Các bạn Giáo lý viên quý mến, tôi đến đây với tư cách Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, nhưng đồng thời với tư cách một người bạn, chia sẻ với những người bạn Giáo lý viên khác về một đề tài chắc chắn là hữu ích cho tất cả các bạn Giáo lý viên: "Đào tạo Giáo lý viên - chứng nhân niềm vui Tin Mừng".
Trước hết, chúng ta nên đề cập đến các điều kiện và các thái độ Giáo Hội chờ đợi nơi các bạn Giáo lý viên. Điều kiện đầu tiên là một đức tin vững vàng. Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng có những lúc đức tin bị chao đảo vì gặp quá nhiều thử thách. Chính vì thế mà các bạn cần không ngừng củng cố đức tin của mình, bằng cách tiếp xúc thường xuyên với Chúa, trau dồi các kiến thức về Kinh Thánh và Thần học. Các bạn chắc biết Lời Chúa là linh hồn của giáo lý và thần học. Mọi Giáo lý viên phải biết sống Lời Chúa trước khi nói về Chúa cho người khác.
Điều kiện thứ hai là lòng mến: tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân. Nếu là con người khô khan nguội lạnh, chúng ta không thể nào dạy giáo lý được. Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta loan báo Tin Mừng, thúc bách các Giáo lý viên hăng say dạy giáo lý. Có yêu mến Chúa Kitô thật nhiều, chúng ta mới cố gắng tìm hiểu về Ngài và nhờ đó biết rõ về Ngài hơn. Dĩ nhiên cần nhiều ơn Chúa và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng phải yêu mến tha nhân, yêu mến thiếu nhi và thanh thiếu niên, chúng ta mới có thể hăng say giảng dạy giáo lý cho chúng.
Điều kiện thứ ba là chúng ta phải biết một cách rõ ràng nội dung giáo lý đức tin và cả khoa sư phạm giáo lý, thì mới có thể truyền đạt một cách dễ dàng và nhuần nhuyễn nội dung ấy cho các em. Nhưng nội dung đức tin luôn luôn phải đi đôi với sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu thường xuyên, để các em có thể biết Chúa một cách cụ thể sống động hơn là một cách lý thuyết trên sách vở. Nói như vậy nghĩa là chúng ta phải biết dung hòa nội dung đức tin với cường độ đức tin và dạy cho các em cũng biết làm như thế.
Đề tài của chúng ta hôm nay là "Đào tạo Giáo lý viên-chứng nhân niềm vui Tin Mừng". Chúng ta sẽ hoàn toàn dựa vào tông huấn "Niềm Vui Tin Mừng" của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu dấu của chúng ta để đào sâu đề tài này. Đức Thánh Cha nói một cách say sưa trong tông huấn về một niềm vui luôn luôn mới mẻ khi loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha cũng vạch ra những lối đi cho việc loan báo Tin Mừng hôm nay và ngày mai. Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các kitô hữu trên thế giới "hãy đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Chúa Giêsu, hay ít ra chúng ta hãy mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình". Không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.
Mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng Người đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Vui biết chừng nào khi chúng ta trở lại với Người sau một lần lạc lối. Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ chúng ta thấy mệt khi đi tìm Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau và Ngài đã làm gương cho chúng ta. Ngài đã tha cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Ngài đã không ngừng vác chúng ta lên vai quay trở về. Với một sự dịu dàng không gây thất vọng, nhưng luôn có sức hồi phục niềm vui của chúng ta. Ngài làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại.
Các sách Tin Mừng không ngừng mời gọi chúng ta vui lên, như lời thiên thần chào Mẹ Maria: Mừng vui lên! Hỡi Bà đầy ân phúc! Đức Maria đến thăm bà Elisabeth và làm cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ; còn Mẹ Maria thì thốt lên những lời hết sức phấn khởi: "...thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi..." (Lc 1,47). Niềm vui của người kitô hữu chúng ta luôn chảy từ trái tim dạt dào yêu thương của Chúa. Ngài hứa với các môn đệ: "Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui... và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được" (x. Ga 16,20-22). Các môn đệ đi đến đâu, thì ở đó người ta rất vui mừng.
Niềm vui, trong cuộc đời không phải lúc nào cũng được biểu lộ như nhau, nhất là trong những lúc khó khăn cùng cực. Phát sinh từ niềm xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa thương yêu vô bờ bến, niềm vui sẽ tự thích ứng và nó luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét. Đây là niềm vui xuất phát từ niềm tin. Tất cả chúng ta phải để cho niềm vui của đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông cậy âm thầm nhưng bền vững, ngay cả giữa những thử thách nặng nề nhất. Lượng từ bi của Chúa không bao giờ cạn! Lòng thương xót của Người mãi mãi không vơi! Ngày nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!
Đôi khi chúng ta bị cám dỗ kiếm cớ để than thở và hành động như thể chúng ta chỉ hạnh phúc nếu có hàng ngàn các điều kiện. Xã hội kỹ thuật ngày nay đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui nơi những người nghèo, hầu như không có gì để bám víu. Nguồn vui đích thực có thể thấy nơi nhiều thành phần khác, nơi những người mà giữa những bó buộc đầy ắp của nghề nghiệp, vẫn có thể giữ vững niềm tin trong sự thanh thoát và đơn sơ.
Với mỗi người tùy theo cách của mình, tất cả các niềm vui đích thực đều bắt nguồn từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dẫn chúng ta vào tâm điểm của Tin Mừng: "Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, những là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát" (Deus caritas est, 1).
Nhờ cuộc gặp gỡ mới mẻ với Thiên Chúa, được triển nở thành một tình bạn phong phú, chúng ta được giải thoát khỏi sự hẹp hòi và khép kín của mình; chúng ta trở thành “người” trọn vẹn khi chúng ta vượt lên trên bình diện nhân loại, khi chúng ta để cho Thiên Chúa dẫn đưa vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về sự hiện hữu của mình. Ở đây, chúng ta tìm thấy cảm hứng cho mọi nỗ lực Phúc âm hóa của chúng ta: chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, chúng ta hãy chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Tự bản chất, mọi kinh nghiệm đích thực về sự thật và lòng tốt đều tìm cách lớn lên trong chúng ta và bất cứ ai đã từng trải nghiệm một sự giải thoát sâu xa, đều nhạy cảm hơn với nhu cầu của người khác. Khi lan tỏa, lòng tốt bén rễ và phát triển. Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn ra tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Tin Mừng cho chúng ta cơ hội để sống ở một bình diện cao hơn, nhưng không kém phần mãnh liệt.
Cuộc sống phát triển bằng cách cho đi, nhưng nó suy yếu khi sống cô lập và dễ dãi. Những người vui hưởng đời sống nhiều nhất là những người bỏ lại sự an toàn ở trên bờ và được kích thích bởi sứ mạng truyền đạt cuộc sống cho người khác. Khi kêu gọi người kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Chúng ta khám phá ra một quy luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tùy theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa sâu xa của công việc truyền giáo.
Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu "niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt". Ước gì thế giới thời đại chúng ta đang sống, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng, không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô.
Canh tân việc rao giảng Tin Mừng có thể cống hiến cho các tín hữu cũng như những người nguội lạnh và không sống đạo, một niềm vui mới trong đức tin và hiệu quả trong hoạt động truyền giáo. Tâm điểm sứ điệp vẫn luôn luôn là Thiên Chúa, Đấng mặc khải Tình Thương vô biên của Người nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Thiên Chúa không ngừng đổi mới những người con trung thành của Người, bất kể ở đâu, bất kể lứa tuổi nào, họ sẽ bay lên cao bằng đôi cánh đại bàng, sẽ chạy mà không mệt, sẽ đi bộ mà không xỉu. Chính Đức Kitô là Tin Mừng vĩnh cửu, vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Sự giàu có và vẻ đẹp của Người thì vô biên.
Theo thánh Irênê thì khi đến trần gian này, Đức Kitô mang theo Ngài tất cả sự mới mẻ, Ngài luôn luôn có thể đổi mới cuộc đời chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta, cho dù sứ điệp Kitô giáo đã từng biết đến những thời kỳ đen tối và những sự yếu đuối của Giáo Hội, sứ điệp ấy sẽ không bao giờ già đi. Đức Giêsu có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Ngài và Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Ngài. Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn mới mẻ.
Sứ mạng này đòi chúng ta phải can đảm hơn, nhưng sẽ sai, nếu chúng ta coi sứ mạng ấy là của riêng ta. Chúng ta phải luôn luôn nài xin cho sứ mạng ấy là công trình của Chúa, ký ức của Israel về chính mình, ký ức của Israel như là sự chia sẻ sâu xa hơn về biến cố này qua mọi sự mà chúng ta có thể thấy và hiểu. Đức Giêsu Kitô là Người Loan Báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, Người đã yêu thương chúng ta trước, và chỉ một mình Người "làm cho lớn lên". Niềm xác tín này giúp chúng ta luôn giữ được tinh thần vui tươi giữa một nhiệm vụ quá nhiều đòi hỏi và thách thức. Thiên Chúa xin chúng ta mọi thứ, nhưng đồng thời cũng ban tặng chúng ta mọi sự.
Ký ức là một chiều kích của đức tin mà chúng ta có thể gọi là "đệ nhị luật", tương tự như ký ức của Israel về chính mình. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta bí tích Thánh Thể như là sự tưởng nhớ hằng ngày của Hội Thánh về biến cố Vượt Qua của Chúa và như sự chia sẻ sâu xa hơn biến cố này. Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn luôn phát sinh từ sự tưởng nhớ với tâm tình biết ơn: đó là ân sủng mà ta phải liên lỉ nài xin. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy nhớ đến các lãnh đạo của chúng ta, những người đã giảng Lời Chúa cho chúng ta.
Muốn đào tạo Giáo lý viên thành những chứng nhân của niềm vui Tin Mừng, chúng ta phải đào tạo họ thành những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần. Những người loan Tin Mừng đầy Thánh Thần là những người dũng cảm mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các tông đồ thành những sứ giả công bố các kỳ công của Thiên Chúa, có khả năng nói cho mọi người bằng thứ tiếng riêng của họ, ơn can đảm để công bố sự mới mẻ của Tin Mừng một cách dạn dĩ ở mọi thời và mọi nơi, kể cả khi gặp chống đối.
Chúng ta hãy chạy đến Chúa Thánh Thần hôm nay, vững vàng trong kinh nguyện, vì không cầu nguyện thì hoạt động của chúng ta có nguy cơ vô hiệu quả và sứ điệp của chúng ta loan báo trở thành trống rỗng. Đức Giêsu muốn những người loan báo Tin Mừng không chỉ rao giảng bằng lời, nhưng trên hết bằng một đời sống được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. Mỗi khi ta nói một cái gì "có khí thế", nó thường chỉ về một sức thúc đẩy bên trong, khích lệ, tạo động lực, nuôi dưỡng và cống hiến ý nghĩa cho hoạt động cá nhân và cộng đồng của chúng ta.
Ước gì việc Phúc âm hóa được tràn đầy nhiệt huyết và vui tươi, quảng đại, can đảm, yêu thương vô bờ và hấp dẫn, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Không có lời khích lệ nào là đủ trừ khi lòng chúng ta cháy lửa của Chúa Thánh Thần. Việc Phúc âm hóa đầy Thần Khí là công việc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, vì Người là linh hồn của Hội Thánh, được mời gọi để công bố Tin Mừng. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến và đổi mới Hội Thánh, khuấy động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước.
Lời Chúa mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc, là những người loan báo Tin Mừng cho các linh hồn, chúng ta cần phát triển hương vị thiêng liêng của việc sống chan hòa với dân và khám phá ra rằng điều này tự nó là một nguồn vui tuyệt vời. Truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, đồng thời là một niềm say mê dân Người. Đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy được chiều sâu của tình yêu của Người, tình yêu nâng chúng ta lên và kiện cường chúng ta.
Trừ khi chúng ta mù, chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng Ngài chọn chúng ta từ giữa dân của Ngài và sai chúng ta đến với dân của Ngài; nếu không có ý thức thuộc về dân này, chúng ta không thể hiểu được căn tính thâm sâu của mình. Chính Đức Kitô là mẫu mực của phương pháp loan báo Tin Mừng này, phương pháp ấy đưa chúng ta vào tận cõi lòng của dân Ngài. Tốt biết bao, khi muốn chiêm ngắm sự thân mật gần gũi của Ngài với mọi người! Nếu Ngài nói chuyện với ai, Ngài nhìn thẳng vào mặt họ, với một tình yêu và sự quan tâm sâu thẳm.
Chúng ta thấy Ngài dễ đến gần như thế nào, khi Ngài đến gần người mù và ăn uống với những kẻ tội lỗi mà không sợ bị người khác thấy hoặc nghĩ mình là kẻ mê ăn uống và say sưa. Chúng ta thấy được sự tế nhị của Ngài khi cho phép người phụ nữ tội lỗi lấy dầu thơm xức chân Ngài, và khi tiếp ông Nicôđêmô ban đêm. Hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá không là gì khác hơn là tột đỉnh của cách mà Ngài đã sống suốt cả đời. Được gương sáng Ngài đánh động, chúng ta muốn hoàn toàn đi vào các thành phần cấu tạo của xã hội này, chia sẻ cuộc sống với mọi người, lắng nghe các mối quan tâm của họ, vật chất và tinh thần trong các nhu cầu của họ, vui với người vui, khóc với người khóc; tay trong tay với những người khác, chúng ta dấn thân xây dựng một xã hội mới, một thế giới mới.
Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành kitô hữu đứng xa để nhìn các vết thương của Chúa, nhưng Đức Giêsu lại muốn chúng ta chạm vào các vết thương của họ, chạm vào da thịt đau khổ của người khác, Ngài muốn chúng ta đi vào thực tế đời sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng, Ngài hy vọng chúng ta ngưng tìm kiếm các tháp ngà của cá nhân hay cộng đồng. Mỗi khi làm như thế, đời sống cá nhân của chúng ta sẽ trở nên hòa nhập một cách kỳ diệu vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt khổ đau của người khác, chúng ta cảm nghiệm một cách sâu xa thế nào là một dân tộc, thế nào là thành phần của một dân tộc.
Chúa Thánh Thần hoạt động theo ý Người muốn, khi Người muốn, nơi nào Người muốn. Người muốn chúng ta phó thác cho Người và không đòi hỏi kết quả ấn tượng. Chúng ta chỉ biết rằng sự dấn thân của chúng ta là cần thiết. Chúng ta hãy biết học để nghỉ ngơi trong vòng tay âu yếm của Chúa Cha, hãy tiếp tục tiến tới, giữa các hoạt động sáng tạo và quảng đại của mình. Vững vàng tin cậy vào Chúa Thánh Thần, vì chúng ta cần liên lỉ kêu xin Chúa Thánh Thần, vì chính Người là Đấng "giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn" (Rm 8,26).
Người có thể chữa lành những gì làm chúng ta suy giảm nhiệt tình truyền giáo. Đúng là sự tin cậy vào Đấng vô hình có thể làm chúng ta cảm thấy mất phương hướng: nó giống như chìm xuống biển sâu, không biết sẽ gặp những gì. Không có sự tự do nào lớn hơn là để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và điều khiển chúng ta, dẫn đưa chúng ta đi đâu, tùy ý Người. Chúa Thánh Thần biết rõ cái gì cần, ở đâu cần và lúc nào cần. Hiệu quả một cách mầu nhiệm có nghĩa là như thế.
Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần: Đức Maria hiện diện giữa dân Chúa, Ngài cùng với các môn đệ xin Chúa Thánh Thần ngự đến và nhờ đó diễn ra sự bùng phát truyền giáo vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo; không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần truyền giáo của cuộc tân Phúc âm hóa. Trên thánh giá, khi đang chịu đựng nơi thân thể mình cuộc hội ngộ đầy kịch tính giữa tội của thế gian và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể cảm nhận sự hiện diện của Mẹ Maria và bạn của Ngài dưới chân Thánh giá.
Vào giờ phút quyết định, trước khi hoàn tất công trình mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài, Đức Giêsu nói với Mẹ Maria: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi Ngài nói với người bạn yêu dấu của Ngài: "Đây là Mẹ của anh" (x. Ga 19,26-27). Những lời này của Đức Giêsu trong cơn hấp hối chủ yếu không phải là để bày tỏ lòng tôn sùng và quan tâm đối với Mẹ của Ngài. Đúng hơn đó là một công thức của mạc khải để tỏ lộ mầu nhiệm của một sứ mạng cứu rỗi đặc biệt. Đức Giêsu trối lại cho chúng ta Mẹ của Ngài. Chỉ sau khi làm xong việc này, Chúa Giêsu biết rằng "bây giờ mọi sự đã hoàn tất" (x. Ga 19,29).
Dưới chân thập giá, vào giờ phút tột đỉnh này của cuộc tạo dựng mới, Đức Giêsu trối lại cho chúng ta Mẹ của Ngài, Ngài đưa chúng ta đến với Mẹ vì Ngài không muốn bỏ rơi chúng ta đi trên đường đời mà không có Mẹ. Đức Kitô không muốn rời Hội Thánh mà không để lại biểu tượng của tình mẫu tử. Là người đã đem Đức Giêsu vào thế gian với một đức tin tuyệt vời, Mẹ Maria cũng đồng hành với những người còn lại trong dòng dõi của Mẹ, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu, Chúa chúng ta.
Đức Maria để mình một lần nữa tin vào bản chất cách mạng được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong hành trình đức tin hướng tới sứ mạng phục vụ và sinh hoa kết quả. Chúng ta hướng về Mẹ Maria và xin Mẹ giúp chúng ta loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người và giúp những người mới trở thành môn đệ, để đến lượt họ, cũng trở thành những người loan báo Tin Mừng. Trên con đường loan báo Tin Mừng này, chúng ta sẽ gặp những lúc khô khan, tăm tối và cả mệt mỏi; Mẹ Maria đã gặp những thử thách này trong những năm tuổi thơ của Đức Giêsu tại Nazareth.
Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ, ta thấy lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh không cư xử tồi tệ với người khác để cảm thấy mình là quan trọng. Chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta nhận ra Mẹ là người từng ca ngợi Thiên Chúa vì "đã hạ bệ những ai quyền thế và đuổi những người giàu có trở về tay trắng" (x. Lc 1,52). Mẹ Maria cũng là người "ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy trong lòng" (Lc 2,19). Đức Maria có khả năng nhận ra những dấu vết của Thần Khí Thiên Chúa trong những sự kiện lớn cũng như nhỏ.
Mẹ Maria liên lỉ chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, trong lịch sử nhân loại và trong đời sống thường ngày của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và lao động ở Nazareth, và cũng là Đức Bà đi viếng bà thánh Isave. Sự giao thoa giữa hoạt động và chiêm niệm, làm cho cộng đồng Hội Thánh nhìn lên Đức Mẹ như là mẫu gương của sự loan báo Tin Mừng. Chúng ta nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để Hội Thánh trở thành mái ấm gia đình cho nhiều dân tộc, mở đường để một thế giới mới được sinh ra. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã nói với chúng ta với một quyền năng khiến chúng ta tràn trề tin tưởng và hy vọng: "Này đây Ta đổi mới mọi sự" (Kh 21,5).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn