TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chết thay

Thứ ba - 08/06/2021 02:35 | Tác giả bài viết: Đanlê |   1029
Chết thay

Chết thay

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở núi Lam Sơn (Thanh Hoá), bị giặc Minh vây hãm. Trong tình thế nguy cập không còn lối thoát, Nghĩa sĩ trung thần Lê Lai đã hy sinh hoá trang giả dạng chủ tướng mở đường máu hầu đánh lạc hướng giặc. Không may ông sa vào tay giặc. Giết được Lê Lai, giặc tưởng thế là diệt xong Lê Lợi, trừ được hậu họa. Nhưng không, Lê Lợi vẫn sống. Nhờ Lê Lai chết thay mà ông thoát thân, sau này lập nên nghiệp lớn, khai mở triều Lê sơ từ đấy.

Vào thời thuộc Pháp, hẳn chúng ta còn nhớ tấm gương chết thay anh dũng của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng. Mai Xuân Thưởng (1860-1887), người thôn Phú lạc, huyện Bình khê, Bình định, đỗ cử nhân năm Ất Dậu 1885, vừa lúc xảy ra việc vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Ông ra lãnh đạo phong trào ở bốn tỉnh Bình định, Phú yên, Ninh thuận, Bình thuận, đóng tổng hành dinh ở Phú phong và tổ chức mật khu ở Lâm Đông, chiến đấu rất anh dũng, đánh quân Pháp đến khiếp đảm. Viện quân Pháp từ Sài gòn với Trần Bá Lộc ra. Nghĩa quân thua ở Bàu sấu (1887) mười một tướng tuẫn quốc. Ông vào Linh Đông quyết gây lại lực lượng để trả thù. Địch không tìm ra bèn sai tìm bắt mẹ ông và hàng ngày tra khảo hương lý. Ông ra nạp mình để cứu dân rồi thản nhiên bước lên đoạn đầu đài năm 27 tuổi .

Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than khốn khổ, Lê Lai, Mai Xuân Thưởng và còn biết bao anh hùng dân tộc khác đã không thể tránh né tìm cảnh an nhàn cho riêng mình, hay cứ mãi ẩn núp nơi rừng sâu núi thẳm để chờ thời cơ gây nghiệp lớn lưu danh cho mình. Nhưng trước tiên họ đã nghĩ đến vận nước. Mặc dầu vẫn thâm tín rằng, mình không thể ngồi im nhìn thế sự dần trôi như một vị khách bàng quan, khi mà sự tồn vong của đất nước; sự sống còn của cả dân tộc không thể không cần đến bàn tay của mình. Tuy nhiên, không vì thế mà họ có quyền quên đi nỗi đoạ đày của bao người thân đang phải hứng chịu chỉ vì sự khởi nghĩa dẫy binh do mình đề xướng.

Ngược dòng lịch sử, lật lại trang Kinh Thánh, ta thấy: sau khi tướng Pompê chiếm thành thánh (năm 63 tcn), dẹp tan Đế Quốc Hy Lạp, Đế Quốc Rôma đặt nền thống trị trên toàn cõi Giuđêa. Dân chúng phải sống trong cảnh cai trị hà khắc của một tiểu vương Hêrôđê bạo tàn, với những chính sách siêu cao thuế nặng như những bàn tay sắt làm oằn vai người dân. Trong cảnh huống như thế, đảng Dêlốt bằng chiến thuật đánh du kích, cũng đã nhiều phen làm cho giới cầm quyền cai trị hồn xiêu phách lạc. Quân đội Rôma ngày đêm ra sức lùng soát những kẻ lạ mặt hay ít nữa là những người có dấu hiệu tình nghi…

Từ thành thị đến thôn quê, người ta không ngớt nghe thấy những tiếng khóc than não lòng của bao người mẹ mất con, vợ mất chồng… Tình hình thế sự ở xứ Giuđêa vào khoảng năm 30 sau công nguyên lúc bấy giờ quả là sôi động như một biển lửa… Lệnh Tiểu Vương Hêrôđê ban hành càng cấp thiết: phải lùng bắt bằng hết dư đảng Dêlốt. Về phía giáo quyền Do Thái đương thời, cũng không khỏi lo ngại. Họ chỉ mong sao được phận ổn thân yên. Nhưng làm thế nào đây để nhà cai trị tin rằng ta vẫn luỵ phục Hoàng Đế và Tiểu Vương như một tên đầy tớ tín trung! Mật nghị bất thường đã được triệu tập tại dinh Caipha. Sau một hồi bàn luận sôi nổi, Mật nghị xoay quanh vấn đề nên làm thế nào cho Tiểu Vương tin tưởng mình: cộng tác với nhà cầm quyền diệt trừ đảng Dêlốt ư? Không thể được, đảng Dêlốt tuy gồm những tay gươm quá khích, nhưng họ là những người yêu nước nhiệt thành! Gần đây lại thêm một tay Giêsu Nazareth cũng làm dẫy loạn trong dân, ông ta tụ tập bên mình toàn những người nghèo, tàn tật… và thường xuyên lui tới với phường thu thuế tội lỗi. Dân chúng xem ra ngày càng tin tưởng vào ông ấy hơn là tin vào chúng ta. Niềm tin của dân chúng sau sự kiện ông làm cho Lazarô chết bốn ngày sống lại là một bằng chứng điển hình (x. Ga 11, 45-54; 12,1-11).

Mặc dầu, sự tin tưởng của dân chúng đặt vào tên Giêsu này chỉ mang tính cách tôn giáo, song cũng đang là mối bận tâm cho Tiểu Vương, đến nỗi ngài đã có lần lưu ý với chúng ta rồi đấy! Đầu óc họ đang rối tung như một nồi canh hẹ vì chưa tìm ra kế đối phó, thì một tay Pharisiêu cừ phách gợi ý: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11,47-48). Kẻ bàn ra người tán vào… ý kiến thuận ngược làm nháo nhác cả đêm mật nghị. Cầm quả chuông chủ toạ, thượng tế Caipha rung lên một hồi giận dữ.

Với tư cách là thượng tế năm ấy, ông ta phán: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. (Ga 11,49-50). Bầu khí thượng hội đồng im như tờ, người ta có thể nghe được cả tiếng ruồi bay qua. Căn phòng lập lèo dưới mấy ngọn đuốc bập bùng lửa reo, ngã bóng hình các nghị viên mập mờ hư ảo trải dài trên vách. Ngoài trời, một cơn gió động, mấy chiếc lá ô liu vàng rơi nhẹ bên thềm làm thức giấc màn đêm yên tĩnh. Con trăng thượng tuần chênh chếch về tây nhá nhem một màu vàng ổi buồn thê thiết! Thế là xong. Một câu phán quyết chắc như đinh đóng thập giá được ban ra đến cả Nicôđêmô một người bạn thân của Chúa Giêsu có mặt hôm đó cũng khó gỡ gạc. Ông này đã có lần bênh đỡ cho Chúa Giêsu nhưng đã không thành, thì tiếng nói của ông lần này nếu có, cũng nào nghĩa lý gì! Tính chất mật nghị đêm nay hệ trọng hơn nhiều! (x. Ga 7,50-52; 11, 45-53). Để loại trừ ảnh hưởng của Chúa Giêsu đối với dân, họ đã chụp mũ cho Ngài tội danh: chính trị. Bản án đã ban hành: “Một người chết cho cả dân được nhờ !”  Thế là xong! Chấm dứt một cuộc đời! Não nề như một tiếng thở dài.

Xem ra cái chết của Chúa Giêsu là do quyết định của một buổi mật nghị tại dinh Caipha đêm ấy. Thế nhưng, suy cho cùng thì đấy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Ngài, vì Ngài vẫn có thể không để cho mình vướng vào cạm bẫy của những kẻ hại mình. Như Ngài đã nói với các môn đệ trên đường lên Giêrusalem, khi những ông này đến xin Ngài đừng liều mạng lên thành thánh, vì làm như thế là đưa thân vào chỗ chết, Ngài nói: “Một ngôn sứ không thể chết ngoài thành” (Lc 13,33). Rồi lần khác trong vườn Giêtsimani, khi Ngài nói với Phêrô lúc ông dùng gươm chém đứt tai tên đồ đệ Caipha: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai chơi gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo quân thiên thần! Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được!” (Mt 26, 52-54) hay “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy không uống?” (Ga 18,11).

Như thế, cái chết của Chúa Giêsu không phải vô tình nhưng là một hành động bắt nguồn từ tình yêu thương. Một hành động có dự tính trước. Ngài hoàn toàn làm chủ cái chết của mình. Nói cách khác mọi diễn tiến trong cuộc đời Chúa Giêsu và ngay cả cuộc khổ nạn của Ngài đều xảy ra không ngoài kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm trong cuốn Người Phu Quét Lá, đã nói: “Đối với Chúa Giêsu, thập giá không phải là chuyện đột xuất, nhưng là hệ luận tất yếu dành cho một lối sống, một chọn lựa”. Ngài chọn con đường “chết thay cho cả dân được nhờ”. Theo lời bình của thánh Gioan, thì bản án mà thượng tế Caipha tuyên bố, là “ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Thượng tế Caipha không ý thức điều mình nói. Còn Chúa Giêsu thì ý thức đầy đủ và sáng suốt việc Ngài làm.

Lê Lai ý thức rằng, mình phải chết cho chủ tướng được sống, và không những cho riêng mỗi chủ tướng mà cho cả một giang sơn, một dân tộc được tồn vinh. Mai Xuân Thưởng, phải chết cho mẹ mình, cho dân làng mình được yên thân. Ông có quyền trốn tránh. Mẹ ông, dân làng ông cũng có thể vui vẻ chấp nhận hứng chịu đòn roi cho con mình lánh thân hầu về sau chiêu hiền nạp sĩ chờ ngày khởi nghĩa dẫy binh. Thế nhưng, máu chảy ruột mềm, ông không nỡ ngồi thư thái nhìn cảnh bất công mà không động tĩnh. Chúa Giêsu không làm gì nên tội khiến cho Đế Quốc Rôma lấy cớ chà đạp dân Ngài. Có chăng thì đó cũng chỉ mới là nỗi lo sợ của những nhà lãnh đạo tôn giáo hèn nhát chỉ biết lo củng cố địa vị riêng mình. Dẫu vậy, Chúa Giêsu vẫn sẵn sàng chấp nhận cái chết.

Mục đích “chết thay” mà ông Caipha nhắm đến là một sự thế chỗ, một sự đền bù, như kiểu các bộ tộc sơ khai sợ thần minh nổi giận, nên hàng năm làng cứ phải dành ra một người nộp mạng tế thần. Thường là các cô gái trẻ đẹp, chưa chồng phải chịu cảnh chết thay một cách oan uổng cho cả dân được nhờ. Sự chết thay của Chúa Giêsu còn cao cả hơn nhiều. Chúa Giêsu chết thay không phải vì Thiên Chúa Cha là một vị thần muốn bắt con mình phải đổ máu để được một bữa cạn chén say sưa thoả thích. Hành vi đổ máu của Chúa Giêsu nhằm nói lên: tình yêu Thiên Chúa đối với con người đã được cụ thế hoá bằng hành động. Đấy là hành động cứu chuộc vì yêu thương: yêu thương đến đổ máu. Có tình nào cao quý hơn là chết vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Cái chết của Chúa Giêsu còn vượt xa hơn dự đoán của Caipha.

Tuy vậy, Thiên Chúa muốn dùng ngôn từ của Thượng tế này như một phương tiện để mặc khải cho nhân loại biết: Con Thiên Chúa phải chết cách nào, và tại sao phải chết. Ngài chết là để cứu chuộc muôn dân trong yêu thương tha thứ. Ngài có chết thật sự, thì mới có sống lại thật sự. Có sống lại, Ngài mới mở lối đưa nhân loại bước vào cõi sống. Có đau khổ, có bị xỉ nhục… mới có hành vi tha thứ. Đau khổ càng nhiều, bị xỉ nhục càng thậm tệ, thì tình yêu thương tha thứ lại càng giá trị. Người đấu tranh trên trường chính trị, hẳn ít khi có tha thứ. Nhiều người khi chết vẫn còn giơ cao nắm đấm với những lời hô hào kiên cường bất khuất. Họ làm vậy cũng đúng. Chính trị đòi hỏi như vậy. Tinh thần quật cường bất khuất cũng đòi hỏi như vậy. Nếu không thì ai còn khí thế mà đấu tranh. Chúa Giêsu không tranh đấu với ai. Ngài dùng sức mạnh của sự sống qua cái chết, để chiến thắng tử thần.

Chúa Giêsu không phải là một nhà cách mạng, như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ngài không hoạt động chính trị. Song người ta lại chụp mũ cho Ngài tội danh chính trị, nên bản án treo trên đầu Ngài cũng phảng phất nhuốm màu chính trị. Thật, thánh ý Thiên Chúa lại huyền nhiệm cao siêu nào ai dò thấu: qua bản án “Giêsu Nazareth vua Do Thái”, nặng màu sắc chính trị đó, Thiên Chúa muốn nói cho nhân loại biết: Ngài là vị vua đích thực. Vị vua đã đích thân chết thay cho thần dân của mình. Máu mủ tình thâm, một người cha, một người mẹ chết thay cho con mình, hoặc con cái chết thay cho cha mẹ thì đã có. Còn nhìn lại xưa nay trong cõi người ta, một vị vua dám chết thay cho thần dân thì e chưa thấy bao giờ. Đừng nói gì chết thay, chỉ cần vứt bỏ cẩm bào mặc lấy thường phục trà trộn trong dân, để cám cảnh với bao nỗi khổ của bàn dân thiên hạ như vua Khang Hy  ngày xưa, cũng đã hiếm.

Nhắc đến vua chúa, người ta thường nghĩ ngay đến bạo tàn, hưởng thụ, đam mê tửu sắc… Thử đếm đầu ngón tay được mấy vị vua trần gian này mà không lắm cung tần mỹ nữ! Những thứ tiêu khiển trà dư tửu hậu như thế được xem như những đặc tính phải có và gắn liền với ngôi vị vua chúa, như thể đã là vua thì phải có những thứ đó, không có, không phải là vua. Thế thì nói đến “chết thay” đối với những ông hoàng bà chúa này xem ra còn là một “xa xỉ phẩm”. (Hẳn nhiên không ngụ ý loại trừ cả những vị mẫn đế vẫn một lòng yêu nước thương dân).

Ấy vậy mà Con Thiên Chúa cao sang, lại đích thân xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, để chia sẻ thân phận thấp hèn của con người (x. Pl 2,6-7; Dt 4,15). Có nỗi đau nào của con người mà Ngài không chịu! Ngay cả cái chết trên thập giá Ngài vẫn không trừ. Nếu có vị vua nào đó vác búa đập một hòn đá thì cũng chỉ là để nếm thử cho biết mùi vị khổ đau mà thần dân của ông phải chịu đắng cay là dường nào. Còn Chúa Giêsu xuống thế gian không chỉ nhằm nếm cho biết đời thế nào là đau khổ, nhưng là để khổ đau với đời và với thần dân của mình. Ngài không đến xem xong rồi về, sau đó mới đến văn phòng đại diện lên phương án cho những nơi nào cần “đầu tư xoá đói giảm nghèo”.

Trái lại, Ngài xuống thế gian và ở lại với con người trong khổ đau và nước mắt. Những giọt mồ hôi nhễ nhãi trên lưng Ngài rơi xuống xưởng mộc cũng mặn chát như mồ hôi nước mắt bao người đổ xuống nương đồng. Ba mươi ba năm sống kiếp phàm nhân, chắc hẳn Ngài cũng đã nếm biết thế nào là buồn đau. Và chắc chắn Ngài đã ôm trọn những nỗi buồn vui trong cuộc sống để thánh hiến nó như một của lễ; để rồi, chính thân xác biết đau, biết khổ, biết buồn, biết vui… đó, đã trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Của lễ Ngài dâng là thân xác mà Ngài đã hiến trao trọn vẹn cho Cha (x. Dt 9,14) và cho nhân loại; hoà trong sự hy sinh lao nhọc của toàn nhân loại, Ngài gom góp tất cả làm thành một của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa Cha. Thánh Anphonsô nói: “Đức Kitô dâng mình cho Thiên Chúa, không phải chỉ nhờ tay linh mục, mà còn nhờ tay mỗi người chúng ta”. Và theo tác giả thư Do Thái, thì Chúa Giêsu là thượng tế, đứng ra thay mặt cho toàn dân dâng của lễ đầu mùa lên Thiên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại (x. Dt 9,28;10,12). Ngài chết thay, là để dâng lễ hy sinh thay cho toàn dân.

Chúa Giêsu chết thay, không có nghĩa, Ngài chết, để rồi, trong thân xác nhân loại không còn phải chết. Về mặt thể lý, con người có sinh ắt có tử. Lazarô bạn thân của Chúa Giêsu, được Ngài cho sống lại sau bốn ngày nằm im trong huyệt đá lạnh, thân đang rữa tan, khí huyết đã nặng mùi (Ga 11,1-44). Được hồi sinh, tuy nhiên sau này ông vẫn còn phải nộp mạng cho thần chết lần nữa. Con trai người đàn bà xứ Nain, đang trên đường về lòng đất mẹ, được Ngài cho sống lại (Lc 7,11-17), vậy mà sau cũng không thể được miễn trừ cái chết. Thế thì, Chúa Giêsu chết cho cả dân được nhờ là nghĩa lý gì? Ở điểm này không gì hơn là xin nhường lời lại cho thánh Phaolô: “Nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,21).

Tội lỗi làm cho chúng ta phải chết. Đức Kitô chết thay cho nhân loại, trước tiên là Ngài tiêu diệt sự chết. Ngài chiến thắng sự chết, thứ đến là khai mởi cho nhân loại một con đường đi vào cõi sống ngàn thu. Nơi đó, không hẳn bất kỳ ai chết cũng được bước vào, song chỉ có những ai đã chết cho tội như Đức Kitô đã chết thì mới được sống lại với Ngài. Ta hãy nghe tác giả thư gởi tín hữu Rôma lý giải: “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại” (Rm 6,5). Và “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Ngài. Ngài đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Ngài sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu”. (Rm 6,8-11).

Ôi lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chấp nhận chết thay cho chúng con được sống, xin đừng để giọt máu châu báu Chúa đổ ra vô ích đối với tâm hồn khô khan lạnh lẽo này. Xin Ngài hãy đốt lên nơi con ngọn lửa của tình yêu thương trìu mến, như xưa Chúa đã nhen nhúm cho Maria Mađalêna một tia hy vọng; cho người đàn bà ngoại tình một lối thoát; cho Lêvi thu thuế một lẽ sống; cho Phaolô kẻ bắt đạo một lòng can đảm để làm lại cuộc đời; cho một Phêrô sa đi ngã lại một sức sống để vững dạ an lòng mà tiến bước trên đường chứng nhân.

Xin cho con có được giọt nước mắt của Maria Mađalêna.
Xin cho con có được trái tim biết khao khát hoán cải cuộc đời của người phụ nữ ngoại tình.
Xin cho con có được trái tim nhạy bén, một ý chí sẵn sàng với một chút thiện chí, như một Lêvi thu thuế biết vứt bỏ lại sau lưng bao mộng đời dang dở mà theo Thầy tu thân tích đức!
Xin cho con có được trái tim biết phục thiện như Phaolô, để biết chỗi dậy dù khi vấp ngã trên đường đời lắm cạm bẫy chông gai.

Và xin cho con có được sức mạnh trong sự yếu đuối của một Phêrô thuyền chài cục mịch. Bao lần sa ngã là bao lần nhận lãnh hồng ân tha thứ!

---------------------------

1. Lê Văn Siêu, Văn Học Sử thời thuộc Pháp, Trí Đăng, 1974, tr. 73.

2. Nhà Thanh (Trung Hoa), từ Nỗ Nhĩ cáp Xích xưng Hãn (1616) đến khi Phổ Nghi thoái vị (1912), tổng cộng có 12 vị hoàng đế, kéo dài 296 năm. Khang Hy vị vua thứ tư của Thanh triều (1654-1723’).

ĐAN LÊ

 

 Tags: Chết thay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây