TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng Lễ phong chức phó tế -2020

Thứ sáu - 04/06/2021 04:20 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   1160



Lễ phong chức phó tế ngày 13/11/2020

(Ds 3, 5-10; 2 Tm 1, 1-8, Lc 10, 1-9)


Trọng kính Cha Tổng đại Diện, quý Cha hạt trưởng, quý Cha trong và ngoài Giáo phận, quý Bề trên, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh, quý ân thân nhân của các tiến chức, và toàn thể anh chị em thân mến.

Hôm nay, toàn thể Giáo phận chúng ta hân hoan cử hành lễ phong chức Phó tế cho 16 thầy trong Giáo phận, trong đó có 15 thầy học tại ĐCV Sao Biển Nha Trang và 1 thầy học tại ĐCV Santa Croce ở Rô-ma.

Như anh chị em đã biết, chức phó tế đã được thiết lập từ thời các Tông Đồ, tuyển chọn những người “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” để thay mặt các ngài chăm sóc cho cộng đoàn cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì thế, qua việc đặt tay từ các Tông đồ truyền lại, các phó tế được phong chức để chu toàn cách hữu hiệu thừa tác vụ của mình nhờ ơn bí tích.

Các phó tế được phép rửa tội, giữ Mình Thánh, nhân danh Giáo Hội chứng hôn và chúc lành cho đôi hôn phối, đưa Của ăn đàng cho người hấp hối, đọc Sách Thánh cho các tín hữu, giáo huấn và khuyên bảo dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành phụ tích, chủ sự nghi thức tang chế và an táng.

Nhiệm vụ của các thầy phó tế thật là quan trọng cho đời sống của Giáo Hội. Vì thế, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho 16 ứng viên chuẩn bị lãnh nhận chức phó tế hôm nay, được đầy tràn tình yêu và sức mạnh của Người, giúp các thầy luôn biết mở lòng ra với ơn Chúa và biết lắng nghe những nhu cầu của anh chị em tín hữu, để nhờ đó, các thầy có thể trở nên những người phục vụ Chúa và cộng đoàn một cách tốt đẹp nhất.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những ai đã góp phần nuôi dưỡng, đào tạo các thầy nên xứng đáng với chức thánh mà các thầy sắp lãnh nhận. Xin Chúa trả công bội hậu cho các cha mẹ, quý ân nhân của quý thầy và của Giáo Hội. Giờ đây, chúng ta cùng nhìn nhận mọi tội lỗi, thiếu sót...

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng Matthêu và Luca, chúng ta thấy có 2 lần Chúa Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng: lần I, các tông đồ (Lc 9, 1 -5), lần II, 72 môn đệ (Lc 10, 1-9). Mười Hai tông đồ đã nhận sứ mệnh đi loan báo về Nước Thiên Chúa, cùng với những quyền năng được ban cho để chu toàn phận vụ, như “ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật”. Bảy mươi hai môn đệ không được nói rõ về quyền năng được lãnh nhận, nhưng qua một vài chi tiết nơi lệnh truyền của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được rằng các ngài cũng được đón nhận những quyền năng như nhóm 12: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói... Hãy chữa nhũng người đau yếu trong thành và nói với họ  Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (c. 3 và 9). Con số 72 biểu thị tất cả quốc gia trong cách hiểu của Kinh Thánh vào thời điểm đó. Sứ mệnh được trao cho nhóm 12, bây giờ được trao phó một cách chung chung cho các môn đệ. Họ phải trở nên những chứng nhân trước mặt mọi dân tộc về việc những điều được loan báo trong Kinh Thánh đều được thực hiện nơi con người của đức Kitô, như sẽ được khẳng định trong phần cuối Tin Mừng Luca: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội chính anh em là chứng nhân về những điều này” (24, 47-48).

Nhưng bản văn Tin Mừng hôm nay cũng nhấn mạnh rằng chính Thiên Chúa đang hành động thực sự trong công cuộc loan báo Tin Mừng qua những người mà Ngài đã sai đi. Chính Ngài chỉ định và sai những người thợ ra đi. Những người được sai đi nhân Danh Ngài, chứ không do một ai khác. Nhưng qua Kinh Thánh chúng ta thấy được sự nghịch lý này là: khi sai những người được chọn đi thi hành sứ mệnh, ơn của Chúa bao bọc họ, nhưng Ngài cũng cần đến sự cộng tác của con người để thực hiện chương trình của mình. Abraham không thể có được Giao ước lẫn kẻ nối dòng, nếu ông đã không tích cực đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa (bỏ quê cha đất tổ đến vùng đất Ngài ban cho, dâng hiến đứa con trai duy nhất...). Và Thiên Chúa cần đến lời đáp trả của Mẹ Maria để cho Con của Ngài Nhập Thể. Lời thưa “xin vâng” của Mẹ là lời đáp trả vô điều kiện, và qua đó, Thiên Chúa hoàn toàn tự do thực hiện chương trình cứu độ của Ngài nơi Mẹ. Chính Thiên Chúa đã cứu dân Israel qua tay các vị quan án, nhưng trước tiên Ngài cần đến lời đáp trả, sự cộng tác của họ. Lời đáp trả của những người được Chúa chọn để trở thành tiên tri của Ngài thật quan trọng trong các trình thuật về ơn gọi của các ngài.

Timôthê và Titô, là những môn đệ của thánh Phaolô, được kêu gọi để làm việc trong những cộng đoàn Kitô hữu còn non trẻ, trong khi chưa có những mẫu gương có sẵn để noi theo. Vì thế, để củng cố niềm tin của người tông đồ còn non trẻ này, thánh Phaolô không ngại nhắc đến 3 yếu tố trong lời nguyện tạ ơn gởi đến cho người môn đệ: tình yêu của ngài dành cho người môn đệ (tôi không ngừng nhắc nhớ đến anh, trong các lời kinh nguyện của tôi, đêm cũng như ngày), tình yêu của người môn đệ dành cho thầy (nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại để được chan chứa niềm vui), nền tảng đức tin của gia đình cũng như nơi người môn đệ (tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Eu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh). Nhắc đến mối tương quan tốt đẹp giữa thầy trò để nhắc nhở rằng cả hai cùng chia sẻ một sứ mệnh, trong một tình yêu chia sẻ. Vì thế, người môn đệ không cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi thi hành sứ mệnh, nhất là khi gặp những khó khăn. Nhắc đến nền tảng đức tin gia đình và của đương sự, để cho thấy rằng: quyết định trở nên người môn đệ của Đức Kitô, cách riêng là người làm việc tông đồ, không phải là một quyết định tùy hứng, dễ dàng thay đổi, nhưng là do một đức tin được cắm rễ sâu trong truyền thống gia đình và cộng đoàn.

Nhắc lại những điều căn bản trên để khơi cho người môn đệ nhớ lại những đặc sủng người môn đệ được lãnh nhận trong Thánh Thần. Thần Khí đó không làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Người môn đệ phải biết tựa nương vào sức mạnh của Chúa mà tiến bước, chứ không cảm thấy sợ sệt e dè vì những khó khăn mà mình đang phải đối diện.

Tại sao khi đề cập đến những ơn của Thánh Thần, thánh Phaolô lại nhắc đến những từ: nhút nhát, sức mạnh, tình thương và biết tự chủ? Phải chăng thánh Phaolô đã nghe nhiều người phản ảnh về nỗi lo âu của người môn đệ? Lời động viên của Phaolô có lẽ sẽ làm sống lại nơi người môn đệ lòng nhiệt thành và lòng yêu mến mà người môn đệ đã có ngay từ thưở ban đầu.

Các thầy sắp sửa lãnh nhận chức Phó Tế thân mến,

Là những người chọn Chúa là gia nghiệp, các thầy đã được nuôi dưỡng trong những gia đình đạo đức truyền thống, được Chúa tuyển chọn, thánh hiến, và Ngài sẽ sai các thầy đi gieo và thu hoạch cánh đồng lúa như lời Ngài đã nói:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Các thầy sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các thầy đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các thầy hãy đem ra phân phát cho mọi người với tất cả lòng yêu thương, kính trọng. Các thầy cũng cần nhớ đến những sự khó khăn mà các thầy phải đối diện: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Tuy nhiên, đứng trước những nỗi khó khăn đó, Chúa không dạy chúng ta phải dùng đến sự khôn ngoan của người đời, nhưng là sự tin tưởng phó thác vào sức mạnh của Chúa: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.

Các thầy cần hiểu rằng thánh chức mà các thầy lãnh nhận hôm nay không đương nhiên bảo đảm uy tín của các thầy trước mặt người khác; nhưng chính thái độ khiêm tốn phục vụ, thái độ lắng nghe Chúa và lắng nghe tiếng nói của anh chị em với lòng kính trọng; sự khiêm tốn vâng lời bề trên trong mọi hoàn cảnh; sẽ giúp cho những người chung quanh nhận ra các thầy là những người hoàn toàn thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội, và thuộc về dân Chúa.

Cầu chúc cho các thầy được luôn sống niềm hạnh phúc thuộc trọn về Chúa, được chính Chúa mời gọi và sai đi. Cầu chúc cho các thầy cảm nhận được niềm hạnh phúc được thuộc về cộng đoàn dân Chúa, và yêu mến mọi người tín hữu với trái tim của người mục tử nhân hậu.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

 

+ ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây