ƠN GỌI THỜI COVID
WGPSG (06.8.2021) - Trình thuật Mc 16, 9-15 kể về việc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra và sai phái nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Suy niệm đoạn Tin Mừng này dưới góc nhìn của một nữ tu đã được thánh hiến, được tuyển chọn và được sai đi trong tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng trên địa bàn Sài Gòn… đã thôi thúc tôi xác tín hơn về sứ vụ của mình.
1. Nhận ra ơn gọi được sai đi
Chắc chắn Chúa không trực tiếp sai tôi đi như sai nhóm Mười Hai tông đồ, nhưng trước tình hình dịch bệnh với vô số anh chị em bệnh nhân đang phải đối diện với đau khổ, sợ hãi và hoang mang, Chúa đã sai tôi qua các "trung gian" của Ngài. Vì thế, tôi đã hăng say lên đường để đến với các bệnh nhân. Tự kiểm điểm bản thân, tôi biết mình còn "non" và "xanh" lắm! Non vì sức tôi có hạn, xanh vì tôi cũng sợ Covid như mọi người chứ đâu có anh hùng! Nhưng khi trở về với lòng mình, trong đêm thanh vắng đối diện với Chúa Giêsu Thánh Thể (từ xa), trong đầu tôi xuất hiện câu nói “Ghét của nào trời trao của ấy”. Quả thật, kinh nghiệm cuộc sống đã cho tôi thấy những việc xảy đến với tôi đều nằm ngoài ý muốn của tôi.
Sự giằng co xen lẫn chút lo sợ, nhưng tôi vẫn muốn trải nghiệm và thử sức… Khi tôi nhớ lại lời của tiên tri Amốt: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung, Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta."” (Am 7,14-15), tôi đã vui vẻ đón nhận ý Chúa. Tôi tin Chúa sẽ thêm sức cho tôi như Ngài đã đồng hành với Amốt. Tuy nhiên, tôi vẫn có một chút trăn trở và lo âu bởi vì tôi không biết bản thân sẽ làm được gì khi đến với các bệnh nhân, chuyên môn nghiệp vụ tôi không có, tôi phải ứng xử với người bệnh thế nào đây?
Thêm một lần nữa, câu nói của Thánh Phaolô hiện lên trong suy tưởng “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9) đã giúp tôi có thêm động lực để dấn thân. Tôi tin rằng Thánh Thần đã biến đổi nhóm Mười Hai, thì chắc hẳn, Ngài cũng có cách để biến nỗi lo âu sợ hãi trong tôi nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và tôi tự nhủ: “Cô vít với chả cô veo, nó không đáng sợ đâu…”.
Trong cách thực hành việc đạo đức, nếu con người chỉ quy về cho bản thân thì Chúa Thánh Thần đâu còn chỗ để thi thố quyền năng của Ngài. Tôi xác tín chính Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn tôi và thúc đẩy tôi thêm can đảm để tin tưởng rằng mọi việc thiện hay việc đạo đức mà mình muốn làm thì Ngài luôn hiện diện và tiếp sức cho.
2. Ơn gọi thời Covid
Ngày đầu tiên bước vào phòng bệnh, tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân F0 đang nằm bất động, họ cần được hỗ trợ bằng các máy móc, dây nhợ chung quanh người! Tôi chả hiểu sao lại có nhiều dây đến thế? Còn tôi, khi khoác trên người bộ áo bảo hộ màu trắng kín mít như người tuyết, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng máy móc pip pip… Lúc đó, quả tim tôi run lên bần bật. Tôi hoang mang lo sợ, nước mắt chảy ra và càng thấm thía câu nói “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” hơn bao giờ hết.
Trong thinh lặng, tôi tự hỏi sao mình lại khóc? Có ai bắt tôi làm đâu? Tôi tự nguyện mà? Lúc này, tôi đang ở trong bệnh viện này để làm gì? Tôi chẳng nhớ ngày giờ bắt tay vào việc trong vai trò là “người nhà của bệnh nhân”. Phải chăng đây là cơ hội để tôi thể hiện chân dung người nữ tu của mình ngay tại bệnh viện này?
Gương Cha Thánh Đaminh và các ngôn sứ đã cho tôi thấy rằng, những người bình thường vẫn hay được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ khác thường để làm chứng cho Chúa ngay trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế phản ứng tự nhiên của con người là thân thưa với Chúa về sự thật bất xứng, bất lực của mình trước sứ vụ được trao. Khi đó, các ngài được Chúa trấn an bằng chính sự hiện diện của Ngài và bằng quyền năng của Thánh Thần.
Hiện nay, tôi đang phục vụ bệnh nhân hồi sức, gồm hơn sáu mươi giường bệnh. Tôi bắt đầu quen với công việc chăm sóc bệnh nhân của mình. Trước mỗi ca trực, tôi thường rảo qua các phòng bệnh một lượt và không quên đem theo nước, bánh, sữa cho các bệnh nhân cùng với sự ân cần lễ phép “con mời cô, mời chú… dùng nước, bánh, sữa ạ”. Các cô chú có cần hỗ trợ gì cứ nói, con sẽ giúp ạ... và các bệnh nhân đáp lời: Tôi cám ơn sơ nhiều, may mà có các sơ chứ không biết phải làm sao nữa.
Có lần, tôi vào phòng bệnh mà không có bánh, tôi đã bị nhắc khéo: “Sơ ơi! cho xin thêm bánh đi, uống thuốc vào con đói lắm”. Sau đó, vài bệnh nhân nói với tôi: “Sơ ơi! Sơ xem giúp con mặc tã đúng chưa?", "Sơ ơi tôi bị bệnh gì mà người ta nhốt tôi ở đây vậy?", "Khi nào tôi được về nhà?", "Tôi chẳng biết lối nào để đi nữa hay sơ giúp đưa tôi về được không?". Nghe vây, tôi ân cần đáp lại: "Dạ! con vào đây để giúp cô chú mà, cô chú phải ăn nhiều vào để mau chóng khỏe lại thì con mới đưa về được!". Nghe vậy, có bệnh nhân đùa: "Thế sơ có trái cây hay có bia không? Cho con xin ít đi, con thèm quá!".
Hiện giờ, các bệnh nhân đã biết và quen các sơ, nên mỗi lần vào phòng bệnh là các bệnh nhân thi nhau nhờ giúp, nói chuyện rôm rả. Bác sĩ trưởng khoa và Dược sĩ Thoan nói: “Sao bệnh nhân khoa mình ăn uống nhiều thế, con thấy họ ăn liên tục”.
Thế đó, ơn gọi thời Covid của tôi chẳng khác gì một cô bảo mẫu! Nhưng qua những việc nhỏ bé mà chúng tôi giúp các bệnh nhân hàng ngày đã cho tôi xác tín rằng: chính Chúa muốn gửi chị em chúng tôi đến đây phục vụ. Mặc dù chẳng quen biết, chẳng có họ hàng, nhưng chị em chúng tôi ai ai cũng nhiệt tình, năng nổ chăm sóc cho các bệnh nhân như những người ruột thịt của mình. Trong cầu nguyện, tôi sực nhớ lời Chúa Giêsu đã nói: “Khi các con làm cho một trong những kẻ bé mọn đây là các con đang làm cho chính Ta vậy”. Ơn gọi của chúng tôi là thế, được sai đi để phục vụ. Bởi thế, đời sống của người tu sĩ không chỉ gò bó trong 4 bức tường với những giờ kinh sách đúng giờ giấc, nhưng còn là ra đi, để phục vụ anh chị em muôn phương.
3. Đôi điều cảm nghiệm về sứ vụ trong mùa Covid
Là một tu sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, tôi thấy mình khá liều và không còn cảm thấy sợ hãi giống như "chiên con” phải đi vào… giữa tâm dịch nữa! Cuộc chiến chống Covid đã cho tôi nhiều cảm nghiệm thú vị.
Tôi đã chứng kiến và thấy thực tế đất nước chúng ta vẫn còn rất nhiều tấm lòng vàng, sẵn sàng sẻ chia tình người giữa đại dịch. Cụ thể, nơi các bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên, thường ngày họ chỉ làm việc theo hành chính và chuyên môn, bây giờ họ kiêm luôn cả vai trò của hộ lý khi thay tã và làm vệ sinh cho các bệnh nhân. Các mạnh thường quân cũng sẵn sàng “chi mạnh” để cứu người. Các cấp lãnh đạo cũng căng đầu tính toán, nghĩ ra đủ cách để đảm bảo các chốt giữ an toàn cho dân và gìn giữ môi trường sống ngày một tốt hơn.
Hơn bao giờ hết, “bình an và bình thường” trở thành khao khát chung của cả nhân loại trong cơn đại dịch. Dịch bệnh đã cho thấy “Người giàu cũng khóc”. Họ khóc vì dù có lắm tiền nhiều của thì bây giờ cũng khó mua được một mớ rau xanh, chứ nói chi đến việc mua sức khỏe và hạnh phúc… Dịch bệnh đã tàn phá kinh tế, môi trường và nhất là mạng sống con người. Mọi người đều ước mong được trở lại cuộc sống bình thường vốn có.
Tự đáy lòng, tôi thầm tạ ơn Chúa vì qua cơn dịch bệnh này, tôi biết trân quý những gì đang có: sức khỏe, tình người, môi trường sống… Bệnh nhân 6022 đã chia sẻ với tôi: “Tôi theo đạo Phật nên từ trước đến giờ tôi không có ý niệm gì về các sơ cả. Qua dịch bệnh này, tôi mới biết các sơ. Thật lòng tôi chỉ biết cúi đầu”. Tôi chẳng mong nhận được lời cảm ơn từ các bệnh nhân, nhưng tôi thấy mừng vì họ vui khỏe hơn và nhận thấy một sự nối kết rất lạ kỳ giữa thời dịch bệnh.
Qua việc phục vụ bệnh nhân Covid, tôi càng hiểu rõ hơn về gương mẫu phục vụ của Chúa Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45). Người còn dạy các môn đệ rằng: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị… nhưng giữa anh em không phải như thế.” (Lc 22,25- 27). Quả thật, trong thời gian dịch bệnh, đã không còn tồn tại sự phân biệt giữa người (bệnh nhân) giàu nghèo hay thuộc tôn giáo nào… mà chỉ có chung một mục đích: các bệnh nhân mau bình phục và cầu mong dịch bệnh mau chấm dứt.
Tôi thầm cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi được làm con Chúa, được sống ‘Ơn Gọi’ dâng hiến và được thấy sứ mạng của chúng tôi thật ý nghĩa trong thời dịch bệnh.
Têrêsa Nguyễn Thị Dung
Dòng Đaminh Gò Vấp
Nguồn: tgpsaigon.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn