhưng người thanh niên này nói với các bà rằng: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì? Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này.” Nếu sự xuất hiện bất thình lình của Thiên Chúa làm cho người ta hoảng sợ, thì sự hiện diện của Ngài sẽ làm cho người ta được an tâm. Thiên Chúa chân thật không phải là kẻ làm cho người ta sợ hãi, nhưng là Đấng mang lại sự bình an và niềm hy vọng.

Người thanh niên mặc áo trắng còn nói thêm: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Galile trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Galile, đó là nơi mà các môn đệ đã được sinh ra, lớn lên, làm việc và sống với gia đình, vì các ngài đều quê ở Galile. Đức Kitô đồng hành với họ trong đời sống thường ngày. Hãy đi! Đừng dừng lại nơi ngôi mộ trống. Hãy đi đến bất cứ nơi nào mà Chúa Giê-su đi trước các anh, nơi mà Ngài đã hẹn với các anh.

Thường thường, tất cả mọi sự liên quan đến đời sống của con người đều kết thúc nơi nghĩa trang, nghĩa là hành trình dương thế đã đóng lại, và người ta bước sang một thế giới khác. Nhưng trong lịch sử của Đức Kitô, tất cả bắt đầu nơi nghĩa trang, chung quanh ngôi mộ trống. Và vị sứ giả không nói với các phụ nữ: “Hãy đi nói với các môn đệ đến đây xem ngôi mộ trống”. Nhưng đã nói với các bà rằng: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Galile trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Cộng đoàn của các môn đệ không được thành lập chung quanh một ngôi mộ trống, nhưng là chung quanh Chúa Giê-su Phục Sinh. “Ngài không còn ở đây, Ngài đã phục sinh... Ngài đi trước các anh đến Galile”. Ngài đợi các anh ở nơi các anh đang sống.

Mỗi ngày Chúa nhật, các Kitô hữu họp nhau trong cộng đoàn, trong giáo xứ của mình, chung quanh Chúa Giê-su Phục Sinh, như lời Chúa Giê-su nói: “Nơi nào có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”. Và Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống... Ai bước đi theo Thầy, sẽ không đi trong tối tăm”.

Anh chị em thân mến,

Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng... Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Thật vậy Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô” (1 Co 15, 14. 20. 25-27).

Niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh đã đâm rễ sâu trong đời sống đức tin của người tín hữu công giáo qua các thời đại. Dẫu cho có một số người chống đối, không tin, nhưng những chứng cứ của các tông đồ, những người đã có dịp gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, những sự biến đổi tích cực của những người đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, là một điều không thể chối cãi được.

Vào ngày lễ Phục Sinh, Đức Kitô mời gọi chúng ta bắt đầu lại để sống một cách tròn đầy niềm tin của người tín hữu, để bước từ nỗi sợ hãi sang niềm vui, từ quá khứ sang hiện tại, từ cái chết đến sự sống. Hôm nay, chúng ta cử hành sự vinh quang vĩ đại, chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

+Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây