Bài 13: VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO
Câu hỏi:
Một số bạn sinh viên không theo đạo Công Giáo, nhưng các bạn ấy rất thích tham gia các sinh hoạt, hoạt động của người Công giáo. Có người nói bên Công giáo lôi kéo người ta. Vậy trong truyền giáo có chút “lôi kéo” không? Con cũng muốn biết thêm: Nếu ngoài Kitô giáo cũng có ơn cứu độ, vậy đâu là ý nghĩa của việc truyền giáo? Trong truyền giáo có chút “lôi kéo” không?
Trả lời:
Trước khi về Trời, Đức Giêsu đã truyền dạy các môn đệ “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ”, kèm theo đó là lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,19). Thầy Giêsu sẽ luôn ở cùng chúng ta trên hành trình truyền giáo, và cụm từ “mọi ngày cho đến tận thế” làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng hành trình này sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nó chỉ kết thúc vào “ngày tận thế”. Quả vậy, cho đến nay, còn có rất nhiều người trên thế giới này chưa biết đến Chúa, chưa tin vào Chúa, thậm chí còn chối bỏ Chúa.
Việc có nhiều bạn sinh viên không theo đạo Công Giáo nhưng lại thích tham gia các sinh hoạt của người Công Giáo là một niềm vui cho chúng ta vì nhiều lý do. Trước hết, chúng ta thấy được khao khát của nhiều người trẻ. Không phải bạn trẻ nào cũng ăn chơi sa vào những trò truỵ lạc, nhưng vẫn còn rất nhiều bạn muốn sống một cuộc sống có ích và tìm thấy niềm vui trong những hoạt động lành mạnh. Rồi nữa, chúng ta thấy được điểm chung của người trẻ: họ tìm đến với nhau để chia sẻ cuộc sống vượt trên những khác biệt về niềm tin tôn giáo. Thứ đến, chúng ta có quyền tự hào về đạo Công Giáo và những sinh hoạt hữu ích của mình, vì nếu không, nó đã chẳng thu hút những người không cùng niềm tin đến như vậy.
Hiện nay có rất nhiều tôn giáo muốn gia tăng số lượng tín đồ nên đã dùng những cách thức truyền giáo rất “vật chất”. Họ hứa hẹn nếu ai đó theo đạo của mình thì sẽ được tặng 10kg gạo, nhà cửa hay một cơ hội học hành… Và cũng đã có nhiều người vì thấy được lợi ích hấp dẫn như vậy nên đã đồng ý theo tôn giáo đó mà không cần biết đạo đó là đạo gì, có nền tảng ở đâu, sẽ đưa người ta đi về đâu. Có nhiều giáo phái thậm chí còn có những hoạt động như sai người đi khắp nơi, vào tận nhà người dân, giảng giáo lý cho họ và khuyên họ hãy “ăn năn sám hối” nếu không sẽ bị trừng phạt nay mai…
Những kiểu chiêu dụ tín đồ như thế có thể có một vài thành công lúc khởi đầu nhưng sẽ không tồn tại lâu. Đạo Công Giáo đã tồn tại hơn 2000 năm trong lịch sử và hiện nay là một tôn giáo có số tín đồ lớn thuộc hạng bậc nhất thế giới. Nhưng chúng ta không “lôi kéo” người khác vào đạo của mình theo kiểu như vậy. Rất nhiều người xin gia nhập Công Giáo vì cảm nghiệm được nét hay nét đẹp nơi giáo lý chính thống và đúng đắn mà Chúa Giêsu truyền lại. Cũng có không ít người muốn trở thành người Công Giáo vì thấy được lối sống tuyệt vời của những mẫu gương là những vị chủ chăn, những vị Thánh, Chân Phước được Giáo Hội công nhận. Nếu như Giáo Hội đã có thể sản sinh ra một kho tàng những thành quả tốt đẹp như thế thì chắc chắn con đường mà Giáo Hội truyền dạy phải là con đường đúng đắn và khả tín, dẫn đưa người ta tiến về cõi phúc đích thực.
Ý thức rằng đức tin là một món quà của Chúa và nó phải được đón nhận bằng sự tự nguyện, Giáo Hội chưa bao giờ ép buộc ai phải tin khi người đó chưa sẵn sàng. Giáo Hội cũng không thực hiện bí tích thanh tẩy cho ai khi người đó thật sự không muốn. Ngay cả trong lĩnh vực hôn nhân, dù rất muốn bên không Công Giáo theo đạo để vợ chồng có thể chung chia với nhau một niềm tin, thuận tiện hơn cho đời sống vợ chồng và nuôi dạy con cái, nhưng nếu bên không Công Giáo không muốn thì Giáo Hội vẫn có “phép chuẩn” để đạo ai nấy giữ, miễn là bên Công Giáo phải cam kết tuân giữ một vài điều kiện để không làm tổn hại đến đức tin của mình và của con cái sẽ có. Điều này cho thấy, sự “lôi kéo” mà chúng ta có không phải là một kiểu chiêu dụ bất chấp, cốt để gia tăng số lượng tín đồ, nhưng đến từ chính nét đẹp mà chúng ta toả ra khi sống những giá trị siêu vượt mà Đức Kitô mang đến.
Một cách cụ thể, nếu như các bạn sinh viên không Công Giáo hào hứng và tham gia cách tích cực vào những sinh hoạt của Giáo Hội, thì có nghĩa là phía Công Giáo chúng ta đáp ứng được những nhu cầu của họ, làm cho họ được vui, được hạnh phúc và lớn lên. Họ cũng nhìn thấy nơi chúng ta một môi trường thật lành mạnh và tin tưởng để có thể dấn thân mà không sợ hãi. Chắc chắn, trong những hoạt động mà chúng ta dành cho họ, không hề có một sự phân tách dựa trên bình diện tín ngưỡng, cũng không hề có một điều kiện bắt họ phải theo đạo mình, càng không hề có dụng ý lôi kéo họ vào đạo của chúng ta.
Đến đây, chúng ta thấy mình được mời gọi để tiếp tục trở thành nhân chứng sống động cho Đức Kitô qua lối sống tốt lành của chúng ta: quảng đại, hy sinh, hiền lành, yêu thương… Chính những giá trị này được sống cách trưởng thành và đúng đắn sẽ trở thành sự “thu hút” mạnh mẽ nhất mà không một bài giảng và sách vở nào có thể mang lại. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nếu tôn giáo của chúng ta là một tôn giáo tốt và chân thật, tự nó sẽ sinh ra những hoa trái thơm ngọt là đời sống của chúng ta, và khi chúng ta sống tốt, tự nó sẽ có sức làm người ta tò mò tìm đến và muốn được như thế.
Nếu ngoài Kitô giáo cũng có ơn cứu độ, vậy đâu là ý nghĩa của việc truyền giáo?
Như đã nói ở trên, truyền giáo là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời. Chúa Giêsu muốn cho tất cả mọi người trên trái đất này đều được biết đến Tin Mừng và nhờ đó được lãnh nhận ơn cứu độ qua việc chịu phép rửa và trở thành môn đệ của Ngài. Giáo Hội của chúng ta, từ khi được thiết lập cho đến nay, vẫn không ngừng thực thi mệnh lệnh này của Chúa. Đã có rất nhiều người xông pha không mệt mỏi trên các chặng đường xa xôi để truyền giáo, có khi hy sinh luôn cả tính mạng. Ơn cứu độ là của riêng Chúa, và với tư cách là Đấng Quyền Năng và tự do hoàn toàn, Ngài có quyền ban ơn đó cho bất cứ ai Ngài muốn và ở thời điểm nào Ngài thích. Có nhiều người không hề biết đến Tin Mừng của Chúa (do sinh ra trước Đức Giêsu hoặc do Tin Mừng chưa thể vươn tới được), nhưng đã sống một đời sống rất tốt. Chúng ta tin là Chúa chẳng thể nào không đón nhận những người này vào Nước Ngài. Nếu vậy, tại sao chúng ta cần gì phải vất vả truyền giáo làm gì?
Ngày trước, do có những quan niệm sai lầm, người ta cho rằng một cuộc truyền giáo thành công là rửa tội cho thật nhiều người, là đưa họ vào trong đạo Công Giáo. Truyền giáo được hiểu như một kiểu bành trướng của Công Giáo. Tệ hơn, nhiều nhà truyền giáo còn muốn gạt bỏ đi tất cả những giá trị tâm linh và văn hoá tốt đẹp mà người bản địa đã có từ bao đời. Điều này sẽ vô tình tạo nên một sự ác cảm của người khác dành cho Công Giáo. Số khác cởi mở hơn, không mang tư tưởng áp đặt nhưng lại cho rằng truyền giáo là “mang Chúa đến nhiều vùng đất mới” như thể Chúa chưa từng hiện diện nơi đó. Truyền giáo được hiểu theo nghĩa này hệt như một kiểu ban phát. Suy nghĩ như thế cũng không gây thiện cảm cho người ta. Thực ra, Chúa đã luôn hiện diện ở đó rồi. Có rất nhiều những cuộc tranh luận nảy lửa trong lịch sử Giáo Hội liên quan đến vấn đề truyền giáo. Quan niệm về truyền giáo và cách thức truyền giáo vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối, không dễ giải quyết. Ta cần phải hiểu về nó như thế nào?
Ở một khía cạnh nào đó, ta thấy việc truyền giáo xuất hiện cách tự nhiên nơi thâm tâm của những ai đã bắt gặp được chân lý của đời mình. Anrê, sau khi đã “ở lại” với Giêsu, cảm nghiệm được điều gì đó khác biệt và kỳ diệu nơi Ngài, đã vội vàng tìm gặp Simon và nói với Simon về Giêsu, đồng thời đích thân dẫn Simon đến gặp Giêsu (x.Ga 1,40-42). Chị phụ nữ người Samari, sau cuộc trò chuyện với Đức Giêsu tại bờ giếng, ngỡ ngàng trước cung cách và lời nói của Ngài, đã ngay lập tức chạy vào thành để nói về Ngài cho người khác (x.Ga 4,39-42). Khi người ta nhận được một tin vui nào đấy, tự khắc người ta sẽ được thúc đẩy để chia sẻ tin vui đó cho người khác. Càng nhiều người biết tin vui ấy thì niềm vui càng lớn hơn và người chuyển trao tin vui đó cũng sẽ thấy rất ấm lòng và hạnh phúc. Tương tự như vậy, việc truyền giáo cũng nảy sinh từ những tín hữu đã nghiệm thấy được lẽ sống và niềm hy vọng vĩnh cửu cho đời mình. Họ vui đến nỗi không thể giữ kín điều đó cho riêng mình mà phải lên đường để chia sẻ niềm vui đó cho người khác, với khát mong rằng những người khác cũng sẽ có được sự khai sáng ấy.
Ngoài ra, đã đành ơn cứu độ vẫn có thể được ban ngoài môi trường Công Giáo, nhưng nếu không được chuẩn bị, nó không thể nảy mầm và lớn lên được. Có rất nhiều nơi trên thế giới, người ta vẫn còn sống trong những hủ tục lạc hậu, phản khoa học, sai lầm về mặt luân lý. Thậm chí, có những nơi tuy phát triển về vật chất, nhưng con người cứ loay hoay mãi trong những vòng xoáy của cuộc sống và đánh mất đi ý nghĩa và mục đích sự hiện hữu của mình. Những đối tượng này cần được giúp để nhận ra vấn đề của mình và sắp xếp lại cuộc sống sao cho tốt hơn và hướng về cứu cánh của mình là Thiên Chúa, dù họ có chân nhận sự hiện hữu của Ngài và vai trò của Giáo Hội hay không. Đây cũng chính là hoạt động truyền giáo: giới thiệu cho người ta một con đường để tìm về Đấng có thể giải cứu họ khỏi vòng nô lệ của kiếp người. Đây rõ ràng là điều rất cần thiết.
Hơn nữa, chúng ta cũng không thể không chân nhận rằng môi trường Công Giáo là một môi trường tốt và lành mạnh, giúp con người phát triển nhiều mặt. Nghi lễ phượng tự, học giáo lý, trại hè, sinh hoạt giới trẻ, ca đoàn, tĩnh tâm… đều là những phương tiện rất tuyệt để người ta thêm lòng yêu thương, gắn bó và sống những giá trị siêu việt ở mức độ cao nhất. Nếu trẻ em và giới trẻ được giáo dục trong môi trường tốt đẹp như thế này, chắc chắn khi vào đời, chúng sẽ là những con người hữu ích cho xã hội và Giáo Hội. Những chân lý của Chúa Giêsu sẽ được thực thi cách rộng rãi, lan truyền từ nơi này đến nơi kia, từ đời này đến đời kia. Những sự xấu xa sẽ từ đó mà giảm bớt đi. Bởi thế, nếu chúng ta có thể thu hút nhiều người trở thành Kitô hữu, thì chính chúng ta và những người đó cũng sẽ được sống trong một “môi trường an toàn” để học hỏi, đào sâu đức tin, tránh xa những điều xấu. Con người của chúng ta sẽ được triển nở đến mức hoàn hảo nhất. Một viễn tượng như thế chắc chắn là rất khác với một xã hội nơi người ta cứ vật vờ tự mình lẽ sống cho mình, chẳng nhận được nơi đâu sự trợ giúp. Ta truyền giáo, chính là mở rộng môi trường tốt lành của Công Giáo đến càng nhiều người càng tốt, để tất cả có thể trở thành anh chị em với nhau.
Có người cho rằng “đạo nào cũng tốt, đâu cần gì phải theo đạo Công Giáo”. Tiếng lương tâm mà Tạo hoá đặt để trong sâu thẳm mỗi người vẫn luôn lên tiếng dạy bảo người ta làm lành lánh dữ. Những chân lý mặc khải mà các Kitô hữu nhận được từ Đức Giêsu không thay thế tiếng nói lương tâm, cũng không làm đảo lộn những giá trị mà lương tâm mách bảo. Tuy nhiên, cái cốt lõi của truyền giáo không phải chỉ là dạy người ta làm điều tốt (vì như đã nói, lương tâm mỗi người đã đủ sức làm điều đó). Nhưng đạo Công Giáo có thể giúp khai sáng hơn tiếng nói của lương tâm, giúp đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng minh bạch hơn cho con người ở từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra, đỉnh điểm cao nhất của việc truyền giáo là giúp người ta nhận ra phẩm giá đích thật của mình. Truyền giáo là đánh thức con người khỏi giấc ngủ hiện sinh, cho họ thấy họ không chỉ là một sinh vật bình thường như bao giống loài khác, nhưng họ là con của Thiên Chúa và được mời gọi để vui hưởng hạnh phúc vĩnh viễn với Ngài.
Để minh hoạ cho ý này, chúng tôi xin mượn câu chuyện nhỏ sau:
Một cái trứng chim lạc vào chuồng gà. Nó nở ra và trở thành con chim. Nhưng vì mở mắt ra đã thấy con gà, nên nó không hề biết nó là chim. Nó cứ nghĩ nó giống những con gà kia, nên ăn ngủ, sinh hoạt hệt như gà. Cuộc sống của nó vẫn trôi qua bình thường, nó chẳng làm hại ai và cũng không ai làm hại nó, nhưng vì tự bản chất, nó không phải là gà, nên lòng nó vẫn cứ canh cánh băn khoăn điều gì đó mà nó chẳng biết. Căn tính “chim” của nó tuy vẫn nằm trong nó, nhưng bị mai một đi, khiến nó chưa bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó sẽ tung bay trên bầu trời, dù khi nhìn thấy những con chim khác chao lượn trên cao, nó rất thích… Con chim ấy cần được bảo cho biết nó không phải là gà. Nó cần được giúp để nhận ra căn tính đích thực của mình, rằng môi trường của nó không phải là chốn này, nhưng là cả bầu trời rộng lớn trên cao. Nếu nó nhận ra được điều này, nó sẽ là nó cách đúng nghĩa nhất.
Truyền giáo cũng hệt như vậy: cho người ta biết người ta thuộc về một cõi siêu việt cao hơn cái mà họ đáng sống rất nhiều; người truyền giáo đích thực là người đã nghiệm ra và đã sống được phẩm giá cao quý ấy của mình. Đây cũng chính là tin vui (hay Tin Mừng) mà ta mang đến cho người khác.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Đọc thêm:
Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới” Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt Bài 07: Nhanh từ từ thôi Bài 06: Hiện tượng bóng ma Bài 05: Vượt qua khủng hoảng! Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé! Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất? Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời |
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn