TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kìa Bà nào

Chủ nhật - 30/05/2021 23:42 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   960
Kìa Bà nào

Kìa Bà nào

“Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông

Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,

Uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai?” (Hoàng Diệp)

Bài thánh ca quen thuộc thường được long trọng hát lên trong ngày lễ Đức Mẹ lên trời, cử hành vào ngày 15-8 hằng năm. Trong tiếng Việt của chúng ta, lễ này có một tên gọi khá chi tiết: “Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời”, và đôi khi còn cẩn thận hơn: “Lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác”. Ngày lễ này diễn tả một ân huệ đặc biệt mà Chúa ban cho Đức Mẹ, đó là ơn được về trời trong thân xác vẹn toàn. Chúa Giêsu đã về trời sau khi chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng. Khi Người lên trời, thân xác của Người cũng được vinh quang. Giáo lý của Giáo Hội diễn giải: qua việc nhân tính và thân xác của Chúa Giêsu được cùng vinh quang với thiên tính của Người, nhân loại được báo trước, sẽ được vinh quang như Chúa Giêsu, vì nếu Người là Đầu đi trước, thì thân thể cũng sẽ theo sau (x. Lời Tiền tụng lễ Chúa Giêsu lên trời). Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đương nhiên Người về trời để hưởng vinh quang. Sau Chúa Giêsu, có Trinh nữ Maria cũng được hưởng ân huệ tuyệt vời ấy. Vào năm 1950, tín điều Đức Mẹ lên trời đã được Giáo Hội công giáo long trọng tuyên bố, thời Đức Giáo Hoàng Piô XII như sau: “Kết thúc cuộc đời dương thế, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác”.

“Kìa Bà nào?”: Trước hết đó là một câu hỏi diễn tả sự ngỡ ngàng trước một hiện tượng kỳ diệu. Có lẽ nào con người trần thế lại được Thiên Chúa ban cho một đặc ân như vậy? Giữa cách biệt muôn trùng, làm sao con người lại có thể về trời? Thánh Gioan tông đồ cũng đã ngỡ ngàng như thế khi thấy trong thị kiến một người phụ nữ “vũ trụ” (Femme cosmique) mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao (x. Kh 12,1-6). Giáo Hội công giáo vừa coi hình ảnh người phụ nữ kỳ diệu này là Đức Trinh nữ rất thánh, vừa khẳng định đó là hình ảnh tương lai của chính Giáo Hội. Bởi lẽ Giáo Hội như một phụ nữ nguyên tuyền, được trang điểm như tân nương chuẩn bị đón tân lang là Đức Giêsu Kitô. Mặc dù Giáo Hội còn cưu mang nhiều tội nhân, nhưng Giáo Hội vẫn thánh thiện, vì sinh ra các thánh và là phương tiện thánh hóa con người. Hình ảnh người phụ nữ kỳ diệu cũng nói lên tính ưu việt của Kitô giáo. Bởi trong thế giới đa thần, mặt trời, mặt trăng và những tinh tú được tôn kính như những vị thần. Giờ đây, chúng chỉ là vật trang điểm cho vinh quang của Đức Mẹ thêm lộng lẫy, để rồi tất cả đều quy hướng về Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà đến với Chúa Cha. Khi ngỡ ngàng đặt câu hỏi: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông?”, Giáo Hội nhìn lên Đức Mẹ, như soi mình vào tấm gương, để cố gắng hoàn thiện mình cũng như nỗ lực thực thi sứ mạng thánh hóa trần gian như phác thảo của đời sau.

“Kìa Bà nào?”: Đây là lời tôn vinh ca tụng Đức Mẹ. Mẹ là bình minh báo hiệu cho nhân loại biết Mặt Trời công chính là Đức Kitô sắp xuất hiện. Lòng tôn kính mà Giáo Hội dành cho Đức Mẹ được gọi là “biệt kính”, tức là hơn hẳn lòng sùng kính các thánh nam nữ. Đức Mẹ được suy tôn đặc biệt, vì Đức Mẹ được Chúa ban cho bốn đặc ân: Ơn vô nhiễm nguyên tội; ơn đồng trinh trọn vẹn; ơn làm Mẹ Thiên Chúa; và ơn lên trời hồn xác. Nhờ có lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ mà Giáo Hội luôn nhận được nghị lực siêu nhiên trong cuộc lữ hành trần gian. Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Này đây Thày sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Sau đó, vào lúc hấp hối đau thương trên cây thập giá, Người trao phó tông đồ Gioan cho Đức Mẹ. Giáo Hội vừa có Chúa Giêsu là Đấng sáng lập và hướng dẫn, vừa có Đức Mẹ để yêu thương và phù trì. Sách Công vụ Tông đồ kể lại, sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Mẹ đã cùng với các tông đồ cầu nguyện tha thiết. Chính lúc cầu nguyện ấy mà Chúa Thánh Thần đã đến khai sinh một kỷ nguyên mới. Hinh ảnh ấy diễn tả sự hiện diện đầy yêu thương của Đức Mẹ trong Giáo Hội, mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong những lúc gian nan. Vì thế, mặc dù trải qua bao phong ba bão táp, con thuyền Giáo Hội tròng trành mà không đắm. Không những không đắm, con thuyền Giáo Hội còn giương buồm ra khơi đi đến với những chân trời mới để loan báo Tin Mừng. Trong hành trình ra khơi này, Đức Mẹ như sao sáng dẫn đường. Mẹ cũng là ngôi sao hy vọng của Giáo Hội và cho những ai đang kiếm tìm chân lý. Khi đặt câu hỏi: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông?”, người tín hữu tôn vinh quyền năng cao cả của Đức Mẹ, đồng thời tự hào vì có Đức Mẹ là “Đấng chỉ bảo đàng lành”. Ai làm theo lời khuyên của Mẹ, chắc chắn sẽ đạt tới bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu.

“Kìa Bà nào”: Đó là tâm tình phó thác cậy trông. “Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Bà xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời” (Kinh Hãy nhớ). Lời kinh đơn sơ như một trải nghiệm chắc chắn về lòng từ ái của Đức Mẹ. Thực vậy, trên thế gian có người mẹ nào mà không thương con mình. Đức Trinh nữ Maria cũng là một người mẹ. Mẹ luôn lắng nghe những ước nguyện của chúng ta để che chở an ủi và vỗ về. Những trung tâm hành hương là nơi khắc ghi những ơn lạ Chúa ban qua lời cầu bầu của Đức Mẹ. Những đoàn người hành hương dường như vô tận tại các linh địa tôn kính Đức Mẹ cũng chứng minh hiệu quả đến từ lòng cậy trông phó thác nơi Đức Mẹ. Người bệnh tật sau khi đi hành hương có thể vẫn còn mang bệnh tật, nhưng chắc chắn họ được ơn siêu nhiên để dễ dàng đón nhận những đau khổ và khó khăn, thay vì hằn học, trách móc hay tiêu cực. Khi đặt câu hỏi: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông?”, người tín hữu thể hiện niềm cậy trông, đồng thời tin chắc rằng những gì họ cầu xin với Chúa qua trung gian Đức Mẹ thì sẽ được như ý.

Một số người mang nặng thành kiến với Đạo Công giáo phê phán lòng sùng kính Đức Mẹ là “mê tín” hoặc “ngẫu tượng”, vì chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng đáng tôn thờ. Đúng thế! chỉ có Thiên Chúa là Đấng tối cao, là Đấng đáng tôn thờ. Tuy vậy, khi người Công giáo tôn vinh Đức Mẹ là tôn vinh Thiên Chúa, vì Đức Mẹ là một tạo vật hoàn hảo của Thiên Chúa. Nhờ lòng cậy trông yêu mến Đức Mẹ mà người tín hữu được Đức Mẹ dẫn đến với Chúa. Người Công giáo tôn kính Đức Mẹ, vì Đức Mẹ đã yêu mến Chúa và luôn tuân phục thánh ý của Ngài. Khi kêu cầu cùng Đức Mẹ, họ xin Đức Mẹ giúp họ yêu mến Chúa như Đức Mẹ đã yêu mến, vâng phục Chúa như Đức Mẹ đã vâng phục. Lòng tôn kính Đức Mẹ không che khuất hay giảm bớt lòng yêu mến Chúa, nhưng càng làm cho tình mến Chúa thêm nồng nàn thắm thiết hơn.

“Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời?”. Hãy đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền nhiệm của Đức Mẹ. Hãy cùng với Mẹ hát lên tâm tình tạ ơn Chúa, vì “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Đến với Mẹ, chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an, cuộc đời chúng ta sẽ được hạnh phúc, như Đức Mẹ đã hứa trong những lần hiện ra với các tín hữu.

Hải Phòng, lễ Đức Mẹ lên trời 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

 Tags: Kìa Bà nào

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây