TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giu-đa phạm tội gì?

Thứ ba - 08/06/2021 02:34 | Tác giả bài viết: Đanlê |   1070
Giu-đa phạm tội gì?

Giu-đa phạm tội gì?

Đây đó đọc sách báo ta thấy tình trạng con giết cha, trò đánh Thầy, bạn bè gạt nhau… Bỗng hiện lên trong ta một con người đã từng làm hoen ố trang Tin Mừng: Giuđa.

Nhắc đến Giuđa, ta lại tự hỏi, trong vụ án Chúa Giêsu, Giuđa phạm tội gì?
Phản thầy dối bạn. Người ta vẫn thường nói thế.
Phản thầy dối bạn. Đúng nhưng chưa đủ.
Đúng, người xưa đã từng nói: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, và lời giáo huấn khác rằng: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Thế thì, phản thầy đúng là tội nghịch luân thường đạo lý! Lại nhớ lời Thánh Vịnh:

“Khi nền móng cương thường đổ nát
Người công chính còn làm được chuyện gì?
" (Tv 11,3).

Chưa đủ, vì hành động phản thầy, dối bạn của Giuđa xem ra cũng chỉ là hệ luận tất yếu phải có của một lối sống, một chọn lựa đã ẩn chứa nơi ông từ lâu.

***

Trong một chiều khi hoàng hôn buông xuống, dọc con đường đầy gai và cỏ dại của miền đất cằn cỗi cày lên sỏi đá, Thầy trò Giêsu thả những bước vội vàng trên đường về Giêrusalem; sau khi nghe Thầy tiên báo về cuộc thương khó sắp xảy đến, Phêrô đã không quan ngại đứng ra can gián Thầy không nên liều lĩnh như thế. Liền sau đó Thánh nhân đã bị hứng chịu một trận quở mắng: “Satan, kẻ cản đường Thiên Chúa, hãy lui ra phía sau!”(Mt 16,21–23).

Rồi lần khác cũng trên đường chiều tiến về Giêrusalem, sau khi nghe Thầy tiên báo về cuộc thương khó, anh em con nhà Giêbêđê, vẫn không màng lưu tâm để ý đến chương trình của Thiên Chúa. Song lại vẫn nhờ mẹ là “chỗ quen biết” đến xin cho được quyền cao chức trọng một khi Thầy đã nắm trọn quyền trong tay (x. Mc 10,32-45).

Giuđa cũng thế, ông theo Thầy Giêsu vẫn không ngoài mục đích tìm lợi lộc trần gian. Song cũng chẳng riêng gì một Phêrô, một Gioan, Giacôbê, Giuđa, mà có thể nói đó là tâm tính chung của tất cả những ai đã từng theo Thầy Giêsu. Bảy mươi hai môn đệ, mười hai Tông đồ… cũng chẳng khá hơn là mấy. Họ theo Chúa Giêsu với mộng ước một ngày kia sẽ được Ngài đứng lên dẹp tan ách thống trị của Đế quốc Rôma… Đoạn Tin Mừng về hai môn đệ đi đường Emmau (x. Lc 24,13– 35) đã chứng minh điều đó.

Ở điểm này, Miguel Otero Silva, một nhà văn lớn của châu Mỹ Latinh, từng tham gia thành lập Đảng Cộng Sản Venezuela (1931), đã thật chí lý khi đặt trên môi miệng của Baraba, một nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, trong một cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, khi hai người cùng chịu giam chung ngục thất trước lúc bị điệu ra pháp trường: “Thưa Rabbi, họ không lầm đâu (những người cầm cành lá tung hô Chúa Giêsu trong ngày Ngài vào Thành Thánh). Dân chúng đi theo Thầy là để chờ Thầy chỉ cho họ phương cách tiêu diệt những kẻ áp bức họ, và đối với mọi người Thầy là vua Đavít mới, Thầy sẽ lặp lại phép mầu của vua Đavít và giải phóng Israel. Nhưng họ đã bỏ Thầy đi khi nghe Thầy rao giảng về sự hoà hợp và nhẫn nhục. Chính tôi cũng đã muốn trở thành học trò của Thầy, nhưng sau lần nghe Thầy nói trên một ngọn núi ở Galilêa rằng đáp lại một cái tát của kẻ thù vào một má cần chìa cả má bên kia ra, tôi đã bỏ đàn chiên của Thầy mà đi” .

Giuđa đã can đảm và kiên trì hơn nhiều! Ông đã không bỏ Chúa mà đi. Ông đã theo sát bên Chúa rong ruổi trong suốt ba năm trời dọc ngang bốn miền quê hương. Dẫu nghe hoài điệp khúc yêu thương tha thứ của Thầy, ông vẫn không lơi mộng lớn…

Tình hình đất nước một ngày một rối ren, Thầy Giêsu vẫn cứ “bình chân như vại”, lại còn rao giảng yêu thương cả kẻ thù, thế mới nghiệt!
Giuđa đã có kế: không gì hơn là dồn Thầy vào chân tường. Quả nhiên, tư tưởng điều khiển hành vi. Ông đã nghĩ, và ông đã làm.

Khi biết rằng giới lãnh đạo tôn giáo, Thượng tế, Luật sĩ… không có quyền xử tử bất kỳ một ai (x. Ga 19, 31), mà quyền ấy chỉ nằm gọn trong tay giới cầm quyền Rôma đô hộ, Giuđa đã dàn dựng một cuộc “đối đầu bất đắc dĩ”. Phen này dầu muốn dầu không, đàng nào Thầy cũng phải ra tay cho “phỉ chí tang bồng”, chứ không thể cứ ngồi yên ngắm nhìn thế sự dần trôi thế này mãi được! Có như thế mới xứng với một bậc anh tài trong thiên hạ! Ấy là Giuđa đã nộp Thầy cho giới lãnh đạo tôn giáo, với hy vọng, để chính tay những người này sẽ nộp Thầy cho phe đối phương. Vô tình ông đã đẩy Thầy vào chân tường, biến Thầy thành “con chốt thí” trong một ván cờ chính trị mà ông là người bài trận.

Nhưng thế sự đã không xảy ra như dự tính đầy dụng ý của ông. Chúa Giêsu đã một quyết thực hiện cho nên trọn chương trình của Chúa Cha như Ngài đã từng thâm tín: “Lạy Cha…, chính giờ này mà con đã đến trong thế gian” (Ga 12,27b).

Cục diện đã khác, sự việc đã không tiến triển như mộng ước ban đầu. Tâm thần suy sụp như một cây chuối đổ, lòng hối hận trào dâng, ông đã tự kết liễu đời mình trong vòng dây oan khiên, giữa một đêm tĩnh mịch đau thương (x. Mt 27,3-10). Ba mươi đồng bạc chẳng còn ý nghĩa gì đối với ông. Nhưng giá máu ấy cũng đáng giá một cái nghĩa trang chôn ngoại kiều.
Có phải vì không có ý định bán Thầy để lấy 30 đồng bạc, ứng với một tháng tiền công (x. Mt 20,1-16), nên trong đêm tiệc ly, khi nghe Thầy tiên báo về kẻ sẽ nộp Thầy, Giuđa vẫn bình an cõi lòng mà thưa: “Lạy Thầy có phải con không?”! (Mt 26,25)

Phêrô khi bị quở mắng đã biết lùi lại phía sau.
Giuđa được cảnh tỉnh, nhưng vẫn một mực hành động theo lối suy nghĩ riêng của mình. Đã rõ, tội Giuđa nằm ở chỗ, là dám vạch chương trình cho Thiên Chúa, và muốn Thiên Chúa thực hiện theo đường lối của mình . Nhưng ông có ngờ đâu, đường lối Thiên Chúa không giống đường lối con người: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi như vậy!” (Is 55,9). Và “Thần khí Đức Chúa, ai đo cho nổi? Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Ngài? Ngài đã thỉnh ý ai để giúp Ngài thông hiểu, bảo cho Ngài biết lối công minh, dạy cho Ngài mở mang kiến thức, chỉ cho Ngài con đường trí tuệ?” (Is 40,13-14).

Giuđa đã qua rồi. Phần rỗi của ông thuộc quyền Thiên Chúa, kẻ hậu sinh không có quyền phân xử. Nhưng ta tin chắc một điều, không còn hình phạt nào nặng hơn cho ông, là tiếng tăm mà ông vẫn hằng phải gánh chịu, mỗi khi người đời nhắc đến vụ án Chúa Giêsu, là mỗi lần họ đều nhắc đến tên ông!
Giuđa trong vụ án Chúa Giêsu đã qua. Ông đã “an giấc ngàn thu”. Tuy nhiên, ngày nay Giuđa vẫn còn đó. Nhắc đến Giuđa là ta nói đến chính mình đó vậy!
Trong thực tế đời thường, thiếu gì lúc ta đã chẳng tìm một cậy dựa đảm bảo nào khác ngoài Thiên Chúa. Cũng thiếu gì lúc ta đã chẳng cầu xin ơn này phúc nọ bắt Chúa phải thực thi! Thiếu gì lúc ta đã chẳng đòi Chúa hành động theo ý riêng ta, nếu không được ta đã chẳng mất lòng tin; thậm chí cũng thiếu gì người đã bất mãn bỏ Chúa đi tìm một thứ cậy dựa nào khác!
Thế đấy, vô hình dung, ta đã chẳng biến Thiên Chúa thành đối tượng để sai khiến, thành ông chủ để vòi vĩnh?!

Ngày xưa, Giuđa đã muốn vạch đường cho Thiên Chúa. Ông đã thất bại trước một Thiên Chúa làm người. Và ngày nay vẫn còn đó một “tôn giáo của Thiên Chúa làm người đang phải đối diện với tôn giáo của con người muốn làm Thiên Chúa” . Đời nào vẫn thế. Đấy vẫn luôn là một điệp khúc dai dẳng của lòng tham, ích kỷ của những con người mang “xác phàm nhân, thân cát bụi yếu hèn”.
Trong đó có bạn và có tôi.

Đan-Lê

---------------------------------------------

1.  M. Otero Silva, Đấng Cứu Thế, (dịch giả Đoàn Tử Huyến), Nxb Văn Học, tr 213. (Tiểu thuyết, hư cấu dựa trên bốn cuốn Tin Mừng).

2. Câu trả lời chỉ là lập luận của tác giả, không nhất thiết phản ánh lập trường của Giáo Hội.

3.  Đức Phaolô VI, Diễn văn ngày 07.12.1965.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây