TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phụng Vụ và Giáo Hội

Thứ tư - 02/06/2021 22:37 |   1145
Phụng Vụ và Giáo Hội

PHỤNG VỤ VÀ GIÁO HỘI

I. Bản chất và tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống Hội Thánh

Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế về Phụng Vụ (số 5-12) đã đề cập đến bản chất và tầm quan trọng của Phụng Vụ trong đời sống Hội Thánh như sau:

Thiên Chúa là Đấng "muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tim 11, 3), nên "trước kia đã nói nhiều lần và nhiều cách với cha ông chúng ta qua các tiên tri" (Dt 1, 1), khi thời giờ đã trọn, Người sai Con Người đến, là Ngôi Lời mặc thể xác, chịu xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, để rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, để chữa lành những tấm lòng thống hối, như một "thầy thuốc chữa thể xác và tâm hồn", như Đấng trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại. Vì chính bản tính nhân loại của Người trong bản vị duy nhất của Ngôi Lời, đã làm dụng cụ cho công cuộc cứu rỗi chúng ta, cho nên nơi Chúa Kitô "đã xuất phát giá cứu chuộc đầy đủ để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và truyền thông cho ta việc phụng thờ Thiên Chúa đến chỗ hoàn bị".

"Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, mà bao nhiêu kỳ công của Thiên Chúa đã dọn đàng trong dân chúng Cựu Ước, công trình ấy Chúa Kitô đã hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm vượt qua gồm cuộc khổ nạn hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Người. Nhờ mầu nhiệm vượt qua gồm cuộc khổ nạn hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Người. Nhờ mầu nhiệm vượt qua ấy, "Người chết để tiêu diệt sự chết của ta và sống lại để khôi phục sự sống cho ta". Vì chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô trên cây Thánh Giá, đã sinh ra "bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh".
"Vì vậy, như Chúa Kitô đã được Chúa Cha sai thể nào, thì chính Người cũng sai các Tông Đồ đã được đầy tràn Thánh Thần như vậy, không những để họ rao giảng Tin Mừng cho muôn loài, báo tin rằng: Con Thiên Chúa nhờ sự chết và sống lại đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, và đã đem chúng ta vào trong nước của Cha Người, mà còn để thi hành công cuộc cứu rỗi mà họ rao giảng bằng Thánh Lễ và các Bí tích, trung tâm của tất cả đời sống Phụng vụ. Bởi thế, nhờ phép Rửa tội, loài người được ghép vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: chết với Người, chôn táng với Người, sống lại với Người: loài người nhận lãnh tinh thần nghĩa tử, "trong tinh thần ấy, chúng ta được kêu lên, Abba, lạy Cha" (Rom VIII, 15).

"Và như vậy họ trở thành những người thờ phượng chân thật mà Chúa Cha tìm kiếm. Cũng vậy, mỗi lần họ ăn tiệc của Chúa, họ tuyên xưng cái chết của Người cho đến khi Người trở lại. Chính vì thế mà ngày lễ Hiện Xuống là ngày Hội Thánh xuất hiện trong trần gian, "những người đón nhận lời" của Phêrô, "đã được chịu Phép Rửa". Và họ siêng năng nghe các Tông Đồ giảng dạy, siêng năng thông phần với các anh em trong việc bẻ bánh và kinh nguyện. họ ca tụng Chúa và được lòng toàn dân" (Act II, 41-47). Từ đấy về sau không bao giờ Hội Thánh bỏ việc hội họp để cử hành mầu nhiệm vượt qua: đọc "những gì nói đến Người trong Thánh Kinh" (Lc XXIV, 17), cử hành Hiến tế tạ ơn, trong đó hiện tại hóa "cuộc chiến thắng và khải hoàn do cái chết của Người" và đồng thời "tạ ơn Thiên Chúa vì ơn khôn tả của Người" (IICor, IX, 15) trong Chúa Giêsu Kitô "để ca tụng vinh danh Người" (Eph I, 12) nhờ năng lực Chúa Thánh Thần.

