TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những Văn Kiện về Bí Tích Thánh Thể

Thứ tư - 02/06/2021 22:32 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP |   2513
Những Văn Kiện về Bí Tích Thánh Thể

Những Văn Kiện Của Huấn Quyền Về Bí Tích Thánh Thể
Từ Công Đồng Vaticanô II


Tông huấn Sacramentum caritatis số 5 đã nhắc đến những văn kiện chính của huấn quyền từ sau công đồng Trentô, trong số đó phải kể đến bốn thông điệp: thông điệp Mirae caritatis (28/5/1902) của đức Lêô XIII, thông điệp Mediator Dei (20/11/1947) của đức Piô XII, thông điệp Mysterium fidei (3/9/1965) của đức Phaolô VI, thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/4/2003) của đức Gioan Phaolô II, và hai huấn thị của Bộ Phụng tự vào năm 1967 và 2001.

Thực ra huấn quyền đã ban hành khá nhiều văn kiện. Dưới khía cạnh đạo lý, các văn kiện ấy không những ghi nhận những đóng góp của thần học trong thế kỷ XX, nhưng còn mở rộng đến nhiều khía cạnh mới, đặc biệt là nêu bật mối liên hệ với phụng vụ và linh đạo. Chúng ta hãy điểm qua những văn kiện chính khởi đầu từ công đồng Vaticanô II.

I. Công đồng Vaticanô II

Công đồng đề cập đến mầu nhiệm Thánh Thể rải rác nơi nhiều văn kiện, từ Hiến chế đầu tiên về phụng vụ (được ban hành ngày 4/12/1963) cho đến Hiến chế cuối cùng về Hội thánh trong thế giới hiện đại (ngày 7/12/1965).

Thoạt tiên xem ra Hiến chế về phụng vụ (chương II, số 47-58) chỉ chứa đựng những chỉ dẫn mục vụ nhằm cổ võ sự tham gia tích cực vào Thánh Lễ (chẳng hạn duyệt lại các bản văn và bài đọc, cử hành bằng ngôn ngữ địa phương), nhưng thực ra văn kiện này đã bao hàm nhiều nguyên tắc thần học quan trọng. Bí tích được nhìn trong toàn thể của mầu nhiệm, nêu lên nhiều mối tương quan: giữa Lời Chúa và nghi thức, giữa cộng đoàn với các tác viên, giữa bàn tiệc với hy tế. Thánh lễ là sự tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu (memoriale Mortis et Resurrectionis suae). Đạo lý về Thánh Thể cũng cần được đọc trong những viễn tượng của phụng vụ (số 7) và các bí tích nói chung (số 59), nghĩa là quy chiếu về lịch sử cứu độ với trung tâm là mầu nhiệm Chúa Ba ngôi và mầu nhiệm Vượt qua. Việc cử hành các bí tích đòi hỏi sự chuẩn bị đức tin, sự tham gia tích cực và đem ra cuộc sống.

Ngoài hiến chế về phụng vụ, bí tích Thánh thể còn được đề cập trong các văn kiện sau đây66 Đạo lý của công đồng Vaticanô II về bí tích Thánh thể được trình bày cách hệ thống trong các văn kiện được xuất bản sau công đồng, chẳng hạn như Huấn thị Eucharisticum Mysterium của Bộ Phụng tự (25/5/1967) và “Quy tắc dẫn nhập vào Sách Lễ Rôma” (26/3/1970):

- Hiến chế về Hội thánh (21/11/1964). Số 3 và 7: Thánh Thể là trung tâm của mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội thánh. Số 11: Bí tích nhìn theo chiều kích của Chúa Kitô và Hội thánh. Số 26: Thánh Thể là nhân tố cấu thành Hội thánh địa phương.

- Sắc lệnh về Hiệp nhất (21/11/1964). Số 15 nói đến việc cử hành Thánh Thể bên các Giáo hội Đông phương với những chiều kích của mầu nhiệm Chúa Ba ngôi và Hội thánh.

- Sắc lệnh về Truyền giáo (7/12/1965) bàn về Thánh Thể và công tác truyền giáo ở số 9.

- Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục (7/12/1965). Số 5-6 nói đến sự hiện diện của Chúa Kitô, tác động của Thánh Linh, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội thánh và hoạt động mục vụ.

- Hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới hiện đại (7/12/1965) trình bày nhãn giới vũ trụ và cánh chung của Thánh Thể ở số 38. Đoạn văn này mang ý nghĩa đặc biệt bởi vì không chỉ giới hạn Thánh Thể vào việc cử hành phụng vụ nhưng mở rộng đến tiến trình tái tạo toàn thể vũ trụ khởi đầu từ mầu nhiệm Vượt qua và sẽ hoàn tất trong bữa tiệc trên thiên quốc.

Cần thêm rằng bên cạnh những đoạn bàn trực tiếp về đạo lý, công đồng còn bàn đến Thánh Thể dưới những lãnh vực khác, đặc biệt là đời sống tâm linh, chẳng hạn như:

- nguồn mạch bác ái là hồn của hoạt động tông đồ: HT 33b; LM 6e; TĐGD 3a;

- mối dây hợp nhất với Chúa Kitô, nguồn của mọi công tác bác ái: TĐGD 8c;

- nguồn mạch nghĩa vụ truyền giáo và tông đồ: TG 36a ;

- nguồn của đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ của các linh mục: LM 13c; 14b; 18a;

- trong đời sống các tu sĩ: DT 6b; 15a;

-Thánh thể và việc thánh hoá lao động: HT 34b.

II. Thời đức giáo hoàng Phaolô VI

Trong số những văn kiện của đức thánh cha hoặc của giáo triều Rôma được phát hành trong những năm 1963-1978, cần nhắc đến:

1/ Thông điệp Mysterium fidei được ban hành ngày 3/9/1965, ba tháng trước khi bế mạc công đồng, cảnh giác vài giải thích lệch lạc tư tưởng của công đồng, đáng kể nhất là ba điểm sau đây: a) việc nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn của Thánh Lễ ra như muốn bãi bỏ các Thánh lễ riêng tư (số 15); b) thuật ngữ “chuyển bản thể” (transubstantiatio) được thay đổi bởi những thuật ngữ mới (chẳng hạn như là “chuyển ý nghĩa” transignificatio hoặc “chuyển mục tiêu” transfinalizatio) đe dọa chân lý về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu (số 22.24.27); c) sự suy giảm niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu sau khi Thánh lễ kết thúc dẫn đến chỗ loại bỏ sự tôn thờ Mình Thánh Chúa (số 32). Vì thế thông điệp đã nhắc lại đạo lý của Hội thánh về (1) Hy tế Thánh Lễ, (2) Sự hiện diện của Chúa Kitô, (3) sự chuyển bản thể, (4) việc tôn thờ Thánh Thể.

2/ Ra như để đáp lại những mối quan tâm của đức thánh cha, bộ Phụng tự đã xuất bản huấn thị Eucharisticum mysterium (ngày 25/5/1967) giải thích cách riêng về nền tảng đạo lý của việc thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Những điểm cốt yếu được tóm lại trong chương I nhắm đến việc huấn giáo về chín điểm sau đây: (a) Mầu nhiệm Thánh Thể trung tâm của đời sống Hội thánh; (b) Mầu nhiệm Thánh Thể, trung tâm của giáo hội địa phương; (c) mầu nhiệm Thánh Thể và sự hợp nhất các Kitô hữu; (d) Những cách thức hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội thánh và cộng đoàn phụng vụ; (e) Tương quan giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; (f) Chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác trong việc cử hành Thánh Thể; (g)Việc tham dự tích cực vào Thánh lễ; (h) Công hiệu của việc cử hành Thánh Thể trong cuộc sống thường nhật; (i) việc huấn giáo về bí tích. Chương II trình bày những hoàn cảnh khác nhau của việc cử hành Thánh lễ. Chương III được dành cho việc tôn sùng Thánh Thể.

3/ Những đạo lý đức tin Hội thánh công giáo về Thánh Thể được Đức Phaolô VI nhắc lại trong kinh “Tin kính của Dân Chúa” được tuyên đọc ngày 30/6/1968, bế mạc Năm đức tin. Ta có thể tóm lại vào 5 điểm sau: (a) linh mục dâng hy tế Thánh lễ trong cương vị của Chúa Kitô (in persona Christi) và do quyền năng của bí tích truyền chức thánh; (b) Thánh lễ là hy tế giống như hy tế Thập giá, nhờ sự hiện diện bí tích của cùng một hy tế duy nhất ấy; (c) Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể; (d) thuật ngữ “chuyển bản thể” thích hợp nhất để diễn tả sự biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa; (e) sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể là nền tảng của việc tôn thờ ngoài Thánh Lễ.

4/ Thiết tưởng văn kiện quan trọng trong giai đoạn hậu công đồng là “Sách Lễ Rôma”, bao gồm tông hiến Missale Romanum của đức Phaolô VI (3/4/1969) và Văn kiện “Những quy tắc tổng quát” với chương đầu tiên được dành cho đạo lý về bí tích. Điều đáng lưu ý là sự liên hệ mật thiết giữa việc tuyên xưng và cử hành đức tin, một hướng đi sẽ được tiếp tục trong những văn kiện kế tiếp.

III. Thời đức giáo hoàng Gioan Phaolô II

Đức thánh cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã đề cập đến bí tích Thánh Thể vào nhiều cơ hội khác nhau77 Đừng kể những bài giảng lễ, các bài huấn từ, các lá thư gửi các linh mục nhân ngày thứ năm Tuần thánh, đề tài Thánh Thể được nhắc đến trong các thông điệp Dives in misericordia (số 13), Dominum et vivificantem (số 62), Redemptoris Mater (số 32; 44), Redemptoris missio (số 26; 51; 67; 71), Sollicitudo rei socialis (số 48), Ut unum sint (số 23; 45-46; 58; 72; 77). Xc. José Rico Pavés, La Eucaristia en el Magisterio de Juan Pablo II, in: Toletana 9 (2003) 191-242.. Thánh thể trở thành một đề tài chính của tác vụ giáo hoàng, như chúng ta đọc thấy ngay từ thông điệp đầu tiên Redemptor hominis (4/3/1979) số 20. Bí tích này liên hệ chặt chẽ với mầu nhiệm Thiên Chúa, Chân lý về con người, Bản tính của Hội thánh, Chiều kích cánh chung. Chúng tôi chỉ ghi nhận những văn kiện bàn đến Thánh Thể cách trực tiếp.

1/ Tông thư Dominicae coenae (24/2/1980) gửi đến các linh mục nhân ngày thứ năm tuần thánh, với ba đề mục chính: (a) mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội thánh và các linh mục; (b) tính thánh thiêng của Thánh Thể và hy tế; (c) hai bàn tiệc của Chúa và công ích của Hội thánh. Những quy tắc được chấp hành qua huấn thị Inaestimabile donum của Bộ Phụng tự (3/4/1980).

2/ Bộ Giáo luật được ban hành ngày 25/1/1983 bàn về bí tích Thánh Thể ở quyển Bốn (Nhiệm vụ Thánh hoá của Giáo hội), Mục 3, với ba chương: (a) Cử hành bí tích Thánh Thể (điều 899-933); (b) Lưu giữ và tôn thờ Thánh Thể (điều 934-944); (c) Bổng lễ (điều 945-958). Đây là một văn kiện mang tính cách kỷ luật, lấy lại đạo lý của công đồng Vaticanô II và huấn quyền kế tiếp.

3/ Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (11/10/1992)

Có thể coi đây như là tổng lược đạo lý của Hội thánh Công giáo, đánh dấu những thành quả nghiên cứu thần học từ công đồng Vaticanô II. Tác phẩm được chia làm bốn Phần: Tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin, đức tin và cầu nguyện.

Bí tích Thánh Thể được trình bày cách hệ thống trong Phần thứ Hai, đoạn 3. Sau hai số dẫn nhập (1322-1323), nội dung được phân thành 7 mục.

- (1) Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội thánh (số 1324-1327), giới thiệu tầm quan trọng của bí tích.

- (2) Các danh xưng của bí tích (số 1328-1332) dựa theo Tân ước và truyền thống phụng vụ.

- (3) Thánh Thể trong nhiệm cục cứu độ (số 1333-1344), trình bày những nền tảng Kinh thánh của bí tích, đi từ ý nghĩa của bánh và rượu đến việc thiết lập bí tích và việc cử hành trong Hội thánh tiên khởi.

- (4) Việc cử hành phụng vụ (số 1345-1355), giải thích những phần căn bản của Thánh Lễ.

- (5) Mục thứ năm (số 1356-1381) dài nhất, trình bày đạo lý về bí tích Thánh Thể, dựa theo ba khái niệm quy về Chúa Ba ngôi: tạ ơn (Chúa Cha), hy tế tưởng niệm (Chúa Con), hiện diện của Chúa Kitô (do quyền năng Thánh Linh).

- (6) Mục thứ sáu (số 1382-1401) với tựa đề “bàn tiệc Vượt qua” chú trọng đến việc hiệp lễ.

- (7) Mục cuối cùng nói đến chiều kích cánh chung của bí tích, như là “bảo chứng của vinh quang mai hậu” (số 1402-1405).

4/ Thông điệp Ecclesia de Eucharistia

Văn kiện được ban hành vào ngày thứ năm Tuần thánh (16/4) năm 2003, ra như đúc kết tất cả những giáo huấn của 25 năm giáo hoàng và nằm trong kế hoạch cổ võ đời sống tâm linh trong Giáo hội đã được phác hoạ vào lúc bước sang thiên niên kỷ thứ ba (Tông thư Novo millennio ineunte, ngày 6/1/2001). Thông điệp gồm 62 số, được phân làm 6 chương, nêu bật mối liên hệ giữa Thánh Thể và Hội thánh.

- Chương I “mầu nhiệm đức tin” ôn lại những điểm chính của đức tin về Thánh Thể: hy tế, hiện diện, bàn tiệc.

- Các chương II-V khai triển những khía cạnh của tương quan giữa Thánh Thể và Hội thánh: Thánh thể xây dựng Hội thánh (ch. 2); tính tông truyền của Thánh Thể và Hội thánh (ch. 3); Thánh thể và sự hiệp thông Hội thánh (ch.4); tính cách trang trọng của các buổi cử hành (ch.5).

- Chương cuối cùng được dành cho Đức Maria, người phụ nữ của Thánh Thể, mẫu gương của đức tin, của tâm tình dâng hiến và tạ ơn.

Nên biết là tiếp theo thông điệp này, Bộ Phụng tự đã ra một huấn thị Redemptionis sacramentum (ngày 25/3/2004) nhắc nhở vài quy tắc kỷ luật trong việc cử hành Thánh lễ và rước lễ.

5/ Năm Thánh Thể (2004-2005)

Để chuẩn bị cho khoá họp XI của Thượng hội đồng giám mục bàn về bí tích Thánh Thể, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã quyết định mở ra Năm Thánh Thể, bắt đầu với Đại hội Thánh Thể quốc tế ở Guadalajara (10-17/10/2004) và kết thúc vào ngày bế mạc Thượng hội đồng (23/10/2005).

Nhân dịp này, đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư Mane nobiscum Domine (7/10/ 2004), và Bộ Phụng tự xuất bản tài liệu Năm Thánh Thể. Hướng dẫn và đề nghị (14/10/2004)

IV. Thượng hội đồng giám mục khoá XI

Đề tài của Thượng hội đồng được đức Gioan Phaolô II loan báo ngày 12/2/2004 “Thánh Thể: nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội thánh”. Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng đã soạn một Sơ đồ (Lineamenta) gửi đến các hội đồng giám mục và cơ quan giáo triều để tham khảo ý kiến. Dựa theo các câu trả lời góp ý, Văn phòng đã soạn ra Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) vào đầu năm 2005, gồm 4 chương: 1/ Thánh Thể trong thế giới hiện nay. 2/ Đức tin của Hội thánh vào Thánh Thể. 3/ Thánh Thể trong đời sống Hội thánh. 4/ Thánh thể trong sứ vụ của Hội thánh.

Đức thánh cha Gioan Phaolô II băng hà ngày 2/4/2005. Đức Bênêđictô XVI được bầu kế vị ngày 19/4/2005, và không đầy một tháng sau (ngày 12/5) đã thông báo quyết định tiếp tục khoá họp Thượng hội đồng như đã dự trù, từ ngày 2 đến 23 tháng 10 năm 2005.

Khóa họp khai mạc với Thánh Lễ cử hành ngày 2/10. Thành phần tham dự gồm 256 nghị phụ, 32 chuyên viên, 27 dự thính viên, 12 đại biểu của các giáo hội và giáo đoàn ngoài công giáo. Sau ba tuần lễ nhóm họp, Thượng hội đồng bế mạc với Thánh lễ ngày 23/10. Trước đó, các nghị phụ đã bỏ phiếu chấp thuận danh sách 50 kiến nghị (propositiones) và Sứ điệp gửi toàn thể Dân Chúa.

Tông huấn hậu-Thượng-hội-đồng được đức Bênêđictô XVI ký vào ngày 22/2/2007, và được giới thiệu với báo chí vào ngày 13/3/2007.

V. Tông huấn Sacramentum caritatis

Tông huấn này được xem như kết quả của Thượng hội đồng giám mục cùng với đức thánh cha. Văn kiện trích dẫn hơn 70 lần các kiến nghị của Thượng hội đồng.

Tông huấn mang tựa đề “Sacramentum caritatis” (bí tích của tình yêu), một thuật ngữ trích từ các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô. Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa các thuật ngữ được dùng làm danh xưng bí tích sau khi giới thiệu tông huấn; ở đây chỉ cần ghi nhận rằng việc lựa chọn thuật ngữ này muốn nêu bật mối liên hệ với thông điệp đầu tiên của đức Bênêđictô XVI “Deus caritas est” (Thiên Chúa là tình yêu), như chính ngài giải thích ở số 588 Tông huấn trích dẫn thông điệp nhiều lần: số 5, 9, 11, 82, 88, 89..

Sau Nhập đề (số 1-5), văn kiện được chia làm ba phần chính: 1/ mầu nhiệm để tin (số 6-33); 2/ mầu nhiệm để cử hành ( số 34-69); 3/ mầu nhiệm để sống (số 70-93)99 Ngoài ba khía cạnh của mầu nhiệm (tuyên xưng, cử hành, sống) ta cũng có thể thêm hai phân đoạn trong phần thứ ba: “mầu nhiệm được loan báo” (số 84-87) và “mầu nhiệm được cống hiến cho thế giới” (số 88-92). Cuối cùng là Kết luận (số 94-97).

Ba phần được móc nối với nhau nhằm trình bày ba khía cạnh của bí tích được liên kết chặt chẽ: đạo lý đức tin, cử hành phụng vụ, sống đạo. Mối liên kết này đã được sử dụng trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo khi trình bày mầu nhiệm được “tuyên xưng, cử hành, sống”, hoặc dựa theo châm ngôn cổ điển: lex orandi, lex credendi, lex vivendi (xem số 5; 34). Chính vì mối liên kết chặt chẽ cho nên đôi khi một tư tưởng ở phần thứ nhất được tiếp tục ở phần thứ hai, hoặc rút ra hệ luận ở phần thứ ba. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên một khóa chốt nữa, đó là trọng tâm của mầu nhiệm đức tin Kitô giáo là Tình yêu: Thiên Chúa trao ban mình cho con người, với tột đỉnh là mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô (số 34). Đây là chân lý căn bản mà Giáo hội loan truyền và chuyển thông (số 2). Chân lý tình yêu tạo nên vẻ đẹp của Kitô giáo (số 35). Tất cả bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mầu nhiệm thông hiệp, chuyển sang sự thông hiệp của Hội thánh, và nhắm đến sự thông hiệp của toàn vũ trụ (số 8; 92).

A. Phần thứ Nhất: Tuyên xưng mầu nhiệm

Giọng văn mang tính cách tín lý, trình bày mối liên hệ giữa mầu nhiệm Thánh thể với các mầu nhiệm đức tin: mầu nhiệm Ba ngôi, Chúa Kitô, Thánh Linh, Hội thánh, cánh chung.

1/ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi. Trọng tâm của việc tuyên xưng đức tin là nhìn nhận rằng Thánh thể là quà tặng (donum) của Thiên Chúa Ba ngôi (số 7). Thiên Chúa là tình yêu, bắt nguồn từ sự hiệp thông tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hội thánh trân trọng lãnh nhận hồng ân ấy trong niềm tri ân và trung tín. Đây là nền tảng của tâm tình thờ lạy sẽ được nói đến trong phần thứ hai (số 66-69).

2/ Mầu nhiệm Đức Kitô

Nhìn trong mối liên hệ với Chúa Kitô, bí tích Thánh Thể có thể mang tên là “sacramentum veritatis” hiểu theo hai nghĩa: (a) thực hiện điều mà Cựu ước mới chỉ là hình bóng (dựa theo sự đối chiếu của các giáo phụ giữa Cựu ước và Tân ước “hình bóng và thực tại”, figura - veritas); (b) mặc khải chân lý trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa. Đức Kitô là Chân lý nuôi sống nhân loại, là hồng ân và quà tặng cho nhân loại.

Đức Kitô đã khai trương giao ước mới, phụng tự mới, với những hệ luận quan trọng cho việc cử hành phụng vụ cũng như đời sống phụng tự trong tinh thần.

3/ Chúa Thánh Linh

Chúa Thánh Linh hiện diện trong phụng vụ nói chung, và trong Thánh lễ nói riêng với hai tác động chính: (a) biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh; (b) biến đổi các phần tử tham dự.

4/ Hội thánh

Đoạn này dài hơn cả, chiếm gần như một nửa phần thứ nhất (chiếm 15 số: từ số14 đến 29), và trình bày hai đề tài chính:

a) Thánh Thể với bản chất Hội thánh (số 14-16). Hội thánh bắt nguồn từ tình yêu và bản chất là thông hiệp: vì thế Thánh Thể là nguồn mạch và cao điểm của mọi hoạt động của Hội thánh. Thánh thể tạo nên sự thông hiệp trong cộng đoàn và dây liên kết giữa các cộng đoàn địa phương (số 15). Hội thánh hướng đến cánh chung, sự kết hiệp vĩnh viễn với Thiên Chúa, mà Thánh Thể là bảo chứng. Những đề tài này đã được bàn rộng trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia.

b) Bí tích Thánh Thể và các bí tích của Hội thánh. Bản chất của Hội thánh là một bí tích (số 16): “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (HT 48). Hội thánh vừa lãnh nhận bí tích vừa tự biểu lộ qua bí tích. Từ đó nảy ra mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể là trung tâm của các bí tích với các bí tích khác, được trình bày ở các số 16-29. Cạnh những suy tư thần học, tông huấn cũng rút ra những hệ luận mục vụ và kỷ luật trong việc cử hành bí tích, chẳng hạn như trong lĩnh vực bí tích thống hối (số 21), luật độc thân của các linh mục (số 24), việc rước lễ của những người ly do và tái hôn (số 29).

5/ Cánh chung (số 30-32)

Thời cánh chung đã bắt đầu với Đức Kitô. Nhờ bí tích Thánh Thể, Hội thánh mang mầm mống của sức sống sung mãn, trên đường tiến về sự phục sinh. Thánh Thể diễn tả chân lý về communio sanctorum, sự thông hiệp với các phúc nhân và với các anh chị em đã quá cố.

Phần tín lý kết thúc với Đức Maria, người đã đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và đã tự nguyện tham gia vào công trình cứu độ (số 33). Nên biết là toàn thể văn kiện cũng được kết thúc với tư tưởng hướng về Đức Maria (số 96).

B. Phần thứ Hai: Cử hành mầu nhiệm (số 34-69)

Truyền thống Kitô giáo vẫn nhìn nhận sự liên hệ giữa việc tuyên xưng đức tin và cử hành phụng vụ, dựa theo châm ngôn Lex orandi ,lex credendi. Đối tượng của việc cử hành là việc Chúa Kitô trao ban chính mình trong mầu nhiệm Vượt qua (số 34). Phụng vụ không phải là sáng kiến của con người, nhưng tiên vàn là tác động của Thiên Chúa.

Giọng văn của phần này mang tính cách huấn giáo, miêu tả buổi cử hành, và đôi khi nhắc nhở những sai lệch kỷ luật cần sửa chữa, kèm theo nhiều hướng dẫn mục vụ, tu đức. Chúng ta có thể tóm lại trong năm điểm như sau.

1/ Nguyên tắc thần học căn bản của việc cử hành phụng vụ là phải tôn trọng giá trị khách thể của nó, bởi vì Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô và toàn thể Hội thánh (số 36-37)

2/ Chính vì phụng vụ cử hành vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, cho nên đòi hỏi một thứ “mỹ thuật” (ars celebrandi), không những đòi hỏi việc sử dụng nghệ thuật vào việc phụng tự qua các cử điệu, biểu tượng, phẩm phục, âm nhạc, kiến trúc, nhưng nhất là tôn trọng những quy phạm của việc cử hành (số 38-42).

3/ Những phần chính của buổi cử hành Thánh lễ

Văn kiện dành các số 43-51 cho việc huấn giáo về các phần cấu tạo của Thánh lễ, gồm hai phần chính yếu là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, được ví với hai bàn tiệc của Lời Chúa: Lời được lắng nghe và lời được ăn (Verbum audibile - Verbum manducabile). Tông huấn cũng đưa những hướng dẫn liên quan đến: a) Phụng vụ Lời Chúa; b) Dâng của lễ; c) Kinh nguyện Thánh Thể; d) Rước lễ.

4/ Bàn về các nhân vật chủ động của buổi cử hành, tông huấn nói đến vai trò của chủ tế và các đồng tế (số 39; 53; 61), và quan tâm đến việc tham gia tích cực của cộng đoàn (số 52), cách riêng những nhóm người thuộc vài hoàn cảnh đặc biệt (số 56-63), tựa như những người bệnh tật, những người bị giam tù, những nhóm di dân, những buổi đại hội.

5/ Mục vụ phụng vụ

Việc cổ động sự tham dự tích cực vào phụng vụ đòi hỏi một cuộc huấn giáo về ý nghĩa của bí tích (số 64; 40), việc hội nhập văn hoá (số 54). Chúng ta cũng có thể kể thêm những việc đạo đức cỗ võ tâm tình thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích (số 66-69).

C. Phần thứ Ba: Sống mầu nhiệm

Mục tiêu của phần thứ ba (từ số 70-93) nhằm chứng tỏ rằng việc tin thờ Thánh Thể có khả năng đào tạo nên một nếp sống mới.

Những tiền đề của phần này đã được đề cập ở đầu tông huấn, khi đề cao những giá trị nhân bản hàm chứa trong bí tích Thánh Thể như là: tình yêu, chân lý, tự do (số 2). Bây giờ là lúc diễn tả đời sống mới của Thánh Linh ra đời sống hằng ngày, kể cả qua việc chứng tá trong đời sống công cộng, xã hội và chính trị.

Chúng ta có thể tóm vào 5 điểm sau đây:

1/ Thánh Thể trở nên “hình thái” (forma, có thể dịch là: não trạng, tâm thức) của cuộc đời người Kitô hữu. Công thức này xuất hiện nhiều lần trong phần thứ ba (số 70; 71; 76; 77; 80; 82; 84). Ta cũng có thể lật ngược lại hai vế và nói rằng: “Đời sống Kitô hữu là đời sống Thánh Thể”. Lời khẳng định này được sáng tỏ thêm trong điểm thứ hai.

2/ Thánh thể mang lại sinh lực mới làm biến đổi cuộc đời. Điều này nằm trong bản tính của phụng tự “mới” được khai trương nơi Chúa Giêsu, đó là “phụng tự trong thần khí” (cultus spiritalis: logiké latreia: Rm 12,2), nó bao trùm toàn thể đời người (số 70; 77), và đòi hỏi chúng ta thay đổi lối suy tư và não trạng (số 77-78). Cách riêng Thánh Thể giúp chúng ta biết đặt tình yêu agape làm trung tâm của đời sống, để đáp lại tình yêu mà Chúa dành cho ta (số 82).

3/ Đời sống Kitô hữu dựa theo Chúa nhật (số 72-76)

Hai điểm vừa nói trên mang tính cách nguyên tắc. Kế đó, văn kiện đi vào vài phạm vi cụ thể, trước hết là việc sống ngày Chúa Nhật. Chúa nhật là ngày mà người Kitô hữu tìm gặp forma eucharistica của cuộc đời mình: chiều kích siêu việt (trái nghịch với não trạng tục hóa) và chiều kích cộng đoàn (trái nghịch với não trạng cá nhân).

4/ Linh đạo Thánh Thể

Văn kiện phân tích cách thức áp dụng linh đạo Thánh thể cho các hàng ngũ tín hữu: giáo dân (số 79), linh mục (số 80), tu sĩ (số 81).

5/ Loan truyền mầu nhiệm

Sau khi đã bàn đến việc tin, cử hành, sống mầu nhiệm, những đoạn cuối cùng của tông huấn nói đến việc loan truyền mầu nhiệm, cách riêng qua việc chứng tá. Thánh Thể là động lực của công cuộc truyền giáo (số 84), việc phụng sự xã hội được xem như là mầu nhiệm được cống hiến cho thế giới, như tấm bánh bẻ ra để cho nhân loại được sống (số 88-92). Trong công trình này, chúng ta gặp thấy mẫu gương nơi chứng tá của các vị tử đạo (số 85).

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây