TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo dục bạn trẻ trước “văn hóa” nặc danh

Thứ bảy - 07/08/2021 22:58 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh |   947
“Văn hóa” nặc danh ngụ ý rằng trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ truyền thông hiện nay, tình trạng nặc danh len lỏi vào cuộc sống của nhiều người, cách riêng bạn trẻ;
Giáo dục bạn trẻ trước “văn hóa” nặc danh
 ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN TRẺ TRONG GIA ĐÌNH

GIÁO DỤC BẠN TRẺ TRƯỚC “VĂN HÓA” NẶC DANH

Bạn thân mến,

Khi nghe nói đến từ “nặc danh”, bạn dễ hình dung đến những lá thư nặc danh có ý tố cáo hay đe dọa, những cuộc điện thoại tống tiền và những hành vi khủng bố trong đêm tối của những nhóm đòi nợ thuê như tạt sơn, đổ máu thú vật hay rác rưởi hôi thối vào nhà nạn nhân. Sự thường, những hành vi đó được thực hiện nặc danh – người thực hiện luôn muốn giấu mặt. Những hành động như vậy ít nhiều bị coi là có tính tội phạm.

“Văn hóa” nặc danh ngụ ý rằng trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ truyền thông hiện nay, tình trạng nặc danh len lỏi vào cuộc sống của nhiều người, cách riêng bạn trẻ; nó được người trẻ đón nhận một cách “vô tư” như một thứ văn hóa. Hay nói cách khác, bạn trẻ ngày nay dễ tham gia, và hòa mình vào một đám đông như trong một phong trào hay một sự kiện, ở đó một đàng bạn họa theo những trào lưu tư tưởng và thực hành, những khuynh hướng thời đại mà mình yêu thích mặc cho những điều đó trái ngược với những giá trị mà mình đã được biết đến; đàng khác bạn dùng chính sự xa lạ, vô danh trong đám đông như “lá chắn” cho những dự định hay những hành vi sai trái. Bên cạnh đó, ngày nay sự hình thành các “cộng đồng mạng” cũng trở nên rất phổ biến, nơi mà bạn có thể dễ dàng bị lôi cuốn theo ảnh hưởng của đám đông: sự định hướng về tư tưởng và cảm xúc.

Trước viễn cảnh đó, qua bài viết này, tôi muốn chuyển đến bạn lời nhắn nhủ: mỗi người có phẩm giá riêng của mình; tất cả chúng ta được mời gọi sống và hoàn thiện phẩm giá con người từng ngày (Mt 5,48) để xứng đáng là “hình ảnh của Thiên Chúa”, đồng thời biết nhìn nhận cùng một phẩm giá đó nơi người khác. Như vậy, mỗi bạn thực sự có trách nhiệm giáo dục chính mình trước sự tấn công “ngọt ngào” của “văn hóa” nặc danh. Bạn nhớ rằng mỗi người sống cuộc đời của mình. Chúng ta không suy nghĩ, nói và hành động theo cảm xúc của đám đông, hoặc sự ảnh hưởng tiêu cực của một vài cá nhân. Chúng ta cũng không thể trưởng thành nhân cách và xác định căn tính của mình nhờ một tâm thức ẩn mình – vô danh hay nặc danh – trong một loại đám đông nào đó.

Bài viết gồm hai phần chính. Phần thứ nhất sẽ đề cập đến một trong những hình thức nặc danh phổ biến và những tác hại của nó, đó là “nặc danh trong đám đông”: đám đông vật lý-tâm lý (the physic-psychological crowd) và đám đông trực tuyến (the online crowd). Phần thứ hai gợi lên một ý thức tự giáo dục mình theo tinh thần Kitô giáo, điều đó có thể giúp các bạn trẻ đương đầu trước làn sóng “văn hóa” nặc danh này: sống làm sao để con người thực sự là người hơn – như “hình ảnh của Thiên Chúa”.

Mục lục

TOC \o "1-3" \h \z \u 1. NẶC DANH TRONG ĐÁM ĐÔNG.. PAGEREF _Toc79244952 \h 2 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300370039003200340034003900350032000000

          1.1. Đám đông vật lý-tâm lý (the physic-psychological crowd) PAGEREF _Toc79244953 \h 2 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300370039003200340034003900350033000000

          1.2. Đám đông trực tuyến (the online crowd) PAGEREF _Toc79244954 \h 4 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300370039003200340034003900350034000000

2. HƯỚNG ĐẾN VIỆC GIÁO DỤC BẢN THÂN. PAGEREF _Toc79244955 \h 7 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300370039003200340034003900350035000000

          2.1. Sống chân thành với lương tâm.. PAGEREF _Toc79244956 \h 8 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300370039003200340034003900350036000000

          2.2. Sử dụng ý chí tự do. PAGEREF _Toc79244957 \h 10 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300370039003200340034003900350037000000

3. KẾT LUẬN

 

1. NẶC DANH TRONG ĐÁM ĐÔNG

Như chúng ta đã đề cập từ những dòng đầu tiên: sự nặc danh ngày càng trở nên thịnh hành trong nhiều khía cạnh của đời sống, ví dụ thư điện tử nặc danh (email), điện thoại nặc danh, lập những tên ảo trên mạng xã hội (nick ảo), đến sự vô danh giữa những môi trường văn hóa xa lạ, sự tham gia một sự kiện xã hội, các nhóm hay phong trào. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta tìm hiểu một trong những hình thức khá phổ biến ngày nay của “văn hóa” nặc danh, đó là nặc danh trong đám đông.

Nặc danh trong đám đông ngụ ý về tình trạng một cá nhân, bị hay được “hòa mình” vào trong một đám đông, mất dần ý thức cá nhân và sự tự chủ trong việc kiểm soát các hành vi, lời nói, hay tư tưởng, và phai mờ căn tính cá nhân do sự ảnh hưởng của những gợi ý, định hướng, tinh thần và cảm xúc của đám đông.

Chúng ta sẽ đề cập đến hai loại hình đám đông khá phổ biến ngày nay dễ cuốn hút bạn: đám đông vật lý-tâm lý và cộng đồng mạng xã hội.

1.1. Đám đông vật lý-tâm lý (the physic-psychological crowd)

Trước hết, theo khía cạnh tâm lý và xã hội, chúng ta nói đến đám đông vật lý (the physical crowd) như sự đồng hiện diện cụ thể của nhiều cá nhân, trong đó có sự biến mất của cá tính có ý thức, đồng thời, tình cảm và tư tưởng được định hướng theo một chiều nhất định, ví dụ khi bạn cảm thấy mình như được tự do thể hiện cá nhân, hành động mạnh mẽ khác thường, bớt đi những e dè và nghi ngại, giữa một đám đông như khi tham gia vào đoàn “đi bão”, một buổi trình diễn ca nhạc của các “sao” mà bạn yêu thích.

Đám đông tâm lý (the psychological crowd) là sự tương đồng giữa các cá nhân về cùng một định hướng hay cùng một bản sắc xã hội, như khi ta nói về người dân của một đất nước hoặc thành viên của một phong trào; họ hình thành đám đông dù các cá nhân sống rải rác thậm chí cách xa nhau về địa lý, ví dụ những người thuộc phong trào chống phân biệt chủng tộc được gọi là Black Lives Matter (BLM), hay cộng đồng LGBT (viết tắt chữ cái đầu của các từ trong tiếng Anh: Lesbian–người đồng tính nữ, Gay–người đồng tính nam, Bisexual–người lưỡng tính, Transgender–người có giới tính [tâm lý] khác với giới tính được xác định khi sinh [sinh lý], thường được gọi tắt là người chuyển giới), họ có thể là người Mỹ, Anh, Ấn Độ, hay người Việt Nam...

Vấn đề được đặt ra là, đối với nhiều cá nhân trong những đám đông đó, có thể diễn ra sự mất dần của tinh thần tự chủ, cá tính có ý thức, và cả căn tính con người (căn tính có thể được hiểu như là: người nước nào, tôn giáo, nghề nghiệp gì, nền tảng giáo dục tri thức và đạo đức, như nói đến một linh mục Việt Nam, một luật sư Pháp, hay một sinh viên thuộc một xứ đạo miền quê Việt Nam).

Ví dụ, vì công việc, vì cuộc sống, một sinh viên công giáo phải đến và sống giữa một xã hội khác xa về văn hóa, tôn giáo và phong tục, hay khi bạn sinh viên đó tham gia trong một tổ chức, một phong trào. Một đàng, anh ta có thể phấn đấu để hấp thụ những điều hay và đạt được những thành công nhất định, mà vẫn giữ được căn tính của mình; đàng khác, anh ta chọn cách thức sống nặc danh giữa tập thể đó, theo nghĩa, vì không ai biết và cũng chẳng muốn để ai biết bản thân, như thế anh ta cảm thấy “tự do” hơn trong những xu hướng sống cá nhân, bất chấp đó là những điều trái ngược với nền tảng đạo đức và tôn giáo mà chính anh ta đã được giáo dục và thấm nhuần. Hoặc chính bạn tham gia vào đoàn “đi bão” mừng chiến thắng của tuyển bóng đá VN, ở đó bạn thực hiện những hành vi mà chính mình chưa từng thực hiện bao giờ: bạn gào thét, cởi áo vẫy như vẫy cờ, lạng xe đầy phấn kích bất chấp nguy hiểm và luật giao thông.

Cũng vậy, một giáo lý viên, một thiếu niên, cũng như nhiều người khác, say mê và đón nhận một cách có chủ ý hay vô tình những trào lưu tư tưởng, cách thức nói năng và những thực hành trong cuộc sống của những thần tượng ca nhạc và màn ảnh, sau đó quay lại phê phán hay bỏ đi chính những giá trị Kitô giáo và truyền thống, điều đã làm nên căn tính và bản chất của mình.

Khi “hòa mình” vào đám đông, bạn dễ dàng bị lệ thuộc tâm thức, sự kích thích, hoặc sự lan tỏa cảm xúc từ đám đông đến độ mất dần ý thức cá nhân và sự tự chủ trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Đó là lý do mà Gustave Le Bon trong tác phẩm Tâm Lí Học Đám Đông (2006), nhận định: “Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông, bởi vì, trong đám đông các cá nhân dễ bị gợi ý, dễ bị lây nhiễm cảm xúc, và lây nhiễm đến mức cá nhân rất dễ dàng hy sinh quyền lợi riêng.”[1] Như thế, có thể nói được rằng nhân cách có ý thức và căn tính cá nhân của con người đã bị biến dạng trong đám đông.

Đó có thể là lý do, như trên website Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 7.10.2020, tác giả Lm. Phêrô Nguyễn Hùng Hải gọi là những thách đố về luân lý cho những bạn trẻ di dân, như là: thực trạng sống chung và tình dục trước hôn nhân, tránh thai và nạo phá thai, quan hệ đồng tính.[2] Thực sự, trước khi những thực trạng này có thể xảy ra, các cá nhân đã có tâm thức nặc danh trong đám đông: không còn bị dòm ngó bởi những người quen biết, không còn hạn chế bởi gia đình hay dư luận hàng xóm và xứ đạo, và bạn hào hứng sống với “xu hướng mới” (bắt trend) mà mình cũng như nhiều người khác yêu thích. Tác giả nhận định lý do: “Giới trẻ di dân hiện nay, rời xa gia đình, họ chưa thấm nhuần một nền giáo dục căn bản và vững chắc về cả văn hóa và đức tin.” Vì thế, khi đối diện với thế giới hiện đại, với các trào lưu văn hóa và tư tưởng xem ra “mới”, “lạ”, họ để lộ ra những lỗ hổng rất lớn về phương diện nhân bản và tâm linh, họ dễ dàng hòa mình vào trong dòng chảy đó như một “cá nhân vô danh đầy nhiệt thành”.

Đan cử trường hợp một bạn thanh niên Á Châu sang Ý học nghề đóng giày. Anh ta là người được giáo dục tốt trong môi trường học thuật tiên tiến và tinh thần gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian sống trong một môi trường “khác” như nước Ý, một đàng, anh ta đã thích và chọn cách hiện hữu vô danh trong xã hội đó; đàng khác, anh ta thấy mình như được thuộc về cộng đồng người đồng tính Âu Châu, trong “cộng đồng” đó anh ta tự do sống với khuynh hướng tính dục đồng tính của mình: đã sống với một cậu thanh niên người Ý như “hôn nhân”, bất chấp sự phản đối từ gia đình ở xa. Những vấn đề tương tự cũng không phải là hiếm gặp trong cộng đồng những di dân, sinh viên Việt Nam đi lao động hay du học ở nước ngoài.

Thực sự, khi bị cuốn vào trong dòng chảy ý thức của đám đông vật lý-tâm lý, từng bước, từng bước bạn bị hòa tan vào tinh thần của đám đông: tính bốc đồng, tính dễ bị gợi ý, sự lây nhiễm cảm xúc nhất là những cảm xúc và ý tưởng tiêu cực và sai trái về mặt luân lý, cũng như sự bất bao dung. Điều đó có thể dẫn bạn đến những hành vi tiêu cực, cực đoan hoặc tội phạm. Như vậy, sẽ rất khó khăn cho bạn để có thể định hướng cuộc đời theo một hướng tích cực, có ý thức và tự chủ. Đó là lý do mà tác giả Le Bon đã nhận định: “Đám đông là đồ chơi của mọi kích thích bên ngoài và phản ánh những biến đổi không ngừng của chúng.” Bạn là thành viên của đám đông thì nhiều khả năng bạn cũng bị ảnh hưởng và mang tính cách của đám đông. Trong khi, tác giả Philip Zimbardo, mượn hình ảnh Kinh Thánh, đã gọi sự lây nhiễm cảm xúc tiêu cực là hiệu ứng Lu-xi-phe: nói về sự lây nhiễm và tác động tiệm tiến của điều xấu, nó có thể dễ dàng làm thoái hóa ngay cả những nhân cách tốt của một con người – để giải thích lý do tại sao: “Mặc dù hầu hết mọi người đều tốt trong phần lớn thời gian, nhưng họ có thể dễ dàng bị dụ dỗ tham gia vào những gì thường được coi là hành động xa lạ với bản ngã, phản lại xã hội, hủy hoại người khác”[3].

1.2. Đám đông trực tuyến (the online crowd)

Thứ đến, theo Le Bon, khái niệm về đám đông không phải bao giờ cũng bao hàm sự hiện diện đồng thời của nhiều cá nhân. Thực vậy, ngoài đám đông tâm lý như đã đề cập ở phần trên, ngày nay có một loại đám đông khác khá thịnh hành được gọi là cộng đồng mạng hay đám đông trực tuyến. Theo tác giả Carsten Stage, đám đông trực tuyến, là sự kết hợp cảm xúc và sự đồng bộ hóa tương đối của công chúng liên quan đến một mạng lưới trực tuyến cụ thể. Theo đó, các công nghệ truyền thông ngày nay có thể hoạt động như những công cụ cho phép hình thành đám đông, bằng cách lan truyền và điều chỉnh những ảnh hưởng cũng như cảm xúc[4].

Không ai có thể phủ nhận rằng truyền thông, cách riêng là các nền tảng mạng xã hội, có nhiều mặt tích cực và xây dựng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nói đến một khía cạnh khác của nó. Truyền thông mạng cũng hình thành nên một dạng “đám đông”. Trong đó bạn dễ dàng tham gia như một thành viên, cảm thấy bị cuốn hút và hành động như một “thói quen”: “mở” điện thoại hay máy tính, chia sẻ ý kiến và cảm xúc của mình không do dự. Như thế, càng ngày ý thức, sự tự chủ cá nhân càng trở nên lệ thuộc. Bạn không làm chủ được thời gian sử dụng mạng (online) cũng như ý thức cá nhân và ý chí tự do của mình trong suy nghĩ và quyết định hành vi. Như thế cũng được coi là nặc danh trong đám đông.

Ví dụ, khi bạn tham gia vào một diễn đàn mạng, trở nên thành viên của một “đám đông” nào đó, ví dụ Hội những người thích tổng thống D. J. T., Hội người yêu thích bà NPH, hay thành viên của các chat room liên quan đến khiêu dâm hoặc bạo lực… trong đám đông đó bạn “tự do” tìm kiếm khoái cảm nhục dục, bạn cảm thấy dễ dàng biểu đạt sự yêu thích, tỏ ra sự thần tượng, đồng thời, biểu lộ mạnh mẽ sự giận ghét, thậm chí là những đe dọa và xúc phạm một “cách khác thường” đối với những ai dám nói ngược với điều mà bạn yêu thích. Hơn nữa, bạn bị kích bởi lượt người xem (views), số lượng người theo dõi (followed), người đăng nhập vào tài khoản của bạn (subscribers) và bởi những dấu thích (like), đến độ một cách vô thức bạn như bị “dính chặt” vào các công cụ truyền thông thông minh trong mọi nơi và mọi lúc; bạn tìm một điều gì đó để viết ra như trạng thái (status), cảm xúc (feeling), ý kiến (comments), và những điều được viết ra là tầm phào, kém giá trị nhân văn, hoặc nói xỏ nói xiên ai đó.

Điều nguy hiểm là các bạn chỉ việc mở điện thoại, ipad hay vi tính là có thể tham gia vào cộng đồng mạng bằng việc nhấn (click), ở đó, bạn chẳng thấy khó khăn gì trong việc bày tỏ ý kiến của mình qua vài ký tự vắn tắt theo kiểu “công dân mạng” thường dùng, hay chọn một biểu tượng nào đó để bày tỏ ý kiến như 👍, 👎,… – yêu thích, phản đối,... Tổng số người xem (views), bao nhiêu người thích (like), hoặc số lượng bình luận (comments) cách tích cực hay tiêu cực, sẽ trở thành tiêu chuẩn để “thần tượng” hay “lên đồng” tập thể về một cá nhân hoặc một sự kiện nào đó; trái lại, nó cũng có thể trở thành bản án sau cùng của một phiên tòa nhiều khi là vội vã, bất công và bất nhân đối với một con người.

Chúng ta không chỉ đề cập ở đây về những kết quả tích cực hay tiêu cực do những cộng đồng mạng mang lại cho xã hội nói chung và cá nhân ai đó nói riêng. Có một thực tế đáng lo ngại là trên cộng đồng mạng ấy, đôi khi một điều được rất nhiều bạn đánh dấu “thích” (like) hay được nhiều người đăng ký (subscribers), theo dõi (followed), lại là những điều kém giá trị nhân văn, thậm chí là những điều xem ra sai trái một cách khách quan về chuẩn mực đạo đức hay truyền thống. Ví dụ, một tay chơi bời lêu lổng, hay tay giang hồ mạng xăm trổ đầy mình như HHH., KB. dạy “đạo lý” cho giới trẻ bằng thứ ngôn từ thô lỗ, tục tằn, lại trở thành những YouTuber nổi tiếng với số lượng người yêu thích và theo dõi lên đến hàng triệu. Trái lại, một sự kiện nhỏ, một hành vi, lời nói có tính cá nhân của một diễn viên, một MC truyền hình hay một linh mục, mau chóng được đưa vào xét xử nơi “diễn đàn mạng”. Ai cũng có thể cho mình quyền tự do lên tiếng, có khi như những ông “thầy đời” giảng dạy sự hơn thiệt, như một quan tòa khắc nghiệt, hoặc cũng có khi như những tay “kiếm khách” lạnh lùng sẵn sàng ra tay tiêu diệt.

Như vậy, chúng ta có thể so sánh sự nặc danh trong đám đông trực tuyến cũng giống như một đám cháy lớn, lan rất nhanh, hay giống một phiên tòa xét xử vội vã, mờ ám, nơi mà ai cũng có thể thấy thấp thoáng hình bóng của mình, nhưng thực sự có rất ít người ý thức về sự cộng tác, tham gia của mình trong việc làm lan tỏa đám cháy, hay trong việc xét xử bất công cho người khác. Điều này gợi đến những cách hành xử vô trách nhiệm và đầy bạo lực, bất công trong những cuộc đấu tố, những hình thức “đánh hội đồng” một cá nhân hay tập thể nào, dẫn đến sự truất phế quyền lực, hủy hoại thanh danh sự nghiệp, và cả mạng sống con người một cách chóng vánh.

Có điều lạ là ít ai thấy trách nhiệm cá nhân của mình trong việc đã tham gia vào những “phiên tòa” bất công đó. Bạn chỉ ném một hòn đá ư? Bạn chỉ giơ lên một cánh tay đầy giận dữ, hay buông những lời lăng mạ như “người qua kẻ lại” đã làm với Chúa Giêsu khi Người bị đóng đinh trên thập giá (x. Mc 15,29)? Hãy nhớ rằng nhiều cánh tay giơ lên trước dinh Phi-la-tô đã kết thành bản án tử bất công cho Chúa Giêsu; nhiều hòn đá được ném vào thánh Stê-pha-nô đã cướp đi mạng sống của một chứng nhân Tin Mừng. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng trong mọi suy tính cũng như hành động, dù bị lèo lái về ý thức hay bị ảnh hưởng cảm xúc đám đông, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm cá nhân trong các lời nói và hành vi của mình.

Ngày nay đám đông trực tuyến là nơi mà nhiều bạn trẻ trở thành những thành viên. Một cách tích cực, đó có thể là dấu chỉ về tính cách thức thời của nhiều bạn; cách tiêu cực, nó cũng hàm chứa những nguy cơ đánh mất bản thân dẫn đến sự suy đồi đạo đức cá nhân, như điều mà Le Bon mô tả: Dù các cá nhân không cùng hiện diện, họ vẫn có thể chịu ảnh hưởng bởi những cảm xúc mãnh liệt, làm cho họ trở thành đám đông: Dù đời sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ của những cá nhân giống nhau hay khác nhau ra sao, thì chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Nói cách khác, đám đông có thể làm cho một cá nhân trở nên lệ thuộc đến độ suy giảm ý chí tự do.

Điều đó có thể giải thích lý do tại sao một bạn công nhân vốn không mấy quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn lại đưa ra những nhận xét rất thô thiển về một ca sĩ hay một danh hài; một bác sĩ vốn ít quan tâm đến chính trị nhưng bình luận đầy kích động, bạo lực và hận thù về cuộc xung đột chính trị tại Israel; một giáo dân xem ra tốt lành không tiếc lời khen các YouTuber là các “giang hồ mạng”, trong khi sẵn sàng có lời lẽ xem thường và lăng mạ một giám mục hay một linh mục nào đó; hoặc người ta chia phe để “dạy nhau” và “ném đá nhau” liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ở cách xa nửa vòng trái đất… Do đó, có thể nói như nhận định của Le Bon, đạo đức của đám đông lệ thuộc những gợi ý; nó có thể trở nên tốt hơn hay xấu hơn nhiều so với đạo đức của những cá nhân cấu thành nó. Như vậy, có thể nói rằng, khi bị ảnh hưởng bởi đám đông, khả năng cá nhân trong việc nhận thức và quyết định giữa điều đúng, điều sai, hoặc giữa điều tốt, điều xấu (hay lương tâm luân lý) bị tổn thương trầm trọng.

Bạn thân mến, một thứ “văn hóa” nặc danh như vậy đang thực sự đe dọa sự tự lập, tự chủ và trưởng thành nhân cách của bạn; nó cũng đe dọa các mối tương quan xã hội. Khi bạn tham gia vào một đám đông, dù là đám đông vật lý-tâm lý hay đám đông trên mạng xã hội, bạn dễ bị lèo lái bởi cảm xúc tập thể hay những luồng gợi ý có chủ đích, bạn mất dần ý thức và trách nhiệm cá nhân trong những suy nghĩ, lời nói và hành động, nguy cơ dẫn đến sự bất bao dung hay là sự bảo thủ chuyên chế.

Trước viễn cảnh đó, vấn đề được đặt ra là bạn sẽ sống thế nào khi phải tham gia vào những đám đông như vậy? Hay nói cách khác, bạn có thể trang bị cho mình điều gì để có thể sống, như điều mà Chúa Giêsu nói về các môn đệ, ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian? (x. Ga 17,12-14).

2. HƯỚNG ĐẾN VIỆC GIÁO DỤC BẢN THÂN

Bạn thân mến, trong phần này, tôi không có ý nói rằng bạn sẽ phải tránh xa những đám đông; cũng như không thể nói rằng bạn phải sử dụng truyền thông và mạng xã hội ra sao để ở đó bạn không phải sống theo những định hướng hay gợi ý của cộng đồng mạng hoặc một cá nhân nào đó. Đúng hơn, tôi muốn nói về một điều quan trọng hơn, đó là làm sống lại một “giá trị” căn bản mà bạn có sẵn, điều mà Thiên Chúa đã ban cho bạn cũng như mọi người mà đôi khi bạn ít quan tâm hay đã sử dụng một cách “phung phí”. Đó là lương tâm và ý chí tự do của bạn.

Có một tác giả đặt vấn đề: “Điều gì làm cho con người thực sự là người?” Nếu bạn cũng quan tâm đến vấn đề đó, bạn có thể bắt đầu hướng đến xây dựng giá trị cho cuộc sống của chính mình, tìm thấy cho mình cách hiện hữu tích cực hơn trong một xã hội, cộng đoàn, hay một phong trào, cũng như cách tiếp cận hữu hiệu hơn với thế giới truyền thông và mạng xã hội hiện đại. Bạn hãy có niềm tin rằng khi sống chân thành với lương tâm và hành xử như những con người tự do đích thực, bạn sẽ thấy được sự khác biệt, thấy được sự biến đổi trong chính con người bạn, hay nói cách khác, bạn thực sự là người–hình ảnh của Thiên Chúa.

Kinh Thánh giải thích về điều làm cho con người thực sự là người, đó là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Theo đó, con người được tạo dựng là nam, nữ, như những cá nhân riêng biệt, nhưng có sự liên đới với nhau như một gia đình, cộng đoàn, một xã hội, cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi: cai quản và làm chủ mặt đất. Đặc biệt, con người có thể “đối thoại” với Thiên Chúa: “nghe”, “hiểu” được tiếng Chúa, và tự do đáp trả. Những điều đó làm cho con người giống hình ảnh Thiên Chúa hay “thực sự là người”. Đó cũng được coi là phẩm giá của con người, là điều làm cho con người, những cá thể hoàn toàn tự do, không chỉ khác với các sinh vật khác, nhưng vượt trên tất cả các loại thụ tạo hữu hình.

Con người được tạo dựng với lương tâm và ý chí tự do như là những dấu tích rõ ràng về hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy, con người chỉ thực sự là mình, là người (nhân bản), khi nhận ra và trân trọng hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình, và nơi người khác. Nói cách khác, bạn được mời gọi không ngừng giáo dục “tính người” nơi mình, nhận ra và sống đúng giá trị con người như được Thiên Chúa tạo dựng.

Chúng ta sẽ bàn về lương tâm và ý chí tự do theo hai chủ đề: (1) sống chân thành với lương tâm mình, (2) sử dụng đúng sự tự do theo như ý định của Thiên Chúa.

2.1. Sống chân thành với lương tâm

Lương tâm là gì?

Hẳn bạn đã nghe nói về người “vô tâm”, người “nhẫn tâm”. Chữ tâm ở đây thường được ám chỉ tâm hồn, tâm trí. Nhưng chữ tâm cũng ngụ ý lương tâm con người. Nghĩa là, người “vô tâm” và người “nhẫn tâm” đều là người không biết sống chân thành với lương tâm: “vô tâm” là không biết phân biệt, không nhận ra tiếng lương tâm; “nhẫn tâm” là chà đạp và làm trái với tiếng lương tâm. Theo nghĩa đó, bất kỳ người nào, không phân biệt ai, dù là người trí thức hay ít học, người chức vị cao sang hay kẻ thấp hèn, già hay trẻ, giàu sang hay khốn khó, đều có thể trở thành người “vô tâm” hay “nhẫn tâm”.

Giáo Hội dạy chúng ta rằng lương tâm như là một trong những dấu ấn rõ ràng về hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Thực vậy, “Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã in một dấu thiêng liêng vào lòng họ dưới hình thức lương tâm, nhờ đó con người nhận ra điều gì là tốt, điều gì là xấu; lương tâm sẽ chi phối trên hành vi và tư tưởng của con người. Như vậy, có thể nói được rằng lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ”[5].

Chức năng của lương tâm

Theo Giáo Lý Công Giáo, “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác ...” (GLCG, 1776-1778). Như vậy, lương tâm có chức năng: (1) khám phá, nhận ra hoặc biện phân những chuẩn mực đạo đức được Thiên Chúa thiết định–điều gì là tốt, điều gì là xấu, điều gì nên làm, điều gì không nên làm; (2) thúc đẩy con người về điều gì là tốt phải thực hiện và điều gì là xấu cần phải tránh.

Vì con người có một phẩm giá cao quý và con người là tự do, nên trong tất cả mọi hành vi, con người có quyền và bó buộc phải nghe theo tiếng lương tâm của mình. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Càng trung thành nghe theo tiếng lương tâm, con người càng được tự do.

Dù biết rằng tuân theo tiếng lương tâm là phẩm giá của con người. Tuy nhiên, vì ngay từ nguyên thủy, tổ tiên loài người đã phạm tội, từ đó lương tâm con người không luôn luôn chuẩn xác, trái lại, nó có thể bị mù tối hay đưa ra những phán đoán lệch lạc, sai lầm. Điều này mời gọi chúng ta về một nhu cầu thường xuyên giáo dục khả năng sống chân thành với lương tâm.

Giáo dục lương tâm

Thực sự, lương tâm con người có thể sai lệch và mù mờ. Sai lệch và mù mờ vì môi trường sống lệch lạc về luân lý, những thói quen phạm tội, sự nuông chiều dục vọng, sự ích kỷ trục lợi, và những thực hành thường xuyên trái luân thường đạo lý. Ví dụ, một thiếu niên sống trong gia đình mà cha mẹ đều tỏ ra gian dối, em sẽ dễ dàng bị sai lệch lương tâm trong việc phân định giữa sự công bình và sự gian dối như cho rằng ăn cắp “vặt” không phải là hành vi xấu, sai trái về đức công bình và bác ái; hoặc một người có thói quen xem (view) và phát tán (share) các sản phẩm khiêu dâm trên mạng, dần dần sẽ bị sai lệch lương tâm về sự trong sạch, khiết tịnh, và lệch lạc trong các hành vi tình dục.

Trong thực tế, một đàng, bạn có thể đã kinh nghiệm nơi bản thân mình hoặc nơi người khác thế nào là một lương tâm sai lệch như kiểu “vô tâm” hay “nhẫn tâm”; đàng khác, ít nhiều bạn cũng có kinh nghiệm “bị lôi kéo ra khỏi chính mình”: sợ hãi đối diện với lương tâm trong thinh lặng, trốn tránh sự tự kiểm điểm, xét mình và nhận lỗi trước lương tâm, và thậm chí giả bộ như vẫn “bình an” sau khi đã thực hiện một điều xấu trầm trọng.

Do đó, việc giáo dục, tự giáo dục lương tâm, là một công việc trường kỳ. Việc đó phải được “bắt đầu ngay từ giai đoạn ấu thơ, và kéo dài suốt cả đời người. Giáo dục lương tâm tốt giúp con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn” (GLCG, 1784).

Như một tín hữu công giáo, bạn có Lời Chúa, các bí tích, giáo huấn của Giáo Hội như những chuẩn mực giúp giáo dục lương tâm. Thêm vào đó, các hình thức thực hành thường xuyên như xét mình, tham dự các bí tích, nhất là bí tích hòa giải, sẽ giúp lương tâm bạn trở nên nhạy bén hơn trước điều tốt và điều xấu, điều gì nên hay không nên thực hiện.

Ngoài ra, lương tâm con người cũng thường được “lay động”, “thức tỉnh” bởi chính những biến cố trong cuộc sống xảy ra cho chính mình, người thân hoặc xã hội. Đó cũng là cơ hội rất tốt để giáo dục khả năng lắng nghe, suy xét và sống với lương tâm.

Bạn hãy tập khả năng sống chân thành với lương tâm: không ngừng giáo dục lương tâm, lắng nghe và vâng theo sự nhắc nhở trong sâu thẳm cõi lòng trước mỗi hành động về “điều đó là tốt, thực hiện đi!” Hoặc, “điều đó là xấu, là tội lỗi, ngừng lại ngay!” Ngay cả sau khi đã hành động, lương tâm vẫn không ngừng lên tiếng, khích lệ nếu bạn đã hành động đúng; trái lại, lương tâm sẽ “cắn rứt” mỗi khi bạn đã làm sai trái. Lương tâm được coi như là “tiếng Thiên Chúa”. Tuân theo tiếng đó chính là phẩm giá của con người!

2.2. Sử dụng ý chí tự do

Ý chí tự do là gì?

Có bạn nghĩ rằng tự do như một loại “giấy phép”, nhờ đó bạn sống và làm tất cả những gì mình muốn; cũng có bạn quan niệm tự do như là việc phá đổ tất cả mọi luật lệ cộng đồng, xã hội, và giá trị luân lý của tôn giáo; hoặc tự do được coi như là lối sống theo sở thích hoặc xu hướng cá nhân. Có nhiều người xem những quan niệm tự do như vậy là một sự giải phóng con người!

Theo Giáo Hội Công Giáo, tự do là một trong những dấu hiệu rất rõ ràng về hình ảnh của Thiên Chúa trong con người. Sách Sáng Thế nói vắn gọn: “Con người được Thiên Chúa dựng nên có trí tuệ và ý chí, nhờ đó, họ có thể nhận ra điều gì là tốt và điều gì là xấu, đồng thời có thể quyết định cách sống của mình bằng việc chọn giữa tốt và xấu.” Điều đó ngụ ý rằng con người được tạo dựng với ý chí tự do “tuyệt đối”.

Tuy nhiên, bạn có thể thắc mắc rằng liệu có thể hiểu ý chí tự do “tuyệt đối” của con người theo nghĩa, muốn làm gì thì làm bất chấp đó là điều xấu hay điều sai trái, hoặc có thể tự do chối bỏ Thiên Chúa?

Chức năng của ý chí tự do

Thánh Tôma Aquinô, một thần học gia lỗi lạc dòng Đa-minh, giải thích về tự do, hay khả năng sử dụng sự tự do chính đáng: Con người được tạo ra với ý chí tự do để họ có thể tham gia với tư cách là con người vào sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa, trong tình yêu của Thiên Chúa và cuối cùng, “thông phần vào bản tính của Thiên Chúa.” Như vậy, tự do của con người phải được hiểu là tự do đến với Thiên Chúa, tự do trong sự thật và sự tốt lành: càng làm điều thiện, con người càng trở nên tự do. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng (GLCG, 1733).

Hiểu sự tự do như thế phải chăng là giảm phẩm giá của con người, hay đúng hơn, con người bị điều khiển bởi “ý của Thiên Chúa”? Đó thực sự cũng là điều mà nhiều văn sĩ và nhà tư tưởng đã chất vấn giáo lý Công Giáo, chẳng hạn, Nietzsche, một nhà tư tưởng người Đức, cho rằng nếu tự do là như thế thì thật đáng tiếc, vì ý chí tự do của con người hay tính cá vị của con người bị “nghiền nát” bởi “ý của Thiên Chúa”. Như vậy, ông ta tuyên bố, bao lâu Thiên Chúa còn sống thì con người không thật sự tự do!

Ngày nay, trào lưu tư tưởng này cũng được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Họ chủ trương tự do “tuyệt đối” nghĩa là, một sự tự do tách rời khỏi Thiên Chúa, tách rời khỏi sự thật, tách rời khỏi sự công bình xã hội. Đàng khác, người ta không muốn tham chiếu những chuẩn mực đạo đức hay luật lệ xã hội, trái lại, họ muốn được tự do chọn lựa và thực hiện cả những hành vi sai trái, xấu xa, miễn sao đó là điều họ muốn.

Thực sự, như Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI giải thích, khi để cho tự do hướng đến Thiên Chúa và những giá trị tốt lành, con người không phải là nô lệ của Thiên Chúa. Nhưng, khi đó, phải nói được rằng ý chí của con người trùng khớp với ý chí của Thiên Chúa. Điều đó chứng tỏ rằng con người có thể “lắng nghe”, “hiểu biết” và “gặp gỡ” Đấng Cao Cả. Đó đích thực thuộc về phẩm giá con người[6].

Giáo dục khả năng sử dụng ý chí tự do

Dù bạn là ai, dù vị thế xã hội là gì, dù giàu sang hay nghèo túng, bạn vẫn có nguy cơ sử dụng sai sự tự do. Ví dụ, khi hòa mình trong đám đông bạn gây ra những điều sai trái; hoặc khi cố ý hành động sai sự thật, giả hình, hoặc cố tình làm những điều sai trái về luân lý gây tổn hại tinh thần và thể xác của mình cũng như người khác, bạn đã sử dụng sai sự tự do.

Khi sử dụng sai ý chí tự do như vậy, bạn làm biến dạng hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình, và rất có thể gây tổn thương trầm trọng đến hình ảnh Thiên Chúa nơi người khác. Điều đó phải bị coi như một sự khiếm khuyết lớn về “đạo làm người”.

Bạn cũng nên biết, việc con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa với ý chí tự do không phải như một khả năng siêu nhiên luôn luôn giúp sự tự do của con người hướng tới sự thật và sự tốt lành. Trái lại, vì nguyên tổ đã sa ngã, tội lỗi và sự dối trá đã tràn lan. Từ đó, sự tự do của con người bị hạn chế và có thể sai lầm. Bạn có thể đã kinh nghiệm về sự khó khăn thế nào khi phải lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu mà mình biết rõ, giữa sự thật và sự dối trá; thậm chí trong một số trường hợp, bạn còn cảm thấy như bất lực trước sức mạnh của sự xấu và sự gian dối. Thánh Phaolô thú nhận điều đó khi nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

Dù bị lôi kéo bởi tội lỗi và bị cuốn hút bởi những cám dỗ dối trá, bạn vẫn có giá trị trong mắt của Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta phải hy vọng và tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để giải thoát con người khỏi gánh nặng và nô lệ của tội lỗi. Chỉ ở nơi Người chúng ta mới có thể thực sự được tự do.

Tuy nhiên, điều đó trước hết nhắc nhở mỗi người về một điều hết sức quan trọng, đó là, cũng như nguyên tổ, chúng ta cũng có thể dễ dàng làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình khi dùng sự tự do như công cụ phục vụ sự dối trá và tội lỗi, hoặc bịt tai, che mắt trước lời nhắc nhở của lương tâm. Thánh Phê-rô khuyến dụ chúng ta: “Anh em hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa” (1 Pr 2,16).

Việc giáo dục khả năng sử dụng sự tự do là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không bàn về một chương trình giáo dục sự tự do như những môn học phổ thông. Điều quan trọng là mỗi bạn cần thiết lập những nguyên tắc cụ thể cho mình, tùy theo mỗi hoàn cảnh và cuộc sống để tự giáo dục ý chí tự do của mình. Dưới đây là một vài gợi ý:

- Sự tự do luôn dựa vào và hướng về quyền năng của Thiên Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Như vậy, tất cả những hành vi, lời nói, tư tưởng chống lại Thiên Chúa, đối nghịch các giá trị tốt lành, hoặc gây tổn thương sự toàn vẹn xác hồn của con người, đều không phải là hành vi và thái độ của con người tự do đích thực.

- Một sự tự do đích thực cắm rễ trong sự thật. Đức Giêsu nói với những người Do thái đã tin vào Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,31-32). Sự tự do đích thực là tự do trong sự thật, tự do phục vụ sự thật. Trái lại, không có sự thật hoặc không vì sự thật, hành vi của bạn sẽ là hành vi sai trái hay giả dối.

Điều này cũng gợi đến việc sống lòng tự trọng. Người tự trọng là người sống sự thật, và chỉ hành xử trong sự thật, vì sự thật. Trái lại, người không biết tự trọng thì cũng không biết sử dụng sự tự do của mình cho xứng phẩm giá: họ dễ dàng hùa vào đám đông, lây nhiễm cảm xúc đám đông dẫn đến những hành vi sai trái và thiếu ý thức cá nhân, hoặc quỵ lụy, cúi mình nịnh nọt, chạy chọt và tệ hơn nữa là làm hại đồng loại để mưu cầu lợi ích riêng.

- Lắng nghe và hành động theo tiếng lương tâm. Tiếng lương tâm cũng được hiểu như “tiếng Chúa”. Lời của Thánh Vương Đa-vít cũng là một lời nhắn nhủ mỗi người: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng (Tv 95,7-8).

Trước và trong mọi hành vi, tư tưởng, lời nói, mỗi người chỉ cần dừng lại một chút, tùy theo mức độ quan trọng của vấn đề, để quan sát tín hiệu của lương tâm, như người đi đường quan sát tín hiệu đèn giao thông, nếu là “đèn xanh” bạn tiếp tục đi, nếu là “đèn đỏ” phải dừng lại. Thậm chí sau mỗi hành vi sai trái, lương tâm vẫn không ngừng nhắc nhở để mỗi người có thể nhận ra rằng mình đã lạm dụng sự tự do cho những điều sai trái. Thực hành như vậy là bạn cư xử đúng đắn với ý chí tự do của mình!

Do đó, giáo dục khả năng sử dụng ý chí tự do cũng là tập khả năng lắng nghe và vâng theo tiếng lương tâm.

3. KẾT LUẬN

Bạn thân mến,

Chúng ta vừa nhận diện về một trong những khuynh hướng sống của nhiều bạn trẻ ngày nay: sống với một đám đông, đám đông vật lý-tâm lý hay đám đông trực tuyến. Điều đó xem ra là chính đáng và rất cần thiết trong bối cảnh “thế giới phẳng” ngày nay. Điều đáng băn khoăn là, có thể khi ở giữa những đám đông đó, bạn suy nghĩ, nói năng, hành xử theo một tinh thần, sự gợi ý hay lây nhiễm cảm xúc của đám đông. Như thế là bạn đã đánh mất chính mình giữa đám đông, có thể dẫn đến những suy nghĩ và những hành vi vượt tầm kiểm soát của ý thức cá nhân và làm tổn thương căn tính con người. Chúng ta xem đó như là “văn hóa” nặc danh.

Để chuẩn bị cho việc có thể đương đầu với “văn hóa” này, chúng ta đã tìm lại ý nghĩa của những “giá trị cố hữu” trong con người, đó là lương tâm và ý chí tự do. Chính lương tâm và ý chí tự do hiện diện như dấu chỉ rõ ràng rằng mỗi người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy, khi sống chân thành với lương tâm và hành xử như những con người tự do, bạn đang làm mới lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi chính mình, điều đã bị làm cho mờ nhạt bởi tội lỗi và dục vọng; nhờ đó, mỗi người sẽ biết cách sống cuộc sống của mình trong sự tôn trọng người khác, sẽ giữ được căn tính cùng sự tự chủ cá nhân khi phải sống và làm việc với người khác. Đàng khác, nhờ sự giáo dục lương tâm và ý chí tự do, mỗi người có thể đón nhận, lan tỏa tinh thần và lối sống theo những giá trị của Tin Mừng, nghĩa là trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.

Bạn cũng nên nhớ rằng ngay cả khi chúng ta yếu đuối hay vấp ngã hết lần này đến lần khác, thì Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện hơn: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Chân thành cám ơn bạn.

Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh
ĐCV. Thánh Giuse Xuân Lộc, tháng 8 năm 2021

WHĐ (7.8.2021)

 

Đọc thêm bài viết cùng tác giả:

[1] Gustave Le Bon, Tâm Lí Học Đám Đông (2006)

[2] Lm. Phêrô Nguyễn Hùng Hải, Giới trẻ di dân với những thách đố về luân lý, tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gioi-tre-di-dan-voi-nhung-thach-do-ve-luan-ly-40723

[3] x. Philip Zimbardo, The Lucifer Effect: Understanding How Good People Turn Evil, (2007)

[4] x. Carsten Stage, “The online crowd: a contradiction in terms? On the potentials of Gustave Le Bon’s crowd psychology in an analysis of affective blogging”

[5] Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 16

[6] x. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây