TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự dữ và câu giải đáp của đức tin

Thứ hai - 03/01/2022 09:29 |   1362
Người có niềm tin vào Thiên Chúa có khả năng đem đến cho người đau khổ niềm an ủi và niềm hy vọng để họ vượt qua; còn người vô thần không có khả năng ấy vì họ không có gì để trao ban.
Sự dữ và câu giải đáp của đức tin

Sự dữ và câu giải đáp của đức tin

 
(GLHTCG 309)
Tài liệu :
{1}- GLHTCG
{2}- V/đ sự dữ. Làm sao một Thiên Chúa tốt lành lại chấp nhận sự dữ. Rick Rood.Nguyễn Việt Hữu dịch
{3}- Sự dữ,một vấn đề.Nguyễn Minh Sơn,OP
{4}- Hộ giáo-Vấn nạn sự dữ vẫn luôn là vấn nạn thách đố lòng tin của người Kitô hữu (Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics. Tác giả Peter Kreeft, Ronald K. Taccelli. Không rõ người dịch)
{5}- Nguyên Tội.Theo trình thuật về vườn Êđen. P. Beauchamp, Études sur la Genèse, Paris,Médiasèvres, 1988. Hợp tuyển thần học số 36&37.
 
Trước hết, xin đọc GLHTCG số 309:
Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, đã sáng tạo một vũ trụ tốt lành và có trật tự, lại chăm sóc các tạo vật của Ngài, vậy tại sao lại có sự ác? Đối với câu hỏi cấp bách và không thể tránh khỏi này, và cũng là câu hỏi đau đớn và mầu nhiệm, không một câu trả lời mau lẹ nào có thể thỏa mãn. Toàn bộ niềm tin Ki tô giáo sẽ là câu trả lời cho vấn đề này: sự tốt lành của việc sáng tạo, thảm kịch của tội lỗi, tình yêu nhẫn nại của Thiên Chúa đã tới gặp con người qua những Giao ước của Ngài, qua việc Nhập thể cứu chuộc của Con Ngài, qua việc ban Chúa Thánh Thần, qua việc tập họp của Giáo hội, qua sức mạnh của các bí  tích, qua lời kêu gọi hướng đến cuộc sống diễm phúc: các tạo vật tự do được mời gọi hãy ưng thuận lời mời gọi này, nhưng do một mầu nhiệm đáng sợ, các tạo vật tự do này cũng có thể từ chối lời mời gọi đó. Không một nét nào của sứ điệp kitô giáo mà không phải là một phần của câu trả lời cho vấn nạn sự ác
 
1.Khái niệm sự dữ :
 
Sự dữ là những tai họa xảy đến cho con người.

Sự dữ là thế lực đối nghịch và thù nghịch với Thiên Chúa.  “Sự dữ không là một điều trừu tượng nhưng là một cá vị, là Satan, là Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa” (GLHTCG 2851) (Từ Điển Công giáo 500 mục từ trg 294).

Như thế “sự dữ được hiểu như là tất cả những gì nghịch lại sự thiện, và sự thiện là những gì phù hợp với bản chất của con người. Bởi vì con người là một hữu thể bao gồm thể chất và tinh thần, nghĩa là tinh thần nhập thể trong thể chất hay một thân thể được sinh động bởi tinh thần, cho nên sự thiện đối với con người là tất cả những gì phù hợp với thể xác và tinh thần. Điều thiện đối với thân xác là thiện ích của thân xác : sức khỏe, khoái cảm, sự sống, còn điều thiện đối với tinh thần là sức khỏe tâm linh. Nhưng con người không chỉ là một hữu thể đóng khung trong chính nó, mà là một hữu thể có tương quan: tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới; còn điều xấu,sự dữ là những gì phá hủy, ngăn cản những mối tương quan ấy”(x{3}).

Hai loại sự dữ :

Sự dữ luân lý là những hành động có ý thức tự do của con người, thí dụ giết người, trộm cắp…
Sự dữ tự nhiên là hậu quả của những chuyển biến thiên nhiên như động đất và lũ lụt. Dĩ nhiên đôi lúc pha lẫn cả hai,  thí dụ lũ lụt làm chết người do không chuẩn bị kỹ càng hoặc xây nhà cách cẩu thả.
 
2.Vấn nạn về sự dữ :
 
a/ Vấn nạn triết học: (x. {3})
 
Thường người ta lý luận theo những phạm trù này :

-    Thiên Chúa hiện hữu

            + Thiên Chúa thiện hảo
            + Thiên Chúa toàn năng
            + Sự dữ tồn tại



Nếu Thiên Chúa hiện hữu , Ngài chỉ muốn điều thiện hảo, và toàn năng để làm được mọi sự Ngài muốn, thì sự dữ không tồn tại.

Nếu Thiên Chúa hiện hữu và chỉ muốn điều thiện hảo nhưng sự dữ vẫn tồn tại thì Thiên Chúa không thể làm được điều Ngài muốn, như thế Ngài không là Đấng Toàn năng.

Nếu Thiên Chúa hiện hữu và toàn năng đồng thời sự dữ cũng tồn tại thì Thiên Chúa muốn sự dữ tồn tại, như thế Ngài không thiện hảo.

Nếu “Thiên Chúa” được hiểu là “một hữu thể vừa thiện hảo vừa toàn năng” và sự dữ cũng tồn tại thì một Thiên Chúa như thế không hiện hữu.

David Hume, một triết gia thế kỷ 18, khi đặt cây hỏi về Thiên Chúa, ông đã lập luận vấn đề sự dữ như sau: “Có phải Thiên Chúa muốn ngăn cản sự dữ, nhưng không làm được? Vậy thì Ngài bất lực. Có phải Ngài có thể ngăn cản, nhưng không muốn làm? Vậy thì Ngài ác tâm. Có phải Ngài vừa có khả năng vừa muốn ngăn cản sự dữ? Vậy thì sự dữ bởi đâu?”(Craig,80). Những người chống lại niềm tin vào Thiên Chúa đã phát biểu rằng: thật là phi lý hoặc không thể tin được một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng lại hiện hữu cùng một lúc với thực tại sự dữ và đau khổ. Vì một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng như thế không thể chấp nhận cho sự dữ tồn tại được.
   
b/ Vấn nạn tôn giáo: (x. {2})
 
Những sự dữ chúng ta phải đối mặt có thể không làm chúng ta mất niềm tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng nó cũng có thể làm nguy hại tới sự tín thác của chúng ta nơi Thiên Chúa, Đấng chúng ta tự do tôn thờ, yêu mến và cảm thấy được an vui trong tình yêu của Ngài. Vậy thì làm sao một Thiên Chúa tình yêu lại để cho con cái Ngài phải chịu nhiều đau khổ lớn lao đến thế ? Đó là trường hợp ông Gióp.

Và cũng không hiếm những người tin đã từ buồn phiền,đau đớn, khắc khoải đi tới đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa như trường hợp vợ ông Gióp: “hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”(Gióp 2,9)
 
3.Những cố gắng hóa giải :
 
a/ Hóa giải theo Sáng Thế Ký: (x. {5})
 
Con người đã được dựng nên trước khi sa ngã y hệt con người sau sa ngã: làm nên từ bụi đất và có được hơi thở sự sống. Vườn Êđen về phía đông là món quà Thiên Chúa ban cho con người, như thế “trạng thái địa đàng” không thuộc bản tính con người, có nghĩa là con người được dựng nên như hiện đang thấy. Trong vườn Êđen con người được nâng lên trong “trạng thái địa đàng”, nhưng vườn Êđen cũng là một môi trường thử thách cho con người vì có lệnh cấm ăn cây biết thiện biết ác của Thiên Chúa; con rắn-Satan đã xuất hiện cảm dỗ con người và con người đã sa ngã nên bị đuổi ra khỏi vườn Êđen với bao đau khổ kèm theo.

Nhưng lối giải thích của Sáng Thế ký khó làm cho ta thỏa mãn, vì thật ra nó không giải thích gì hết về sự dữ.
 
b/ Hóa giải sự dữ theo thánh Irênê: (x. {3})
 
Thế giới này phải là môi trường phát triển của con người, ngõ hầu đạt tới tầm vóc sung mãn ơn gọi làm con Thiên Chúa. Sự phát triển này đòi hỏi một tiến trình lâu dài trong một môi trường thích hợp. Đó là môi trường hỗn hợp giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối, nhờ đó con người có thể vận dụng tự do của mình để thực hiện ơn gọi.

Nếu chỉ nhằm mục tiêu: sự thiện phải hiện hữu bằng bất cứ giá nào, thì Thiên Chúa có thể trang bị cho thế giới này tràn đầy những người máy, được lập trình hoàn hảo, chỉ biết làm điều thiện. Nhưng những người máy như thế không bao giờ có thể phát triển đạt tới tầm mức con cái tự do của Thiên Chúa. Việc đạt tới ơn gọi làm con Thiên Chúa, tùy thuộc con người vận dụng khả năng lựa chọn, đáp trả hay khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Chỉ trong tự do, con người mới có thể đi vào mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Đó là lý do biện minh tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ luân lý có mặt trong thế giới này. Do đó, chính tự do phải chịu trách nhiệm về sự dữ luân lý.

Nhưng Thiên Chúa toàn năng có thể loại trừ mọi sự dữ hay đau khổ , vậy tại sao Ngài không làm như thế ?

Giả sử chúng ta sống trong một thế giới mà Thiên Chúa không ngừng can thiệp để loại trừ bất cứ sự dữ hay đau khổ nào khỏi cuộc sống con người, thì một sự can thiệp như thế sẽ đồng nghĩa với việc loại bỏ luật lệ thiên nhiên. Chẳng hạn Thiên Chúa luôn phải làm cho sức nóng của ngọn lửa đang có nguy cơ đốt cháy người hay vật trở thành vô hiệu. Một sự can thiệp như thế khiến cho thế giới này không còn khả năng tiên liệu, do đó khoa học và kỹ thuật cũng không còn cơ may phát triển. Đàng khác một sự can thiệp như thế khiến thế giới này không còn những thách đố phải vượt qua, không còn những vấn đề phải giải quyết, như vậy cũng làm tiêu tan ý nghĩa cuộc sống, tình thương không còn môi trường để bộc lộ, không còn chỗ cho sự tự hiến. Ơn gọi làm con Thiên Chúa thể hiện trong mối tương quan tình yêu không thể thành hiện thực. Nhìn dưới góc độ này, những thử thách và đau khổ có thể có những giá trị tích cực.

Những khó khăn của hóa giải này :

- Nếu sự dữ có mang lại lợi ích nào thì cũng phải trả giá bằng biết bao hủy hoại , vì trong thực tế, sự bất hạnh thường làm cho con người đi trệch hướng hơn là làm cho nó trỗi dậy. nếu họa chăng có được những cuộc chinh phục thì luôn luôn chỉ là một phần nhỏ so với cái nền thất bại.

- Đàng khác,quan điểm trên có thể mặc nhiên cho rằng Thiên Chúa trực tiếp dính líu vào sự ác, đau khổ, làm cớ cho con người phủi trách nhiệm trước những sự ác mà nó gây ra.
 
c/ Hóa giải sự dữ theo thánh Âu Tinh và quan điểm loại suy thẩm mỹ. (x.{3})
 
Thiên Chúa là Đấng toàn thiện. Thiện tính của Ngài được bộc lộ trong hành vi sáng tạo, do đó mà mọi tạo vật đều có tính bản thiện. Tuy nhiên, sự dữ cũng thực sự hiện hữu, nhưng chúng chỉ hiện hữu khi khiếm khuyết sự thiện, như bóng tối xuất hiện khi thiếu ánh sáng. Người ta tự hỏi tại sao Đấng Tạo Hóa không sáng tạo mọi sự ở cấp hoàn hảo nhất, không còn chỗ cho những khiếm khuyết xen vào ? Thánh nhân trả lời: Cần có nhiều loại hữu thể được sáng tạo ở những cấp độ hoàn hảo khác nhau, nhờ đó sự phong phú và vẻ huy hoàng càng nổi bật.

Trong tương quan với sự thiện mà sự dữ có ý nghĩa: Quan điểm loại suy thẩm mỹ. Kinh nghiệm thực tế về thẩm mỹ cho hay sự tương phản thường làm cho thực tại tăng thêm vẻ đẹp, như trong một bản nhạc, đôi khi có những nốt nhạc không hòa điệu, một cách nào đó lại có thể làm cho toàn bộ bản nhạc thêm tuyệt vời. Vậy nếu ta thấy sự không hài hòa trong vũ trụ, là tại chúng ta không hiểu được bản giao hưởng của vũ trụ trong tổng thể của nó. Như thế sự dữ làm phát ra vẻ rực rỡ của sự thiện.. Nó là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới.

Những khó khăn của cách hóa giải này.

Thật khó chấp nhận quan điểm sự dữ là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới. Làm sao có thể chấp nhận quan điểm chủ trương hy sinh các thế hệ hiện tại,nếu cần,để giúp đạt tới những ngày mai tươi sáng ! vì con người là một giá trị tuyệt đối, không bao giờ là phương tiện. Mỗi một thời điểm đều được Thiên Chúa coi trọng, và không thể biện minh cho những tiến bộ trong tương lai bằng cách lập luận rằng Thiên Chúa chủ ý muốn sự đau khổ cho bất kỳ một người vô tội nào của ngày hôm nay.

Hơn nữa, người ta cũng khó chấp nhận lối nhìn của kẻ bàng quan, đứng ngoài xem tranh. Thái độ đó không làm sự dữ mất đi, mà còn là cơ hội cho sự dữ tăng gấp bội. Trong tác phẩm “Hai nguồn tôn giáo và luân lý” Bergson đã nhận định: “Các triết gia vẫn hài lòng với những lập luận kiểu đó một mình trong bàn giấy, nhưng họ nghĩ sao trước cảnh một bà mẹ vừa mới chứng kiến con mình chết thảm khốc? Không, đau khổ là một thực tại, có thể làm lu mờ khía cạnh Thiên Chúa quan tâm tới con người cách cá vị, hoặc tệ hơn có thể gây hiểu lầm: con người chỉ là thành phần hay đơn vị có thể bị hy sinh vì lợi ích của tập thể một cách tùy tiện”.
 
d/ Hóa giải sự dữ theo thánh Tôma: (x. {3})
 
Cách hóa giải của thánh nhân nhằm biện minh rằng Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ. Thánh nhân đã sử dụng những ý niệm siêu hình về hữu thể để xây dựng lý thuyết của mình và trình bày vấn đề trong Tổng Luận Thần Học, phần I chương 48-49:

Theo Ngài sự dữ không phải là một tạo vật, mà là sự thiếu sót hay khiếm khuyết sự thiện trong bất cứ tạo vật nào.. Như thế trên bình diện hiện hữu mọi tạo vật đều tốt lành hay thiện hảo. Sự thiện là điều mọi người mong ước và không có gì đáng ước mong nếu nó không hiện hữu. Có hiện hữu mới làm cho vật khác yêu thích được. Vì thế người ta chỉ nhận ra sự dữ trên bình diện cách thế hiện hữu của nó mà thôi. Sự dữ được biết đến là do một hữu thể nào đó thiếu hay khiếm khuyết một sự thiện nào đó, như bóng tối được nhận biết là do thiếu ánh sáng.. Tự nó, sự dữ không thể hiện hữu được. Đôi mắt là sự thiện hảo phải có của con người, nên người khiếm thị được coi là người bất hạnh. Khi dịnh nghĩa sự dữ là một thiếu sót hay khiếm khuyết trong tạo vật, thánh Tôma không hề muốn làm giảm nhẹ hiệu quả hay tính bi đát của sự dữ: Hậu quả của sự dữ vật lý cũng như luân lý thật tồi tệ, cần phải khuất phục hay lên án. Ngài chỉ muốn khẳng định: sự dữ không có bề dày hữu thể nào hết, nên Thiên Chúa không phải là tác giả sự dữ vì Ngài chỉ là nguyên nhân mọi hữu thể.

Tuy nhiên thánh nhân cho rằng sự dữ đôi khi cần cho sự hòa điệu của vũ trụ. Về phương diện này Thiên Chúa có thể là nguyên nhân gián tiếp sinh ra sự dữ vật lý. Muốn sinh tồn, các vật trong vũ trụ phải nương vào nhau. Con người nuôi sống mình bằng những vật hạ cấp; các vật khác cũng vậy. Sự tác động qua lại này tạo nên sự quân bình sinh thái, được coi như một thứ thiện hảo của vũ trụ. Song sự dữ vật lý không đúng nghĩa là sự dữ.

Dẫu sao cách hóa giải của thánh Tôma nếu tránh được cho Thiên Chúa trách nhiệm tạo ra sự dữ thì vẫn còn nguyên vấn đề đối với một Thiên Chúa toàn năng, thiện hảo.
 
e/ Hóa giải của Giáo Hội: (x.{1})
 
+Tại sao Thiên Chúa đã không sáng tạo một vũ trụ toàn hảo đến độ khổng thể có sự ác ? Theo quyền năng vô cùng của Ngài, Thiên Chúa đã có thể sáng tạo một cái gì tốt hơn, nhưng trong sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài,Thiên Chúa đã muốn tự do sáng tạo một vũ trụ “trong tình trạng đang tiến tới” sự toàn hảo tối hậu của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, cuộc tiến hóa này gồm sự xuất hiện của một số sự vật cùng với sự biến mất của một số sự vật khác, có cái hoàn hỏa hơn và có cái it hoàn hảo hơn, có những xây dựng và cũng có những tàn phá trong thiên nhiên. Như vậy bao lâu sự sáng tạo chưa đạt tới mức toàn hảo của nó, thì cùng với sự thiện vật lý sẽ vẫn có sự ác vật lý(GLHTCG 310)(x.hóa giải của St Tôma).

Đối với sự ác luân lý, sự ác tinh thần, Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của sự ác luân lý dù cách trực tiếp hay cách gián tiếp. Tuy nhiên Ngài cho phép như thế để tôn trọng sự tự do của tạo vật của Ngài, và một cách mầu nhiệm, Ngài biết rút ra điều thiện từ sự việc này. Như vậy, với thời gian, người ta có thể khám phá ra rằng, trong sự quan phòng toàn năng của Ngài, Thiên Chúa có thể rút ra một sự thiện từ nơi những hậu quả của sự ác, dầu là sự ác luân lý, do các tạo vật của Ngài gây nên, như việc Giuse bị bán sang Ai Cập để cứu cả một dân tộc, việc Chúa Giêsu bị đóng đinh Thập giá để nên ơn cứu độ cho mọi người. Nhưng không phải như thế là điều ác trở thành điều thiện (GLHTCG 311,312,324).

+“Tất cả mọi sự đều quy về lợi ích cho những người mến yêu Thiên Chúa”(Rm 8,28) như xác tín của thánh  Catarina thành Siêna “Mọi sự phát xuất từ tình yêu, mọi sự đều quy hướng về ơn cứu độ của con người, Thiên Chúa làm tất cả mọi sự vì mục đích đó” và của thánh Tôma More “Không có gì xảy ra mà không do Chúa muốn, mà tất cả những gì Ngài muốn, dầu có vẻ ác hại đến đâu, cũng là điều tốt nhất cho ta”  (GLHTCG 313).
 
Thay lời kết:

Trước mầu nhiệm sự dữ, chúng ta có thể có những nhận định sau:
 
1.Chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa là Chủ của vũ trụ và của lịch sử. Nhưng các con đường của Chúa quan phòng thường không được chúng ta nhận biết. Chỉ khi đã tới cuối con đường, khi đó ta mới thấy tất cả các con đường mà Thiên Chúa đã dùng, qua cả những thảm kịch của sự ác và tội lỗi, để dẫn đưa các tạo vật của Ngài tới sự an nghỉ của ngày Sa-bát vĩnh cửu, đó là cùng đích của Ngài khi sáng tạo nên trời và đất (GLHTCG 314)
 
2.Đứng trước đau khổ, chúng ta nên tìm lấy sự an ủi qua suy niệm Kinh Thánh. Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa thấu suốt và chăm sóc cho hoàn cảnh của chúng ta và Ngài hứa sẽ ở với chúng ta để an ủi và gìn giữ chúng ta : “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ”(Tv 34,19), và khi chúng ta phải đi qua “thung lũng của bóng tối sự chết” thì Chúa hứa ở cùng chúng ta (Tv 23,4). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta hãy trút bỏ mọi nỗi lo sợ cho Thiên Chúa “vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).
 
3.Đau khổ  là dịp để chúng ta chứng tỏ đức tin chân chính cũng như để tinh luyện đức tin (1Pr 1,7) như trường hợp ông Gióp.
 
4.Những thử thách khắc nghiệt cho những người tin vào Thiên Chúa cơ hội để bày tỏ tình yêu của họ đối với tha nhân là chi thể của Đức Kitô, Đấng “mang lấy gánh nặng cho người khác”(1Cr 12,16 ; Gl 6,2). Chúng ta đã được Thiên Chúa nâng đỡ ủi an trong lúc đau khổ, như thế chúng ta có khả năng tốt hơn để an ủi tha nhân (2Cr 1,4).
 
5.Đau khổ đóng một vai trò để làm phát triển những nhân đức, cũng như gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội, như thánh Phaolô nhận ra “ cái gai trong thân xác ngài” giúp ngài khỏi tự cao tự đại và luôn bám víu vào Thiên Chúa (2Cr 12,7). Chính Đức Kitô “ phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”(Dt 5,8).
 
6.Sự dữ và đau khổ giúp chúng ta lòng khao khát mạnh mẽ hướng về Nước Trời, nơi đau khổ và buồn sầu không còn nữa (Kh 21,4).
 
7. Đứng trước sự dữ, chẳng những không chút thối chí mà với sự sáng suốt, trong niềm cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa, con người nỗ lực không ngừng làm giảm những bất công cũng như đau khổ xung quanh mình.
 
8. Người có niềm tin vào Thiên Chúa có khả năng đem đến cho người đau khổ niềm an ủi và niềm hy vọng để họ vượt qua; còn người vô thần không có khả năng ấy vì họ không có gì để trao ban.
 
Lm. Phêrô Đặng Son
http://conggiao.info/su-du-va-cau-giai-dap-cua-duc-tin-d-19787

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây