TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ốc Đảo Hòa Bình

Thứ tư - 30/08/2023 20:58 | Tác giả bài viết: Lẽ Sống |   1023
Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Á Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, có nghĩa là “ốc đảo của hòa bình”.

31 tháng Tám
Ốc Đảo Hòa Bình

le song t8 31

 

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Á Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Á Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là “ốc đảo của hòa bình”.

Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng hòa bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến 5 và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Á Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng hòa bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Á Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục Công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ là ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khô đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại Công giáo và xin tu trong tu viện Đaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: “Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sẽ sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Á Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi giáo và vô thần”.

Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng hòa bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Á Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: “Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác”.

Để bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng hòa bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý có một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa cùng với nhau.

Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: “Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều”.

Cũng trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Á Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Á Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa.

Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Những người dân cư trong ngôi làng hòa bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của hòa bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.

Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng hòa bình với nhau không?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây