TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chủ Chăn Giáo Phận Vĩnh Long

Thứ hai - 30/12/2024 16:42 | Tác giả bài viết: GM Phêrô Huỳnh Văn Hai |   131
Loan báo Tin Mừng thực tế là gì và những gì liên quan đến việc Loan báo Tin Mừng?
Lời Chủ Chăn Giáo Phận Vĩnh Long

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG THÁNG 01/2025
- LỆNH TRUYỀN LOAN BÁO TIN MỪNG


Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần I, sẽ nói đến “LỆNH TRUYỀN LOAN BÁO TIN MỪNG” được tra cứu trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bộ Giáo Luật, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sắc Lệnh Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes), Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Lời Chủ Chăn Giáo phận Vĩnh Long

Tháng 01/2025

Lệnh truyền Loan báo Tin Mừng

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên tài liệu định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Đây là chủ đề thứ ba mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xác định năm 2022. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần I, sẽ nói đến “LỆNH TRUYỀN LOAN BÁO TIN MỪNG” được tra cứu trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bộ Giáo Luật, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), Sắc Lệnh Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes), Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Bản chất của việc Loan báo Tin Mừng

Chúng ta thường học trong các Văn Bản của Giáo Hội từ ngữ Loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng thực tế là gì và những gì liên quan đến việc Loan báo Tin Mừng? Loan báo Tin Mừng hay Truyền giáo. Truyền giảng Phúc Âm, Lời của Chúa cho những ai chưa nhận được những tin mừng này, để họ tin, sống và nhờ đó họ được cứu độ, đó là một Tin Mừng đối với họ.

Việc loan báo Phúc Âm, tức Tin Mừng ơn cứu độ, vừa là tiếng gọi hãy hối cải, hãy từ bỏ tín ngưỡng, tập tục của từng cá nhân được rao giảng và vừa là lời triệu tập hãy gia nhập Giáo Hội của Chúa. Đến đây chúng ta không nên lẫn lộn Phúc Âm hóa với công việc mục vụ, vì Phúc Âm hóa chỉ là giai đoạn đầu của công việc mục vụ. Phúc Âm hóa có nghĩa là sự rao giảng Tin Mừng lần đầu cho những người chưa tin còn công việc mục vụ đồng nghĩa với sự tái rao giảng Tin Mừng. Một đàng là loan báo Tin Mừng cho những người chưa bao giờ được nghe, ở các địa phương mà từ xưa nay chưa bao giờ nghe nói về Chúa Giêsu và những giáo huấn của Ngài và đàng khác là loan báo Tin Mừng cho những xứ, những dân tộc hoặc những giới đã nghe, đã chịu phép Rửa, nhưng đã bị phi Kitô hóa, đã sống nguội lạnh, bị thế tục hóa, làm cho người đã chịu phép Rửa xa dần đức tin, xa dần việc thờ phượng Chúa.

Sứ mệnh của Giáo Hội trong việc Loan báo Tin Mừng là quy tụ, tập hợp tất cả mọi thành phần dân Chúa để đi loan báo Tin Mừng. Những người nầy có thể thực hiện chức vụ giáo huấn, thánh hoá, cai quản tùy theo cách thế riêng của mình, tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mình mà nhờ đó Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, Đấng thành lập Giáo hội, Sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội bắt đầu bằng sự rao giảng Lời Chúa hay là Phúc Âm hoá.

Theo như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 849 khẳng định về Lệnh truyền, Lệnh truyền chung cuộc của Chúa Giêsu để đưa mọi người đến với sự cứu độ mà Thiên Chúa ban qua Chúa Giêsu Kitô: “Lệnh truyền giáo. “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập của mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

Lệnh truyền của Chúa Giêsu là nguồn gốc việc truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được sai đi để rao giảng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, rửa tội cho họ và dạy họ tuân giữ mọi điều Chúa Giêsu đã truyền dạy, để họ được tham dự vào đời sống Thiên Chúa.

Vào thế kỷ XVI, trong vài Hội Dòng, sứ mệnh Loan báo Tin Mừng mang một ý nghĩa mới, gần giống ý nghĩa của từ Vâng lời, sự tuân phục, bởi vì, sứ mệnh đó là trách vụ mà một tu sĩ, hoặc một linh mục triều, hoặc một cộng đoàn lãnh nhận một sứ mệnh. Dĩ nhiên, từ ngữ này, nói rộng ra, là một sự hoàn toàn sẵn sàng của người được sai đi và không được bàn cãi của người sai đi: “Việc truyền giáo đòi hỏi sự dấn thân cá nhân và tập thể của mọi thành viên trong Hội Thánh, bằng cách làm chứng cho Tin Mừng qua lời nói và đời sống, phục vụ bác ái và công lý.” (Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, Ad Gentes, số 7)

Lệnh truyền đó được truyền thụ qua các Giáo Huấn của Hội Thánh. Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, số 14: “Hội Thánh được sinh ra từ việc rao giảng Tin Mừng, và bản chất của Hội Thánh là truyền giáo.” 

Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 5: “Vì thế, với ân huệ của Đấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian”. 

Loan báo Tin Mừng cần phải quan tâm. Trong các Bộ của Giáo Hội Công giáo, chúng ta có Bộ Loan báo Tin Mừng gọi tắt là Bộ Truyền giáo (1967). Công việc của Loan báo Tin Mừng là công bố Phúc Âm. Thật vậy, từ ngữ này bao gồm một thực tế phong phú, phức tạp và năng động mà không có định nghĩa nào có thể dễ dàng giải thích, mặc dù Giáo Hội đã sử dụng từ này rất nhiều.

Việc truyền tải Tin Mừng có những khía cạnh rất đa dạng:

- Chúng ta có thể chú ý hơn đến khía cạnh toàn cầu của nó, chú ý đến sự phát triển về địa lý của Kitô giáo qua các thời đại kể từ khi bắt đầu ở Palestina, liên tiếp đến Đế chế La Mã, các dân tộc man rợ, châu Mỹ, châu Phi và ở mức độ thấp hơn, châu Á. Các vị Thánh truyền giáo Tử đạo trong giai đoạn này rất nhiều.

- Người ta có thể nhạy cảm hơn với khía cạnh cá nhân, từng người một, của những người đã được rao giảng Tin Mừng, làm sao để dẫn dắt họ đến với đức tin và chịu phép Rửa tội. Khó chớ không phải là dễ.

- Chúng ta cũng có thể nhấn mạnh hơn vào việc hội nhập các nền văn hóa, tâm lý và lối sống với các giá trị Kitô giáo, và theo nghĩa này, việc truyền giáo liên tục được thực hiện và tái thực hiện.

- Cuối cùng, việc Loan báo Tin Mừng tuân theo hướng dẫn của Chúa Giêsu: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Thánh Phaolô lặp lại điều này: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16)

Trong một thời gian dài, việc truyền giáo vẫn là một nhiệm vụ của các “chuyên gia”: các tông đồ, các nhà truyền giáo của “truyền giáo bên ngoài” hoặc “truyền giáo nội bộ”. Về phần mình, dân Chúa cũng tham gia cầu nguyện và hỗ trợ về nhiều mặt, nhân sự và ngay cả hỗ trợ tài chính trong những nỗ lực Loan báo Tin Mừng này: “Tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận và quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi” (Bộ Giáo luật, Điều 211).

Qua lời thư gửi tín hữu Rôma của thánh Phaolô chúng ta kết luận cho Lệnh truyền Loan báo Tin Mừng: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,14-15). Năm Cũ sắp hết, Năm Mới sắp đến, nhân dịp nầy, chúng ta cùng chúc nhau Năm Mới Ất Tỵ 2025 nhiều phúc lành của Thiên Chúa Toàn Năng.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2024

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây