TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ Truyền Dầu

Thứ tư - 02/06/2021 22:21 | Tác giả bài viết: Gm Phêrô Trần Đình Tứ |   1283
Lễ Truyền Dầu

Lễ Truyền Dầu
(Ý nghĩa lễ sáng Thứ Năm Thánh và bí tích Xức Dầu bệnh nhân)

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang ở trong những ngày trọng đại nhất của Năm Phụng vụ. Ba ngày cuối Tuần Thánh diễn lại những biến cố và sự việc hết sức quan trọng trong cuộc đời trần thế của Chúa Kitô. Sáng nay, tại nhà thờ chánh tòa hay một nhà thờ tiêu biểu nào đó trong mỗi giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ Truyền Dầu. Sở dĩ gọi là lễ Truyền Dầu, vì trong thánh lễ này, Đức Giám mục sẽ hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng, dùng để cử hành một số bí tích và phụ tích.

Tuy nhiên, lễ sáng nay cũng còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa lập bí tích Truyền chức Thánh, tấn phong một số người được tuyển chọn lên làm Linh mục, ban cho các ngài quyền hành động nhân danh Chúa Kitô để làm những việc, đúng ra, chỉ mình Thiên Chúa có thể làm, như tái diễn hy lễ của Chúa Ktiô trên Thánh giá, tha tội cho muôn người, v.v..

Vì Giám mục cũng như linh mục đều được chia sẻ chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nên sáng nay, các linh mục trong giáo phận được kêu mời về đồng tế với Giám mục của mình, để tỏ tình hiệp thông hiệp nhất giữa Giám mục và linh mục, cũng như giữa các linh mục với nhau. Trong thánh lễ, các linh mục sẽ lặp lại lời các ngài đã tuyên hứa trong ngày thụ phong, để một lần nữa nhắc nhở các ngài luôn ý thức về những bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ, trong khi cố gắng từ bỏ chính mình để gắn bó với Chúa Kitô, nỗ lực nên đồng hình đồng dạng với Người mỗi ngày mỗi hơn và do đó cũng mang lại nhiều lợi ích hơn cho các linh hồn. Giáo Hội kêu mời anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các Linh mục, Giám mục, và tích cực cộng tác với các ngài bằng cách thực thi những gì anh chị em có thể làm nhờ chức linh mục cộng đồng Chúa đã trao ban cho anh chị em ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Anh chị em thân mến,

Vì là lễ Truyền Dầu, nên tôi muốn gợi lại đây mấy ý nghĩa của Dầu nói chung và về bí tích Xức dầu Bệnh nhân, nói riêng, ngõ hầu chúng ta hiểu được những nghi thức cử hành hôm nay, cũng như biết cách giúp các bệnh nhân lãnh nhận bí tích này với đầy đủ ơn ích của nó.

Thánh Marcô thuật lại rằng, khi Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng, các ngài đã xức dầu cho nhiều bệnh nhân và nhờ đó họ đã được chữa lành (Mc 6, 13). Theo bản chất, nhiều thứ dầu là một dược tố chữa bệnh. Trong đời sống thường ngày, mỗi khi cảm thấy khó chịu, nhức đầu, chúng ta cũng thường hay xức dầu, và chúng ta cũng cảm thấy người dễ chịu hơn. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy người ta xức dầu khi phong vương một ông vua, hiến thánh các tư tế, tuyển chọn các Tiên tri, hiến thánh một đồ vật dành riêng cho việc phụng tự, thoa dịu một vết thương (x. Is 1, 6; Lc 10, 34); chữa lành một bệnh nhân (Gc 4, 14), tẩm liệm một xác chết (Mt 26, 12; Mc 14, 8; Ga 12, 7; Mc 16, 1). Trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh mà lát nữa chúng ta sẽ nghe đọc, Giáo Hội nhắc lại việc Chúa truyền cho ông Môisen xức dầu cho ông Aaron, tấn phong ông làm Tư tế, rồi việc Chúa cho Thánh Thần ngự xuống trên chính Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa tại sông Giođanô, công nhận Người là Con Một Thiên Chúa, là Đấng mà Tiên tri Đavít, được ơn Chúa soi sáng, đã xưng tụng là Đấng được xức dầu hoan lạc. Trong kinh Tiền tụng lễ sáng nay Giáo Hội cũng tuyên xưng: “Chúa đã xức Dầu Thánh tấn phong Con Một Chúa làm Thượng Tế của Giao Ước Mới và vĩnh cửu”.

Như vậy, từ việc xức dầu vật chất, người ta đã hướng lên việc xức dầu thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần hoặc ân sủng của Ngài. Thật vậy, trong truyền thống của Cựu Ước cũng như Tân Ước, việc xức dầu vật chất chỉ là biểu hiệu, là dấu chỉ, là bảo chứng việc hiến thánh hoặc ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Vì thế trong lời nguyện làm phép Dầu Bệnh nhân, Giáo Hội xin Chúa cho Thánh Thần Chúa xuống trên Dầu, để nhờ phúc lành thánh thiêng của Chúa, Dầu xức trên những ai thì tất cả đều được nâng đỡ ngoài thân xác, trong tâm trí, linh hồn và được khỏi mọi đau đớn, bệnh tật. Rồi trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh, Giáo Hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu, cho Dầu thấm đượm sức mạnh của Thánh Thần và quyền năng Chúa Kitô, làm cho Dầu trở thành bí tích mang lại ơn cứu độ và sự sống vẹn toàn cho những ai được tái sinh nhờ phép Rửa thiêng liêng.

Vì thế nghi thức xức dầu của Đạo chúng ta hoàn toàn không có tính cách ma thuật. Chúng ta không gán cho dầu có một thần lực nào, đặc biệt về mặt siêu nhiên. Mọi hiệu quả của việc xức dầu đều bởi ơn Chúa, do quyền lực của Chúa Thánh Thần và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Phân tích lời khuyên của thánh Giacôbê Tông đồ, chúng ta thấy hiệu quả chữa lành do việc xức dầu là do lời cầu nguyện, do đức tin và trên hết là do quyền năng của Thiên Chúa. Thánh nhân viết: "Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các linh mục Hội Thánh đến cầu nguyện cho bệnh nhân, đồng thời xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; và lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu chữa bệnh nhân và Chúa sẽ cho bệnh nhân bình phục, nếu có mắc tội, thì sẽ được khỏi" (Gc 5, 14-15).

Sở dĩ thánh Giacôbê khuyên bảo các tín hữu như vậy, vì chính Chúa Giêsu đã dùng Dầu để thiết lập một trong 7 bí tích của Người. Đó là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. "Bí tích này ban cho bệnh nhân được ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó, toàn thể con người bệnh nhân được trợ giúp cho được mạnh lại, được nâng đỡ nhờ sự tín thác vào Thiên Chúa, được thêm sức mạnh chống lại các cám dỗ của ác thần, chống lại mối âu lo của cái chết, đến nỗi không những bệnh nhân biết can đảm chịu đựng sự dữ mà còn mạnh bạo tấn công sự dữ. Hơn thế, nếu vì lợi ích thiêng liêng của bệnh nhân, bí tích này sẽ chữa lành bệnh tật của họ, và nếu cần cũng ban cho bệnh nhân được khỏi tội và được ơn thống hối hoàn toàn" (Nghi thức Xức Dầu bệnh nhân, 6).

Như thế, chúng ta thấy bí tích này rất hữu ích và cần thiết cho các bệnh nhân. Trước kia, vì hiểu lầm đây là bí tích dành cho những người lâm cơn hấp hối với mục đích giúp họ sửa soạn ra trước Tòa Chúa phán xét, nên nhiều người rất sợ khi phải lãnh bí tích xức dầu, và chỉ khi không còn hy vọng sống, họ mới chịu mời linh mục tới để được xức dầu. Đó là một cảm nhận sai lầm đã được Công Đồng Vaticanô II sửa lại, vì thế thay vì gọi bí tích này là "Phép xức dầu cuối cùng", như trước kia, thì nay được gọi là bí tích xức dầu bệnh nhân (PV 9). Cũng vậy, bí tích này trước kia chỉ dành cho những bệnh nhân trong cơn nguy tử, thì nay khuyên tất cả các những ai lâm bệnh nặng nên xin lãnh nhận. Vì ơn riêng của bí tích này là giúp đỡ bệnh nhân kiên nhẫn chịu đựng bệnh tật, chống lại những chước cám dỗ của ma quỉ, hơn thế, nếu đẹp lòng Chúa, bí tích này còn ban ơn chữa lành bệnh tật, làm cho bệnh nhân sớm được bình phục.

Hiểu được sự hữu ích và cần thiết của bí tích này, nên cuốn nghi thức bí tích xức dầu bệnh nhân do Đức Phaolô VI ban hành năm 1982, đã căn dặn: "Trong việc dạy giáo lý chung cũng như tại gia đình, các tín hữu phải được dạy cho biết để chính họ tự động xin lãnh nhận bí tích này, và ngay khi tới lúc phải lãnh nhận, thì họ hãy lãnh nhận với hết lòng tin tưởng và sốt sắng, đừng theo thói quen xấu mà lần lữa không lãnh nhận bí tích ấy. Còn tất cả những ai săn sóc bệnh nhân phải học hỏi kỹ lưỡng về bản chất của bí tích này" (NTXD 13), ngõ hầu có thể giúp các bệnh nhân lãnh nhận cách kính cẩn và có hiệu quả.

Anh chị em thân mến, vậy tham dự lễ Truyền Dầu hôm nay, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về bí tích xức dầu bệnh nhân cũng như tất cả những bí tích khác Chúa đã thiết lập để ban cho chúng ta như những phương thế hữu hiệu hầu đạt được ơn cứu độ. Cũng nhân ngày kỷ niệm Chúa thiết lập chức linh mục, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho tất cả chúng ta được tham dự vào chức linh mục phổ quát của Chúa Giêsu, hơn thế còn ban cho một số người trong chúng ta được tham dự vào chức linh mục thừa tác, nhờ đó hy lễ cứu độ của Chúa Giêsu Kitô còn được tái diễn mọi nơi mọi lúc và và ơn tha tội được ban cho tất cả những ai cần đến. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em, giúp anh chị em cử hành Tuần Thánh thật sốt sắng đế có thể hưởng một Mùa Phục sinh hồng phúc.

Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ

NGUỒN: WHĐ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây