Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 13/01/2022 07:51 |
894
YÊU THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG: THẦN HỌC VỀ BỆNH SUY GIẢM TRÍ NHỚ
Tác giả: Xavier Symons
WGPNT (08.01.2022) - Cách này hay cách khác, bệnh suy giảm trí nhớđã ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết chúng ta. Thật đau lòng khi chứng kiến người mình quen biết, yêu thương cứ hao mòn đi vì chứng bệnh này. Đó là chưa kể đến nỗi đau tinh thần mà bản thân người mắc bệnh này thường phải trải qua. Tuy vậy, những lúc đó họ vẫn ở “với chúng ta” ngay cả khi họ đã mất khả năng giao tiếp.
Thần học có thể nói gì về bệnh suy giảm trí nhớ? Ở mức độ nào đó, chứng bệnh đang tiến triển này, kèm với sự mất dần nhận thức về bản thân, luôn là một ẩn số. Tuy nhiên, chìa khóa trả lời các câu hỏi hiện sinh về mối liên hệ giữa ý thức, trí nhớ và kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa có lẽ nằm nơi thuyết nhân vị Kitô giáo.
Tìm hiểu bệnh suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ là một thuật ngữ dùng để mô tả một số bệnh ảnh hưởng đến não và khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của một người. Các dạng suy giảm trí nhớ phổ biến bao gồm bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và một số dạng bệnh đa xơ cứng. Hơn 6 triệu người Mỹ và 400.000 người Úc mắc phải một dạng suy giảm trí nhớ nào đó.
Sự hiểu biết chung về bệnh suy giảm trí nhớ đang được cải thiện qua từng thế hệ. Trong những năm gần đây, một số bộ phim được giới phê bình đánh giá cao vì đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực tế cuộc sống của những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ, như Nebraska (2013), Still Alice (2019) hay The Father (2020). Tuy nhiên, sự kỳ thị [về căn bệnh này] vẫn còn. Bạn vẫn nghe gọi những người bệnh suy giảm trí nhớ là bị điên, bị tâm thần.
Về sự phổ biến và nghiêm trọng của bệnh suy giảm trí nhớ, có rất ít suy tư thần học về sự phổ biến và nghiêm trọng của bệnh này trong những năm gần đây. Rất ít sách và chỉ một số nhỏ các bài báo chuyên ngành đề cập trực tiếp đến ý nghĩa của bệnh đối với mối tương quan giữa một tâm hồn với Thiên Chúa. Sự khan hiếm những chỉ dẫn thần học và mục vụ này có thể đưa đến một ấn tượng sai lầm rằng, bệnh suy giảm trí nhớ là một dạng của cái chết tâm linh và xã hội.
Thuyết nhân vị Kitô giáo
Thuyết nhân vị là một trường phái suy luận triết học và thần học tập chú đến tính độc nhất vô hạn và chiều sâu của mỗi con người. Trong thế kỷ qua, những vị như Dorothy Day, Gabriel Marcel, Martin Luther King, và Karol Wojtyla (Giáo hoàng Gioan Phaolô II sau này) được cho là theo thuyết nhân vị; tuy nhiên, phong trào này vẫn chưa được biết đến nhiều ngoài phạm vi thần học Kitô giáo. David Brooks – một nhà bình luận của tờ New York Times viết, thuyết nhân vị bắt đầu bằng cách vẽ ra ranh giới giữa con người và những loài vật khác:
Con chó của bạn thì tuyệt, nhưng mỗi phẩm tính người mang một chiều sâu, độ phức tạp và phong phú vượt trội, khiến con người ấy có phẩm giá độc đáo và vô hạn. Những người theo thuyết nhân vị tin rằng con người là “một tổng thể mở”. Họ tìm thấy sự viên mãn của chính mình trong sự hiệp thông với những nhân vị toàn vẹn khác. Những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống không phải là về “cái gì” – tôi phải làm “cái gì”? Mà là những câu hỏi về “ai” – tôi theo “ai”, tôi phục vụ “ai”, tôi yêu “ai”?
Điều quan trọng đối với người theo thuyết nhân vị không phải là tài năng, năng suất hay thành công của một người, mà đúng hơn là những gì họ cam kết nơi thâm tâm của họ.
Có lẽ, Đức Karol Wojtyla là người theo thuyết nhân vị nổi tiếng nhất. Trong tác phẩm Love and Responsibility (Tình Yêu và Trách Nhiệm), Wojtyla viết “con người là duy nhất, độc đáo và không thể trùng lặp, họ được nghĩ tới và được chọn từ muôn đời, được mời gọi và xác định đích danh”. Nói cách khác, mỗi người đều có một căn tính khiến họ trở nên độc đáo và tách biệt như một con người trong mắt Thiên Chúa. Con người đặc biệt vì chúng không thể bị trùng lặp, có khả năng tiếp nhận và trao ban tình yêu thương. Wojtyla lập luận rằng, tiếng gọi và nguồn gốc nền tảng cho sự viên mãn của con người là trao phó bản thân cho Thiên Chúa và yêu thương tha nhân: “con người là một loại thực thể mà tình yêu là cách thế duy nhất vừa thích hợp vừa tương xứng để nối kết lẫn nhau”. Nói cách khác, yêu thương chính là chức năng để xác định con người.
Quan trọng là, yêu thương không phải là thứ tình cảm nhất thời. Đối với người theo thuyết nhân vị, yêu thương là cam kết với ai bằng chính thâm tâm con người mình. Điều này được thể hiện qua một cuộc đời phục vụ và hy sinh cho những người thân yêu, cũng như trung thành với những lý tưởng làm nên con người bạn. Điều này cũng giúp làm rõ tại sao chủ đề trung thành lại xuất hiện rất nhiều trong cuộc đời và sự nghiệp của Wojtyla hay những người khác theo thuyết nhân vị.
Thần học nhân vị về bệnh suy giảm trí nhớ
Bằng cách nào thuyết nhân vị có thể giúp chúng ta hiểu về bệnh suy giảm trí nhớ? Một trong những thách thức lớn nhất gắn liền với bệnh suy giảm trí nhớ là sự kỳ thị của xã hội. Đó là ý tưởng cho rằng, những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ không còn có địa vị lẫn phẩm giá của con người. Triết học duy lý và duy nghiệm hiện đại liên kết con người với ý thức, điều đó dễ dàng nhận thấy qua khái niệm Cogito (Tôi suy tư) của Rene Descartes hoặc khảo luận của John Locke khi xem con người như là “một hữu thể trí tuệ biết tư duy, có lý tính và suy tư cũng như có thể tự nhận biết chính mình”. Những triết lý này chủ trương rằng, khi một người mất ý thức và trí nhớ, họ cũng mất đi địa vị con người.
Tuy nhiên, thuyết nhân vị cho rằng bản chất của địa vị con người sâu xa hơn ý thức rất nhiều. Điều làm nên đặc tính người không phải là những trạng thái tinh thần, nhưng đúng hơn là năng lực yêu thương, tạo tương quan và trao ban bản thân. Tình yêu được phản ánh nơi thiên hướng tâm hồn của mỗi người – thành quả của một đời đấu tranh tinh thần hơn là một hành vi nhận thức riêng biệt hay một ý tưởng nào đó trong tâm trí.
Nhìn từ góc độ này, những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ vẫn có khả năng có mối tương quan quà tặng – trao ban quà tặng tình yêu – đó là chức năng để xác định một con người. Dù suy giảm khả năng nhận thức, họ vẫn có thể trao ban bản thân cho người khác và cho Thiên Chúa.
Thật vậy, giống như con người, bệnh suy giảm trí nhớ là một hiện tượng bí ẩn, bằng chứng là những người mắc bệnh nghiêm trọng cũng có những lúc minh mẫn và quan tâm vô vị lợi đến người khác mà không thể giải thích được. Các nghiên cứu đã ghi lại cách những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ nghiêm trọng đã quan tâm lại những người chăm sóc họ. Khi bệnh nhân được đối xử cách tôn trọng với sự ân cần, trìu mến và bằng những cách thức giao tiếp không lời, họ sẽ đáp lại những cử chỉ này qua nụ cười, sự đụng chạm hay đơn giản là sẵn sàng hợp tác vì họ nhận ra người chăm sóc họ là một con người.
Những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ cũng giữ được sự nhạy bén về tâm linh ngay cả khi các chức năng nhận thức và điều hành khác đã suy giảm. Một nghiên cứu định tính năm 2013 trên tạp chí Nursing Ethics mô tả tầm quan trọng của việc cầu nguyện và lập đi lập lại lời kinh đối với sức khỏe tinh thần của bệnh nhân suy giảm trí nhớ. Nghiên cứu mô tả một bệnh nhân luôn kết thúc ngày sống bằng việc cầu nguyện và hát thánh ca với nhân viên. Ngiên cứu này cũng nêu ra một trường hợp đáng chú ý, đó là một bệnh nhân đã được ban phép lành khi đang hấp hối và sau đó, anh khăng khăng rằng nhân viên chăm sóc cho anh cũng nhận được sự chúc lành này.
Thật vậy, sách vở xác nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa tâm linh và bản sắc riêng biệt cá nhân. Một nghiên cứu năm 2003 đã khám phá đời sống tâm linh của những người suy giảm trí nhớ thông qua 28 cuộc phỏng vấn không hoàn toàn sắp xếp sẵn. Một người tham gia phỏng vấn nói rằng, tư cách đạo đức và các mối tương quan của họ đã phong phú hơn nhờ trải nghiệm bệnh suy giảm trí nhớ:
Tôi kết luận rằng mọi thứ đều có mục đích; Đức Chúa nhân lành biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Có lẽ chứng bệnh này là để tôi sống chậm lại mà tận hưởng cuộc sống, vui với gia đình và những gì bên ngoài. Và ngay bây giờ, tôi có thể nói rằng tôi là một người khá hơn đối với chứng bệnh này.
Những suy tư như vậy xác nhận rằng những người trải nghiệm bệnh suy giảm trí nhớ thực sự vẫn là con người và là những hữu thể tâm linh sâu sắc dẫu phải chịu những ảnh hưởng của việc suy giảm nhận thức. Thật vậy, nhân vị được phong phú hơn nhờ sự chú tâm hiện sinh mà bệnh tật đưa vào cuộc sống con người.
Bệnh suy giảm trí nhớ và Chúa Ba Ngôi
Nhưng những người đang trải nghiệm các dạng suy giảm trí nhớ nghiêm trọng nhất thì sao? Những người mắc “bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối” thậm chí không thể nhận ra nét mặt hay phản ứng lại trước một cái chạm nhẹ hoặc âu yếm. Những người trong tình trạng như vậy có thực sự đã đánh mất địa vị con người và sự gắn kết với Thiên Chúa không?
Các học giả lập luận rằng “không”. Hai đóng góp tương đối gần đây vào văn phẩm thần học về bệnh suy giảm trí nhớ làm nổi bật mối tương quan giữa những người mắc chứng bệnh này và Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – hiệp nhất nhờ tình yêu) theo cách mà chúng ta cảm nhận được ý nghĩa và giá trị cuộc sống của những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối.
Cuốn sách xuất bản năm 2012 của John Swinton: Dementia: Living In the Memories of God(Bệnh suy giảm trí nhớ: Sống trong ký ức của Thiên Chúa) giúp phát triển một thần học thực tiễn về bệnh suy giảm trí nhớ khi ông khảo sát hai câu hỏi chính: “Tôi là ai khi tôi quên mất mình là ai?”, và “Yêu Chúa và được Chúa yêu có ý nghĩa là gì khi tôi quên mất Chúa là ai?” Swinton rút ra một phép loại suy từ Chúa Ba Ngôi, xét như “được cấu thành bởi tương quan”, để đưa vào quan điểm xem con người cũng được cấu thành như vậy. Ông lập luận rằng, điều này không nhấn mạnh đến sự tự nhận thức cá nhân, nhưng định vị nhân tính của một người trong cộng đồng mà họ thuộc về. Bằng cách tái định nghĩa bệnh suy giảm trí nhớ dưới ánh sáng của câu chuyện tương phản có sức biến đổi, là Tin mừng, Swinton có thể đưa ra lời giải thích cảm động nhưng mạnh mẽ về lý do tại sao những người đã suy giảm trí nhớ nặng vẫn nên được đối xử như những nhân vị và tâm hồn có sự kết hiệp sâu xa cùng Đức Kitô.
Tương tự, Peter Kevern cố gắng định hình lại sự hiểu biết của chúng ta về bệnh suy giảm trí nhớ bằng cách mô tả chứng bệnh như phương thức độc đáo để tham dự vào thập giá Đức Kitô. Trong bài viết “Sharing the Mind of Christ” (Chia sẻ tâm trí Đức Kitô), Kevern lập luận rằng, Đức Kitô “đã suy giảm trí nhớ” trên thập giá, và như thế đã kết hợp với nỗi đau của những người mắc bệnh này.
Điều đó có nghĩa là, Đức Kitô chịu đóng đinh đã trải qua sự mất nhận thức, theo đó “Ngài chỉ có thể hoạt động chút ít về tinh thần, lờ mờ nhận thức môi trường xung quanh, sứ mạng và bản thân”. Ít nhất, Đức Kitô đã “mê man” và “có vẻ như trong những phút cuối đời trên thập giá, Ngài đã không còn nhận thức đầy đủ.” Kevern viết, Đức Kitô suy giảm trí nhớ “đã liên đới với những người suy giảm trí nhớ, hôn mê và thiểu năng trí tuệ”. Ông khẳng định: “Thế giới của những người suy giảm trí nhớ không phải là một vùng phi-ân-sủng”. Kevern cũng lập luận rằng con người không được định nghĩa bằng việc biết tự nhận thức, nhưng đúng hơn bằng “câu chuyện của cả cuộc đời” và những lựa chọn được thực hiện trong suốt cuộc sống. Trong trường hợp Đức Kitô, chúng ta không cần quá nhấn mạnh đến hành vi tự hiến hoàn toàn tỉnh táo và đầy đủ ý thức của Ngài cho đến giây phút cuối cùng trên thập giá. Đúng hơn, việc cứu chuộc kéo dài suốt cả cuộc đời Đức Kitô và tiếp tục bên kia nấm mồ. Với quan niệm như thế, Kevern lập luận rằng:
Ngay cả khi một Kitô hữu suy giảm trí nhớ mất đi khả năng tự nhận thức đến mức không còn bất kỳ ký ức nào về việc từng có đức tin, thì việc họ là sự nối dài mang tính lịch đại và nhân quả của người đã từng nhận thức mình có đức tin, cũng đủ tạo tin tưởng về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa.
Nói cách khác, việc thiếu khả năng tự nhận thức của những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ không được xem là gây tổn hại đến mối tương quan của họ với Thiên Chúa. Đúng hơn, họ vẫn có thể kết hợp mật thiết với Đức Kitô nếu thiên hướng nền tảng của cuộc đời họ là hướng về Thiên Chúa. Điều này chắc chắn khác xa với ý tưởng cho rằng, những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ nặng thì “đã chết về mặt tâm linh”.
Kết luận
Thật ngạc nhiên khi có rất ít suy luận thần học về bệnh suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, thuyết nhân vị Kitô giáo đưa ra một lăng kính độc đáo mà qua đó chúng ta có thể khám phá ý nghĩa của bệnh suy giảm trí nhớ và những gợi ý cho tâm hồn và tương quan của một người với Thiên Chúa do chứng bệnh này gây ra. Ngay cả những người mắc bệnh này nghiêm trọng, họ vẫn giữ được dạng thức cơ bản nhất của tác nhân tinh thần – khả năng yêu thương. Mặc dù bệnh suy giảm trí nhớ là một tập hợp các tình trạng gây tổn thương, làm giảm đáng kể khả năng thực hiện các hoạt động thông thường trong cuộc sống, nhưng chứng bệnh này không tước đi phẩm giá nền tảng của một người cũng như không làm suy yếu mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa.
Có lẽ, chúng ta gần gũi Thiên Chúa nhất khi cái tôi của bản thân hạ xuống mức thấp nhất và hơn bao giờ hết, khi chúng ta hoàn toàn cởi mở trước hành động của ân sủng? Chí ít điều này cũng đúng: điều quan trọng nhất không phải là trạng thái của tâm trí mà là thiên hướng nền tảng của cõi lòng chúng ta.