Để hoàn thành một công cuộc lớn lao như vậy, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện bên Hội Thánh Người, nhất là trong những động tác phụng vụ. Người hiện diện trong Thánh Lễ: vừa trong bản thân của thừa tác viên, "chính Đấng xưa đã dâng mình trên Thánh giá, nay Người dâng mình nhờ thừa tác vụ của Linh Mục", nhất là dưới hình bánh rượu. Người hiện diện trong các Bí tích bằng quyền lực Người, đến nỗi mỗi khi ai rửa tội, là chính Chúa Kitô rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người, vì mỗi khi đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh là chính Người nói lên. Sau hết, Người còn hiện diện mỗi khi Hội Thánh cầu khẩn hay hát thánh vịnh, vì Người đã hứa: Nơi nào có hai ba người hội họp vì danh Ta, thì nơi đó có Ta ở giữa họ" (Mt 28, 20).

Thật vậy, trong công trình làm vinh danh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa loài người, Chúa Kitô luôn luôn cho Hội Thánh là hiền thê yêu quý kết hợp với mình, khi Hội Thánh kêu cầu Người như Chúa mình, và nhờ Người mà chu toàn việc thờ phượng Chúa Cha hằng hữu.

Bởi vậy, Phụng vụ đáng được xem là việc thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, trong đó việc thánh hóa loài người được biểu thị bằng những dấu hữu hình, và được thực hiện cách khác biệt tùy theo mỗi dấu; cũng trong đó nhiệm thể Chúa, nghĩa là đầu và chi thể, thi hành đầy đủ công việc phụng vụ.

Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô Linh Mục và của nhiệm thể Người là Hội Thánh, cho nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là động tác đặc biệt thánh thiện, không có động tác nào khác của Hội Thánh dưới cũng một danh nghĩa, một cấp bậc mà có công hiệu bằng.

Trong phụng vụ trần thế, chúng ta được tham dự và tiên hưởng Phụng vụ thiên quốc cử hành ở thành thánh Giêrusalem, nơi mà chúng ta tiến đến như người lữ khách, nơi mà Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa như Đấng hiến tế của đền thánh và nhà tạm thật; cùng với đạo binh thiên quốc, chúng ta ca tụng vinh danh Thiên Chúa và khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hi vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta trông đợi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta là Đấng Cứu Chuộc cho đến khi Người hiện đến, Người là sự sống chúng ta, và chúng ta cũng sẽ hiện ra với Người trong vinh quang.

Phụng vụ không chiếm tất cả hoạt động của Hội Thánh, vì trước khi con người có thể bước vào Phụng vụ, họ cần phải được Đức Tin và ơn trở lại: "Làm sao họ kêu cầu với Người được, nếu họ không tin Người? Làm sao họ tin Người được, nếu họ không nghe nói về Người? Làm sao họ nghe nói được, nếu không có ai rao giảng? Và làm sao người ta rao giảng nếu không được sai đi" (Rom 10, 14-15).

Tuy nhiên, Phụng vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng đến, đồng thời cũng là nguồn xuất phát mọi năng lực của Hội Thánh. Vì công việc tông đồ nhằm làm sao cho tất cả mọi người, một khi đã nhờ đức tin và phép Rửa Tội trở thành con Thiên Chúa, được qui tụ lại với nhau để ca tụng Thiên Chúa trong Hội Thánh, để dự phần tế lễ và ăn tiệc của Chúa.

Đáp lại, cũng chính Phụng vụ thôi thúc tín hữu đã no đầy "những mầu nhiệm vượt qua" phải "đồng tâm trong tinh thần đạo đức". Phụng vụ cầu xin để trong đời sống họ nắm giữ những điều họ chấp nhận bằng Đức Tin. Việc tái lập giao ước giữa Thiên Chúa với loài người trong lễ tạ ơn lôi cuốn và nung nấu tín hữu để thực hiện tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vậy Phụng vụ và nhất là lễ tạ ơn, như nguồn mạch đổ tràn ơn thánh vào chúng ta, và nhờ đó, loài người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu tối đa, và Thiên Chúa được vinh danh, điều mà mọi hoạt động của Hội Thánh nhắm tới như cùng đích.

Nhưng muốn cho hiệu quả ấy được đầy đủ thì tín hữu cần phải thi hành Phụng vụ với tâm hồn ngay lành và được chuẩn bị, họ phải hòa hợp tâm trí với môi miệng, phải cộng tác với ơn thánh trên trời để khỏi nhận lãnh một cách vô ích. Vì vậy các chủ chiên cần phải quan tâm để trong động tác phụng vụ, những luật lệ được giữ đúng cho thành sự và thích pháp, và giáo hữu tham dự một cách ý thức, linh động và có kết quả.

Dù vậy, đời sống thiêng liêng không chỉ thu gọn trong việc tham dự Phụng vụ mà thôi. Vì Kitô hữu đã được kêu mời cầu nguyện chung với nhau, nhưng cũng cần phải "vào phòng riêng của mình để cầu xin Chúa Cha trong thầm kín" và hơn nữa như Thánh Tông Đồ dạy: "Họ phải cầu nguyện không ngừng". Thánh Tông đồ cũng dạy phải mang luôn trong thân xác của chúng ta sự đau thương của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu được biểu lộ nơi xác thịt hay chết của chúng ta. Vì vậy, trong Thánh lễ, chúng ta cầu xin Chúa "sau khi đoái thương nhận của lễ thiêng liêng, hãy làm cho chúng ta trở nên "lễ vật đời đời" dâng hiến cho Người"

II. Mầu Nhiệm hiến tế tạ ơn

Khi đề cập đến mầu nhiệm hiến tế tạ ơn, Hiến Chế về Phụng Vụ số 47-48 đã nói: "Trong bữa Tiệc Ly, đêm mà Người bị phản bội, Chúa Cứu Thế đã lập Lễ tế Tạ ơn bằng chính Mình Máu Người, nhờ đó Lễ Hy Sinh trên Thánh Giá được tiếp diễn qua các thời đại cho đến ngày Người trở lại, và cũng để trao cho Hội Thánh, hiền thê yêu quý của Người, nghi thức tưởng niệm cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người: đó là Bí tích tình yêu, biểu hiệu hợp nhất, dây liên kết bác ái, bữa Tiệc Vượt Qua, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn ta được tràn đầy ơn phúc và đồng thời cũng được bảo đảm cho vinh quang đời sau.

Do đó, Hội Thánh quan tâm lo lắng để giáo dân khi tham dự mầu nhiệm đức tin nầy, đừng như những khán giả ngoại cuộc hoặc câm lặng, nhưng hiểu rõ mầu nhiệm đó qua các nghi lễ và lời kinh trong Thánh Lễ, khi tham dự vào động tác thánh thiện này một cách ý thức, sốt sắng và linh động, họ được giáo huấn bằng lời Chúa, được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc Mình Chúa, được dâng lời cảm tạ Thiên Chúa; khi dâng những của lễ tinh tuyền, không những nhờ tay linh mục mà còn cùng dâng với Ngài, họ học biết dâng chính mình họ cho Chúa, để mỗi ngày, nhờ sự trung gian của Chúa Kitô, họ càng được tiêu hao trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi người.

III. Năm Phụng Vụ

Trong Hiến Chế về Phụng Vụ, số 102-105, Công đồng Vaticanô II đã trình bày ý nghĩa năm phụng vụ như sau:

Hội Thánh, Mẹ hiền chúng ta, nhận thấy có bổn phận phải tưởng niệm và kính nhớ công cuộc cứu thế của Bạn trăm năm. Hằng tuần, Hội Thánh kính nhớ sự Chúa sống lại vào ngày Hội Thánh quen gọi là ngày của Chúa, rồi mỗi năm một lần Hội Thánh lại kính nhớ mầu nhiệm ấy làm một cùng sự Thương Khó hồng phúc của Người bằng những nghi lễ rất long trọng của lễ Vượt Qua.

Hội Thánh còn tiếp diễn mầu nhiệm Chúa Kitô trong suốt cả năm từ lúc nhập thể và giáng sinh cho đến khi lên trời, đến ngày Hiện Xuống và đến cả sự mong đợi niềm trông cậy hạnh phúc và ngày Chúa trở lại.

Trong khi mừng các mầu nhiệm Chúa Kitô hằng năm như thế, Hội Thánh cũng tôn kính Đức diễm phúc Maria, Mẹ Thiên Chúa, với một lòng mến đặc biệt, vì Người đã hiệp nhất với Con Người trong công trình cứu chuộc bằng một dây liên kết không thể tách rời ra được.

Hội Thánh còn thêm vào niên lịch những lễ kính nhớ các đấng tử đạo và các Thánh khác, là những đấng đã được nhờ ơn thánh thiên hình vạn trạng của Chúa mà đạt tới sự trọn lành, và chiếm được phần rỗi muôn đới, là những đấng lúc này đang hát lên bài ca tuyệt diệu ngợi khen Chúa Trời và đang cầu bầu cho chúng ta. Vì trong ngày kính nhớ các Thánh, Hội Thánh công bố mầu nhiệm Vượt Qua đã thực hiện nơi các Ngài, những kẻ đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô. Hội Thánh cũng đề cao với các tín hữu gương lành của các Ngài có sức hấp dẫn họ tất cả đến cùng Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và Hội Thánh, cùng xin Chúa mọi ơn phúc nhờ công nghiệp các Ngài.

1. Chu kỳ năm phụng vụ

Chu kỳ năm phụng vụ có những mùa sau đây:

a. Mùa Vọng: Là Mùa chuẩn bị mừng Lễ Trọng Giáng Sinh, trong ngày lễ này chúng ta kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến cùng nhân loại lần thứ nhất; và là mùa trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong thế gian vào ngày tận thế. Mùa Vọng bắt đầu từ Giờ Kinh Chiều I Chúa Nhật I Mùa Vọng cho đến giờ Kinh Chiều I Lễ Giáng Sinh.

b. Mùa Giáng Sinh: Là mùa kính nhớ việc Chúa Giêsu sinh ra và việc Người tỏ mình ra lần thứ nhất. Mùa này bắt đầu từ giờ Kinh Chiều I Lễ Giáng Sinh cho đến Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa.

c. Mùa Chay: là Mùa chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh. Trong mùa này, Hội Thánh chuẩn bị những người dự tòng để họ chịu phép rửa trong đêm vọng Phục Sinh, và nhắc nhở người tín hữu nhớ lại bí tích rửa tội họ đã lãnh nhận và khuyên họ ăn năn sám hối. Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro cho tới đầu Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

d. Tam Nhật Vượt Qua: tưởng niệm việc Chúa chịu khổ nạn và phục sinh. Ba ngày này được coi là tột đỉnh của năm phụng vụ, bắt đầu thánh lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến Kinh Chiều Chúa Nhật lễ Phục Sinh.

e. Mùa Phục Sinh: Là mùa hân hoan, vì nhờ việc Chúa Giêsu chết nvà sống lại mà chúng ta được sống. Mùa này bắt đầu từ Chúa Nhật lễ Phục Sinh cho đến Chúa Nhật lễ Hiện Xuống.

f. Mùa Quanh Năm: gồm 33 hoặc 34 tuần lễ trong năm. Trong mùa này, Hội Thánh không cử hành mầu nhiệm đặc biệt nào của Chúa Kitô, nhưng cử hành tôn kính chính mầu nhiệm của Chúa Kitô trong sự sung mãn của Người. Mùa này bắt đầu từ thứ hai kế tiếp Chúa Nhật ngày 6 tháng Giêng cho đến thứ ba trước Mùa Chay: Phần còn lại bắt đầu từ thứ Hai sau Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống cho đến trước giờ Kinh Chiều I Chúa Nhật I Mùa Vọng.

2. Các ngày phụng vụ

a. Ngày phụng vụ cách chung: Mỗi ngày đều được các nghi thức phụng vụ thánh hóa, nhất là được Thánh Lễ và Kinh Nhật Tụng thánh hóa. Ngày phụng vụ bắt đầu từ nửa đêm hôm nay đến nửa đêm hôm sau. Còn việc cử hành Chúa Nhật và các lễ trọng thì bắt đầu từ chiều ngày hôm trước.

b. Chúa Nhật: Ngày đầu trong tuần được gọi là Chúa Nhật, hay ngày của Chúa. Theo truyền thống các Tông đồ, ngày này bắt nguồn từ ngày Chúa Kitô sống lại, ngày cử hành mầu nhiệm phục sinh.

c. Lễ Trọng, lễ kính và lễ nhớ: Từ nay các lễ kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh không còn theo bậc I, bậc II, bậc III. như trước nữa. Các lễ được phân biệt bằng các danh từ: Lễ Trọng, lễ kính và lễ nhớ. Ngoài ra còn có các ngày trong tuần. Lễ Trọng là những ngày lễ bắt đầu từ Giờ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Còn lễ kính cử hành trong giới hạn ngày tự nhiên, nên không có giờ Kinh Chiều I. Các lễ nhớ được chia ra lễ nhớ buộc và lễ nhớ tự do.

(Trích từ Lời Nói Đầu của Sách Lễ Giáo Dân Việt Nam)
Nguồn: simonhoadalat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây