TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ăn cắp Lửa Trời

Thứ bảy - 26/08/2023 20:38 | Tác giả bài viết: Lẽ Sống |   1403
Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người.

27 tháng Tám
Ăn cắp Lửa Trời

le song t8 27

 

Thần thoại Hy Lạp có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửa trời để sáng tạo con người.

Theo óc tưởng tượng của người Hy Lạp, thiên triều do thần Zeus cai trị gồm có hai loại thần: các đại thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị nhóm các vị thần trung thành với ngọc hoàng Zeus đánh đổ. Trong số các tiểu thần thất sủng ấy, Prométhée là vị thần duy nhất vẫn còn được ngọc hoàng Zeus tín nhiệm nên ban cho quyền tạo dựng con người và súc vật trên mặt đất.

Ngày nọ, Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khả năng sáng tạo của họ. Họ dùng mọi yếu tố trên trần gian để nhào nặn nên con người. Thế nhưng, giống người mà họ tạo nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có các vị đại thần trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò rèn của thần Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đã lan tràn mặt đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.

Ngọc hoàng Zeus đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi trận lôi đình và cho sấm sét đến lay chuyển cả mặt đất. Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhé đã bị Zeus cho trói vào một ngọn núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.

Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người. Khả năng đó là một thể hiện của chính hình ảnh mà Thiên Chúa khắc ghi vào con người. Khả năng đó cũng nói lên phẩm giá siêu việt của con người. Khả năng sáng tạo đó, Thiên Chúa phú bẩm cho con người là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó? Đó là câu hỏi đang được đặt ra cho con người của thời đại chúng ta.

Có nhiều người chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà ra. Đứng trên phương diện khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng tượng. Tuy nhiên một thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có một tiến trình ngược lại theo đó con người sẽ trở thành khỉ không?

Cách đây không lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học Firenze bên Italia đã đề nghị cho khỉ cái được thụ thai nhân tạo với tinh trùng của người nam. Giống sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa người nửa khỉ. Mục đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các công trình tạp dịch hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.

Vấn đề được đặt ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được ngôn ngữ của con người, nó sẽ xưng hô như thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó được thụ thai? Dù muốn dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người đàn ông chi tinh trùng. Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ này là con của ông, nó có quyền gọi ông là cha… Vậy thì, có người cha nào muốn dùng con của mình vào những cuộc thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biến con của mình thành một con thú hay không?

Đặt câu hỏi như thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này, khi con người chối bỏ lẫn nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá siêu việt của người khác, thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến. Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt gần 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết: con người chỉ là một con vật!

Câu chuyện khoa học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hàng ngày vấn đề vẫn giống nhau. Mỗi khi con người chối bỏ phẩm giá của người khác là lúc con người cũng muốn biến người đó thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một thứ luận lý rất chặt chẽ, con người cũng tự nhận mình là khỉ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây