Cách đầu tiên là đón nhận Lời Chúa. Cách thứ hai là chia sẻ Lời Chúa. Đức Maria là điển hình cho điều trước; còn Gioan Tẩy là điều sau. Trải qua mùa Vọng và trong cả mùa Giáng sinh, Giáo hội đặt trước mắt chúng ta hai nhân vật này như những tâm điểm để suy ngắm.
Chúng ta đến với đức tin vào Đức Kitô thông qua việc lắng nghe lời của Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma 10,17. Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria là Kitô hữu điển hình: đức tin của Mẹ hình thành qua việc lắng nghe Lời Chúa, nhờ sứ thần Gabriel chuyển đạt. Khoảnh khắc mang tính quyết định của Mẹ không đến trong khi đọc Kinh thánh, lãnh nhận bí tích hay gặp gỡ các Kitô hữu khác. Mẹ chỉ có duy nhất chính lời của Thiên Chúa:
Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. …Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. …Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngà sẽ vô cùng vô tận (Lc 1,28.30.31-33).
Lúc đầu, Đức Maria “bối rối”, có lẽ thậm chí là e ngại, trước lời chào của sứ thần. Khi đọc về sự kiện Truyền tin, chúng ta bị lôi cuốn vào việc phê phán chi tiết này. Chúng ta thích bỏ qua chi tiết Đức Maria đáp lại lời mời gọi linh thiêng này bằng lời xin vâng toàn tâm toàn ý! Nhưng phản ứng ban đầu của Mẹ là điều kiện tiên quyết cho những gì xảy ra tiếp theo. Đức Maria phản ứng như bất kỳ con người nào khác khi gặp phải những lời như thế. Chính con người chân thực mới khiến cho sự ưng thuận của Mẹ trở nên đáng giá.
Điều quan trọng là Đức Maria đã luôn mở lòng ra đối với Lời Chúa. Mẹ đã không thu mình lại. Mẹ đã không khép kín tâm trí hay trái tim của mình trước thông điệp của sứ thần. Khi nói lời tiếp theo, Mẹ sẵn sàng chấp nhận lời của Thiên Chúa, rằng sẽ sinh hạ một người con. Mẹ chỉ thuần túy hỏi rằng sự việc ấy sẽ xảy đến như thế nào, vì Mẹ vẫn là một trinh nữ “chưa biết đến người nam”.
Sự đồng trinh tuyệt đối của Đức Maria hóa ra lại là điều kiện thiết yếu cho vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm Nhập thể. Đó là dấu chỉ tuyệt vời nhất của việc Mẹ hoàn toàn đón nhận Thiên Chúa. Lúc còn là Hồng y, Đức Ratzinger, đã từng nhận xét, sự đón nhận của Mẹ đối với việc cưu mang Thiên Chúa Nhập thể đến từ việc Mẹ mở lòng ra với lời của Thiên Chúa. “Đức Maria đón nhận Thánh Thần vào trong con người mình. Nhờ trở nên sự lắng nghe thuần túy, Mẹ đón nhận Lời cách trọn vẹn đến nỗi Lời trở thành xác phàm trong lòng Mẹ” (Đức Maria: Giáo hội tại Cội nguồn).
Nhờ “sự lắng nghe thuần túy”, Đức Maria là hình mẫu của điều đem lại ý nghĩa đời sống Kitô hữu. Cũng vậy, chúng ta phải đón nhận cách triệt để lời của Thiên Chúa để làm cho lời ấy “mang lấy nhục thể” trong chúng ta.
Tuy nhiên, còn có một bước tiếp theo. Sau khi lãnh nhận Lời Chúa, tức Tin mừng, đến lượt mình, chúng ta phải công bố Lời ấy. Điều này được thể hiện qua nhân vật Gioan Tẩy giả. Trong khi Đức Maria là “sự lắng nghe thuần túy”, thì Gioan Tẩy giả đã trở thành “tiếng hô thuần túy”. Hãy nghe cách ông xác định về chính mình khi bị các thầy tư tế và Lêvi chất vấn trong chương 1 Tin mừng Gioan:
Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông đáp: “Tôi là tiếng của người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,22-23).
Câu trả lời của Gioan quá đỗi quen thuộc đến nỗi chúng ta thường không nhận ra nó kỳ quặc đến thế nào. Hãy nghe lại lần nữa điều ông nói: Tôi là tiếng của người hô trong hoang địa. Hãy lưu ý điều ông không nói. Ông không xác định mình là “người hô trong hoang địa”. Xin lặp lại lần nữa, ông không phải là “người ở trong hoang địa với một tiếng hô đang cất vang”. Không, ông là tiếng hô.
Cũng như Đức Maria đã trở nên “sự lắng nghe thuần túy”, Gioan cũng đã trở nên “tiếng hô thuần túy”. Đối với Đức Maria, sự đón nhận triệt để đối với Thiên Chúa đã định rõ về con người của mẹ cách thâm sâu đến mức điều đó đã “mang lấy nhục thể” bên trong Mẹ. Tương tự như vậy, đối với Gioan, việc công bố lời đã tiêu hao toàn bộ con người ông, thay thế cả sự hiện hữu của chính cá nhân ông: “Tôi là tiếng của người đang hô”. Tiếng của ông, tiếng công bố lời tiên báo về Thiên Chúa, mới là điều quan trọng. Cá nhân ông – trong tư cách “người hô trong hoang địa” – mang tính thứ yếu.
Như chính Gioan đã nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Đối với Gioan, đây là tiêu đích ông đã kiên định hướng tới. Đức Maria cũng đã nhận thức được cùng một thực tế ấy: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” – chứ không phải, Đức Chúa đã ngợi khen tôi (Lc 1,46).
Điều này đã trở nên khuôn mẫu cho mọi Kitô hữu về sau. Hãy nghe điều Phaolô tuyên bố trong thư Galát 2,20: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Và, giống như Gioan Tẩy giả, Phaolô đã là một trong những nhà rao giảng Kitô giáo vĩ đại nhất. Ngay cả Đức Maria cũng là một nhà rao giảng như vậy: “Linh hồn tôi công bố sự vĩ đại của Đức Chúa” (như một bản dịch khác của Luca 1,46 đưa ra).
Cả hai hình thức đáp trả đối với thông điệp tin mừng đều cần thiết: đón nhận và loan truyền. Giống như Đức Maria, chúng ta được kêu gọi để trở thành sự lắng nghe thuần túy, giống với Gioan Tẩy giả, chúng ta cần trở nên những tiếng hô vang trong hoang địa vì Đức Kitô.