TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đại dịch Covid – một mùa chay mới

Thứ hai - 26/07/2021 06:54 | Tác giả bài viết: Jos. Lưu Hành, SDB |   1029
Trong thời gian gần đây, có lẽ chủ đề đang được nhiều người nhắc đến đó chính là cơn đại dịch Covid-19, hẳn đó phải là vấn đề mà nhiều người quan tâm đến hiện nay.
Đại dịch Covid – một mùa chay mới

Đại dịch Covid – một mùa chay mới

Trong thời gian gần đây, có lẽ chủ đề đang được nhiều người nhắc đến đó chính là cơn đại dịch Covid-19, hẳn đó phải là vấn đề mà nhiều người quan tâm đến hiện nay. Đứng trước nhiều khó khăn và thách đố cả về đời sống vật chất và đời sống thiêng liêng, tôi cảm nhận được kiếp người đúng là mong manh dễ vỡ, cũng như yếu đuối khi bị những thử thách đe dọa đời sống đức tin. Nhưng khi càng bị đe dọa, tôi càng nhận thấy mình đang bám víu lấy Thiên Chúa một cách mãnh liệt hơn trước, dù điều ấy xuất phát từ nỗi lo sợ vì cơn đại dịch hay thực sự tôi cảm nhận được bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, điều ấy không còn quan trọng cho bằng tôi đang xích lại gần Chúa. Khi chìm sâu trong thinh lặng để cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, tôi thiết tưởng đây đang là thời gian của một mùa chay mới, bởi lẽ mọi thứ xung quanh đều trong tình trạng phải sẵn sàng, phải tỉnh thức, phải ăn năn sám hối, cần sự bác ái…, mọi thứ sao quá giống với một thời gian để thanh luyện tâm hồn, chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ một hồng ân mới mà Chúa sẽ mang đến cho nhân loại.

1. Cầu nguyện

Cõ lẽ từ rất xa xưa, việc cầu nguyện không những đã gắn liền với đời sống của người Kitô hữu, mà còn là biểu hiện cụ thể của đời sống đức tin nơi người môn đệ Đức Kitô. Đặc biệt, khi đứng trước một công việc hay một vấn đề gì đó hệ trọng, thì việc cầu nguyện càng trở nên khẩn thiết hơn; khi đứng trước cơn đại dịch đang hoành hành ngày một phc tạp, người Kitô hữu cần sống thái độ cầu nguyện thâm sâu hơn nữa. Việc cầu nguyện như hơi thở xoa dịu những cơn đau thầm kín nơi cõi lòng mỗi người; hơn thế nữa, việc cầu nguyện cũng như liều thuốc linh thiêng xoa dịu những nỗi sợ hãi nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Tại sao lại như thế? Chắc hẳn khi cầu nguyện, chúng ta đã tin tưởng nơi Thiên Chúa mt cách tuyệt đối, đặc biệt khi đặt mình trước nhan Chúa, không ít thì nhiều chúng ta cũng gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá vị và đầy riêng tư, và chỉ khi đó chúng ta mới cảm nhận được rõ nhất mối tương quan liên vị giữa ta với Chúa mà thôi.

Kế đến, việc cầu nguyện giúp chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tư, nguyện vọng, hay bất cứ điều gì chúng ta đang băn khoăn lo lắng; để rồi việc cầu nguyện trở thành lời kinh cầu xin trực tiếp lên Thiên Chúa. “Qua lời kinh cầu xin, chúng ta bộc lộ ý thức về mối tương quan của Chúng ta với Thiên Chúa: là những thụ tạo, chúng ta không phải tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh, cũng chẳng phải là cùng đích đời mình… Lời kinh cầu xin của Kitô giáo còn xuất phát từ một chiều sâu khác, từ chiều sâu được thánh Phaolô gọi là lời rên siết: tức là lời rên siết của thụ tạo ‘quằn quại như sắp sinh nở’ (Rm 8, 22); cũng là tiếng rên siết của chúng ta ‘còn trông đợi Thiên Chúa…, cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn phải trông mong’ (Rm 8, 23-24).”[1] Đúng như thế, khi gần như chúng ta đang bất lực với cơn đại dịch covid nguy hiểm này, thì việc nhận ra những giới hạn của con người là rất cần thiết, để rồi từ đó khẩn nài đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Nếu để dành một giờ ngồi lo lắng, than vãn hay trách cứ Thiên Chúa, vậy tại sao không dành một giờ ấy để thân thưa với Chúa về những khó khăn đang gặp phải, và rồi cầu xin cho được bình an. “Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới tự bản chất là thiện hảo. Nhưng chính con người xa lìa Ngài, quyết chống lại tình yêu của Ngài, và đem sự dữ vào thế giới”[2]. Qua các biến cố, Thiên Chúa không hề bỏ mặc con người, “tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ mất được, Thiên Chúa luôn dõi theo chúng ta, tìm kiếm chúng ta đang lẩn trốn trong hang hốc, muốn đến gặp gỡ chúng ta. Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta biết Ngài là ai”[3]. Chúng ta cũng hãy xích lại gần Chúa, thiết lập lại mối giây liên kết thiện hảo với Thiên Chúa, để rồi nhìn ra thánh ý của Người. Điều quan trọng khi chúng ta nhìn ra thánh ý Thiên Chúa qua việc cầu nguyện đó chính là sự tín thác, vì chúng ta không thể an lòng nếu như chúng ta chưa hiểu và vẫn không ngừng thắc mắc. Vì thế, hãy cầu nguyện để trình bày cho Chúa những khó khăn hiện tại và từ đó hỏi Chúa xem bản thân sẽ phải làm gì ngay lúc này; và hãy cầu nguyện để xích lại gần Chúa, ngõ hầu tìm lại sự thiện hảo ban đầu.

2. Sám hối

Cơn đại dịch đang ngày một lan rộng, kéo theo đó là những trường hợp tử vong ngày một tăng cao. Là người Kitô hữu, chúng ta không sợ hãi trước cái chết, vì đây là lúc chúng ta trở về quê hương thật sự và là một cuộc trở về với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Nhưng điều cần làm trước nhất là chúng ta phải chuẩn bị hành trang thật tốt để cuộc trở về được trọn vẹn. Khi đọc bản văn Tin Mừng của thánh Máccô, chúng ta cũng bắt gặp lời kêu gọi phải sám hối của Đức Giêsu, “thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”[4]. Chắc hẳn lời kêu gọi ấy của Đức Giêsu trong cuộc đời công khai rao giảng vẫn còn ngân vang tới tận hôm nay và còn vang mãi, đây không phải chỉ là lời kêu gọi cho những ai chưa nhận biết Chúa, nhưng cả với chúng ta là những Kitô hữu, thì lời kêu gọi ấy vẫn thật cần thiết. Bởi lẽ, việc sám hối vừa thể hiện hành động hối cải của một tội nhân trước mặt Đấng nhân lành, vừa thể hiện được lòng nhân từ của Thiên Chúa đã và đang lôi kéo người hối nhân trở về với Người. Khi đứng trước sự mập mờ của lằn ranh cái chết và sự sống như hôm nay, chúng ta càng phải sẵn sàng tỉnh thức để giờ Chúa đến bất ngờ thì đèn dầu đã sẵn, chúng ta ra nghênh đón Chúa.

3. Bác ái

Bác ái thì thời nào và lúc nào cũng cần, nhưng khi hoạn nạn và khó khăn thì có lẽ việc bác ái lại càng cần thiết hơn nữa. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh -Chủ tịch HĐGM Việt Nam, cũng đã gửi thư kêu gọi hỗ trợ cho tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, nhiều giáo phận cũng chung tay góp phần mình vào việc giúp đỡ những nơi khó khăn trong mùa đại dịch, và gần đây nhất đã có hơn 430 tu sĩ tham gia vào việc phục vụ cho các bệnh nhân covid tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây thật là một hình ảnh đẹp của đời sống Đức tin Kitô hữu, người biết chia sẻ và ra đi đến những vùng biên và những nơi khó khăn nhất của con người để đến với những ai cần sự trợ giúp. Việc bác ái không chỉ là việc làm từ thiện, nhưng việc bác ái và xuất phát từ trái tim mục tử của Đức Giêsu Kitô; bởi lẽ giữa người với người đó phải là một tình yêu thương không vụ vợi, không mong đáp trả. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương và là bài học cụ thể nhất cho chúng ta nhìn vào. Chúa đã làm hành động như thế nào cho hàng ngàn người theo Chúa không có gì ăn mà trời đã xế chiều, một phép lạ thật vĩ đại đã xảy ra với năm chiếc bánh và hai con cá mà no lòng cả năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và trẻ em. Rồi khi “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than không người chăn dắt”[5]. Hẳn chúng ta cũng nhớ cảnh tượng một bà goá đang đưa đứa con duy nhất của bà đi chôn, “trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Bà đừng khóc nữa! Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài... Đức Giêsu nói: này người thanh niên, tôi bảo anh, hãy trỗi dậy! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói”[6]. Chúa Giêsu không những chỉ quan sát, nhưng còn hành động để rồi cứu sống, chúng ta cũng đang sống trong một thời gian thuận tiện để thi thố lòng bác ái, bác ái thậm chí trong cả lời cầu nguyện.

Việc bác ái không chỉ hệ tại ở hành động, nhưng có lẽ nó còn thể hiện một cách âm thầm nơi lời cầu nguyện cá nhân, “làm sao người ta có thể làm việc bác ái nếu họ không yêu? Làm sao họ có thể yêu nếu họ không cảm thấy được yêu? Làm sao họ có thể cảm thấy được yêu nếu họ không nhìn lại cuộc đời mình? Làm sao họ thực tâm nhìn lại đời mình nếu họ không nhìn đến tha nhân?”[7] Khi nhìn đến tha nhân, chúng ta nhận ra một tấm gương vừa soi chiếu, vừa phản chiếu cách cụ thể nhất về chính mình và những gì xung quanh, để rồi chúng ta nhận ra có muôn vàn những thiếu thốn, nhất là trong thời gian đại dịch này, việc ăn để cho no cũng là một khó khăn rất lớn đối với người nghèo. Kế đến, khi nhìn đến những người xung quanh, chúng ta sẽ có thể bắt gặp ánh mắt họ cũng đang nhìn về chúng ta với sự mong đợi; liệu đó có phải là ánh mắt của Chúa trên thập giá và thốt lên ‘Ta khát’ hay không? Hãy cho đi, đừng giữ lại và đừng nghĩ mình không có khả năng để cho đi, nhưng hãy cho cái mà ta có thể, vì chính Chúa Giêsu cũng nói ‘đừng lo lắng về ngày mai’, điều ấy thể hiện một đức tin mạnh mẽ vào quyền năng quan phòng của Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt dứt ngay hàng chỉ”[8]. Biết đâu cuộc đời chúng ta trong cơn đại dịch này rồi cũng sẽ như thế, hãy cậy trông vào Thiên Chúa để rồi chúng ta sẽ nhận ra thánh ý của Người trong thời đại hôm nay.

Jos. Lưu Hành, SDB

 


[1] X. SGLCHTCG các số 2629, 2630

[2] X. Do Cat, Phải làm gì? Số 7

[3] X. Do Cat, Phải làm gì? Số 8

[4] X. Mc 1, 15

[5] X. Mt 9, 36

[6] X. Lc 7, 13-15

[7] X. Văn Tài, SJ, Từ tình yêu đến trái tim, dongten.net

[8] X. Is,38, 12

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây